April 24, 2024, 2:34 pm

Tăng nguồn lực cho phát triển VHNT các dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới

 

Qua 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội VHNT các DTTSVN đã tích cực tổ chức hàng trăm chuyến đi thực tế, bồi dưỡng sáng tác cho hơn 30 lớp cho các tác giả trẻ, khích lệ hội viên sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm.Từ đó, bước đầu định hình phong cách viết trong thời đại mới, từng bước khắc phục  thực trạng “già hoá” trong Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Có một thực tế cho thấy, lực lượng tác giả trẻ gắn bó với văn học, nghệ thuật nói chung văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói riêng đang ngày càng mỏng, rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hoá phong phú nhưng không có tác giả trẻ sáng tác. Đây là khỏng trống khá lớn trong dòng chảy văn học, nghệ thuật hiện nay. Nhận thức được điều này, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện đề án  in từ 5 đến 10 vạn bản các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của văn học Việt Nam và các tác phẩm chất lượng mới sáng tác của các nhà văn Việt Nam và mang tận tay cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa. Những nỗ lực của Hội Nhà văn sẽ như một chất xúc  tác kích thích và khơi dậy năng lượng sáng tạo của các nhà văn thành danh, những cây bút trẻ nuôi dưỡng và gắn bó hơn với nghiệp viết nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung

Trước đó, một Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” vừa được Chính phủ phê duyệt. Nếu triển khai theo  đề án thì Chính phủ sẽ hỗ tr nhằm giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với thế giới, đồng thời phản bác lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.

Bên cạnh đó, góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đề án sẽ khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (Ebook), sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.

Cụ thể, biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình đã được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác; xuất bản 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm, công trình sách in đã xuất bản nêu trên; bảo đảm dễ dàng, thuận lợi sử dụng, truy cập trên máy tính để bàn và trên các thiết bị điện tử cầm tay với hệ điều hành phù hợp, thông dụng.

Xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa; xây dựng 54 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như âm nhạc nghệ thuật truyền thống… của 54 dân tộc.

Tất cả hệ thống tư liệu được đăng tải trên Trang tin điện tử của Đề án bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc; các tác phẩm, công trình của Đề án dưới dạng file điện tử được công bố và phổ biến rộng rãi văn hóa và văn học, nghệ thuật các dân tộc Việt Nam đến mọi đối tượng trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tất cả sản phẩm của Đề án, gồm: sách điện tử (Ebook), sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề... được số hoá, hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất.

Khi những bệ đỡ đã có, việc củng cố xây dựng đội ngũ những người làm nghiên cứu lý Luận phê bình văn học nói chung, mảng văn học dân tộc thiểu số nói riêng cũng cần được chú trọng. Đây là những khuôn vàng, thước ngọc để đo chuẩn xác những sáng tác của các nhà văn không chỉ về kỹ năng sáng tác, những chuẩn mực trong ngôn ngữ mà còn là sự công nhận về mức độ am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa nói chung, các tộc người dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng.  Muốn cho Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phát triển trong thời kỳ mới cần phải tổ chức nhiều cuộc thì để có thể phát hiện thêm các tác giả trẻ dân tộc thiểu số. Đồng thời, mở thêm các lớp bồi dưỡng văn học, các cuộc tọa đàm về tác giả tác phẩm văn học cụ thể được đánh giá cao như là đạt giải thưởng Nhà nước giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng ASEAN. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho Hội Văn học nghệ thuật thiểu số, phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài giới thiệu, phổ biến những tác phẩm xuất sắc tới đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.

Hay nói như ông Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho rằng: “Mỗi một giai đoạn đều có trách nhiệm của người cầm bút, của văn nghệ sỹ đối với thời đại của mình, chẳng hạn như từ trước đối với cuộc kháng chiến trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thế nhưng bây giờ là công cuộc xây dựng mới, đòi hỏi những người viết phải có kiến thức mới, hiểu biết mới về thời đại, nhất là thời đại mà chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất nhiều, kể cả kinh tế xã hội, về mặt lực lượng, nhất là giới trẻ hiện nay, càng ngày sự hiểu biết họ càng nhiều hơn. Vậy thì nắm bắt tâm lý của thời đại để phản ánh trong tác phẩm văn học nghệ thuật lại là một câu chuyện. Và câu chuyện ấy sẽ không bao giờ cũ khi chúng ta có những nguồn lực cho phát triển Văn học, nghệ thuật một cách hiệu quả.

 

Hà An


Có thể bạn quan tâm