April 24, 2024, 12:17 am

Thăm miền trái ngọt

Tháng Tư. Sau những cơn mưa sớm, rừng cây hai bên Tỉnh lộ 9 lên Khánh Sơn đã bắt đầu xanh trở lại sau mùa khô hạn. Suối Tường Vy mơ mộng vẫn chưa nhiều nước, chờ thêm những cơn mưa mùa hạ. Lưng đồi, tiếng mõ gió gõ đều đều, trầm mặc, nghe man mác thanh bình.

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 100 cây số về phía Tây Nam. Đường đèo lên Khánh Sơn giờ đã dễ đi hơn trước nhiều lắm. Nhiều anh em cán bộ chạy xe máy từ Cam Ranh lên công tác tại huyện Khánh Sơn mất chỉ khoảng vài giờ. Lên tới đỉnh đèo, chúng tôi dừng lại. Trước mặt là thung lũng Tô Hạp. Và xa xa, đã thấy dòng Tô Hạp vẽ một đường cong như dải lụa mềm giữa điệp trùng rừng núi. Tô Hạp là một con sông lạ. Không xuôi về Đông đổ ra biển cả, nó cứ thổn thức, miên man quay ngược về phía Tây, như cố lần tìm về một miền hoài niệm xa lắc, nhiều trắc ẩn của nhiều thế hệ người Raglai trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Phát nguyên từ những dãy núi cao vùng Ba Cụm Nam, sông Tô Hạp quay ngược về hướng Tây, chảy về Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi đổ về Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Nhiều người ví dòng Tô Hạp như nguồn sữa mẹ của Khánh Sơn, bởi nó loanh quanh qua tất cả các xã, thị trấn của huyện mà tưới tắm cho hầu hết đất đai nơi này.

Mùa sầu riêng ở Khánh Sơn

Không ai biết tên gọi Tô Hạp có tự bao giờ. Chỉ biết, bây giờ, có một dòng sông, một thị trấn, và cả một vùng đất cùng mang tên Tô Hạp. Nhiều giả thuyết cho rằng sở dĩ có tên gọi ấy là vì vùng đất này ngày trước vốn có rất nhiều cây Tô Hạp. Tìm hiểu về loài cây này, các bậc cao niên, lão làng ở Khánh Sơn đều không biết rõ. Chỉ có tài liệu cũ ghi rằng, cây Tô Hạp vừa là dược liệu, vừa là hương liệu, ngày xưa vua chúa ưa dùng, đặc biệt ưu ái cho mỹ nữ, cung phi. Tên cây còn đó, hương cây dường hãy đâu đây quanh quất, mà dấu vết sao đã quá mờ xa.

Vậy ra đó là tên gọi một loài cây, một mùi hương mang tên Tô Hạp. Lãng mạn và quyến rũ. Nhưng, địa danh Tô Hạp, với giặc thù xâm lược, là nỗi ám ảnh kinh hoàng, bởi rừng thiêng Tô Hạp luôn đón chúng bằng những bẫy ná, chông tên sắc lẻm, lạnh lùng và bằng lòng quả cảm vô biên, tài xuất quỷ nhập thần của đồng bào, du kích Khánh Sơn. Những tên tuổi lẫy lừng như căn cứ Xóm Cỏ vùi thây quân cướp nước; anh hùng Bo Bo Tới diệt máy bay địch bằng súng trường... đã muôn đời bất hủ trong những trang sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc. Mặt đất nhọn hoắt chông tên. Núi rừng chập chùng bẫy đá. Giặc như rơi vào cõi thiên la, địa võng, không có đường ra. Và chúng thảng thốt gọi nơi đây là thung lũng tử thần.

Tôi đã đến với Thành Sơn, xã xa nhất của huyện Khánh Sơn về phía Tây, cách đây hơn 30 năm, chính xác là từ năm 1984, khi Khánh Sơn chưa tách khỏi huyện Cam Ranh. Từ Ba Ngòi, đi xe GMC của ông Rừng, lên thị trấn Tô Hạp mất non một ngày. Rồi từ Tô Hạp, tôi mang ba-lô lội rừng một ngày nữa mới tới Thành Sơn. Nói lội rừng bởi hồi đó chưa có đường đi. Tôi cầm trong tay cây gậy dài khoảng hơn một mét. Theo kinh nghiệm đi rừng, làm vậy vừa để đỡ trơn trượt, cũng vừa có cái gọi là để tự vệ khi gặp thú dữ. Len theo những mảng rừng, những vạt cỏ dại, vắt nhiều vô kể. Chúng đánh hơi rất tài, búng vào người rất chính xác. Đi chỉ một đoạn ngắn đã phải dừng lại gỡ… vắt. Chúng bám vào khắp người, chỉ chút xíu đã hút no căng máu, con nào con nấy to đùng. Mà nơi vết thương vắt cắn, máu rất khó đông, cứ chảy mãi. Anh Nguyễn Phước Khiêm, hồi ấy là Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Sơn, nay là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, đón tôi bằng mấy bi-đông rượu mía với món bắp chuối xào mỡ và cá lép khô đem nướng. Rượu mía được cất từ bọt nước mía vớt ra khi nấu đường theo cách thủ công, uống gắt và đau đầu. Bấy giờ, không có nhà ở cho giáo viên, cả ban giám hiệu, kế toán, anh em giáo viên ở điểm trường chính Du Oai đều phải ở nhờ trong Trạm Y tế xã Thành Sơn. Toàn đực rựa cả, đến bữa chẳng buồn nấu cơm. Ấy vậy mà câu chuyện cứ nối tiếp nhau, bởi mỗi người một quê ở đồng bằng giờ cùng lên đây dạy học, ở chung một nhà.

Khánh Sơn hồi ấy thật đẹp, thật mơ màng, nhưng cũng thật buồn. Bởi, chỉ có rừng, với... rừng. Rừng già, đi mãi mới thấy một vài nếp nhà người Raglai thấp thoáng… Tại thôn Apa 2 có hai cây di sản của Khánh Sơn, đó là hai cây dầu rái có chu vi phải đến bốn, năm người ôm, tuổi đã trên 300 năm. Già làng Cao Xà Buôn cho biết, trước đây có nhiều người đến đây định khai thác, cưa hai cây dầu làm gỗ nhưng ông và dân làng kiên quyết giữ lại. Từ đó, ông thường xuyên nhắc nhở dân làng phải đặc biệt chú ý bảo vệ hai cây dầu rái này, xem như bảo vật của thiên nhiên ban tặng, cũng là biểu tượng của rừng núi Khánh Sơn.

Theo báo cáo của huyện, tại xã Thành Sơn này, cuối năm 2003, đập nước Apa 1 hoàn thành, ngăn sông Tô Hạp lấy nước cấp cho gần 20 ha ruộng lúa nước đầu tiên của Thành Sơn. Có thể, ở những nơi khác, con số diện tích cũng như sản lượng lúa nước của Khánh Sơn hồi đó là không đáng kể, nhưng nếu được tận mắt nhìn thấy hình ảnh đồng bào hì hục cuốc đất vỡ hoang, tập cày cuốc, tập gieo sạ… mới thấy hết giá trị của con số ấy. Công việc làm ruộng vốn hoàn toàn xa lạ dần trở nên quen thuộc với đồng bào vùng cao nơi này. Đồng chí Ngô Hữu Giác, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn lúc bấy giờ tâm sự rằng, việc thay đổi tập quán canh tác từ phát, đốt, chọc, tỉa sang làm ruộng trồng lúa nước của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là một bước chuyển hết sức lớn lao, nếu không muốn nói là một kỳ tích. Huyện đã xây dựng hẳn một chương trình phát triển cây lúa nước và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó có việc thành lập một lực lượng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn đồng bào làm ruộng, trồng cây lúa nước. Nhờ đó, từ chỗ không có ruộng, hàng trăm hộ dân Khánh Sơn đã biết trồng lúa nước. Ấy là sự thể hiện tư duy mới của đồng bào về một cuộc sống mới: Định canh, định cư; từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất.

Trong ký ức người dân Khánh Sơn, chỉ mới đây thôi, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn quen tập quán du canh, du cư, phá rừng làm rẫy; triệt hạ dần những cánh rừng rộng lớn để đổi lấy cái ăn. Lang thang mãi trong rừng, nay đây mai đó, không nhà cửa, không lương thực dự trữ, không học hành, không thuốc men. Cho nên, đói rét, đau ốm luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Đây đó, trong rừng già, có vài nấm mộ người Raglai lẻ loi nằm lại trên bước đường lang bạt của cộng đồng. Bí thư Huyện ủy Mấu Thái Cư, người con của đồng bào dân tộc Raglai, tỏ ra rất tâm đắc câu chuyện chuyển đổi nhận thức, tư duy trong cách làm ăn, sinh sống của bà con mình. Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh du cư, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn đã từng bước định canh, định cư, biết trồng lúa nước, trồng cây ăn trái. Điều đáng quý là sản xuất nông nghiệp đã khai thác được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mía tím… đã thay thế dần các loại cây trồng cũ; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 8%/năm.

Người Raglai có rượu tapai. Men tapai không đắng, không nồng. Tapai lâu say, nhưng say lâu, như chính cái tình người Raglai đằm thắm và chung thủy. Đêm Khánh Sơn chìm sâu trong u tịch. Núi rừng yên ắng, mơ màng trong giấc cô miên. Ngồi cùng chúng tôi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác trầm ngâm nhớ về những ngày trai trẻ gắn bó cùng mảnh đất nơi này. Thời ấy, hầu hết cán bộ, giáo viên công tác ở huyện Khánh Sơn còn độc thân vui tính nên chia sẻ với nhau rất tốt về những khó khăn, nỗi niềm trong cuộc sống, công tác ở vùng cao. Ông cho rằng, cái được lớn nhất trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Khánh Hòa chính là sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đồng bào về tập quán canh tác, về lối sống. Điển hình như anh A Sa, người dân tộc Raglai, sản xuất giỏi, nói về cách đầu tư cho con cái: Không nên cho con mình con cá mà nên cho cần câu để chúng tự câu cá mà ăn…

Để có được suy nghĩ ấy, quả là không dễ.

Còn nhớ, suốt một quãng thời gian rất dài, Khánh Sơn cứ quăng quật mãi với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì. Ai cũng biết, chỉ có chuối, lúa, ngô, khoai… thì khó có thể giàu lên nhanh được. Rồi tìm tòi. Rồi mày mò. Người dân Khánh Sơn bắt đầu trồng cây cà-phê, cây hồ tiêu. Ấy là những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Nói vậy nghe xa xăm quá. Nhưng trong ký ức người dân Khánh Sơn, nó hãy cứ thật gần, thậm chí hiện hữu, một cách thật cụ thể, ví như cuốn sổ nợ ngân hàng giờ hãy còn nằm im trong ngăn tủ kia. Những tưởng chẳng mấy chốc cả Khánh Sơn sẽ giàu sụ lên nhờ cây cà-phê, cây hồ tiêu. Nhưng, nghiệt ngã thay, các loại cây trồng này không đạt yêu cầu, làm tiêu tan bao giấc mộng đổi đời của người dân nơi này. Nhiều người lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác nhớ lại: Những năm đầu thập niên 1990, huyện Khánh Sơn cứ trăn trở mãi với câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực. Tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mua hơn một nghìn cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống Moong Thoong (Thái Lan) mang về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục tiêu đưa cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện.

Hợp với chất đất, khí hậu, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho trái rất lớn, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt tới bảy, tám ký. Không chỉ trái nhiều, trái lớn mà sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng chuyên canh trên cả nước, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ bốn đến năm tháng. Khi sầu riêng Nam bộ, Tây nguyên hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín. Đặc điểm này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường trong nước. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.000 ha sầu riêng, sản lượng hằng năm có khoảng hơn 5.000 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, đã được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền Sầu riêng Khánh Sơn từ năm 2011. Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận cho biết, ngay khi được công nhận, để bảo vệ thương hiệu Sầu riêng Khánh Sơn, lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn cũng như những hộ sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn bắt tay xây dựng các nhóm giải pháp để ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đầu vào; hướng dẫn bà con nông dân cách thức chăm sóc sầu riêng; tổ chức quy hoạch, sắp xếp những vùng đất thật phù hợp để trồng sầu riêng đạt năng suất, chất lượng cao, không trồng tràn lan. Khánh Sơn đang có hướng tổ chức cho các nhà làm vườn liên kết với nhau, thành lập hội những người trồng sầu riêng Khánh Sơn nhằm xây dựng những quy tắc nhất định trong việc phát triển thương hiệu; đồng thời, nghiên cứu hướng mở rộng xuất khẩu cho sản phẩm. Hiện nay, sầu riêng Khánh Sơn đang được ưa chuộng trên thị trường; và trở thành đặc sản của vùng đất này.

Tại lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất được tổ chức hồi tháng 8/2019, nhiều du khách vượt cả chặng đường dài hàng trăm cây số, qua nhiều đèo dốc để đến tận vườn thưởng thức sầu riêng Khánh Sơn. Với những người sành thưởng thức, sầu riêng ngon thượng hạng phải là trái chín cây, tự rụng. Trong khuôn viên lễ hội, hàng nghìn du khách và người dân chen chân ngắm nghía, nhiều người mổ sầu riêng, dùng thử ngay tại quầy. Bà Lê Thị Nghi, đến từ huyện Cam Lâm, Khánh Hòa chỉ vào cốp xe đầy nhóc sầu riêng, và khoe: - Xe nhà mới chở được như vậy đó. Tài xế nhiều người sợ chở sầu riêng lắm, vì cả tháng sau xe vẫn chưa hết mùi!

Xa xôi vậy, mà chỉ trong mấy ngày diễn ra lễ hội, huyện Khánh Sơn đã bán hơn 40 tấn sầu riêng.

Lần này, trở lại Khánh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bo Bo Khá, người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp. Trước đây, cả nhà anh Khá đi làm thuê, đầu tắt mặt tối mà không đủ gạo nấu. Làm thuê cho những nhà vườn trồng sầu riêng, anh để ý cách thức chăm sóc cây rồi mạnh dạn vay vốn trồng thử 40 cây sầu riêng. Ban ngày làm thuê, tối về vợ chồng gánh nước tưới. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn sầu riêng của anh phát triển rất tốt. Đến nay, anh Khá đã có hơn 1,5 ha đất trồng sầu riêng. Chỉ tính riêng vụ năm 2020, anh Khá thu hoạch khoảng 20 tấn sầu riêng, trừ chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng. Anh bảo không mở rộng thêm diện tích sầu riêng nữa mà đang cùng bà con liên kết thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm. Quả thực, câu chuyện của anh Khá làm chúng tôi bất ngờ bởi tư duy tiến bộ của anh. Trước đây không lâu, gia đình anh vẫn còn lên rừng phát, đốt, chọc, tỉa; nay đã biết làm cái khoa học, tham gia giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm của mình. Và, càng bất ngờ hơn khi được hỏi có nhiều tiền sao không xây nhà mới ở cho đã, anh bảo:

- Tập trung cho hai đứa nhỏ học đại học đã, nhà cửa tính sau!

Đường lên Khánh Sơn có nhiều khúc cua cánh chỏ giống hệt đèo Sông Pha lên Đà Lạt. Nhưng không phải chỉ vì vậy mà nhiều người gọi Khánh Sơn là Đà Lạt của Khánh Hòa. Với độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, Khánh Sơn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Trên đường đi, qua những đồi thông nhấp nhô xanh mướt, tôi cứ suy nghĩ mãi hai điều. Liệu Khánh Sơn có thể trồng được những loại hoa, rau quả cao cấp như ở Đà Lạt không? Khánh Sơn có khu vực núi Tà Giang đẹp tựa thảo nguyên, nguyên sơ, hoang dã, du khách có thể cắm trại qua đêm; có nhiều thác, nhiều thắng cảnh. Với điều kiện tự nhiên đặc biệt của mình, Khánh Sơn có thể phát triển du lịch được không, theo hướng kết hợp du lịch núi ở đây với du lịch biển ở Cam Ranh, Nha Trang? Nếu sớm định hướng làm du lịch, ngay từ bây giờ, Khánh Sơn đã có nhiều việc phải làm, như quy hoạch phát triển theo định hướng làm du lịch; xây dựng chiến lược đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực… Quả thật, Khánh Sơn còn rất nhiều việc phải làm.

Ai đó đã trìu mến gọi Khánh Sơn là miền trái ngọt. Sầu riêng, chôm chôm, mía tím… vấn vương thơm ngọt. Và cả lòng người hiền hậu, thơm thảo. Hương vị ngọt lành Khánh Sơn cứ khiến hồn người lưu luyến mãi.

Đang mùa dịch bệnh Covid-19, Khánh Sơn vắng vẻ lạ thường. Núi rừng tịch mịch. Có tiếng con chim bắt cô trói cột cứ mải miết đâu đó bên vạt rừng, nghe xao xuyến lạ. Trên triền đồi, xa xa, những vạt sầu riêng cứ ngời xanh trong nắng sớm hãy còn lãng đãng sương.

Tô Hạp - Nha Trang, tháng 4-2021

Nguồn Văn nghệ số 25/2021


Có thể bạn quan tâm