March 29, 2024, 9:58 pm

Tản mạn Tam Giang

Nhà thơ Lưu Quang Vũ, trong bài thơ Sông Hồng, bài thơ thể hiện cảm hứng tự hào về hình ảnh con sông Hồng đã viết:

“…Một dòng sông với những thuyền những bến

những thân đê uốn lượn lưng rồng

hoa gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường

mái rạ bờ tre hoàng hôn khói bếp

một dòng sông như dòng đời mãnh liệt

nhấn chìm bao thuyền giặc

và xoá nhoà dấu vết các triều vua…

sóng rập rờn quanh bè gỗ tuổi thơ

nước sông chảy trên vai em lấp loáng…”

Tôi có cơ duyên được sống ở một ngôi nhà ven sông Đuống, ngôi nhà giữa phố thị Hà Thành nhưng chỉ cần ngửng đầu lên vào những ngày rằm, là chị Hằng tròn vành vạnh đã ở ngay trên đầu. Những đêm trăng phố thị ven sông, cái mênh mang sông nước bờ bãi, cái gió lành lạnh đón xuân sang khiến cho mọi cảm giác yêu thương trở về thật rõ ràng. Cái thời tiết lành lạnh, se se, vầng trăng tròn chênh chếch phía cuối dòng sông với những con thuyền chở cát vẫn trôi đều bên sông khiến cho lòng người như muốn yêu thương nhiều hơn cuộc sống này. Bởi được ngồi nơi đây, ngắm nhìn thành phố tấp nập xa xa với những ánh đèn xanh đỏ, những biển hiệu lấp lánh ở những khu đô thị mới trong những âm hưởng xa xăm của một miền quê khiến cho lòng nao nao nhớ về những ký ức ngọt ngào xa xưa, những dấu tích và cả những huyền tích của cả một vùng đất…

Cuộc sống trong cái truyền thống và cái hiện đại tại vùng đất ven sông luôn khiến tôi có một cảm giác vừa xa lạ, vừa gần gũi, đầy xao động. Vùng đất nơi tôi sống, là bờ bãi ven sông, là đầy rẫy những mộ phần còn nguyên vẹn thuở xa xưa của làng mạc. Những ngôi mộ ven sông vẫn nguyên vẹn hình hài, người đã sống sống cạnh mộ phần, những đứa trẻ hàng ngày đá bóng chơi đùa và lấy một làm nơi nghỉ chân. Xung quanh ngôi mộ nằm trong khu tập thể hoặc giữa sân của đình làng được lát bê tông sạch sẽ… Những đứa trẻ chơi trốn tìm xung quanh những ngôi mộ, những người già ngồi bỏm bẻm nhai trầu bên những ngôi mộ, những câu chuyện vui khiến các cụ cười lộ ra hai hàm răng đen nháy. Ở vùng đất này, người sống và người nằm dưới mộ đôi khi không còn là khoảng cách của hai thế giới nữa, mà họ đã cùng một sân chơi, cùng hòa vào nhau trong vũ trụ rộng lớn.

Long Biên cũng là vùng đất giàu văn hóa, tín ngưỡng với các ngôi đền chùa cổ được nhân dân vọng bái. Tương truyền rằng, thời xưa có vị Vua đi đánh trận muốn qua sông nhưng không biết làm sao để qua vì nước sông chảy mạnh, dân làng ở đây đã bắc một cây cầu bằng người đưa Vua qua sông, từ đó ở đây có một tên gọi mới là làng Bắc Cầu. Sau này tại mỏm đất ngã ba sông của làng Bắc Cầu, các cụ đã lập nên ngôi đền Đôi Cô (Còn gọi là Đền Tam Giang) ở bán đảo sông Hồng, ba mặt là sông mênh mông (thuộc xóm Soi, thôn Bắc Cầu 1, Long Biên, Hà Nội) như là sự trấn an cho cả một vùng đất. Đền nằm trên mỏm Soi chia dòng sông Nhị Hà chảy từ phương Càn (Tây Bắc) chảy về, đến Đền Tam Giang thì rẽ nhánh thành 2 sông là Sông Hồng và sông Đuống thuộc địa phận quận Long Biên ngày nay. Tam Giang linh tự nằm giữa ngã 3 sông, với vai trò quan trọng là trấn an cho cả vùng đất. Từ vị trí này, có thể nhìn trực diện hướng tây bắc là cầu Nhật Tân, cây cầu mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, ven sông được kè bởi những tảng đá lớn, khi mùa nước cạn đi men theo bờ sông có thể ngắm rặng cỏ lau phất phơ trước gió. Bên trái mỏm Soi có một bãi rộng và nông, mùa hè có dân làng bản địa ra vừa ngắm sông, câu cá, giăng câu, ngắm thuyền bè qua lại bến đò xuôi dòng Tam giang thơ mộng…

Vùng đất Long Biên, được coi là một vùng đất đắc địa với sự giao hòa của hai con sông: Sông Hồng và Sông Đuống. Theo quan niệm phong thủy của người xưa, những nẻo đất ngã ba sông lớn vốn là huyệt đạo của cả một vùng miền, đây cũng là nơi hội tụ linh khí và những thần tích dễ xuất hiện với những người đủ căn duyên. Về địa lý, mảnh đất Tam Giang, nơi hai con sông chảy tràn qua vùng đất địa linh nhân kiệt, đã là nơi hội tụ của nhiều bậc văn nhân kỳ tài neo đậu để viết nên những câu chuyện về sông Hồng, sông Đuống. Mảnh đất này, nơi có Cầu Long Biên lịch sử là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều loại hình văn học thơ ca nhạc họa… Nơi mà những văn nhân tìm về nương bóng mình để có thể tuôn trào những mạch nguồn sâu thẳm để viết nên những huyền tích của một vùng đất.

Sông Đuống còn được gọi là sông Thiên Đức hay Thiên Đức Giang, là một con sông dài 68 km, nối sông Hồng với sông Thái Bình. Điểm đầu từ ngã ba Dâu, thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội tại địa giới giữa 2 đơn vị hành chính là huyện Đông Anh và thôn Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên của thành phố Hà Nội). Điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Về tổng thể sông Đuống chảy theo hướng tây-đông. Nó là một phân lưu của sông Hồng, trước đây chỉ là một dòng sông nhỏ, do cửa nối với sông Hồng bị cát bồi cao nên chỉ khi sông Hồng có lũ lớn mới tràn qua được. Từ năm 1958, cửa sông được mở rộng để trở thành một phân lưu quan trọng giảm sức uy hiếp của lũ sông Hồng đối với Hà Nội. So với lượng lũ của sông Hồng tại Sơn Tây thì sông Đuống tiêu được 20-30%. Đoạn chảy qua Bắc Ninh dài 42 km. Sông Đuống là đường giao thông thuỷ nối cảng Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh ở phía bắc Việt Nam…

Từ thời xa xưa, dân làng tại đây đã sống nhờ vào con sông chảy quanh thành phố, dòng sông như là dáng mẹ ấp ôm, chở che và cũng mang lại lương thực cho nhân dân cả một vùng ven sông. Bến đò trên sông Đuống, bến đò Đông Ngàn nối hai xã Xuân Canh, Đông Anh và phường Ngọc Thụy quận Long Biên. Bên kia sông là thôn Đông Ngàn, đây cũng là bến đò dân sinh duy nhất còn lại nối một quận với một huyện ngoại thành của Hà Nội. Những năm  trước, đoạn sông Đuống này có 2 bến đò ngang Đông Trù và Đông Ngàn, người dân hai bên sông và các vùng xung quanh thường mang nông sản ra Hà Nội để bán. Hai bến đò này  đã trở nên rất đỗi thân quen với mỗi người Hà Nội. Trong ký ức của những người lớn tuổi, ngồi đợi chờ chuyến đò sang sông trong quán nước được cất sơ sài bằng tre, lá. Được ăn một cái bánh Dậm, hoặc một phong chè Lam, uống một bát nước chè xanh nóng hổi… Ngày nay, khi phương tiện giao thông đã hiện đại hơn xưa rất nhiều, người đi đò không còn an toàn nên đã không lưu thông các chuyến đò, mà chỉ còn vài người dân làm nghề chài lưới trên sông… Long Biên là quận duy nhất nằm ở tả ngạn sông Hồng, được bao bọc bởi sự uống lượn của hai dòng sông Hồng, Sông Đuống, cũng là quận có diện tích lớn nhất của thủ đô Hà Nội, lại là vùng cửa ngõ với nhiều địa hình phức tạp: vừa có đường sắt, đường thủy, sân bay, bến xe…

Bãi giữa ngày càng có nhiều người dân tứ xứ tâp trung về đây khai hoang, sinh sống. Gần đây, ở khu vực Bãi Giữa có hàng trăm ngôi nhà cả mới lẫn cũ được dựng lên và chiếm 50% trong số này ăn ngủ, sinh sống tại đây; 50% còn lại chỉ ra đây làm vườn. Nơi đây đã hình thành hẳn một xóm ngụ cư. Nhưng khác với  xóm Phao, những người cư ngụ ở đây đều có đất, dựng nhà. Còn cư dân của xóm Phao là người tứ chiếng, họ sống trên những con thuyền/nhà thuyền nổi trên sông Hồng và neo vào khu vực ven Bãi Giữa. Bãi giữa Sông Hồng là một doi đất nổi lên giữa dòng chảy của con sông Hồng. Nhiều năm nay, khi không còn lũ tràn về thì bãi giữa trở thành một vùng đất được phủ xanh bởi cây cối, hoa màu do người dân khai hoang. Có hai lối vào bãi giữa, một lối đi vào từ phía đường tiểu ngạch do phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) và lối đi bằng đường thủy do phường Ngọc Thụy quản lý. Đường đi vào từ phường Ngọc Thụy ven theo sông, men theo đường dân sinh tự phát do dân ngụ cư mở đi ven theo hai lối đi vào xóm Phao. Hiện nay, xóm Phao có khoảng 200 nhân khẩu, hầu hết là dân lao động tự do. Bãi giữa có một ngôi đền nhỏ được lập nên và ở đó có hai ngôi mộ của hai cô gái chết trẻ được người dân xây nên và thờ phụng, được gọi bằng tên đơn giản “Miếu hai cô”. Hiện tại ngôi miếu có một người dân sinh sống tại xóm phao trông nom và hương khói. Dân Bãi Giữa kể lại rằng, miếu Hai Cô rất thiêng nên ngày rằm, mồng một nhiều bạn trẻ vẫn đến đây xin lộc các cô.

Vùng đất Long Biên, với sự giao hòa của hai con sông: Sông Hồng và Sông Đuống được coi là nơi hội tụ linh khí và sự giao hòa của đất trời. Mảnh đất nơi có con sông Hồng đỏ nặng phù sa và con sông Đuống bình yên xanh trong thơ mộng là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều loại hình văn học thơ ca nhạc họa… Bởi vậy mà nơi đây, là chỗ trú ngụ cho những văn nhân tìm về nương náu, là nơi những mạch nguồn sâu thẳm được hun đúc, ngưng tụ để những cây bút, bút sáng lòng trong, như cái hồn cốt nút sông, như tên gọi tự ngàn đời: Tam Giang Linh từ, Thiên Đức Giang… Để sau những khó khăn gian khổ, sau đại dịch covid, sau giãn cách và sau tất cả những thăng trầm của đời sống, sáng sáng chiều chiều, nơi ngã ba sông, nơi mỗi bình minh và mỗi hoàng hôn, khi ánh mặt trời soi rọi lóng lánh từ đáy nước, vùng đất và con người Long Biên lại sống trong yên ả, thanh bình, họ lại thả thơ, chèo thuyền, tắm sông và viết nên những áng thơ ca trường tồn cùng thời gian, lịch sử…

Mỗi vùng đất trên bản đồ nước Việt đều có những dấu ấn thật riêng biệt và ý nghĩa với mỗi con người. Tôi bén duyên với vùng đất ven sông Đuống, sông Hồng như một mối duyên kỳ ngộ. Tôi vui buồn cùng dòng chảy của con sông với tháng ngày đầy gió và trăng, đầy tình yêu thương trong trái tim được vun đắp. Dòng sông mang lại cho tôi những cảm xúc bất tận, giúp tôi viết nên những bài thơ từ gan ruột và những cảm xúc ào ạt của linh hồn mình. Ông cha ta vẫn nói rằng, thơ là trời cho, thì tôi đang được ông trời và dòng sông ban tặng những cảm xúc đầy thiêng liêng ấy. Tôi cảm ơn bờ bãi, cảm ơn những đêm trăng sáng vằng vặc loang loang bên sông, cảm ơn những tiếng gió thổi gợi những điệu nhạc xa xăm vọng về, cảm ơn những linh hồn trong những ngôi mộ đã sống và tồn tại cùng thời gian và sống với những người đang sống. Họ là một phần của lịch sử, một phần của đời sống thường ngày, một phần của ký ức đã xa… Cảm ơn một chút duyên phận đất trời đã ban tặng cho tôi một tình yêu thật đẹp với anh, với thiên nhiên, với sự giao hòa của đất trời, sự giao hòa của dòng chảy sóng tam giang. Mỗi con sông đều mang trong mình dòng chảy của lịch sử, của những vùng đất và sự gửi gắm của những con người đâu đó ở thượng nguồn hay cuốn nguồn có lẽ họ vẫn đang đứng trước sông như tôi hàng tiếng đồng hồ để cảm nhận những yêu thương trao gửi ấy. Dòng sông cũng gột rửa những muộn phiền của bao nhiêu đổi thay của đời sống quá nhiều những khó khăn trong mùa đại dịch khủng khiếp vừa qua, dòng sông cũng cuốn trôi đi những bất ổn trong tâm hồn con người, và dòng sông ghi lại giúp thế gian tình yêu thương không thể dãi bày, không thể sẻ chia, chỉ là để cảm nhận nó ngấm vào trái tim như là linh huyết ngàn đời tụ lại, để biết rằng, mình thực sự đang sống giữa những ngày tháng trên quê hương tươi đẹp và an nhiên nhất… Và tôi, giữa giao hòa xuân sang, đang nhảy múa cùng những linh hồn vào một đêm trăng rằm tháng 10 thật đẹp của tiết xuân sang. 

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm