March 29, 2024, 5:01 pm

Thận trọng và công tâm

 

Khoảng nửa cuối tháng năm và những ngày đầu tháng sáu, dư luận cả nước đã thực sự nóng lên khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra quan điểm sẽ bỏ biên chế trong giáo dục. Ngay lập tức quan điểm này giống như một gáo nước lạnh dội xuống gần 1 triệu giáo viên trong ngành giáo dục với những lo lắng có thực và phần đông trong số họ như “ ngồi trên đống lửa” nếu quyết định của Bộ trưởng trở thành hiện thực. 

Và để trấn an dư luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có phiên giải trình trước Quốc hội tại tuần làm việc thứ hai kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV với quan điểm đây chỉ là dự thảo, đồng thời đã trả lời trên một số phương tiện truyền thông rằng chỉ thí điểm ở cấp Đại học và một số trường cấp Trung học phổ thông đủ điều kiện, sau khi có đánh giá cụ thể sẽ tiến hành ở các cấp học khác và việc thực hiện sẽ có lộ trình cụ thể. Với cách lý giải của Bộ trưởng, nhiều giáo viên đã viết tâm thư gửi đến Bộ trưởng và đến nhiều tờ báo đề nghị được đăng tải nội dung thư trên phương tiện truyền thông và được Bộ trưởng lắng nghe. Với họ, cách mà  Bộ trưởng trả lời không gì khác hơn là quyết tâm sẽ làm đến cùng việc bỏ biên chế, biến giáo dục- trường học hoạt động  giống như một doanh nghiệp.

Đã có nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ quan điểm thiệt - hơn nếu bỏ biên chế để quyết liệt đổi mới giáo dục. Song, sau mỗi quan điểm thì thấy đều toát lên cần phải chú ý đến ý nghĩa nhân văn và về thời gian sau khi đã có những bước chuẩn bị cần thiết và cẩn trọng, tránh “ giục tốc, bất đạt” mà mô hình giáo dục Venen, đề án phổ cập tiếng Anh theo chuẩn  châu Âu ( gọi tắt là đề án 20) thất bại trước đó.

Dư luận nóng, hơn khi đại biểu Quốc hội đã không ngần ngại đặt vấn đề thẳng thắn với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về sự công bằng trong môi trường giáo dục, về quyền hạn quá lớn của Hiệu trưởng nếu như cho họ thêm quyền có thể chấm dứt hợp đồng với giáo viên sẽ giống như “ trao trứng cho ác” mà  “ đặc quyền”này đã được áp dụng trong ngành y tế trước đó đã buộc phải bãi bỏ. Không lẽ Bộ giáo dục sẽ đi lại vết xe đổ đó.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: "Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý nhà giáo hết sức quan trọng. Thực tế, với chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là trong tuyển dụng, đặc biệt là phổ thông, hiện chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ rất nhiều…. phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao.

Cái mà Bộ hướng đến trong giáo dục chính là đổi mới quản lý, nhưng nếu chỉ từ ngọn mà không từ gốc, không từ phía Bộ chủ quản thì đổi mới chẳng phải chỉ là bề nổi, hô hào cho có.  Còn nhớ, tại kỳ chất vấn quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nói: “ đa số thực phẩm đều an toàn, chỉ người dân vì thiếu hiểu biết nên mới nói là thực phẩm không an toàn”… Lập tức phát biểu của Bộ trưởng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội. Ngay sau đó Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi và giải thích rõ hơn ý mình định nói. Với giáo dục cũng vậy, một lời nói đi mà thiếu sự cẩn trọng, thiếu căn cứ xác đáng thì hẳn hậu quả của nó sẽ không thể đong đếm được. Có giáo viên đã nói, hãy đặt con, cháu Bộ trưởng vào vị trí của họ hiện nay, để cảm nhận sức ép, và sự vất vả mà họ đang trải qua.

Có thể Bộ trưởng thấy hết, nghe hết bởi trước khi là Bộ trưởng làm công tác quản lý, thì Bộ trưởng đã kinh qua nhiều cương vị và trực tiếp đứng lớp. Nhưng (có thể) xuất phát điểm của Bộ trưởng không giống với khoảng 1 triệu giáo viên hiện nay. Trong số họ có không ít người phải lên vùng sâu để mong có được xuất biên chế, và cũng không ít người bỏ tiền để “ chạy” một chân giảng dạy trong trường học như “ quy luật bất thành văn” trong mối quan hệ “ 4 T” hiện nay. Nếu bộ trưởng đổi mới giáo dục, Bộ trưởng hãy giải quyết triệt để những vấn đề này thay vì nghĩ đến xốc bộ máy giáo dục, bởi nếu chỉ bỏ biên chế thôi chưa đủ, Bộ còn phải tạo được môi trường minh bạch, công tâm trong giáo dục . Hẳn không ai có thể khẳng định mình đúng trong khi cái đúng ấy không nhận được sự đồng thuận cũng như ảnh hưởng đến toàn xã hội

 

Nguồn Văn nghệ số 24/2017


Có thể bạn quan tâm