April 24, 2024, 8:25 pm

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thăm Việt Nam: TẠI SAO VIỆT NAM?

Tại sao lại là Việt Nam? Câu trả lời được giới quan sát quốc tế đưa ra là vì, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia mà Nhật Bản xem là có chung những mối quan tâm về an ninh khu vực, cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) do Nhật Bản khởi xướng. Việc tân Thủ tướng Nhật chọn Việt Nam và Indonesia đi thăm đầu tiên là một logic tự nhiên. Một nước nằm sát cạnh Trung Quốc và một nước Hồi giáo đông dân nhất trong vùng, cả hai đều quan trọng về địa-chính trị trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Tại thông báo “Việt Nam là nước đầu tiên tân Thủ tướng Nhật Bản chọn công du”. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan liên quan “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của đoàn Thủ tướng Suga Yoshihide, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.”

 

Những điểm nhấn quan trọng

Sáng 19/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có buổi chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã chạm khuỷu tay với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trước đó cùng ngày, ông Suga đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Chính phủ. Phát biểu với báo chí về kết quả cuộc hội đàm hôm 19/10, Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam thúc đẩy tái khởi động đường bay, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giải quyết các vấn đề khu vực. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hai bên “đã thỏa thuận về áp dụng những quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng chống dịch Covid-19, và nỗ lực khôi phục các hoạt động hợp tác song phương. Còn ông Suga cho biết thêm hai nước đã “cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là một bước phát triển lớn trong hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước. Tôi tin chắc rằng hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy”. Thủ tướng Nhật cũng tuyên bố: “Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chính sách ‘Ấn Thái Dương tự do và rộng mở (FOIP). Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sẽ góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”. Chiều 19/10, ông Suga đã có buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Việt – Nhật ở Hà Nội và phát biểu về chính sách Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản có bài phát biểu chính sách như vậy tại Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chạm khuỷu tay với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.         Ảnh Hoàng Hà

Tại cuộc điện đàm hôm 12/10 trước đấy, người đứng đầu chính phủ Việt Nam chúc mừng ông Suga được bầu làm thủ tướng Nhật trong khi ông Suga bày tỏ chia sẻ và gửi lời thăm hỏi tới nhân dân miền Trung Việt Nam về những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ), ông Suga đã “phá vỡ truyền thống” khi chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên thay vì đồng minh thân cận Hoa Kỳ, nơi đang có số lượng người nhiễm virus corona cao nhất thế giới và trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11. Chuyến công du này, theo CSIS, là nhằm củng cố hơn nữa sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đông Nam Á trên mọi lĩnh vực từ ứng phó với đại dịch virus corona cho tới hạ tầng cơ sở và đầu tư. Theo sau chuyến công du “ngoại giao y tế” của Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tới Đông Nam Á hồi tháng 8/2020, việc ông Suga chọn thăm hai quốc gia ở Đông Nam Á nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam và Indonesia trong chiến lược khu vực của tân Thủ tướng Nhật, theo nhận định của South China Morning Post. Tờ báo tiếng Anh có trụ sở ở Hong Kong cho rằng điều này cũng cho thấy chính quyền Saga có ý tách Nhật Bản ra khỏi các tranh cãi chính trị phức tạp đang nổ ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra ngày 3/11.

 

Cùng chia sẻ sự ủng hộ về một tầm nhìn

Nhật định về chuyến thăm tới Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc), cũng cho rằng hầu hết những thủ tướng mới nhậm chức của Nhật sẽ “ngay lập tức sát cánh với Mỹ để củng cố nền tảng cầm quyền của họ và đương nhiên sẽ đến thăm Washington đầu tiên”. Nhưng tờ báo lại cũng lưu ý rằng ông Suga đã theo chân người tiền nhiệm Abe, là những ngoại lệ khi đến thăm Đông Nam Á, thay vì thăm Mỹ sau khi nhậm chức. Theo Đại sứ Nhật tại Việt Nam Yamada Takio, việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn theo Hoàn cầu Thời báo, động thái này không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Mỹ – Nhật từ thời ông Abe, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump đã tiếp đón tại Mỹ. Tờ báo này cũng cho rằng ông Suga không chọn tới Mỹ vì đại dịch Covid-19 vẫn đang nghiêm trọng ở đấy và những lo ngại về sự tái đắc cử của ông Trump, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông Suga hạ giảm tầm quan trọng của Mỹ và liên minh Mỹ – Nhật.

Ông Suga được Quốc hội bầu chọn vào hôm 16/9 là nhà lãnh đạo mới đầu tiên của Nhật Bản trong gần tám năm, nói với các phóng viên sau cuộc điện đàm ngày 20/9 với Tổng thống Trump rằng liên minh Nhật – Mỹ là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Trump được ông Suga dẫn lời nói rằng liên minh này cần được củng cố hơn nữa và rằng Thủ tướng Suga có thể gọi cho Tổng thống Hoa Kỳ "bất kỳ khi nào trong ngày". Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong cuộc trao đổi kéo dài 25 phút. Theo một quan chức của chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Suga đã đề nghị Tổng thống Trump tiếp tục sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các nỗ lực thúc đẩy việc trao trả công dân Nhật Bản đã bị điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980. Các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí sẽ hợp tác trong việc phát triển và phân phối vaccine và điều trị Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại trụ sở Chính phủ.         Ảnh TTXVN

Chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với những tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Hợp tác an ninh được kỳ vọng sẽ là chủ đề chính trong các cuộc gặp của ông Suga với các nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia, theo Nikkei Asia (Nhật Bản). Còn theo ông Jeff Kingston, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo nhận định với South China Morning Post, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia mà Nhật xem là có chung những mối quan ngại về Trung Quốc và cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) do Nhật Bản khởi xướng. Chiến lược tầm nhìn FOIP được Tổng thống Trump giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017 nhằm đối trọng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Thoả thuận hợp tác về an ninh quốc phòng

Nhìn từ Tokyo, Việt Nam là quốc gia đang phải trực tiếp đối đầu với tham vọng tranh giành chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, khu vực trọng yếu nằm trên con đường giao thông nối liền châu Á với Trung Đông, con đường huyết mạch của thương thuyền Nhật Bản. Từ khi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, Nhật Bản cung cấp trang thiết bị quân sự cho các nước tuân thủ ba điều kiện, trong đó phải có yếu tố đóng góp cho an ninh của chính nước Nhật.  Với Việt Nam, Nhật Bản đã ký thỏa thuận bán trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam nhân chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Suga Yoshihide ngay sau hội đàm sáng 19/10. Theo bản tin của nhật báo Nikkei, trước đó trong cuộc họp với ban lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ hôm 13/10/2020, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết Hợp tác về an ninh quốc phòng sẽ là chủ đề trong các cuộc thảo thuận giữa phái đoàn thủ tướng Nhật và lãnh đạo Việt Nam và Indonesia. Tờ báo này cũng cho biết, Nhật sẽ bán những trang thiết bị nào, điều đó tùy thuộc vào nhu cầu của Việt Nam.

 

Thúc đẩy đầu tư toàn cầu

Tờ Nikkei Asia ngày 19/10 nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thúc đẩy các thỏa thuận đầu tư toàn cầu. Theo tờ báo này, Thủ tướng Yoshihide Suga là lãnh đạo đầu tiên của một nền kinh tế lớn đến thăm Việt Nam kể từ đầu đại dịch Covid-19. Tờ Nikkei Asia cho rằng, chuyến đi của Thủ tướng Suga có thể sẽ thúc đẩy các nền kinh tế phát triển tích cực đầu tư, thực hiện các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu (EVFTA) và đang đàm phán một thỏa thuận riêng với Anh, trong khi Mỹ cũng đang thể hiện sự quan tâm như một đối tác tiềm năng. Tờ báo nhắc lại, hôm 16/10, phát biểu tại Tokyo trước khi bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga nói “ông muốn thông qua chuyến công du đến Đông Nam Á để cho cả nước và thế giới thấy rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò dẫn đầu đối với việc giữ gìn hòa bình và thịnh vượng của khu vực”.

Bà Suga Mariko nghe giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam     Ảnh Internet

Vẫn theo Nikkei Asia, dù Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, song nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ giảm xuống còn 1,6% từ mức hơn 7% trong hai năm trước đó. Việt Nam hiện là nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam), duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc) và là quốc gia có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đứng thứ hai trong năm 2019, chỉ sau Hàn Quốc. Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mối quan hệ giữa hai nước cũng ngày càng gắn kết, với hơn 400.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Hạn chế đi lại được xem là trở ngại mở rộng hoạt động kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản. Dù hai nước đã đồng ý mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, song doanh nhân Nhật Bản vẫn phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh Việt Nam. Các doanh nhân Nhật Bản đang kỳ vọng số ngày cách ly sẽ được rút ngắn trong thời gian tới./.


Có thể bạn quan tâm