March 29, 2024, 9:30 am

Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí: Một đòi hỏi cấp thiết, một nhiệm vụ quan trọng

 

Ngày 6/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí”. Cuộc họi thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có mặt tham dự và chỉ đạo hội thảo.

 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Internet

Trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong đời sống xã hội ở Việt Nam, báo chí, truyền thông luôn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn để nhân dân tham gia giám sát, quản lý xã hội. Hệ thống báo chí, truyền thông ở Việt Nam đều là các cơ quan của các tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội. Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động của mình, và trong bối cảnh xã hội hiện nay, các cơ quan báo chí của chúng ta đều đang trực tiếp đối mặt, cọ sát với những thách thức từ đời sống. Đó là những biến thiên của chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ…; là những nghiệt ngã mang tính quy luật của kinh tế thị trường; Là sự thấp thỏm trong một thế giới đầy bất ổn… Thực tế đó đã chỉ ra rằng, để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, bảo đảm giữ vững định hướng tư tưởng của mỗi tờ báo trước thách thức ngày càng to lớn của đời sống, giúp cho mỗi cơ quan báo chí nói riêng và cả nền báo chí nói chung hoàn thành tốt trách nhiệm cao cả của minh, thì việc quan tâm, tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay thực sự là yêu cầu khách quan, cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này cũng chính là cơ sở để giúp cho báo chí Việt Nam phát triển đúng hướng, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của báo chí trên cơ sở phát huy bản lĩnh, tính sáng tạo cũng như quyền tự do của báo chí

Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý, các cơ quan chủ quản báo chí, các báo, tạp chí, đài phát thanh-truyền hình trong cả nước. Gần 60 tham luận của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương gửi đến Hội thảo, với 12 ý kiến tham luận trực tiếp, tập trung đánh giá vai trò, trách nhiệm, kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của cơ quan báo chí, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng trong hoạt động cơ quan báo chí, là những ý kiến cụ thể và thiết thực, thể hiện mong muốn đóng góp xây dựng một nền báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, khoa học, đúng định hướng, tôn chỉ mục đích, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội và hội nhập của đất nước.

*

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đã đánh giá: Thực tiễn cho thấy, cơ quan báo chí nào có tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì sẽ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân vững mạnh. Từ nhiều năm nay, nhận thức rõ vai trò và yêu cầu cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo và tạo điều kiện để báo chí phát triển, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, trong đó xác định công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bên cạnh những kết quả tích cực và tương đối toàn diện đã đạt được, thì công tác xây dựng Đảng trong một số cơ quan báo chí vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm. Cụ thể là tình trạng mất dân chủ, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên chưa được chú trọng, thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn… Tình trạng đó đã dẫn đến hiện tượng “… Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, văn hoá; thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, xa rời tôn chỉ mục đích... Việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, đã tác động tiêu cực, bức xúc trong xã hội...” (Trích Báo cáo đề dẫn của Phó Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương Lê Mạnh Hùng).

Trên cơ sở đó, hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng công tác xây dựng Đảng trên 4 phương diện: Tư tưởng, Chính trị, Tổ chức và Đạo đức. Các ý kiến tham luận, thảo luận đã đi sâu phân tích nguyên nhân của kết quả, hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan báo chí và đề xuất những giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí thiết thực, hiệu quả.

*

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, đã có những những đánh giá tích cực về đóng góp của báo chí trong vai trò định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đường lối đổi mới, hoàn thành tốt vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, gắn bó, đồng hành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc; là diễn đàn để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, quản lý xã hội: “… Nguồn thông tin từ báo chí là một kênh quan trọng giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ “đại án” về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh, có khởi đầu từ những phản ánh của các cơ quan báo chí. Báo chí cũng là lực lượng tiên phong trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, ngăn chặn các thông tin xấu độc hại, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự nghiệp đổi mới…(Trích Phát biểu chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng). Tuy nhiên, về những biểu hiện tiêu cực của báo chí, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ: “… Không ít cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, thậm chí còn có sản phẩm báo chí sai định hướng chính trị, tư tưởng, gây tác hại cho đời sống xã hội, vi phạm chỉ đạo, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm suy giảm uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với báo chí... Khuynh hướng “thương mại hóa” hoặc để tư nhân đứng sau thao túng có xu hướng gia tăng cần phải được nhận diện, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn. Cá biệt còn có cơ quan báo chí, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…

Những khuyết điểm, yếu kém của các cơ quan báo chí hiện nay, theo đồng chí Võ Văn Thưởng: “… có nguyên nhân quan trọng là chưa coi trọng đúng mức công tác xây dựng Đảng. Vai trò của tổ chức đảng trong một số cơ quan báo chí mờ nhạt, cán bộ, đảng viên chưa thật sự giữ vai trò tiên phong, gương mẫu. Trách nhiệm chính trị, tính chiến đấu của một số đảng viên và người đứng đầu cơ quan báo chí chưa được đề cao…”

Để khắc phục tình trạng nói trên, và để đáp ứng đòi hỏi trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, quán triệt đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; Thứ hai, coi trọng công tác tư tưởng, lý luận, trên cơ sở bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng; Thứ ba, tăng cường kỷ luật, giữ vững sự đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan báo chí; và Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm…

*

Để làm tốt các nội dung vừa được chỉ ra và phân tích ở trên, trách nhiệm cụ thể được xác định rõ, là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cũng như của cấp ủy, tổ chức Đảng tại chính các cơ quan báo chí. Xác định vai trò của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản; song tại cuộc hội thảo này lại thiếu vắng các cơ quan nói trên, xem ra cũng là một thiếu sót. Tuy vậy, trên cơ sở những kết quả, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, được chia sẻ tại hội nghị, các cơ quan có trách nhiệm sẽ đúc rút thành kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện chủ trương, quy định pháp luật về báo chí; giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan báo chí; và thực hiện xây dựng, quy hoạch các cơ quan báo chí trong thời gian tới. Đây cũng chính là một đầu ra quan trọng mà hội thảo này hướng đến

PV

 

 


Có thể bạn quan tâm