March 29, 2024, 12:47 pm

Tết, nhớ nội…

Đón Tết Kỷ Dậu 1969, cơ quan phân phân tôi đi công tác Hội An và Duy Xuyên. Địch đang càn lên Xuyên Trà, Xuyên Hiệp, có xe bọc thép. Mỹ trên Nổng Đế, vậy là, giao liên đưa đi sát chân Hòn Cóc, vào núi, qua Đèo Cây Trao, vượt đường số 1, đoạn ngoài Mộc Bài, qua cát Phú Phong, qua sông Trường Giang, rồi mới vòng lên Xuyên Tân… 

Bấy giờ, hai xã Xuyên Thọ và Bình Dương là địa bàn đứng chân, còn gọi là “phía sau” của Thị xã Hội An. Do vậy, nói đi công tác Hội An, tôi theo C1 - bộ đội Hội An, vào thôn Hai Cẩm Thanh, ban ngày rúc rừng dừa Bảy Mẫu, nói chuyện với bộ đội, chịu muỗi đốt vài hôm rồi ra ở với Ban Tuyên huấn Hội An, đóng trong nhà ông Ân, ở thôn Năm xã Xuyên Thọ (Duy Nghĩa), sát với thôn Bảy (cũng là thôn1 xã Bình Dương). Đang ở với Phòng Tuyên huấn Thị xã Hội An, bấy giờ anh Đinh Phú Tùng làm Trưởng Phòng, thì anh Đoàn Xoa và anh Triều Phương ghé lại. Theo gợi ý của Triều Phương, tôi và anh Đoàn Xoa nhất trí về với Tuyên huấn Duy Xuyên để đón Tết. Nhất trí cao vì cả ba đều là con em Duy Xuyên: Đoàn Xoa người Trung Lương, Trần Mậu Tý, tức Triều Phương, người làng Duy Ninh, tôi dân Mã Châu…

Về Ban Tuyên huấn Duy Xuyên lúc mọi người đang bận rộn làm tạp chí Văn nghệ Xuân, là dịp, các anh Chu Cẩm Phong, Trần Mậu Tý, chị Xuân Quý… được mời tham gia bài cho Tạp chí Xuân Duy Xuyên. Theo yêu cầu của tôi, anh Quang, Trưởng Phòng, gửi tôi cho Đội du kích Xuyên Châu. Vậy là, chiều hôm đó, sau khi ăn một bữa cháo cá Đối cồi, con cá to hơn bắp tay, bắt trên sông Bà Rắn, tôi chia tay các anh Tuyên huấn, chừng hơn 5 giờ theo Đội Loa, tức Đội Tuyên truyền Binh địch vận, do chị Nguyễn Thị Một làm Đội Trưởng, kiêm đọc lời kêu gọi và hát, anh Ngô Đình Kiệu, làm đội viên, mang loa, kiêm ngâm thơ. Lên đến cuối thôn Một thì trời tối, vượt qua đường số 1, đoạn cách đầu cầu Bà Rắn có đồn lính Bảo an, chừng 500 mét, thì bàn giao tôi cho du kích Xuyên Châu, đóng ở làng Tân Tây, liên cư, liện địa với đất Núi Đất, Quế Phong, với Xuyên Trà...

Làng Tân Tây có ông Lê Thảo, là một gia đình cơ sở, cha con ông là những chiến sĩ giao liên khôn ngoan, gan dạ. Sau hoà bình năm 1954, ông Lê Thảo làm một cái chòi giữa bãi cát Sa Cà, bước mấy bước đến sông để đưa đò, thả lưới. Cái chòi của ông là nơi đêm đêm cán bộ ghé về, ông Trần Cát (Trần Thận) khi làm Huyện đội trưởng rồi Phó Bí thư Huyện ủy, trong những đêm tối trời đã vài lần dừng chân ở trong chòi nương thân tránh địch cùng cha con ông Lê Thảo…

Tối Ba mươi Tết, tôi theo Tiểu đội du kích xuống đò, qua Duy Ninh, băng qua cánh đồng Mỹ Long, lên Mã Châu, gần sát quận lỵ Duy Xuyên. Khi anh em nói đến làng dệt Mã Châu rồi, tôi bồi hồi, ứa nước mắt, nhớ những ngày bên bà Nội. Nhớ lần cuối cùng chia tay bà Nội, tháng 11/1965, lúc bà Nội đã ngoài tám mươi, mắt bà Nội nhìn mờ mờ. Bà Nội ôm tôi, đưa hai tay rờ mặt tôi, nắm hai bàn tay tôi, thoa thoa cái lưng tôi, nói: Sao con ốm giơ xương ri…

Tôi bịn rịn một lúc rồi chào bà Nội, thì bà Nội hỏi: Con đi bao lâu về? Hai tay tôi nắm cứng bàn tay gầy gò của bà Nội, nhìn Nội:

 - Ba năm con về!

 Bà Nội ngầy: Răng lâu rứa!

Tôi biết mình lỡ lời, vội nói: Con giỡn đó bà Nội, chỉ hơn tuần, vài tuần là con về… Con về ăn Tết với bà Nội mà…

Và y như lời buộc miệng, làm cho bà Nội buồn, giữa tháng mười hai năm đó, tôi bị địch bắt bỏ tù. Tết Ât Tỵ 1965, bà Nội trông không thấy tôi về, hỏi hoài, mấy anh em ở nhà phải nói dối để bà Nội bớt lo, mấy em tôi còn viết thư, nói tôi gửi về, đọc cho bà Nội nghe. Nhưng chỉ được thời gian đầu, rồi, sang mùa Thu năm 1966, bắt đầu có mưa, tháng mà khi ở nhà tôi thường nghe bà Nội nói: Ai, buôn đâu, bán đâu, mồng Mười tháng Tám giắt trâu mà về… Trải bốn cái Tết trong tù tôi mới thoát ra khỏi nhà lao…

Trong lúc du kích bám đường, trời sáng như có trăng vì luôn có những chùm pháo sáng vút lên bầu trời quận lỵ, soi sáng xung quanh làng Mã Châu quê Nội chìm trong tre, cau, mít và bóng đêm có kẻ rập rình… Đêm đó, anh em du kích được bà con cho ăn cúng đón Giao thừa, còn cho mang về nào bánh tét, bánh tổ, bánh ít lá gai, bánh in bột đậu xanh, bột nếp, loại bánh ngày xưa bà Nội tôi làm cho con cháu ăn mỗi dịp Tết về.

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương Đưa ác liệt vào tận giường ngủ của kẻ thù. Giao cho Huyện ủy Duy Xuyên, Ban Dân vận Mặt trận và Ban Đấu tranh chính trị Quảng Đà, xây dựng vùng đất – sông nước hai bên đầu cầu Bà Rắn làm một số “bàn đạp” để vào thành phố Đà Nẵng. Từ đó, nhiều gia đình trở thành chỗ dựa, thành cơ sở của Cách mạng.

 Ở làng Tân Tây có nhà ông bà Ký, có người con trai đi bộ đội rồi tập kết ra miền Bắc, có nhà ông Bông, nơi Trần Cát và Lê Bản Trịnh, thường hay lui tới. Đặc biệt có hai vợ chồng ông bà Cần. Ông là Đặng Mậu Cần, có cô con gái đầu tên là Tú, đi tập kết ra Bắc. Chỉ hai vợ chồng già mà ông bà Cần làm cái hầm chống phi pháo khá kiên cố, trên miệng hầm là cái nhà tranh nhỏ. Ban ngày ở trong nhà, ban đêm thì ngủ dưới hầm. Anh em cán bộ về Tân Tây thường dựa vào nhà bà Cần, ăn, ở, nấu nướng, nhờ bà xuống chợ Bà Rắn mua mắm, mua cá. Quanh nhà bà Cần ra tới bờ tre gần sông Bà Rắn, có nhiều hầm bí mật.

Thời ác liệt nhất, Tân Tây chỉ còn gia đình hai ông bà Cần và một số dân bất hợp pháp ở với cán bộ, du kích. Ông bà Cần ở cho du kích vui, không chịu vào khu dồn. Một hôm, tay đồn trưởng đồn Bà Rắn đưa quân lên, bảo hai ông bà đi xuống khu dồn, ông bà nói già cả rồi, gần đất xa trời, bám cái vườn trồng tỉa sinh sống qua ngày, chết thì dân chôn ở đây, chứ không đi mô hết. Thế là, viên đồn trưởng đẩy hai ông bà Cần xuống hầm, ném vào hầm hai quả lựu đạn rồi châm lửa đốt nhà! Hai ông bà cháy cùng nhà, cùng hầm, bên đình làng Tân Tây. Đình Tân Tây nhiều lần bị bom, pháo Mỹ, ngói đổ tường thủng loang lổ, song cán bộ, bộ đội lên xuống qua đây vẫn ghé vào núp mưa, núp nắng, nơi du, bộ đội tạm cứu chữa thương binh.

Ở Duy Ninh có gia đình bà Lựu là nhà cơ sở, bà có hai người con trai là Hai Lựu và Sáu Liêm và bốn cô con gái là Rìu, Rựa, Dao, Căt. Đã ba gái rồi tưởng dứt, nhưng không cưỡng được, lại lòi ra thêm một caí bẽm nữa nên đặt tên Cắt, là cô con gái út. Bà Lựu không biết chữ nhưng bất cộng tác với chính quyền Diệm, không làm căn cước, không chịu chụp ảnh và không biết sợ bọn mật vụ, liên gia, ấp trưởng.

Ở Phước Mỹ có gia đình ông bà Biên, ông bà Nhung, ông bà Vĩnh, ông bà Liên. Hai ông bà Nguyễn Liên sinh gần một tiểu đội cho cách mạng: Liên, Tu, Mi, Tỷ, Nam, Lạc, Hồng. Trên nhà bà Biên, là nhà của ông Nguyễn Thời, là nơi lui tới của Trần Cát, Lê Bàn Trịnh, là nơi ông Hồ Nghinh, Phạm Hồng Quang, từng tiếp xúc làm việc với cơ sở của Đà Nẵng.

Từ sau cái Tết của một năm vô cùng ác liệt ấy, năm mà cựu Chủ tịch Phạm Đức Nam nói là “năm thi”, chúng tôi may mắn “đậu”, có dịp bám vào làng, gặp dân, được dân cho ăn tết là quá vui, có bánh, có thịt, rồi lần lượt chia tay không bao giờ gặp lại những người đồng chí đồng nghiệp thân yêu, đã “rớt” dần

 Ngày 8/3/1969, nhà văn Xuân Qúy, từ Hà Nội, vào Khu 5, được đi đồng bằng lần đầu, đi cùng Chu Cẩm Phong, dừng lại lấy tài liệu ở Phòng Tuyên huấn Duy Xuyên thì bị lính Nam Hàn càn, chị hy sinh, khi vừa trèo lên khỏi miệng cái công sự mật. Tháng 2 năm 1970, anh Đoàn Xoa bị pháo Mỹ, khi treo lên Đèo Le, qua Sơn Khánh, may có bác sỹ Cao Hữu Chuyên và Bệnh xá Duy Xuyên nhận được thư hỏa tốc của Bí thư Hồ Nghinh, liền băng rừng, lội suối đến mổ cấp cứu kịp thời, không thì anh Đoàn Xoa cũng bị “rớt”.

Tháng Ba năm 1970, anh Triều Phương, về chợ Bà ăn tết, không thăm được vợ bị tù, lên bị càn, xoi đường đi, bị địch phục, hy sinh ở thôn Ba Xuyên Tân. Ngày 1 tháng 5 năm 1971, anh Chu Cẩm Phong và các chiến sỹ của Duy Xuyên ở cùng anh trong công sự bị địch phát hiện, chiến đấu hy sinh, hy sinh ở thôn Vinh Cường xã Xuyên Phú. Khuya 21 rạng sáng ngày 22 tháng 5 năm 1972, anh Hoàng Kim Tùng, người Quảng Trị, Bí thư chi bộ Báo Quảng Đà, bị bom B52, hy sinh, cùng 10 cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Quảng Đà, trong hang đá của Ban Tuyên huấn Quảng Đà, đóng trên núi Mặt Rạng, Hòn Tàu…

 Ngày ấy, về Duy Xuyên, tìm hiểu con đường 104, để viết về những chiến công của du kích, bộ đội, những gia đình bám trụ kiên cường… Sau ngày hòa bình, hàng năm, xuân về, tết đến, có dịp, tôi lại về Duy Xuyên, cũng đi qua con đường 104, nhiều kỷ niệm. Từ ngày, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, con đường 104 được nâng cấp, trở thành con đường du lịch, đường du xuân, xe qua Phường Rạnh, thông với Trung Phước, Nông Sơn, Quế Sơn… theo thuyên trên sông Thu Bồn, thăm làng cây trái Đại Bường, ngắm cảnh Tý, Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm, Đá Dừng... Đường 104 không bị lụt nhấn chìm như trước đây. Dọc hai bên đường là những công trình xây mới, khang trang. Mỗi khi qua đây, là dịp, ghé vào làng Mã Châu, thắp hương cho ông, bà, ba, mạ tôi, vào thắp hương Nghĩa trang Liệt sỹ Duy Xuyên… Đặc biệt, từ ngày tỉnh Quảng Nam và Duy Xuyên làm con đường vào căn cứ Hòn Tàu và dựng Bia tưởng niệm các Anh hùng, chiến sỹ đã hy sinh… thì nơi đây trở thành địa chỉ đỏ thu hút du khách trở lại chiến trường xưa, du lịch về Nguồn… 

Mỗi khi có dịp về thăm quê, thăm bà con bám trụ và các chiến sỹ du kích ngày xưa, người mất, người già yếu, nhớ vô cùng. Tôi đã viết hàng trăm trang, về đất và người Duy Xuyên Anh hùng, trong chiến tranh. Và khi xây dựng mới trong hòa bình, viết về hợp tác xã nổi tiếng Duy Sơn 2, Duy Phước, về thủy điện nhỏ Duy Sơn và Anh hùng Lưu Ban, về hợp tác xã mua bán Duy Hòa, Anh hùng, với chị Chủ nhiệm Hai Phiên… Vẫn thấy mình còn nặng nợ với quê nhà!

 Vừa rồi, nhân dịp giỗ bà Nội, tôi về Mã Châu, Cấm Nhọn, thắp hương ông bà, thì cơn bão số 5 đe dọa, may chỉ mưa to. Rồi cơn áp thấp đến, mưa khá to, rồi bảo số 6, bão số 7, rồi số 8, số 9, số 10, lũ chồng lũ… Trong mưa mù, đường vào làng ngập, bỗng nhớ về những ngày gian khổ hôm qua, nhớ đồng đội, bồi hồi về một mùa xuân, đã 52 năm, vẫn chưa quên. Tôi viết về một kỷ niệm, như là một nén hương thơm, là bông hoa đẹp, cho ông bà Nội, Ba, Mạ tôi và những người đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, nằm lại trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng anh hùng, quê Nội thân yêu của tôi!

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm