April 24, 2024, 6:06 pm

Thấm vị đời qua những thăng trầm dâu bể

 

 Liễu biếc là tập thơ thứ chín của Nguyễn Trác, đó là chưa kể hai tập thơ viết cho thiếu nhi, thơ in chung. Cảm giác đầu tiên là Liễu biếc đã ám ảnh người đọc bằng những cảm quan không ồn ào về cuộc sống. Nguyễn Trác là người ưa lặng lẽ, quan sát để phát hiện một cánh tinh tế những mạch ngầm của đời sống. Sau cái hào nhoáng bóng bẩy, sự giả tạo đến ngọt ngào, con người cần phải đi tìm giá trị đích thực của lòng chân thành. Cuộc sống luôn vận động và phát triển, đó là quy luật bất di bất dịch; cũng như trong cuộc đời, có ai trẻ mãi được đâu. Bình tâm và thấu hiểu ý nghĩa của triết phật, nhưng với cách nghĩ hiện đại, nhà thơ đã có sự nhìn trẻ trung vể tuổi già về cuộc đời:

“Hợp lý thôi. Cuộc sống cần phải thế

con trẻ phải lớn lên

mơ ước phải dồi dào

camry cần đỏ rực…

Và tuổi già như cánh phượng trên cao”

                                    (Những cánh phượng rơi đầy trên cỏ công viên )

 

Nguyễn Trác quan sát, phát hiện, phản ánh được hình ảnh độc đáo của đời sống nội tâm. Qua những cung bậc của tình cảm, anh như gửi được thông điệp của con tim mình trong những cảm xúc khi viết. Trong bài Thơ vui tặng ba cô gái trẻ, nhà thơ không ngại ngần khẳng định: “Người trẻ là mặt tiền thành phố… Thế giới luôn chiều sự trẻ trung

… Những người trẻ luôn luôn mạnh mẽ

Sống hết mình như một dây cung

Dù đôi khi mắc bệnh vang lừng…

Đi đến những vùng miền của đất nước, cuộc sống xê dịch, nhưng những cảm nhận thì lắng sâu trong tâm hồn nhà thơ. Anh không sa đà vào liệt kê, mà chắt lọc để tìm ra những sự lạ, độc đáo riêng, để những câu thơ cất lên ám ảnh. Người đọc phải suy ngẫm về vấn đề mà tác giả đã đặt ra, không bị trôi  tuột trong ý nghĩ vụn.

Nguyễn Trác có con đường đi riêng. Ông thiết lập được cho mình bằng giọng thơ hiện đại, cảm xúc trong trẻo mà tinh tế, chân thành nhẹ nhàng mà có tinh triết lý. Nhiều bài thơ trong tập như Liễu biếc, Sau tách cà phê, Dưới mặt trời nhiệt đới, Mùa xuân anh lên Yên Tử, Chuông chùa thong thả, Nguyệt hồ… đã nói lên điều đó

*

Mỗi người có quan niệm về cuộc đời khác nhau. Có những người cả đời phấn đấu cho con đường sự nghiệp. Có người khao khát làm giầu... Bức tranh xã hội thật muôn màu sắc, đa chiều, khó ai biết trước tương lai của mình cụ thể sẽ như thế nào. Nghĩ về cuộc đời, Nguyễn Trác đã quan niệm một cách giản dị mà sâu sắc, được thể hiện qua tứ thơ chặt chẽ, hình tượng thơ sinh động:

… Cuộc đời như dòng sông

chảy đến đâu thì hay đến đó

có thể mai kia mình giàu có

có thể mai đời vẫn tay không…

Nhà thơ cũng hiểu rằng có những điều trong cuộc sống ở phía ngoài bản thân ta, và con người cũng phải chấp nhận, bằng lòng với những gì mình đã có:

… Nhưng đêm nay

trăng như đồng xu cổ

số phận cho ta quả cam bé nhỏ

em đã pha thành cốc rượu nồng…

(Cuộc đời như dòng sông)

Trong Liễu biếc có những bài thơ, với chủ đề về lịch sử, văn hóa… Đây là nơi nhà thơ gửi gắm những vui buồn của hoài niệm, ký ức về một thời đã qua, trong một tâm thức hoài cổ luôn cố hữu và có phần day dứt trong tâm hồn nhà thơ. Dù đó là một đêm hát Then ở Quỳnh Sơn xứ Lạng, một chiều về sông Mã xứ Thanh, hay trong dịp lên Côn Sơn, đến Huế, ở Bắc Ninh với vùng sen Phủ Từ xưa… Trong những dịp ấy, một lần đến Hưng Yên, nhà thơ đã hỏi:

… Đâu chỗ Tam Nguyên Yên Đổ

Nghe Chu Mạnh Trinh vịnh Kiều

Ai gác lại điều kim cổ

Tìm dâu bể giữa trong veo...

Đặc biệt những kỷ niệm về tình yêu, tuổi trẻ, sự mất mát khi đất nước vẫn còn chiến tranh:

… Không còn em

bom đạn cũng qua rồi

nhưng một cuộc chiến tranh trong anh còn lại mãi

nơi góc nhà gió vẫn không nguôi…

(Những bóng cây xưa)

Trong tâm thức hoài niệm như ám ảnh nhà thơ, không chỉ những địa danh, những di tích về văn hóa, lịch sử, mà cả cuộc sống, thời gian hiện tại cũng làm ông nhớ về ngày xưa. Nhưng trước thực tại cuộc sống, với tâm hồn nhà thơ, với ý thức công dân là những suy ngẫm và day dứt:                                    

… Thời của chúng ta đang sống

Cơ bắp là thời trang

đôi khi muốn nhẹ nhàng

chon lựa là một khe cửa hẹp…

(Ý nghĩ cuối năm)     

Nguyễn Trác cũng nêu ra một vài khía cạnh có tính tiêu cực của đời sống văn hỏa: “Thời buổi kim tiền sao mọi thứ đều trở thành hàng hóa… người ít tự soi mình mà săm soi thiên hạ nhiều hơn…” (Báo đây). Nhưng ông luôn hiểu giá trị cuộc sống. Người đã thấm vị đời qua những thăng trầm dâu bể đã thốt lên tiếng nói chân thành :

Ôi cuộc đời rộng lớn bao dung

nhiều vẻ đẹp ta chưa biết tới

… Còn bao nỗi đau Con người anh đã biết chưa…

Trong Liễu biếc có một số bài tác giả viết tặng bạn thơ với tình cảm ấm áp và trân trọng. Cũng thật đặc biệt, đôi khi có cả những câu thơ được ông trích dẫn để phù hợp cho một chủ đề mà ông đã viết. Đây cũng là cách riêng của Nguyễn Trác. Tuy nhiên ở một số bài, do quá tập trung lựa chọn xác định chủ đề mà đôi khi tác giả đã giảm nhẹ những cảm xúc nồng nàn bay bổng, trực diện của cảm hứng chủ đạo lẽ ra phải vậy. Vậy nên có thể nói Liễu biếc là một tập thơ được viết kỹ, cấu tứ chặt, cẩn thận trong câu chữ, khai thác sự sâu sa trong tâm hồn; nhưng cũng có bài người đọc mong được tiếp nhận đầy đặn hơn nữa. Bài thơ Mẹ Quảng Nam là một ví dụ như vậy

Với những chiêm nghiệm của tình người, tình đời, và bằng những cảm xúc trong trẻo của tác giả, cộng thêm với sự hiểu biết về văn hóa, Liễu biếc có thể xem là một trong những tập thơ nhiều ấn tượng.

 

Nguồn Văn nghệ sốm11/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm