March 29, 2024, 9:54 pm

Tết của mẹ

 

 Chiều nay, một ngày cuối của năm, Vi lau lại ban thờ, đang bày mâm ngũ quả, thì Huy từ ngoài hiên bước vào, nét mặt rạng rỡ, anh vui vẻ nói: "Năm nào em xông đất, nhà mình mọi thứ đều thuận lợi, vợ chồng con cái khoẻ mạnh. Em dọn dẹp xong, rồi làm cơm cúng tất niên. Tối đi hái lộc, rồi về xông đất kẻo muộn! - Họ nhìn nhau cười, nét mặt rạng ngời hạnh phúc.

   Cúng Tất niên xong thì trời đã xế chiều. Vi rà soát lại xem đã chuẩn bị đủ mọi thứ cần thiết cho mấy ngày Tết chưa, rồi ngắm lại cách bài chí phòng khách, thấy mọi thứ đã ổn, cô mới đi tắm. Một lúc sau, Vi từ phòng tắm đi ra, trong chiếc áo dạ màu đỏ tươi. Chiếc áo mà hồi mẹ Vi còn sống, lần ấy hai mẹ con đi chợ sắm Tết, mẹ đã rất thích ngay sau khi Vi mặc thử, mẹ bảo: "Đầu năm mới con phải mặc áo có màu đỏ để cả năm được may mắn". Bây giờ mẹ không còn nữa, Vi vẫn giữ chiếc áo này, mặc trong ngày Tết. Mẹ còn dặn Vi, nhờ người xông đất đầu năm là phải xem tuổi cẩn thận xem họ có hợp với tuổi của mình không. Nhưng đã mấy chục năm, kể từ ngày hai vợ chồng lấy nhau, Tết nào Huy cũng để vợ tự xông đất đầu năm nhà mình. Sự ủy thác này của chồng, Vi xem như được Huy gửi gấm niềm tin tưởng, yêu thương, cô vui lắm.

Vi bày bánh kẹo hoa quả lên bàn, Huy cũng lăng xăng làm theo. Mọi việc đã đâu vào đấy, Vi nhìn đồng hồ, chỉ còn ít phút nữa là đến giao thừa. Vi bước ra ngoài.  Huy nhìn theo vợ cho đến khi bóng Vi đã hòa vào dòng người tấp nập kéo về trung tâm huyện.  Ở đó người ta đang chuẩn bị bắn pháo hoa. Tiếng cười, tiếng nói râm ran. Vi lách qua đám đông, cô đi vào sân, lòng chộn rộn với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của năm cũ. Cô ngước nhìn bầu trời, một khoảng không bao la, thăm thẳm. Thời khắc giao thừa đã đến! Một cơn gió thổi ngang qua mặt cô, làn tóc mai lòa xòa trên mặt Vi. Cô chắp hai tay lại hướng lên bầu trời… rồi Vi rảo bước về nhà, lòng ngập tràn trong niềm vui.

Bỗng Vi thấy trước mặt mình dáng một người tay chống gậy, tay ôm trước bụng túi đồ đang chuyệnh choạng. "Ai thế nhỉ, vào giờ này…". Gần giáp nhau bỗng người kia ngã khuỵ xuống, Vi vội vàng chạy tới đỡ, thì ra đó là một bà già, toàn thân lạnh toát, mặt mày hốc hác, lả đi trên tay Vi, cô hốt hoảng kêu lên, rồi vội vàng dìu bà lão về nhà mình. Vừa bước vào sân cô đã gọi: "Anh ơi! Có cụ già đi đường bị cảm...". Nghe tiếng Vi, Huy hớt hải chạy ra, anh giơ hai tay ra, rồi bảo vợ: "Em đưa bà cụ đây anh bế đỡ cho". "Anh mau vào nhà pha hộ em một cốc trà gừng". Vi giục chồng, rồi nhanh chóng bế bà lão đặt lên giường, cô đắp chăn ủ ấm cho bà. Đỡ cốc trà gừng từ tay chồng, Vi vừa nhẹ nhàng nâng đầu bà lão lên. Bà từ từ mở mắt, nhìn Vi rồi lại nhìn Huy, một chút ngơ ngác, bối rối, bà vội vàng chống tay xuống giường cố nhỏm dậy. Nhưng toàn thân bà trĩu nặng, như dán xuống giường, bà khẽ nói: "Cảm ơn vợ chồng cháu. Đầu năm mà bác đã làm phiền các cháu thế này… ngại quá". Huy vội vàng an ủi: "Vợ chồng cháu năm mới đã có việc để làm phúc thế này là may mắn lắm đấy bác ạ". "May cho bác gặp được vợ chồng cháu. Bác cũng đỡ rồi, bác xin các cháu cho bác lại nhà".  Bà nói với Vi là, bà bán nước trà trên phố, trên đường về nhà không may bị cảm.

*

Bà tên là Mận, quê ở thôn Thanh Bình, xã Thanh Tân, huyện Thanh Phú. Chồng bà là ông Quế, người cùng xóm. Chuẩn bị lên đường nhập ngũ, khoảng một tuần, thì ông bà cưới nhau. Bà Mận ở nhà trông nom bố mẹ chồng. Chín tháng mười ngày sau, bà Mận sinh cậu con trai đầu lòng đặt tên là Phong. Cho đến hai năm sau, trước ngày vào Nam, ông Quế mới lại được về nhà thăm vợ con lần nữa. Thời gian ngắn ngủi, ông Quế chỉ kịp sửa lại cái cánh cửa, rọi lại cái mái gianh… Mấy ngày nghỉ, vèo một cái đã hết. Chiều hôm ấy, nghe tiếng còi tàu hú lên ngoài ga, ông Quế khoác vội cái ba lô, mẹ ông níu lấy con trai nước mắt chảy dài. Hồi còi thứ hai giục giã, bà Mận cuống cuồng chở ông Quế ra ga. Mẹ ông đứng nhìn theo đến khi khuất bóng con thì ngồi thụp xuống ôm mặt khóc.

Hôm ấy, khi đoàn tàu lẫn vào màn đêm, bà Mận mới quay về nhà. Lần về này ông để lại trong bà giọt máu của mình. Rồi bà sinh thêm đứa con gái thứ hai, đặt tên là Lan. Hôm sinh con gái, bà Mận mừng ứa nước mắt, ngày đêm ngóng đợi… nhưng ông Quế đã không về nữa. Bà Mận một mình lận đận trông nom bố mẹ già, nuôi hai con ăn học. Bố mẹ chồng bà, phần vì thương tiếc đứa con trai độc nhất của mình, phần vì tuổi cao sức yếu, rồi cũng lần lượt qua đời. Bà Mận một tay lo liệu công việc cho bố mẹ chồng mồ yên mả đẹp, nuôi dạy hai con trưởng thành ngoan ngoãn và học rất giỏi. Phong, con trai của bà đang là sinh viên năm thứ tư của trường đại học Kiến Trúc, thì anh xung phong lên đường nhập ngũ. Mấy năm sau,  Lan, cô con gái rượu mà bà thương yêu nhất, cũng đang là sinh viên đại học y Hà Nội, chuẩn bị tốt nghiệp, noi gương bố và anh trai, cũng tình nguyện ra trận. Bà Mận tiễn các con lên đường rồi ngày ngày, dõi theo các con mình, qua đài, báo biết tin bộ đội ta thắng trận tưng bừng khắp nơi bà vui lắm. Nhất là khi nghe tin đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất. Niềm vui vỡ òa, bà khóc như một đứa trẻ.

Chuẩn bị đón các con từ chiến trường trở về, bà Mận hăm hở, có ít tiền dành dụm được, bà đem ra mua một chiếc giường mới thay cho chiếc chõng tre ọp ẹp. Cái chõng mà ngày xưa cậu Phong con trai bà, mỗi khi nằm chân thò cả ra ngoài. Bà còn nhắm sẵn cho con trai, cô Đào người ở cùng xóm kém Phong năm tuổi.  Cô bé con ông giáo Tính, dạy Phong hồi cấp một, từ nhỏ cậu đã là học trò ngoan, nên khi nghe bà Mận ướm hỏi ông bà Tính rất vui. Còn quà mừng con gái, bà đã mua chiếc gương to treo tường. Vì trước ngày nhập ngũ mấy hôm, bà đã lén nhìn thấy con gái trải đầu, cặp tóc, rồi nghiêng người ngắm mình trong vại nước.

Trong thôn ngoài xã lác đác trong xóm đã có người từ mặt trận trở về. Nhưng cũng có một vài gia đình nhận được tin người thân đã hy sinh. Làng xóm, kéo nhau đến chia vui với gia đình có người thân từ mặt trận trở về, rồi lại kéo nhau đến an ủi, động viên gia đình có người thân bị hy sinh. Niềm vui nỗi buồn đan xen, khó tả. Bà Mận, lòng như có ai đốt lửa. Bà ra ngoài hiên, mắt xa xăm nhìn về cuối trời, một lúc bà lại quay vào nhà, đến bên ban thờ, thắp nhang, miệng lầm rầm khấn chồng, mong ông phù hộ cho bà và các con bình an. Dạo này bà thấy cái lưng nhâm nhẩm đau, bắp chân rấm rứt, hai đầu gối cũng vậy. Bấy lâu nay bà cố gắng làm việc quên mệt mỏi… mà hôm nay sao bà thấy rã rời, người như hụt hơi. Chẳng khác gì vận động viên, khi đã chạy đến đích. Bà hít một hơi rất sâu, rồi lại thở dài.

Bà vớ cái nón, tất tả đi lên xã, không ai trả lời được những câu bà hỏi: "Con tôi bao giờ về". Bà lại lên huyện, vẫn hỏi câu ấy. Mọi người nhìn bà với ánh mắt thông cảm. Không ai trả lời được câu hỏi của bà Mận! Sáng đi chiều lại lủi thủi về không một mình. Hình như bà không thể ngồi yên một chỗ. Rồi cái ngày không ai mong đợi cũng đến, bà nhận được tin hai con là hai tờ giấy báo tử! Như sét đánh ngang tai bà chết lặng, nỗi đau như đông cứng lại trong tim, trong cổ họng, bà nghẹn ngào, nấc lên từng tiếng đứt quãng:  "Các con ơi!... Sao... sao không về các con ơi... sao nỡ bỏ lại mẹ một mình thế này! Phong ơi...  Lan ơi...".

Sau đó là những ngày nhớ các con da diết. Nhất là Lan. Hình như các bà mẹ thường thương con gái hơn con trai thì phải? Chả thế mà ngày hai anh em còn đang ở trong quân ngũ, mỗi khi nhắc tới con gái, bà lại thở dài, phàn nàn. "Tội nghiệp con bé, người gầy gò, ốm yếu không được như thằng anh. Con trai xốc vác, chinh chiến đã đành, đằng này. Thân gái dặm trường, rồi không biết sẽ ra sao". Và có lẽ vì vậy, mà hai tháng sau, bà đã rời quê, lên thành phố ngồi ở cổng trường Đại học Y, nơi  mà Lan, con gái bà đã từng học để bán nước trà. Quán nước của bà đã trở thành nơi cho các cháu sinh viên sau mỗi giờ học căng thẳng. Cũng là chỗ dừng chân giữa chốn thành thị bon chen, chật chội của nhiều người dân nông thôn lên đây buôn bán, làm thuê kiếm kế sinh nhai.  Nhiều cháu học sinh nghèo đến quán bà uống nước bà không lấy tiền. Bà bảo giành tiền ấy để thêm vào mua sách, khi nào rảnh cứ ra quán bà cho vui. Với bà Mận, bán nước là để cho vui, và cũng mang niềm vui đến cho mọi người. Chứ tiền trợ cấp của nhà nước cũng giúp bà đủ chi tiêu hàng ngày rồi. Bà còn bảo ngồi ở đây, hàng ngày các cháu sinh viên qua lại. Bà như nhìn thấy con mình. Chứ ở nhà một mình không làm gì cũng chán...

*

Đêm hôm ấy, Vi thấp thỏm, thỉnh thoảng lại choàng dậy, nhẹ nhàng sửa chăn, lèn màn cẩn thận. Cô nhìn bà ngủ, khuôn mặt bình thản, phúc hậu, làm cho cô nhớ tới mẹ mình. Cũng chiếc giường này, ngày còn mẹ, Vi hay vùi đầu vào lòng mẹ nũng nịu, nghe mẹ kể chuyện về những kỷ niệm thời con gái. Với mẹ, Vi có rất nhiều kỷ niệm, nhất  là những ngày Tết. Muốn con gái mình gặp may mắn, khoẻ mạnh, làm ăn suôn sẻ,  bà dặn dò rất cẩn thận, lo lắng từng li, từng tí cho Vi.  Vi có cảm tưởng như Tết của mẹ, là nỗi khắc khoải, mong mỏi cho con cái mình năm tới được may mắn, khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Tiếng bà lão ho, làm Vi giật mình choàng tỉnh, cô vội vàng quàng một tay ngang người bà lão rồi bảo: "Bà ơi! Bà hãng ngủ một lát nữa cho đỡ mệt". Bà lão ôn tồn nói: "Bác quen dậy sớm đun nước rồi, mà cũng không còn sớm nữa đâu, trời sáng rồi kìa". Nói rồi, bà nhỏm dậy, nhìn ra ngoài, Vi cũng nhìn theo. Qua tấm kính. Trời mờ mờ chưa rõ, thị trấn yên ả, vắng lặng. "Mẹ con em dậy cả rồi à". Tiếng Huy dưới nhà vọng lên: "Mâm cơm cúng anh sắp thắp hương rồi đấy. Em bưng xuống để cả nhà dùng bữa nhé". Ăn cơm xong ngồi uống nước, bà lão rút trong túi ra mấy đồng tiền mừng tuổi cho vợ chồng Vi, Vi cũng mừng tuổi cho bà, căn nhà đầy ắp niềm vui. Rồi bà nhìn Huy, nở nụ cười buồn, ôn tồn nói: "Bác ăn cơm no, uống  rượu rồi, bây giờ bác xin phép vợ chồng cháu cho bác về". Huy vồn vã mời: "Bà cứ ở đây ăn Tết với vợ chồng cháu, rồi cháu sẽ đưa bà về tận nhà". "Thôi, có mấy ngày Tết các cháu còn phải đi lễ tết bố mẹ, cô dì chú bác, rồi còn đi thăm bạn bè... Vợ chồng thư thả, lúc nào rảnh đến nhà bác chơi. Bác tên là Mận, nhà ở cạnh con đê, qua bên kia là sông Hồng...

Dừng lại giây lát, bà thở dài, giọng buồn buồn, rồi nói tiếp: "Mỗi khi Tết đến bác lại nhớ em Lan, con gái bác vô cùng. Hôm em đi, nó còn ngoái lại dặn bác. Tết này con sẽ về ăn Tết với mẹ. Thế mà nay… Con gái bác tên là Lan? ".  "Ừ, em nó đã hy sinh ngày 11 tháng 2  trước chiến thắng 30 tháng 4 có hơn hai tháng trời". Rồi bà khẽ lắc đầu vẻ mặt buồn buồn, thở dài. Bà Mận chưa dứt lời, Huy sửng sốt, nhắc lại: "Con gái bác tên là Lan, hy sinh ngày 11 tháng 2 năm 1975"? "Ừ, hôm ấy bác làm mâm cơm thắp hương cho em, mời vợ chồng cháu đến ăn với bác lưng cơm, rồi thăm nhà bác luôn một thể". 

Huy vội vàng chạy vào buồng, mở tủ lấy ra một quyển sổ, ở giữa kẹp một tấm ảnh: "Bác ơi! Bác nhìn xem. Bà lão nhìn thấy hình con gái mình, nghẹn ngào xúc động: "Trời ơi! Đúng Lan, con gái bác đây rồi. Ngày em thi đỗ đại học Y, nó chả có bộ quần áo nào ra hồn, bác may cho em bộ quần áo mới, hôm lên nhập trường nó mặc rồi chụp tấm ảnh gửi về... Sao cháu lại có tấm ảnh này". Huy ngập ngừng: "Tấm ảnh này là Lan tặng cháu. Em là bạn... bạn gái cùng đơn vị, hồi cháu còn ở trong quân ngũ".  

*

   Hôm ấy Lan là một trong những người được điều đến tăng cường cho đơn vị Huy. Ngày đầu cô đến nhận nhiệm vụ, cũng là ngày Huy bị lên cơn sốt rét. Cả đơn vị chỉ có một mình Lan là nữ, cô lại là bác sĩ, có nhiệm vụ phải chăm lo sức khỏe cho anh em trong đơn vị. Một tuần liền  Huy bị cơn sốt hành hạ, nhiệt độ cơ thể luôn ở mức 41/42 độ, cơn sốt kéo dài, cơ thể Huy trong tình trạng bị thiếu máu trầm trọng, sức khỏe của anh rất nguy kịch. Tiên lượng vô cùng xấu, cần phải được truyền máu kịp thời. Anh em trong đơn vị xung phong hiến máu cho Huy. Nhưng Huy thuộc nhóm máu o, mà  chỉ có Lan là cùng nhóm máu với anh, thấy dáng Lan mảnh khảnh, thể trạng cũng không được khỏe nhưng trong tình thế cấp bách, đành phải để Lan làm theo ý nguyện của mình. Cứu được Huy qua cơn nguy kịch, anh em trong đơn vị ai cũng mừng. Huy vô cùng cảm kích, xem Lan là ân nhân.

Anh thường xuyên đến thăm sức khỏe Lan, thấy da dẻ cô đã hồng hào trở lại, anh rất mừng, trong lòng cũng đỡ đi phần nào áy náy. Dù chưa nói ra thành lời, nhưng cả Huy và Lan đều cảm nhận được, tín hiệu của mối tình đầu, là nỗi nhớ khi xa, là nỗi hồi hộp khi gặp. Và tâm trạng quyến luyến, bịn rịn lúc chia tay. Rồi một hôm Huy và Lan cùng nhau tham gia một trận chiến đấu. Trận chiến đấu giữa ta và địch lần này vô cùng gay go ác liệt.  Khi ngừng tiếng bom đạn Huy vội vàng đi tìm Lan. Em nằm trên vũng máu lênh láng. Huy nhào tới, cảm giác như có gì đó sụp đổ, Huy thấy quanh mình tất cả chỉ còn lại một màu xám xịt. Anh run lên vì đau đớn. Ôm chặt Lan vào lòng, Huy thấy tim mình như bị xé ra hàng trăm mảnh, anh nghẹn ngào: "Lan ơi! Anh yêu em... em có biết anh đã yêu em ngay từ ngày đầu mới gặp em không? Anh yêu em, yêu em... Em có nghe thấy anh nói không? Lan ơi... Em tỉnh lại đi... Lan ơi!... Lan ơi!... ".

Lan bấu chặt vào vai Huy, miệng thì thào: "Em... yêu anh..." Lan dồn hết sức vào đôi bàn tay bám vào bờ vai Huy rất chặt như sợ mất anh. Chân trái của Huy cũng bị thương đau buốt, máu chảy rất nhiều, nhưng anh vẫn cố lết bế Lan đi. Huy không thể hiểu tại sao mình lại có sức mạnh đến thế. Có thể ôm em trong lòng lết đi không nghỉ khi một chân anh như sắp bị rời ra. Em vẫn thở đều đặn bên tai Huy nhưng ngày một yếu đi. Máu chảy dọc xuống chân Huy đau buốt nhưng chẳng hề gì. Dường như anh quên mất đau đớn, trong đầu chỉ còn nghĩ bằng mọi giá phải mau chóng đưa em đến trạm quân y để người ta có thể cứu em trả lại cho anh. Huy cứ ôm Lan đi như thế, văng vẳng bên tai anh nghe tiếng Lan thì thào: "Em... yêu... anh!  ".

Đầu óc Huy quay cuồng trước những ý nghĩ chẳng lành. Anh vội vàng ngồi xuống ôm Lan vào lòng. Khuôn mặt Lan nhợt nhạt dưới ráng chiều bỗng trở nên hồng hào hơn. Bàn tay Lan cựa quậy tìm đến bàn tay Huy nắm nhẹ. Giọng nghẹn ngào, nức nở: "Xin em đừng bỏ anh... đừng bỏ anh Lan ơi... Ngày chiến thắng sắp tới rồi. Anh sẽ đưa em về quê, chúng mình sẽ làm đám cưới...  Đừng bỏ anh Lan ơi... Xin em đừng bỏ anh, em ơi... Lan ơi... Lan ơi...!".  Lan cố gắng nở nụ cười an ủi Huy, bàn tay cô nắm bàn tay Huy lỏng dần. Hơi thở đều đều ngày một lịm đi, rồi tắt hẳn. Huy thấy đất trời như xụp cả dưới chân, nước mắt anh thành dòng chảy xuống gương mặt Lan. Huy áp khuôn mặt nóng bừng của mình, lên bộ ngực căng tròn, nơi có trái tim nhiệt huyết, bây giờ chỉ còn thoi thóp. Nước mắt Huy làm nhòa đi những vết sạm đen của khói súng trên mặt Lan. Làn da Lan trắng xanh, mịn màng, đôi môi hình trái tim nhợt nhạt khép lại. Hàng mi dậm cong vút, với đôi mắt bồ câu khép hờ. Khuôn mặt em bình thản, hồn nhiên cứ như người đang ngủ. Gương mặt ấy đã khắc tạc vào tim Huy, rồi sau đó cùng anh liên miên trong những trận chiến đấu tiếp theo, cho anh thêm sức mạnh. Và kết thúc là đại thắng mùa xuân năm 1975. Gương mặt ấy lại cùng anh trở về quê trong ngày vui thống nhất. Tiếp tục cùng anh với công việc mới của mình trong công cuộc xây dựng đất nước đổi mới từng ngày...

*

   "Mời anh! Đây là tập tài liệu, có liên quan đến buổi dự thảo hôm nay, anh đọc trước để lát nữa tham luận ạ". Huy giật thót người, ngẩng đầu lên. Anh chột dạ vì giọng nói và khuôn mặt của cô gái giống hệt Lan. Trái tim Huy sau bao ngày tưởng như đã ngủ quên bất chợt rung lên những nhịp đập bất thường. Anh lúng túng, trống ngực đập thình thịch, mắt dán chặt vào gương mặt Vi, làm mặt cô nóng dần, đỏ bừng lên vì xấu hổ: "Đây là tài liệu có liên quan tới buổi dự thảo hôm nay, mời anh xem trước để lát nữa cho ý kiến". Vi nhắc lại, giọng nhấn mạnh hơn một chút. Huy giật mình, chợt nhận ra mình thật vô duyên, vội vàng đỡ tập tài liệu từ tay Vi, miệng lúng túng: "Xin lỗi cô vì... ". Đó là lần đầu tiên Huy gặp Vi. Để khuây khoả nỗi nhớ Lan, anh thường xuyên tìm cách tiếp cận Vi. Họ quen nhau, lâu dần thành thân.

Sau đó Huy ngỏ lời cầu hôn Vi. Anh đã kể cho cô nghe câu chuyện tình của mình với Lan và những gì đang chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Biết Lan là sinh viên trường Y, Vi vô cùng cảm phục. Cho dù trái tim Huy rung động, chỉ vì cô có giọng nói và khuôn mặt giống Lan, cô vẫn quyết định nhận lời cầu hôn của anh. Huy rất cảm động, anh trân trọng tình cảm Vi giành cho mình và càng yêu thương cô nhiều hơn. Sau khi hai người kết hôn, Vi và Huy đã có ý muốn tìm đến thăm gia đình Lan. Nhưng ngày ấy họ chưa kịp tâm sự về chuyện gia đình hai bên, nên Huy cũng chưa biết cụ thể địa chỉ nhà Lan. Trận chiến đấu ấy, đơn vị anh gần như  hy sinh hết, chỉ còn lại anh, bị thương, trở về. Tấm hình Lan tặng anh trước ngày ra trận, chẳng giúp được gì trong việc tìm kiếm. Anh xúc động bảo Vi: "Anh cứ ngỡ như Lan ở thế giới bên kia đã sắp đặt cho anh đến với em. Bây giờ lại đưa mẹ về với vợ chồng mình". Rồi Huy quỳ xuống chân bà Mận nghẹn ngào, Vi cũng vội vàng quỳ xuống cạnh Huy, hai vợ chồng nhìn bà Mận, Vi xúc động nói: "Mẹ ơi! Vợ chồng con muốn được thay chị Lan chăm sóc phụng dưỡng mẹ, trả nghĩa cho chị Lan. Mẹ ở đây với vợ chồng con, mẹ nhé". Bà Mận nhìn Huy, rồi lại nhìn Vi mắt nhoà lệ, gương mặt Vi chập chờn trong đầu bà Mận, như cô chính là Lan, bà nghẹn ngào: "Cảm ơn các con! Vậy là từ Tết này trở đi, mẹ không phải một thân một mình đón giao thừa nữa rồi...".

    Ngoài trời tiếng pháo rộ lên từng hồi dài...

Nguồn Văn nghệ số 52/2019   


Có thể bạn quan tâm