April 24, 2024, 11:16 pm

Tản mạn mùa lễ hội

 

Tôi vốn là kẻ “thường dân áo vải” nên không dám lạm bàn chuyện "dâng sao giải hạn", xin này cầu kia... có chuẩn đạo Phật hay đạo Lão không. Chỉ có ít chữ Cha Mẹ cho, tỏ tường đọc viết nên từng đọc cuốn "Việt Nam phong tục" của cụ Bưu Văn Phan Kế Bính. Và đầu xuân năm mới thấy Thiên hạ đổ xô đi lễ bái cầu cúng, thầm mong cho ai ai cũng cầu được ước thấy, xin gì được nấy, nhưng trước khi đến đâu, cầu gì thì cũng nên biết cái nơi mình cúi đầu khi đi qua cửa, đích xác là gì. Nên phân biệt được Chùa, Đình, Đền, Phủ, Miếu, Quán… trong phong tục Việt.

1.

Bản thân tôi có hai kỷ niệm khá buồn khi đến chốn linh thiêng. Một là lần đi chùa Hà cùng nhóm bạn ở xóm trọ đúng dịp Rằm tháng Giêng cách đây ngót ngét trên dưới 20 năm. Khi đang cố chen vai thích cánh vào chính điện thắp hương thì chiếc ví còm của gã trai vừa qua thời Sinh viên bị một tay đạo chích móc mất. Hắn thọc hẳn tay vào túi hậu quần bò lôi ra làm tôi giật mình quay lại, vẫn thấy hắn uốn lượn như lươn lủi đi mà giữa trùng điệp biển người dâng lễ, nhưng không sao la lên cho ai nghe thấy hay đuổi theo được. Tối đó hai anh em tôi gần khóc, không đứa nào ngủ được. Tháng sau Tết đó, hai đứa đành bữa đói bữa no đợi lương thử việc của anh và "viện trợ không hoàn lại" từ bố mẹ cho cô em gái mà lòng thầm ước hôm đó mình... đừng đi lễ chùa!

Chuyện thứ hai mới xẩy gần đây, hai vợ chồng đứa bạn đi phủ Tây Hồ ngày mồng Một. Để chồng đỡ căng thẳng lái xe sau giờ làm, cô vợ gọi taxi xong làm xấp tiền lẻ bỏ vào chiếc túi đeo trước ngực. Cẩn thận hơn, lúc vào lễ cô vợ còn bắt chồng đưa iPhone, móc ví bỏ hết vào túi ôm khư khư trước bụng cho chắc ăn. Vậy mà chỉ thoáng chút xíu khi mở túi lấy tiền lẻ dâng lên Lầu bên ngoài, chỉ một cái quệt tay, cô vợ thấy túi nhẹ bẫng, Hai chiếc iPhone, bao nhiêu giấy tờ tiền nong của nả trong túi... bay vèo!

Dở khóc dở cười, danh bạ điện thoại nhớ mỗi số của tôi (không dám gọi cho bố mẹ hai bên vì sợ ăn chửi), hai vợ chồng gọi tôi đến cứu viện rồi ra phòng Bảo vệ trình báo sự việc. Cầu chán xin chê rồi giờ chỉ cầu... kẻ cắp nó trả lại cho mớ giấy tờ cùng “kính thưa các loại thẻ” để không mất mỗi đứa vài tuần thất thểu đi làm lại.

Tôi lái xe lên, thấy hai anh chị đang ngồi cùng băng ghế nhưng mỗi đứa quay một hướng, cô vợ nước mắt đầm đìa còn ông chồng thì mặt mày hùng hổ. Tôi đành kéo họ lên xe, an ủi được câu nhạt thếch: "Của đi thay người" rồi dẫn đi ăn tối.

Nhìn "mâm cỗ xả xui" dọn lên, chị vợ vẫn buông những tiếng thở dài như dãy Trường Sơn: "Sơ sơ cũng mất khoảng sáu chục củ anh ạ. Không hiểu sao hôm nay cái H. bạn em nó trả nợ tiền hàng lại đưa toàn tiền mặt, em lại đút hết vào đây!"

Ông chồng lại được dịp long lên sòng sọc: "Sáu chục củ là thế nào? Ví tôi còn những hơn chục triệu!"

"Á à, thế ông làm gì mà có nhiều tiền mặt thế hở ông kia? Hôm nay cháy nhà mới ra mặt chuột!"

Tôi lại phải ra tay can gián. Rượu được vài tuần, cơn tức-tiếc đã tụt xuống mé bờ thì điện thoại tôi rung. Bác bảo vệ của phủ Tây Hồ báo tin nhặt được mớ giấy tờ kẻ gian vứt lại, mai bảo anh chị nhà kia đến mà nhận về!

Hai vợ chồng mừng rơi nước mắt, và vội bát cơm, tính phi đi ngay. Mới dợm bước đứng lên đã nghĩ ra, mình đang là "người cùng khổ".

Tôi nói thôi cứ ăn uống ngủ nghỉ đi đã, giờ cũng muộn rồi, mai lên vẫn kịp. Anh chồng tươi mặt hướng chén rượu qua tôi:

- Thôi vậy cũng được. Mà mai lên chuộc lại giấy tờ, có cần biếu họ vài "lít" không bạn?

Tôi chưa kịp giả nhời thì chị vợ đã la lên bai bải:

- Nhất định không cho! Loại không giữ được an ninh trật tự cho dân mà còn cho làm gì? Không chừng chúng nó thông đồng với nhau cũng nên!

Tôi lại đành vỗ về. Cơm nước xong xuôi hai vợ chồng te tái ra vẫy taxi về. Tôi đành đánh bạo:

- Thế giờ đi xe ôm về có tiền trả hay không?

Anh chị lại ớ ra phát nữa, giờ tiền mặt cũng không mà tiền nhựa cũng chả còn. Tế nhị, tôi lôi ví ra lấy tiền đưa cho chị vợ, bảo họ chủ động bắt xe về. Trên taxi có cãi nhau thì cãi nốt chỗ dở để về hai đứa con còn ngủ.

(Chuyện được kể ra sau khi đã có sự đồng ý của đôi nhân vật chính).

2.

Dịp 30/4, 01/5/2018 vừa rồi, tôi theo anh em làm chuyến hành hương lên Đất thiêng Tibet. Nhiều người hỏi tôi: bỏ bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu thời gian lên đó để cầu khấn điều gì? Thú thực, tôi không biết cầu khấn sao cho đúng cách, và cũng không có ý định cầu xin gì. Thế giới bao la, Địa cầu rộng lớn, có cảnh đẹp "trầm ngư lạc nhạn", đi được thì tôi cố gắng tới nơi để ngắm nhìn Thiên hạ Vũ trụ Ngân hà thôi chứ không có dụng tâm gì cả. Đứng dưới núi thiêng tuyết trắng, dưới bóng Đức Phật tổ linh thiêng, tôi chỉ thành tâm cầu mong cho con gái được lớn khôn rắn rỏi may mắn hạnh phúc, Cha Mẹ được mạnh khỏe an lành, bản thân được tâm an trí lạc... chứ chẳng dám lạm xin thêm điều gì.

Viếng thăm chùa Đại Chiêu chính giữa Lhasa nơi Đất Phật, tôi mua cho con gái một chiếc ngù ngũ sắc - mà như cậu Hướng dẫn viên người Tạng nói với tôi - đây là vật nên để quanh mình, ý nghĩa của nó là "Buddha protects you"(Đức Phật bảo vệ bạn). Đem về thắt chiếc ngù vào ba-lô hàng ngày con gái hay đeo đi học, dặn con rằng: "Đây là vật ba lấy về từ Đất Phật, đeo vào đây để Cụ Phật hàng ngày phù hộ cho con luôn được an lành".

Tôi dạy con gọi là Cụ Phật, không phải Đức Phật hay Đức Ngài gì cho xa xôi kinh viện, vì gọi thế giống như "Cụ" là một người trong gia đình, bao dung dễ hiểu dễ gần với con hơn cả.

Tôi cũng nói với con rằng, nếu con muốn học giỏi thì phải chăm chỉ siêng năng, muốn lớn nhanh thì phải chịu ăn uống khoa học hợp lý, muốn cô yêu bạn mến thì phải chăm ngoan thuận hòa chứ chẳng ai có thể làm hộ cho con được cả.

Và tôi đoan chắc, trên Thế gian này chẳng ai yêu tôi hơn Cha Mẹ tôi, nhưng giờ họ đều già yếu cả. Chẳng thể làm gì khi tôi đau khổ, chẳng thể giúp gì khi tôi không một xu một cắc lận lưng. Vậy nên nếu muốn hạnh phúc thì phải vun trồng, muốn thịnh vượng thì phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", cầu xin gì ai đem tới mà cho?

Lại một mùa Lễ hội. Thú thực, cứ thấy nghìn nghịt người chen vai thích cánh nghẹt thở với trùng trùng lễ vật cùng "thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay" nơi cổng Chùa cửa Đền là tôi thấy sợ. Thi thoảng được lúc nhàn tản, tôi thường hay đến những ngôi chùa xa trung tâm Thành phố, thanh tịnh và yên tĩnh, ngồi đọc sách hay đi dạo bộ chụp ảnh loanh quanh. Đôi lần hữu duyên được các sư thương (chắc nghĩ tôi là loại không giống người thường), gọi vào ban cho chuối oản, cho uống trà sen và bàn chuyện kinh kệ sách vở. Ra về mà lòng nhẹ bẫng...

Năm mới đã sang, chỉ cầu mong cầu Đức Phật độ trì an lành may mắn cho con tôi, cho Bố Mẹ tôi và bản thân tôi cùng gia đình bè bạn, còn thì:

"Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu Chùa"

Và các Cụ xưa dạy rồi: "Vạn sự tùy duyên, cưỡng cầu vô ích..."

Lê Hồng Lam


Có thể bạn quan tâm