March 29, 2024, 9:37 pm

Tập trung nguồn lực, nâng chuẩn “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

 

Sáng 29-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Hội thảo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tham dự hội thảo và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS,TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo hội thảo…

Đến dự và chỉ đạo điều hành tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có sự tham gia của gần 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ ở 3 điểm cầu Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu kết luận chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo Quốc gia đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan chức năng, đặc biệt là tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đã được thể hiện sâu sắc và rõ nét qua các tham luận và kết quả thảo luận tại Hội thảo. Đồng thời, thống nhất nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ ba, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên.

Thứ tư, cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Thứ năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được đề cập tại Hội thảo này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan và đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc. Hội thảo Quốc gia có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước cùng nhau trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỷ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

 

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận: Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành. Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành.

Trước đó, phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” và xác định đây là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Do đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó, tập trung vào các nội dung lớn sau: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; Các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt, các đại biểu cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong hai phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa đã trao đổi, nghiên cứu, hướng đến xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung các giá trị cụ thể trong từng hệ giá trị; những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc sử dụng, giữ gìn, phát huy các hệ giá trị nhằm phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, bàn đến “Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”. Đó là một sự thật lịch sử, không thể phủ nhận. Vậy những giá trị cao đẹp, bền vững nào trong quá khứ phải được bảo vệ, phát huy để nó không chỉ là di sản nhằm chiêm ngưỡng mà phải trở thành sức mạnh nội sinh trong phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam đương đại và tương lai.

Hướng sự quan tâm đến vấn đề “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới”, TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định đến diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Mặt khác, việc dành sự ưu tiên khác nhau đối với các giá trị cũng quyết định đến đời sống văn hóa ứng xử và sự phát triển của mỗi gia đình.

Tiếp cận ở góc độ gia đình truyền thống, PGS, TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn nhưng đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể đến những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ. Vì vậy, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn.

Kết thúc phiên thảo luận thứ nhất là phần thảo luận bàn tròn. GS, TS Tạ Ngọc Tấn chủ trì phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu ý kiến về chuẩn mực phụ nữ Việt Nam xã hội mới, xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc; duy trì bữa cơm gia đình…

GS, TS Tạ Ngọc Tấn kết luận, hội thảo đã có 9 báo cáo tập trung vấn đề xây dựng giá trị gia đình con người Việt Nam vào cuộc sống. Đặc biệt, phiên bàn tròn trao đổi cụ thể hóa hơn các chuẩn mực về giá trị gia đình người Việt.

Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành

Các đại biểu cũng đã tập trung làm rõ và đi đến thống nhất nhận định: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết t quả của công nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Hội thảo đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

 

Phiên thảo luận bàn tròn do GS, TS Tạ Ngọc Tấn chủ trì 

 

Cụ thể, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm ( Viện Nghiên cứu Văn hoá), khẳng định, Hệ giá trị không bất biến mà luôn thay đổi song sự thay đổi này không triệt để theo hướng là thay thế, xoá bỏ mà các hệ giá trị có thể song song tồn tại, vừa duy trì các giá trị truyền thống, vừa sáng tạo các giá trị mới, các giá trị mới có thể kế thừa, hội nhập, tích hợp các giá trị truyền thống. Chính vì thế, các hệ giá trị không đồng nhất mà mỗi hệ giá trị có “toạ độ” riêng trong đời sống xã hội, chuyển tải những trường nghĩa của cộng đồng, nhóm, tộc người, quốc gia sản sinh ra và nuôi dưỡng nó. Hiện nay, nhiều hệ giá trị truyền thống đã thay đổi theo hướng thích ứng với bối cảnh mới, nhiều hệ giá trị mới đang được hình thành và vận hành trong xã hội như dân chủ, bình đẳng, hội nhập, khoan dung, cạnh tranh,…mặc dù các hệ giá trị văn hoá mới còn cần thời gian để thấm sâu vào đời sống xã hội song cũng đã đủ để tạo nên cho hệ giá trị những sự thay đổi, thậm chí là phá vỡ các đường biên của thời gian, không gian, sự đồng nhất và cả sự tĩnh lặng, khách quan vốn hay được gắn cho phạm trù giá trị.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, cũng đã đặt ra tính cấp thiết phải xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Theo ông Sơn, hệ giá trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc xác định hệ giá trị Việt Nam, dù là một việc làm vô cùng khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện. Hệ giá trị được xem là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam. Nhờ có những định hướng lớn này, chúng ta có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó, giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn. Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội...

Được biết, kết quả của hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

PV


Có thể bạn quan tâm