April 19, 2024, 8:32 am

Tản mạn xung quanh từ “quyền”

 

Ai trong chúng ta có lẽ cũng có một số lần sử dụng từ này, tưởng như là dễ hiểu. Nhưng, nếu đặt trước hoặc sau nó một, hai từ nữa sẽ phát sinh vô vàn ý nghĩa, mà các nhà ngôn ngữ học gọi là ngữ nghĩa, khác nhau. Thử lắp ghép chưa thể đầy đủ. Sau từ “quyền” là quyền lợi, quyền lực, quyền hạn, quyền sống, quyền hành, quyền tự do, quyền công dân, quyền con người, quyền hạnh phúc…v.v.

 

Nguồn Internet

Định nghĩa cho chính xác các từ này quả thật không dễ. Tôi được gọi vào ban biên tập dự thảo Hiến pháp (công bố 2013), được dự nhiều buổi thảo luận, tranh luận, có lúc khá gay gắt giữa quyền công dân và quyền con người. Trước từ “quyền” là pháp quyền, uỷ quyền, uy quyền, cầm quyền, lạm quyền, cửa quyền, lộng quyền.v..v.. cũng lại tạo ra một loạt ngữ nghĩa khác nhau, không dễ duy danh định nghĩa và làm rõ nó trong thực tiễn sử dụng các từ này, mà các từ, cả sau và trước từ “quyền”, đều gắn thường xuyên với đời sống xã hội, cả vi mô và vĩ mô. Có lẽ phải làm một cuốn từ điển bỏ túi về các từ này để mọi người sử dụng đúng, chính xác trong các quan hệ và ứng xử xã hội. Nghĩ như vậy chắc là hơi quan trọng hoá, nhưng trong thực tế, quả thật phải hiểu rõ hơn, chuẩn xác hơn các nghĩa của nó. Bởi vì, gần đây, trong dư luận xã hội, trên các phương tiện truyền thông, trong các hội nghị, hội thảo và cả trong phát biểu của một số đồng chí lãnh đạo đã và đang rộ lên ý kiến về kiểm soát quyền lực, về “nhốt” quyền lực của cá nhân có chức, có quyền. Trước sự thoái hoá, biến chất, tham nhũng, hư hỏng của nhiều cán bộ các cấp thì ý kiến trên là kịp thời, đúng lúc, được coi là giải pháp quyết liệt để góp phần ngăn chặn các căn bệnh đang tràn lan trên. Lâu nay, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng rồi, bình tâm lại, tìm hiểu kỹ thêm, tôi bỗng nghĩ, hình như suy nghĩ đó chưa thật đúng, chưa đến được với bản chất của vấn đề.

Theo nguyên tắc và bản chất của nhà nước pháp quyền của chúng ta, việc bầu cử và lựa chọn cán bộ có một yêu cầu cao nhất. Đó là, ai đó được đảng viên hoặc nhân dân bầu ra giữ một chức vụ nào đó có nghĩa là người đó được đảng viên, nhân dân tín nhiệm về phẩm chất, trình độ và năng lực uỷ quyền cho người đó thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, người đó, dù giữ chức vụ gì, to hay nhỏ, chỉ có quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm thực hiện chức trách được uỷ quyền đó của mình. Có nghĩa là, người đó không có một quyền lực cá nhân nào, càng không có uy quyền cá nhân nào. Sợ quên, tôi vội tìm đọc lại Hiến pháp công bố 2013, mục Chủ tịch nước, tôi thấy ghi rõ là “ nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nước”. Rõ ràng, Hiến pháp không ghi là “quyền lực”, mà chỉ ghi “quyền hạn” và trước từ quyền hạn  còn nhấn mạnh thêm “nhiệm vụ” của Chủ tịch nước. Và ở những điều khẳng định về bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong Hiến pháp ghi rõ “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” như chỉ dẫn sâu sắc của Bác Hồ. Như vậy, có nghĩa là, dù ở chức vụ nào, không ai có quyền lực, uy quyền cá nhân nào cả, mà chỉ có quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm và lương tâm, được sự uỷ quyền của nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật và những văn bản quy phạm pháp luật đã được khẳng định. Vậy, không có sự kiểm soát quyền lực mà chỉ có sự kiểm soát, giám sát những kẻ lợi dụng quyền hạn được giao để biến thành quyền lực, uy quyền cá nhân, dẫn tới cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền để trục lợi, để đe nẹt, hành dân, để tham nhũng, sa đoạ, hưởng lạc ….

Nếu nhìn vấn đề từ bản chất của nó, thì có lẽ lâu nay chúng ta có sự nhầm lẫn. Một ai đó được bầu đã tự nghĩ ngay tới “quyền lực” và xử lý việc công theo quyền lực đó, kể cả những người được bầu ở vị trí nhỏ nhất đến các vị trí cao hơn mang tầm quốc gia. Họ quên hẳn lời dặn của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên “là đầy tớ” của nhân dân, mà chỉ nhớ “là lãnh đạo” mà thôi. Trong xã hội ta những năm gần đây, đầy rẫy những người loại đó. Tôi nghe một người bạn kể: anh đi xin visa ra nước ngoài. Ở cổng đại sứ quán nước đó, những người Việt Nam gác cổng tỏ ra quyền hành, nạt nộ, nhưng khi vào “đất họ” (sứ quán là đất của nước đó), thì nhân viên nước họ tiếp đón niềm nở, khiêm nhường với nụ cười thân thiện và lời chào may mắn. Rõ ràng, họ tự thấy không có quyền lực cá nhân nào, khác với những người bảo vệ ở cổng - ranh giới giữa Việt Nam và nước họ. (Sứ quán)

Nếu hiểu theo quan điểm trên, thì phải chăng trong các nhà trường, học viện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của chúng ta, bài học mở đầu và bài học kết thúc phải là: nhận thức và hành động đúng về quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm và lương tâm của người cán bộ và kiên quyết đấu tranh chống mưu đồ biến quyền hạn thành quyền lực cá nhân, uy quyền cá nhân trong thi hành công vụ. Và phải kiểm tra thực chất nhận thức đó trong người học trước khi giao chức trách cho họ. Và trong thực tiễn cần xây dựng chế tài kiểm soát, giám sát những kẻ biến quyền hạn, nhiệm vụ phục vụ thành quyền lực, uy quyền cá nhân. Phải chăng, đây là gốc của vấn đề mà lâu nay chúng ta chưa làm rõ, tạo nên tâm lý của không ít người ham thích và tham vọng đi đến tìm mọi cách mua quan, bán chức, làm hư hỏng không ít cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Nói đi cũng phải nói lại. Giữa những người thi hành công vụ và nhân dân có một chuẩn mực chung, đó là Hiến pháp, các luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định pháp lý cho từng lĩnh vực. Người dân phải coi đây là chuẩn mực pháp lý và chuẩn mực đạo đức, phải tôn trọng kỷ cương, phép nước, không thể lợi dụng quyền làm chủ, quyền dân chủ… để làm rối loạn xã hội. Vấn đề quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương phép nước sẽ được bàn trong một bài khác.

 

Nguồn Văn nghệ số 45/2018


Có thể bạn quan tâm