April 26, 2024, 2:48 am

Tất cả đều gần gũi với tôi

 

             Tập thơ gồm 70 bài, 88 trang ấn hành, tháng 4/2019, từ khổ in, trình bày bìa giữ nguyên hình thức như Thơ ngắn Nguyễn Hoa - Tập một, chứng tỏ dụng ý của nhà thơ là sự nối tiếp mạch nguồn cảm hứng trong trình bày, trong cấu trúc và phong cách rất riêng của mình, chỉ khác một chút về màu bìa và nhà thơ lấy tên bài thơ Gần gũi trong tập làm tên phụ cho tập thơ.

Có nhiều nhà thơ viết thơ ngắn nhưng chỉ ở một số bài riêng lẻ, với Nguyễn Hoa, đến thời điểm này ông có những hai tập với 121 bài thơ ngắn, và tiết lộ sẽ in tiếp tập thơ ngắn thứ ba. Có thể nói Thơ ngắn là sở trường, là phong cách của Nguyễn Hoa… Ông từng thổ lộ điều này trong Lời thưa ở tập một: "Đây những bài thơ ngắn/ nhưng tôi tin/ khi con chữ/ tự nguyện/ đứng nhận/ vào số phận/ bài thơ! Chả thế mà cố nhà thơ, nhạc sĩ Nguyến Trọng Tạo đã nhận định: “Hơn 40 năm làm thơ, xuyên suốt thơ anh một giọng thơ rắn rỏi, thủy chung với đường thơ đã chọn, đó là sự hàm xúc kiệm lời...”. Còn cố nhà văn Trịnh Thanh Sơn sinh thời đã phải thốt lên: “Vì kiệm lời nên Nguyễn Hoa có ý thức dụng công tinh lọc chữ”...

Kiệm lời, trọng chữ đến độ cùng kiệt không dễ dàng để gieo từng con chữ vào mỗi bài thơ mà Nguyễn Hoa là người luôn có ý thức lấy tứ thơ làm cốt, lấy cảm xúc làm hồn để có đủ hình ảnh, giai điệu lấp lánh sắc màu cuộc sống, nhưng lại mang tính chiết tự sâu sắc trong thơ. Nếu như ở tập một Thơ ngắn Nguyễn Hoa có bài Muối vẻn vẹn tám chữ, ba khổ: “Em là muối/ Ướp nỗi đau/ Tươi mãi!” thì ở quyển hai có bài Giọt nước cũng chỉ vẻn vẹn tám chữ, ba khổ: “Em - Giọt nước cuối/ Làm tràn/ Cốc yêu” và bài Trẫm chỉ thêm một chữ nhưng lại được cấu trúc thành năm khổ: “Tôi/ Trẫm mình vào em/ Để/ Cá/ Hóa Rồng”. Thơ ngắn không có nghĩa là thiếu chữ, không đủ ý để thể hiện hết mạch nguồn cảm hứng cái hiện thực muốn phản ánh bằng hình tượng thơ…

Nguyễn Hoa quan niệm thơ giống như tính nết của mỗi người nên thơ ông mang cá tính của riêng ông: kiệm lời trong giao tiếp và kiệm chữ trong thơ, bởi "Tôi thích/ Lời thẳng/ đắm lòng/ thơ ngắn" nhưng lại rộng dài, đằm thắm cảm xúc, thâm hậu ý tứ. Mỗi bài là một nỗi niềm chắt chiu được nhà thơ chưng cất thành sự thăng hoa của "Ước muốn tôi bài thơ không lặp lại". Nguyễn Hoa là thế, vẫn thế: Chân tình, giản dị trong cuộc sống nhưng với thơ ông khắt khe với chính mình…

            Nỗi đau không của riêng ai, nhưng nỗi đau của nhà thơ khác với nỗi đau của mọi người. Đó là sự kìm nén tận cùng nỗi đau nhân thế trong khắc khoải sự đời để có thơ thật, thơ hay, mà thơ hay là thơ được viết từ nội tâm những nỗi đau thân phận, thơ không chỉ của riêng mình, cho riêng mình mà dâng hiến cho người, cho đời: "Khi những con chữ/ Mảnh vụ trái tim tôi/ Vỡ.../ Được đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ" (Mặt đất ươm cây). Nỗi đau ấy như cái nợ dai dẳng không thể cất giấu cho đến khi nhà thơ "về nơi cát bụi", vì thế, Nguyến Hoa đặt mình luôn gần gũi chân mộc với tất cả những gì ông gắn bó, gặp gỡ và nhận biết để thơ ông trong sáng thi tứ, bình dị trong sử dụng ngôn từ gần với lối nói thông thường của mọi người được nâng lên thành thơ, có nhiều bài nếu viết liền chỉ là một câu ngắn nhưng ông xếp thành dòng, thành khổ, cô dặc chữ nghĩa, dù chỉ là một hai chữ làm tăng thêm độ neo giữ ý thơ…

            Cái bao trùm trong tập thơ là mối quan hệ "gần gũi" giữa tác giả với vạn vật, từ con người đến thiên nhiên, từ thực thể đến phi vật thể, từ nhỏ bé đến lớn lao, từ cá tính đến phổ biến đều mang tính khái quát cao. Phải là người có trách nhiệm với tỉnh yêu cuộc sống mới đạt đến độ ấy. Các hiện tượng tự nhiên như mùa, gió, mưa, đất, nước, biển...; các mối quan hệ xã hội lớn lao như chiến tranh, giữ gìn biển đảo, ngày diễu binh đến tình mẫu tử, tình anh em, bè bạn, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa...; những suy tư của con người mà tác giả đại diện đều được chuyển tải một cách gần gũi, tri âm, tri kỷ đến ngỡ ngàng vào thơ. Viết về bốn mùa, Nguyễn Hoa không miêu tả cụ thể đặc điểm của mỗi mùa mà ông lựa chọn những chi tiết ngẫu nhiên đặc trưng nhất để gieo thơ. Với Thu: "Chợt mưa/ Chợt nắng/ Cây bên đường/ Lặng đứng/ Nhởn nhơ xanh/ Chợt gió trên/ Mây động/ Lập lờ thu..." (Lập lờ thu); với Hạ: "Bên hè phố cây gầy/ Xòe tí ti bóng mát" (Bên hè): với Đông: "Bơi bời mây trời chuyển/ Hình như đông khi nào/ Mặt hồ loang sương tím" (Đông khi nào); với Xuân, ông dành gần chục bài cho mùa Xuân: "Và mùa xuân/ Vẫn đến/ Như lời hẹn/ Ngan ngát đất trời..." (Như lời hẹn). Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Hoa gắn liền với tình người…

            Về tình yêu, về quan hệ nam nữ, Nguyễn Hoa không ngoại lệ. Ngắn gọn, kiệm chữ, sẻn từ nhưng không cộc lốc, khô cứng mà trái lại luôn có độ dẻo đàn hồi hàm chứa ý nghĩa sâu xa hợp cảnh, hợp tình trong mỗi bài thơ. Chả thế mà Em đã làm cho trái tim nhà thơ rung cảm "đập nát" khi "Gặp mùa mùa em": "Và em/ Vị tình yêu thắm trên môi", "Và em/ Để tôi yêu!" trong "Mịn đêm/ Trăng ngần/ Gió mỡ/ Hương em/ Ngát lạ/ Ngậy trời" (Hương em), bởi em "Mắt sáng/ Môi cười/ Bên anh/ Em lành/ Như/ Lá xanh!" (Lá xanh). Gần gũi, thân thương đến thế là cùng…

Có thể nói thơ Nguyễn Hoa là niềm thơ "Tất cả đều gần gũi với tôi" trong cuộc sống, không pha trộn với bất cứ loại "hóa chất" khác lạ nào để tạo sự cuốn hút. Sống với chính mình, viết thơ bằng cảm xúc thật của lòng mình, vì thế ông luôn trăn trở "làm sao có thơ hay" cứ hiển hiện mỗi ngày trước trang giấy trắng, và rồi "Tôi vẫn cầm bút lên lẩy bẩy thế này/ Và con chữ hồn người hây hẩy hiện/ Vẫn trong veo nhận tận lõi đắng cay!" (Con chữ). Cái "đắng cay" hay "nỗi đau" của Nguyễn Hoa là sự đắng cay, là nỗi đau nên thơ, rất thơ mà bao người mong có được…

Nguồn Văn nghệ số 23/2019

                                                                                   

                                                                                    .

 

 

 


Có thể bạn quan tâm