April 19, 2024, 8:57 pm

“Thâm nhập” vào một nền văn hóa còn nhiều bí ẩn và mê hoặc

Nhà văn Hồ Anh Thái xuất thân là nhà ngoại giao, Tiến sĩ văn hóa phương Đông, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tác giả của hơn bốn mươi cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn viết về Ấn Độ, đất nước với bề dày lịch sử, văn hóa mà ông mê đắm, mới nhất là tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên.

Hồ Anh Thái là cây bút uy tín và đa năng, viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, du ký… Tác phẩm nào của ông ra đời cũng thu hút bạn đọc và giới nghiên cứu. Ông dường như thay đổi liên tục về bút pháp lẫn đề tài. Không chỉ ở trong nước, mà sách của ông còn được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Nhà văn Hồ Anh Thái

Là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng văn Việt Nam, khi với tư cách nhà ngoại giao, giảng viên thỉnh giảng đại học Hồ Anh Thái đã có dịp sống và làm việc ở nhiều quốc gia, nhờ đó ông có những tác phẩm về các nền văn hóa khác nhau được trình làng. Đặc biệt, sáu năm liền Hồ Anh Thái công tác ở Ấn Độ và say mê nghiên cứu nền văn hóa lớn đầy quyến rũ, bí ẩn, kỳ ảo, thiêng liêng này của phương Đông, giúp ông hoàn thành luận án tiến sĩ, cho ra đời nhiều cuốn sách giá trị sâu sắc và hấp dẫn.

Đề tài về Ấn Độ len lỏi, phảng phất trong nhiều tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái, như trong tiểu thuyết về ngoại giao đầu tiên nước ta Năm lá quốc thư, nhưng tập trung và xuyên suốt là tập biên khảo Xin chào Ấn Độ, tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước, tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, rồi mới đây ông lại tiếp tục xuất bản tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên do Nxb Trẻ ấn hành năm 2022.

Nhà văn Hồ Anh Thái từng thổ lộ rằng: “Bập vào Ấn Độ như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay nhớ quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được nữa” (Ở lại để chờ nhau, tập truyện, Sống và Nxb Thế Giới 2020). Câu chuyện trong Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên cũng là nỗi ám ảnh ma lực. Mặc dù xuất hiện nhiều nhân vật nhưng cốt truyện chủ yếu xoay quanh ba nhân vật chính như cái tên đầy ấn tượng, khơi gợi của tiểu thuyết.

Cứ liệu lịch sử phong phú, mê hoặc của Ấn Độ đã trở thành nguồn cảm hứng và bệ phóng cho sự sáng tạo của nhà văn Hồ Anh Thái dựng nên một tác phẩm vừa mang tính khái quát vừa thể hiện được những tình tiết độc đáo, hấp dẫn có sức lôi cuốn, giúp người đọc “thâm nhập” vào một nền văn hóa còn nhiều bí ẩn và mê hoặc. Nếu không có kiến thức uyên thâm, khả năng tinh lọc và khái quát, nghệ thuật dựng chuyện uyển chuyển thì nhà văn khó mà chinh phục người đọc. Chỉ riêng hình tượng Nữ Chúa trong tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên, vừa là hình tượng nhân vật có thật vừa mang tính khái quát của rất nhiều phụ nữ đẳng cấp thấp có số phận đầy bi kịch đã trở thành những tướng cướp lẫy lừng trong lịch sử Ấn Độ.

Sức hấp dẫn của Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên

Tước bỏ những kiến thức đời thường, chúng ta bước vào thế giới tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Vốn là một hoàng tử từ bỏ hoàng cung để tu hành “cứu nhân độ thế”, Đức Phật đã trở thành Đấng Giác Ngộ và đạt nhiều thành công trong bốn mươi lăm năm truyền giảng giáo thuyết ở hầu hết các vương quốc của Ấn Độ. Tuy nhiên, có một nơi mà Đức Phật gặp trắc trở là vương quốc nhỏ bé Vamsa, vì tiểu vương Udena đứng đầu đất này là người thế tục, sợ mất quyền lực, ngờ vực các loại triết thuyết, không mặn mà các giá trị tâm linh.

Dù thầm công nhận lời Đức Phật nói chí lý về những điều rườm rà vô ích trong đời sống xã hội nhưng vị tiểu vương Udena trong lòng vẫn ngờ vực: “Liệu tôn giáo này có những điều ma mị như mọi tôn giáo khác. Nó cuốn người ta vào như cần sa và không bao giờ người ta có thể cai nghiện. Nó mượn danh dẫn dắt chỉ đường để mà tụ tập lôi kéo quần chúng. Nó khoác áo tôn giáo để can thiệp vào chuyện triều chính. Từ tôn giáo nó sẽ nhảy lên lấn át chính quyền” (tr.62). Lẽ tất nhiên điều mà tiểu vương Udena lo xa nhất là sợ bị tôn giáo soán ngôi vua khi có thời cơ. Trong khi đó giáo đoàn của Phật ở tiểu quốc Vamsa thời gian đầu non trẻ tổ chức lỏng lẻo, nhận thức dễ dãi, thậm chí còn chia rẽ, mất đoàn kết. Sự hiện diện của Đấng Giác Ngộ dần mở ra chân trời ánh sáng, giúp xóa bỏ lòng hận thù tối tăm, con người khoan dung, bác ái hơn.

Vì chênh lệch về đẳng cấp mà một công tử con quan là Govinda đã gia nhập lực lượng đặc biệt để được gần người mình yêu là một công chúa Samavati được gả sang tiểu quốc Vamsa và trở thành hoàng hậu. Sau đó, Govinda được cài cắm vào làm điệp viên trong giáo đoàn của Phật xứ Vamsa để mật báo tin tức cho hoàng gia. Đội lốt nhà sư khất thực, không bạo lực không sát sinh, nhưng một tháng đôi ba lần điệp viên Govinda cũng bí mật tìm đến khu quán cá ven sông để thưởng thức “Món cá rán sông Hằng là số một trần gian”.

Thế nhưng cuối cùng người yêu là hoàng hậu Samavati bị thiêu chết thảm khốc, món cá sông Hằng cũng trở nên đắng nghét với điệp viên Govinda. Kẻ mưu ác gây ra cái chết cho hoàng hậu là vị thượng thư mật vụ và quý phi yêu chiều của tiểu vương, cả hai phải đền tội. Nhưng còn kẻ dung dưỡng cho cái ác kia là vua Udena thì sao? Và sông Hằng với món cá rán “số một trần gian” lại cứu cánh kẻ si tình: “Gió sông Hằng mơn man gợi nhớ. Giờ thì tro cốt nàng đã trôi đâu đó trên một khúc song Hằng. Tro cốt ấy cũng đã lắng xuống đâu đó dưới đáy sông Hằng”. Đây cũng là lúc Govinda ân hận vì không thực hiện được kế hoạch đưa Samavati trốn về quê hương như đã phác thảo: “Nàng sẽ đi thuyền đến một khúc sông Hằng thì lên bờ, từ nơi ấy, ta sẽ đánh xe ngựa xuyên rừng vượt biên giới” (tr.159-160).

Cũng với sông Hằng linh thiêng, số phận của bao người đẳng cấp thấp hèn ẩn náu, rồi bị bọn cường quyền cưỡng bức, đày đọa, nảy sinh lòng oán thù muôn kiếp. Hãy nghe lời tự sự của cô gái nghèo cùng đường “Thế gian này không có ai lòng tràn đầy thù hận như mẹ con ta. Một cô dâu bị cưỡng đoạt ngay trong đám cưới của mình. Chú rể thì bị đánh chết chỉ vì dám cưỡi ngựa mà cao hơn đám nhà giàu trong làng. Mẹ ta còn thù hận hơn cả ta nữa. Cha mẹ ta bị trói giật cánh khuỷu, vứt trong góc nhà hội đồng suốt một đêm. Tan một đám cưới. Con gái bị hiếp, con rể bị giết, bản thân cha mẹ bị đánh đập không còn ra hồn người nữa. Ta thù. Mẹ ta thù. Hai người đàn bà không nói ra nhưng thầm quyết sẽ dành cả cuộc đời này để báo thù” (tr.88).

Vì hoàn cảnh bất đắc dĩ như vậy mà cô gái nghèo biến thành tướng cướp - Nữ Chúa Manju tìm cách trả thù. Bọn nhà giàu bị tịch thu tài sản. Những gã đàn ông hiếp phụ nữ bị “cắt chim” thành vô tính, giọng nói trở nên the thé. Và chúng bị đưa hết lên đảo, một hòn cù lao hoang vắng đầu nguồn sông Hằng. Theo lời Nữ Chúa: “Ta quẳng chúng lên đấy. Đất đai ở đấy màu mỡ, tự khai hoang vỡ đất mà trồng cấy. Ta quẳng theo lên đấy một đàn dê. Cỏ tươi khắp đảo, tự chăn nuôi lấy mà sống. Đời chúng chưa tự mình làm ra được hạt lúa, chưa từng tự tay nuôi được một con dê con cừu. Giờ thì việc nuôi trồng là để tự nuôi sống. Cũng là cách để trả giá cho những năm tháng chúng ăn trắng mặc trơn” (tr.123).

 Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên là dạng tiểu thuyết ngắn, trục nhân vật được thể hiện chỉ là bề nổi, điều cốt lõi là cấu trúc nội tại bên trong với những mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn từ trong lịch sử nhưng lại cũng gần gũi với những vấn đề tồn tại của đời sống xã hội hôm nay, không chỉ riêng với Ấn Độ. Qua tác phẩm này, một lần nữa nhà văn Hồ Anh Thái cho thấy tầm tri thức văn hóa và tài năng xây dựng tiểu thuyết của một cây bút có nghề, lặng lẽ sáng tạo không mệt mỏi hiếm có hiện nay. Vì vậy, người đọc tiếp tục chờ đợi từ sự mê đắm của ông…

Nguồn Văn nghệ số 44/2022


Có thể bạn quan tâm