April 20, 2024, 9:46 pm

Tản mạn Myanmar

Một buổi chiều khi thả bộ quanh khách sạn Sfdona, nơi đoàn ở, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bảo tôi, Myanmar quả là một bí ẩn. Nhận xét đó được anh nói ra khi chúng tôi đã ở Yangon một tuần. Một tuần với các cuộc giao lưu gặp gỡ, tham quan, tiếp xúc không chỉ với những đồng nghiệp mà cả người dân Myanmar.

Nhận định ấy không ngờ lại trùng hợp với suy nghĩ của tôi. Đúng là “một bí ẩn” mà nếu không được “mắt thấy tai nghe” chắc không tin nổi. Nhớ lại buổi chiều đón đoàn tại sân bay quốc tế Yangon, cuộc gặp gỡ của những người chưa từng gặp mặt sao mà ấm áp chân tình. Những cái bắt tay, những cái ôm, những lời nói, nụ cười, ánh mắt… đã xua tan ngay từ phút đầu cảm giác xã giao nghi thức vẫn thường diễn ra ở nơi này nơi khác. Như những người bạn lâu ngày gặp lại. Cảm nhận tất cả đều chân thật, để rồi những ngày sau đấy chủ khách không phải e dè, giữ ý gì nhau. Đoàn nhà văn Việt Nam đã đi qua những giây phút đầu tiên thoải mái ấm cúng trước các nhà văn Myanma như vậy.

 

Myanmar còn là đất nước của chùa chiền. Dù to nhỏ, cao thấp, các ngôi chùa đều được đặt ở những vị trí trang trọng, thuận tiện cho người dân đến hành lễ.

 

Cố đô Yangon như một nàng tiên ngủ trong rừng. Quả vậy. Đi trong thành phố nhiều khi ta có cảm giác như đang đi giữa rừng cây. Rồi hồ nước, vịt trời, le le lặn ngụp bắt mồi như đưa ta về một miền hoang sơ, chứ không phải chốn phố thị. Giữ được môi trường thiên nhiên ấy là giữ cho Yangon một vẻ đẹp “khác người”, và để nơi này luôn mới mẻ hấp dẫn du khách bốn phương. Chưa có nhiều nhà cao tầng, những con đường thẳng tắp, mật độ xây dựng thưa thoáng, phố xá vẫn giữ được lối kiến trúc thời thuộc Anh, rạch ròi, chắc chắn. Nghe nói những năm gần đây các công ty xây dựng của Trung Quốc, Singapore đã mở rộng sự tìm kiếm lợi nhuận đến vùng đất vốn thanh bình này, một nỗi lo mơ hồ đã len vào suy nghĩ của chúng tôi. Ra khỏi thành phố chừng vài ba cây số, ta sẽ bắt gặp những khu dân nghèo, nhà cửa tạm bợ giữa bạt ngàn đất đai chưa được khai thác.

Yangon có gần 5 triệu người, đã 20 năm cấm xe máy hoạt động nên đường phố lúc nào cũng thông thoáng, không có cảnh  ồn ào chen lấn xô đẩy, cũng chả mấy khi nghe tiếng còi xe xé tai, giật mình. Người dân Myanmar sống hiền hòa, thân thiện và nhường nhịn. Ai cần, ai muốn thì cứ vượt lên. Không có sự kèn cựa bon chen, hay thói đời “con gà tức nhau tiếng gáy”. Ai thích giàu thì cứ làm giàu, người không, chỉ lao động đủ mức sống cho gia đình, họ dễ dàng bằng lòng với những gì mình có được. Thế nên mới tồn tại một thực tế người nghèo sống vui vẻ hòa thuận với người giàu. Chùa chiền là nơi linh thiêng lưu giữ phần hồn, gia đình nhà cửa chỉ là cõi tạm. Làm ăn có đồng tiền dư dật, người ta mua vàng đem giát chùa lấy đó làm niềm hạnh phúc.

Myanmar còn là đất nước của chùa chiền. Chùa lớn chùa nhỏ, ở đâu cũng có, đi đâu cũng gặp. Tất cả các ngôi chùa nhìn từ bên ngoài đều có một khuôn mẫu thống nhất hình tròn mô phỏng bầu trời, giữa là tháp cao. Và tất cả đều được giát vàng hoặc thếp vàng. Dù to nhỏ, cao thấp, các ngôi chùa đều được đặt ở những vị trí trang trọng, thuận tiện cho người dân đến hành lễ. Ngoài những lúc phải đi làm ăn mưu sinh, người dân thường đến chùa đi cầu lễ, họ mang theo thức ăn, đồ uống, nghiêm trang thành kính trước Phật đọc kinh, sám hối tới chiều mới trở về nhà. Những ngày lễ chính các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa, chợ búa cũng vắng người, tất cả đổ dồn về những ngôi chùa. Cuộc sống cứ bình thản như vậy, không vội vã, cũng chẳng ồn ào chen đẩy. Người ta nói rằng trong một ngôi chùa lớn ở đây còn giữ được 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca, một mảnh áo của Ca Diếp và cây gậy, cái lọc nước của Câu Lưu Tôn và Câu Na Ham. Người Myanmar rất mộ đạo và khiêm nhường.  Đức tính ấy có lẽ xuất phát từ triết lý sống nhà Phật, một tông giáo như quốc đạo ở Myanmar: “Thiểu dục tri túc” (không cần kiếm tiền bằng mọi giá). Thà ăn xin chứ không ăn cắp. Đây có thể coi là “chìa khóa” giữ thăng bằng cho con người trước cám dỗ và cái ác, nhất là trong môi trường thực dụng vật chất lên ngôi hôm nay. Ta bắt gặp buổi sáng hàng dài tăng đoàn già, trẻ đi khất thực. Một người bạn cho tôi biết, có đến 80% người dân Myanmar ăn chay trường để không sát sinh. Ở các ngôi chùa ngày nào người đi lễ cũng đông như trẩy hội, vợ chồng con cái, người già, trẻ nhỏ, ai ai cũng thư thái, không có cảnh xô chen ồn ã, khói hương nghi ngút, hay dắt tiền vào tay Phật. Sự thành kính tôn nghiêm là ở lòng thành, đúng với nghi thức Phật giáo. Thật dễ hiểu, từ buổi lọt lòng, người ta đã được “tắm” trong giáo lý nhà Phật, khuyên răn con người hãy tránh xa ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đây là 5 bài học thuộc lòng cho tất cả mọi người và trong cuộc sống mỗi người nó như 5 “bức thành” ngăn chặn, không để họ rơi vào tam ác đạo là tham, sân, si, nguồn gốc của mọi tội lỗi, tha hóa, giúp cho họ sống đúng với chữ NGƯỜI, và có một cuộc sống hạnh phúc trong một xã hội lành mạnh, bình an. Chính điều này đã góp phần tạo nên một Myanmar bí ẩn trong con mắt du khách thập phương. Và nó cũng đã được minh chứng trong lời nói chân thành cái bắt tay cũng thành thật của những bạn văn khi họ đón chúng tôi ở sân bay. Chả thế mà ngay lần gặp đầu tiên, ông chủ tịch Hội Nhà văn Myanmar đã không giấu giếm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh: “Hội Nhà văn chúng tôi nghèo nên phải nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ từ nơi ăn chỗ ở đến giải thưởng…”. Ai đến Myanmar cũng dễ nhận ra một điều rằng, người dân bản địa hầu như không dùng rượu, bia và họ cũng chẳng khuyến khích thực khách. Tại khu ăn uống của khách sạn 5 sao Sfdona đoàn chúng tôi ở vẫn có các loại  rượu vang, nhưng nhà hàng không quảng cáo, ai muốn uống thì yêu cầu lễ tân phục vụ. Ngay cả bữa tiệc nước chủ nhà chiêu đãi các đoàn ngày cuối cùng tại cung điện Krawei tráng lệ có ông Thủ tướng vùng Yangon đến dự, cũng chỉ có nước hoa quả, tịnh không thấy rượu bia hay loại chất kích thích nào. Lại nhớ bữa trưa ở một nhà hàng không biết mấy sao nhưng sang, đẹp dưới tán rừng, bên hồ nước trên đường tham quan bảo tàng quốc gia trở về cũng vậy. Giữa cơn khát, thèm một vại bia hơi hay lon bia ướp lạnh, nhưng cũng chỉ có nước suối. Dạo bước qua nhiều đường phố sầm uất, khu ăn uống, chợ trời… ở cố đô Yangon không thấy bóng dáng một quán nhậu nào, dù bình dân hay cao cấp. Nếu ai đó muốn tìm cảm hứng từ những gương mặt đỏ lựng vào một buổi trưa cùng với tiếng hò hét đầy kích động ở nơi này thì hoàn toàn thất vọng. Đấy có lẽ là một trong những lý do Yangon và cả Myanmar, số vụ tai nạn giao thông hàng tháng, từng năm rất thấp. Được biết các tệ nạn khác cũng rất ít xảy ra. Không thuộc trường phái cấp tiến, cũng chẳng là bảo thủ, nhưng thiển nghĩ về chuyện ăn nhậu bia bọt chúng ta hơi quá đà. Không thế mà ở xứ Đông Nam Á này, Việt Nam được xếp là quốc gia tiêu thụ bia rượu đứng thứ 3. Chẳng tự hào gì cái chuyện hơn người ăn nhậu, chưa nói tai nạn, cũng chưa nói tới bao mái ấm gia đình tan nát, vợ chồng bỏ nhau vì bia rượu, thì biết bao trận ẩu đả, nhiều khi dẫn tới chết người cũng xuất phát từ những cuộc chén chú chén anh.

Giáo sư Kwin. Chủ tịch Hội Nhà văn Myamma, một học giả uyên thâm và nhiệt thành. Sở hữu dáng người cao gầy, đôi mắt thông minh, thông thạo tiếng Anh, ông không chỉ là chủ buổi lễ trao giải thưởng Văn học Sông Mê Kông lần thứ 10, các cuộc gặp gỡ trao đổi bên lề, mà còn là một “hướng dẫn viên” nhiệt tình, am tường các vấn đề thuộc về lịch sử Myanmar quá khứ cũng như đương đại. Là nhà văn, nhà nghiên cứu, nên khi đưa đoàn các nhà văn của 6 nước tham gia lễ trao giải thưởng tham quan bảo tàng lịch sử Quốc gia Myanmar, ông đã chủ động làm chân “thuyết minh” rất thành công. Qua từng phần trưng bày, lịch sử các triều đại, những cuộc giao tranh với ngoại bang hay nội chiến, cho đến nét sinh hoạt, phong tục, trang phục… chỗ nào cần dừng lại đi sâu, mở rộng, chỗ nào nên lướt qua, ông đều làm thỏa mãn khách văn, những người bạn dễ tính đấy mà cũng khó tính đấy. Tôi có cảm tình với ông ngay buổi đầu gặp gỡ, từ nơi ông toát ra vẻ cẩn trọng, thân tình và chu đáo, cũng từ nơi ông toát lên những điều bí ẩn rất Myanmar. Những gian trưng bày của bảo tàng rộng là thế, mà ông nói say sưa, không cần micoro, nói đến toát mồ hôi, không tài liệu, không cả “gạch đầu dòng” thế nhưng vẫn bài bản, khúc chiết. Cái bí ẩn toát ra từ nơi ông hòa nhập với bí ẩn của bảo tàng tạo nên một góc bí ẩn nhỏ Myanmar. Những cây cột gỗ lim mấy người ôm không xuể bị thời gian gậm nhấm, dấu tích của một công trình đồ sộ còn sót lại, rồi những họa tiết tinh xảo trên vật dụng bằng gốm, những hoa văn thêu thùa trên triều phục, cách bài trí, qui cách lề luật của từng triều đại.v.v… đều như nằm lòng ở ông. Đi hết những gian trưng bày với vai người nghe đã thấm mệt, vậy mà đến đâu ông cũng không bỏ sót, dù người nghe có đôi lúc hờ hững. Tôi hiểu, nhà văn, giáo sư Kwin muốn tranh thủ dịp may hiếm có này để quảng bá nền văn hóa, lịch sử và cả những điều kỳ diệu trong đôi bàn tay khối óc của những con người thuộc các dân tộc Myanmar. Vâng, điều đó thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Là tôi muốn nói tới những công trình xây dựng trong quá khứ đã trở thành biểu tượng đáng tự hào của đất nước Myanmar hôm nay. Đó là chùa Shwedagon, là cung điện Krawgyi. Chùa Shwedagon được xây dựng 2.500 năm trước, còn có tên chùa Vàng, tọa lạc giữa hàng chục chùa nhỏ trên khuôn viên rộng hơn 4 hecta. Ngôi chùa này có tháp cao 99 mét, toàn bộ được giát vàng. Một cây cột vàng lồng lộng giữa trời mây. Đứng cách xa ngửa mặt nhìn lên tôi cứ tự hỏi một cách ngớ ngẩn mà đáng yêu rằng, bằng cách nào người ta có thể leo lên trên cao chót vót ấy để giát những lá vàng vào đỉnh tháp một cách kỳ tài. Nhưng có lẽ tuyệt diệu nhất là mỗi khi hoàng hôn xuống, toàn bộ chân trời phía đó như cũng được giát vàng, tất cả cứ rực lên một màu vàng lung linh đến nao lòng. Sự trang nghiêm bề thế làm người ta không dám bước tới gần, cứ từ xa mà chiêm bái, ngưỡng vọng. Khác với chùa Shwedagon, cung điện Krawgyi lại mang một diện mạo, ý nghĩa khác. Cái độc đáo không phải nó được mô phỏng theo hình dáng một chiếc thuyền rồng dựng trên hồ nước rộng, mà ở sự biệt lập, độc nhất vô nhị về cấu trúc, tinh xảo tài hoa về đường nét chạm trổ. Những cách điệu long, ly, quy, phượng, với lá, với hoa, với trời, nước… quyện thành một tổng thể, đó là sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thiên nhiên và sự vĩnh hằng của vũ trụ, tạo thành 3 trụ cột Thiên - Địa - Nhân. Ánh sáng từ khắp nơi tràn về, gió mát từ bốn phương ùa về. Vào đây ta không có cảm giác đang ở trong một ngôi nhà, nhưng lại thấy hạnh phúc mình đang ở giữa một không gian quyền quí và sang trọng. Và không thể không thốt lên rằng ngôi chùa Shwedagon và cung điện Krawgyi cũng là những bí ẩn được hình thành từ những con người bình dị và khiêm nhường Myanmar.

Đi giữa Yangon thỉnh thoảng lại gặp một cụm rừng. Rừng ở đây là rừng nguyên sinh chứ không phải rừng trồng hay rừng theo cách nói văn học. Những cây cổ thụ ba bốn người ôm không xuể, không biết bao trăm tuổi, nhưng chắc chắn yên vị nơi đó đã lâu lắm, cây nọ giao cành cây kia, mà mỗi chạc ba, thân cành như một vườn thực vật, nào phong lan, tầm gửi, nào dây leo buông thả quấn quít. Đấy cũng là thế giới của các loài chim, tiếng ríu rít từ sáng tới chiều tối như muốn trò chuyện với người đi đường. Cò trắng phau, quạ đen nhánh, cà cưỡng, bồ nông chao chát như họp chợ. Lại có những chú sóc đuôi dài vắt vẻo bò xuống tận vệ đường nhặt những hạt ngô, mẩu bánh rơi vãi… Xây dựng và phát triển, cơn lốc đô thị hóa đâu có chừa ai, nơi nào, vậy mà Yangon vẫn giữ được cho riêng mình nét độc đáo, ở đó lòng tham con người vẫn còn bị kiểm soát, những “con cá mập” bất động sản chưa thể lộng quyền tự tung tự tác. Cho đến lúc này, đó được coi cũng là một điều bí ẩn. Suy cho cùng, bí ẩn không phải từ trên trời rơi xuống, hay là một đặc ân ai đó đem đến cho ta. Sự bí ẩn từ chính con người làm nên, và nhất định rồi, đó cũng là sức mạnh của một dân tộc.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm