April 20, 2024, 4:54 pm

Thăm nhà cụ Karl Marx gặp Bác Hồ

KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2021)

Tôi đã đáp tàu từ bang Saarland đến bang Rheinland-Pfalz, nghe chừng xa lắm, song cũng chỉ hết hai tiếng đồng hổ, kể từ làng Rentrisch đến thành phố Trier - quê hương Các Mác (Karl Marx), nhà triết học vĩ đại, nhà sáng lập của khoa học chủ nghĩa xã hội. Làng Rentrisch là quê chị Ursula Nguyễn, một nàng dâu ưu tú của Việt Nam. Cách đây hai năm, chị đã có lời mời tôi và anh Đặng Vinh Huề, Giám đốc Thư viện tổng hợp tỉnh Khánh Hòa cùng chị đến thăm nhà cụ Marx, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới. Nhưng lần ấy, tôi đang có chương trình đi thăm mấy nước châu Âu, nên không thể đáp lại lời mời của chị. Năm nay, sau khi cùng chị tham dự Lễ hội báo “Thời đại chúng ta” (Unsere Zeit) của Đảng Cộng sản Đức (DKP) tổ chức tại thành phố Dortmund, tôi về thăm quê chị và cùng chị đáp tàu về Trier, một trong những thành phố cổ xưa nhất của nước Đức (ra đời vào thế kỷ XVI trước Công Nguyên) và cũng là nơi Karl Marx cất tiếng khóc chào đời vào hai giờ sáng ngày 5 tháng 5 năm 1818.

Bức họa cỡ lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà lưu niệm Karl Marx ở thành phố Trier (CHLB Đức). Ảnh: TRẦN ĐƯƠNG

Tôi đã đi nhiều nơi trên đất Đức, Đông cũng như Tây, song hiếm thấy vùng đất nào đẹp như quãng đường từ Rentrisch đến Trier. Làng chị Ursula Nguyễn có con suối mang tên Scheidtebach, bắt nguồn từ ngọn núi cao - nơi hôm nay vẫn để lại nhiều di tích về cuộc sống của con người thời trung cổ. Con suối này đổ vào sông Saar, một nhánh của sông Mosel. Saar chính là tên gọi của bang này. Và đó cũng là một thành phần trong tên gọi các thành phố lớn của bang, như thủ phủ Saarbrück hoặc làng Bous bên sông Saar... Dòng sông tạo nên những khúc quanh co tuyệt đẹp. Thật khó quên cái đoạn nó lượn như một vành khăn xanh biếc ở Orscholz mà khách du lịch năm nào, mùa nào cũng về đây chiêm ngưỡng. Ở vùng hạ lưu sông Saar, khắp các triền đồi, các lưng núi, có thể thấy những vạt nho, một thứ sản phẩm người La Mã đem đến từ mấy chục thế kỷ trước. Dân sành rượu đánh giá rất cao thứ rượu vang của xứ sở này. Rồi sông Saar đổ vào sông Mosel, đến thành phố cổ Koblenz, Mosel lại đổ vào sông Rhein, con sông dài 865 cây số. Và những triền đồi nho, đẹp như tranh vẽ. Có điều, so với vùng sông Saar, làng mạc và phố xá vùng sông Mosel thuộc bang Rheinland-Pfalz sầm uất hơn, trù phú hơn. Như đọc được nhận xét của tôi, chị Ursula giải thích vùng sông Saar vốn là khu công nghiệp lâu đời, nay nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân phải đi làm việc ở nhiều nơi trên đất nước, ít có điều kiện tu sửa nhà cửa, quê hương. Trong khi đó, vùng Mosel ngày một giàu có, xinh đẹp không những vì sản lượng rượu vang của bang này chiếm tới 2/3 sản lượng toàn quốc, mà mọi ngành kinh tế vẫn phát triển hài hòa. Ngồi trên tàu hỏa chạy bên sông, du khách có cảm tưởng mặt sông sáng như gương, mực nước cao ngang tàu. Và núi, và trời, và phố xá, đẹp như tranh vẽ. Ở nước mình thì mỗi lần về quê Bác, không thể không đọc lên câu ca:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như

tranh họa đồ

Còn ở đây, tôi buột mồm đọc lên khe khẽ:

Đường về xứ sở sông Ranh

Non xanh nước biếc như

tranh họa đồ”.

Thế đấy, quê hương Karl Marx và quê hương Hồ Chí Minh dường như thật giống nhau về cảnh sắc, về phong vị trữ tình. Marx thời trẻ thường ra sông Mosel tắm và làm thơ về người yêu Jenny xinh đẹp, kiều diễm. Còn sông Lam như nguồn nước trong lành chảy vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung, để rồi tạo nên một nhà văn Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ Hồ Chí Minh...

Thành phố Trier bên sông Saar có sự hấp dẫn đặc biệt, trước hết vì nó là thành phố cổ nhất của nước Đức, ra đời từ thế kỷ XVI trước Công nguyên. Hoàng đế Auguster được coi là cha đẻ của thành phố này. Người ta cho biết: thành phố Trier có gần 70 danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Chúng tôi đã đến thăm hầu hết những điểm chính, từ phố Chợ mang tên Thánh Johann từ thuở xa xưa đến nhà hát Amphit, Nhà thờ lớn, tháp Franken, Giếng Georg, Nhà thờ Đức Mẹ, các bảo tàng lớn... Thành phố hiện chỉ có 125.000 dân mà mỗi năm có tới 60 vạn khách thập phương tới thăm, riêng khách Trung Quốc là 30 nghìn người.

Có lẽ nơi khách tham quan dành nhiều thời gian nhất để ngưỡng mộ là cổng Porta Migrai xây vào năm 180 sau công nguyên và ngôi nhà Karl Marx đã ra đời ở số 10 phố Brückenstrasse (trước kia gọi là ngõ Brückergasse số 664). Hằng năm có đến 60 vạn khách thập phương đến thăm Trier dài ngày, nhưng khách vãng lai thì vô kể. Một điều thú vị là ở trung tâm thành phố và ngay trước cửa nhà Marx, nhiều chỗ được lát đá granit mang từ Việt Nam mà lý do chính là nó phù hợp với nguyên bản về màu sắc và hình thù. Các cửa hàng cũng có khá nhiều hàng hóa của nước ta như quần áo, giày dép, đồ sứ... Hãng Villeroy & Boch là một đối tác quan trọng trong ngoại thương với Việt Nam, có trụ sở ngay ở Trier.

Có lẽ vì đã mong ước từ lâu, nên tôi rất bồi hồi, cảm động khi đứng trước tòa nhà Karl Marx. Khách đến thăm xếp hàng vào thăm khá dài, nhưng bà phụ trách lễ tân ưu tiên cho chúng tôi vào trước, riêng tôi còn được miễn tiền vé vào cửa và được biếu nhiều tư liệu, hình ảnh ngôi nhà. Bà trìu mến nói với tôi: “Cũng đã có nhiều khách Việt Nam đến thăm Bảo tàng này, trong đó có nhà thơ Tố Hữu. Tôi chúc ông sẽ thu nhận nhiều điều bổ ích, thú vị trong cuộc thăm này!” Tôi trân trọng cảm ơn bà và biếu bảo tàng hai cuốn sách nhỏ: tập thơ Tình yêu và bão táp của Karl Marx mà tôi đã dịch và Karl Marx - Sức sống - Mùa xuân do nhiều tác giả Việt Nam viết, được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1983, nhân kỷ niệm 165 năm ngày sinh và 100 năm ngày mất của vị lãnh tụ thiên tài...

Ngôi nhà 3 tầng này được xây năm 1727 (91 năm trước khi Marx chào đời). Tính đến nay, ngôi nhà đã tròn 280 tuổi. Tuy nhiên, trong gần 3 thế kỷ qua, như số phận của hàng loạt công trình kiến trúc khác ở thành phố này, nó đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nhất là ở thế kỷ XIX đầy đau thương, máu lửa.

Trong ngôi nhà này, thật ra Marx chỉ sống vài năm cùng gia đỉnh. Sau đó, Người chuyển về sống trong tòa nhà gần cổng Porta Nigra. Được kể, thuở niên thiếu, Marx không khỏe lắm, nhưng có trí thông minh, giàu nghị lực. Tuy là con của một vị trạng sư danh giá trong thành phố, nhưng đời sống vật chất không lấy gì làm sung túc. Bốn trong tám anh chị em của Người đã qua đời vì bệnh lao phổi!

Như đã nói, nơi đây, Marx đã có những thể nghiệm đầu tiên về triết học và thi ca. Triết học sẽ theo Người suốt cuộc đời, đưa Người lên đỉnh cao của trí tuệ loài người. Còn thi ca chỉ như bông hoa nở sớm, chủ yếu để tặng người yêu, sau đó dường như không trở lại trên đường đời của Người. Năm 1835, ở tuổi 17, Marx rời Trier, đi học tiếp đại học ở Bonn và Berlin; từ 1843 đến 1848, lưu vong chính trị ở Paris và Brussel. Hai năm sau đó, Người hoạt động báo chí ở Koeln (ta hay gọi là Côlônhơ). Từ 1849 cho đến lúc qua đời, lại sống lưu vong với tư cách một nhà lý luận, một lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế tại London. Từ ngày rời quê hương ra đi cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, Marx chỉ về thăm quê duy nhất một lần, ấy là vào tháng 6 năm 1848. Bấy giờ Người nghỉ tại khách sạn Phố Venedơ (Venese), nay là một hiệu thuốc. Jenny, vợ Marx, ngược lại, hay trở về Trier, và mỗi lần như thế bà lại viết thư cho chồng, thông báo những đổi mới, những tin vui về thành phố quê hương.

Từ ngôi nhà xây theo kiểu barốc, được tu sửa nhiều lần. Đặc biệt, năm 1928, nó được kiến trúc sư nổi tiếng Gustav Kasel tạo dựng lại theo phong cách Pháp, có vườn cây xanh tốt phía sau, và trở thành viện bảo tàng từ năm 1968 - tức là ngót 40 năm nay - dành để giới thiệu một cách sinh động cuộc đời và sự nghiệp của Karl Marx - người con vĩ đại của thành phố Trier, của toàn dân tộc Đức mà cũng là của loài người.

Lần theo 23 gian phòng trong Bảo tàng với đầy đủ tranh ảnh, số liệu, hiện vật, kèm theo ống nghe tự động, khách tham quan được giới thiệu theo từng chủ đề như: Marx thời trẻ; Nhà báo, nhà chính tri; cuộc đời chốn lưu vong; kinh tế chính trị học - đề tài của cả cuộc đời Marx và phong trào công nhân; Ăngghen (Engels) và chủ nghĩa Marx; Sự phân hóa của phong trào công nhân; Sự tiếp nhận rộng khắp thế giới những tư tưởng của Marx... Tại đây, những trước tác của Marx được giới thiệu theo từng đợt xuất bản, từng thứ tiếng, như tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản... Người xem cũng chứng kiến những hình ảnh được phóng to về gia đình Marx, từ cha mẹ, vợ con, đến những bạn chiến đấu của Người.

Cũng tại Bảo tàng, ở gian 23, dưới chủ đề nói lên sự vận dụng chủ nghĩa Marx trên hành tinh chúng ta, sẽ là giây phút cảm động khi được nhìn thấy bức tranh cỡ lớn vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giây phút ấy, người ta có cảm giác như được gặp Bác Hồ kính yêu trong chính ngôi nhà Marx - ngôi nhà tụ hội những nhân vật lỗi lạc nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc. Bác Hồ, tay giơ cao, là hình ảnh của sự quyết tâm giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức và xâm lược của các thế lực thực dân, đế quốc. Phía dưới hình ảnh Người là những dòng chữ giới thiệu cuộc đời tranh đấu oanh liệt của Người, sự bôn ba qua bao thập kỷ đi tìm chân lý của mình, đó là con đường Karl Marx đã vạch ra. Giây phút ấy, lại nhớ ngày nào Nguyễn Ái Quốc tìm đọc tác phẩm Tư bản giữa thành phố Paris. Cũng ở Paris, Người tiếp xúc với một người cháu của Marx, rồi sau này, tại thành phố Tours được tiếp cận với Clara Zetkin, vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào cách mạng và phụ nữ Đức và quốc tế, tại Matxcơva với Wilhelm Pieck, Tây Đức với Ernst Thaelmann - đều là những nhân vật vĩ đại kế thừa sự nghiệp của Marx, trở thành những tấm gương sáng trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Thật xúc động khi nghe ghi âm lời giới thiệu tại Bảo tàng Karl Marx:

Hồ Chí Minh là một trong những vị lãnh tụ nổi tiếng nhất của phong trào cách mạng nhằm giải phóng dân tộc ở tầm thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ, đồng bào đã vùng dậy tiến hành các cuộc đấu tranh và kháng chiến lâu dài chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiến đến giải phóng hoàn toàn, đưa nước Việt Nam yêu quý của Người tới thống nhất vào năm 1975”.

Tại đây, tôi bỗng nhớ tới lần đến thăm Bảo tàng lịch sử đương đại của nước Đức tại thành phố Bonn, được nghe giọng nói của người thuyết minh vang lên: “Một thế hệ người Đức đã lớn lên, đã trưởng thành từ phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ”. Tiếp theo, người ta giới thiệu một loạt hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Rồi dừng lại ở bức ảnh Bác Hồ đang quan sát trận địa trong chiến dịch biên giới 1950-1951, với giọng nói vô cùng ấm áp của Bác: “Ngày nào đồng bào tôi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, ngày nào Nam - Bắc còn bị chia cắt, nhân dân cả nước chưa sum họp một nhà thì tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Ở Bonn, cũng như ở thành phố Trier này, tôi xúc động thấy rằng, trong lòng nước Đức, hình ảnh Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ có một vị trí và tiếng nói thật là quan trọng.

Và miên man tôi nghĩ: Từ Karl Marx đến Hồ Chí Minh lịch sử loài người đã trải qua những chặng đường vĩ đại. Đến thăm Bảo tàng trong nhà Marx hôm nay, có thể đọc trong nguyên bản bút tích của Người: “Tôi đã phải từng giây phút một để hoàn thành tác phẩm của đời mình, và để làm việc ấy, tôi đã hy sinh sức khỏe, niềm hạnh phúc cuộc đời và gia đình mình”. Cũng như Marx, Hồ Chí Minh đã trải qua sự hy sinh như thế, đã sống một cuộc đời oanh liệt như thế. Nhờ có cụ Marx và Bác Hồ, thế hệ chúng tôi mới có được những năm tháng sống và làm việc có ý nghĩa, mới được có mặt ở nơi một con người vô cùng vĩ đại đã ra đời. Thật sung sướng khi tự thấy: đến thăm nhà cụ Marx, người khách Việt Nam đã được gặp Bác Hồ!

Nguồn Văn nghệ số 20/2021


Có thể bạn quan tâm