April 20, 2024, 7:46 am

Tản mạn một “KHÚC HÁT SÔNG QUÊ”

 

Theo nhà thơ Lê Huy Mậu, đời văn của một người viết được một nghìn trang sách mới gọi khả dĩ. Anh coi đó là mục tiêu của mình. Mục tiêu này, với nhà văn không cao, vì nhà văn chỉ cần viết ba cuốn tiểu thuyết, bốn hoặc năm tập truyện ngắn là đủ. Với nhà thơ có khác. Tập thơ tính trung bình một trăm trang in, một nhà thơ phải viết… mười tập. Những nhà thơ nhưXuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thanh Thảo, Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo… có thể làm được hơn hai lần như thế. Nhưng với Chính Hữu thì không thể, vì cả đời ông chỉ viết một tập Đầu súng trăng treo.

Văn chương “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nên sách thơ viết một đời xếp chồng lên nhau dày cả gang tay như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên là tài; nhưng chỉ viết chưa được phân nửa lóng tay như Chính Hữu, tài… cũng không kém! Chính Hữu có thể coi là trường hợp đặc biệt, còn với số đông, bao giờ ta cũng phải tính đến quan hệ lượng - chất. “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất” (Ph.Angghen). Là cử nhân Triết, Lê Huy Mậu hiểu điều này, nhưng không phải vì vậy mà anh tự đặt chỉ tiêu cho mình. Vấn đề đối với anh theo thiển nghĩ của tôi, đã là nhà văn thì phải đạt tới một cái ngưỡng nào đấy, và cái ngưỡng ấy ngoài chất lượng, về mặt khối lượng anh quy định một nghìn trang in, thế thôi. Tuy nhiên, có lẽ nhờ có chỉ tiêu cụ thể mà đến nay anh đã viết và in được bảy tập thơ, một tập truyện ngắn. Đấy là các tập: Đêm trăng non (1990), Thiếu nữ và mùa Đông (1997), Những bước chân (2001), Cảm ơn mưa phùn (2002), Cỏ thiêng (2006), Từ muôn đến một (2015), Viết lên tường nhà mình (2016). Truyện ngắn: Giá người (2002). Chỉ tiêu một nghìn trang in sem sém đủ. Bây giờ cái ta quan tâm ở anh là quy luật lượng – chất, là cách trồng thơ để… mần răng mà “Một hột cảm dù nhỏ như hột cát/ Đã có thể coi là mùa bội thu…”

*

Lê Huy Mậu kể, anh yêu văn chương từ nhỏ, đi bộ đội, vào chiến trường Tây nguyên năm 1970. Nếu tự tin hơn một chút không chừng anh đã trở thành một nhà thơ khoác áo lính như bất cứ một nhà thơ Việt Nam nào trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ từ ngày ấy, chứ không phải sém vào tuổi bốn mươi như sau này được mời đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc còn thấy bổi hổi bồi hồi. Lạ thế, yêu thơ, nhưng những năm ấy Mậu dấu kín trong lòng, chỉ bầu bạn với sách vở, chứ không nghĩ mình sẽ viết như thế nào. Có lẽ tại anh là lính đồ bản, suốt ngày ở trong nhà hầm? Chẳng biết nữa. Con đường của sáng tạo đi theo những lối ngõ mà con mắt trần tục của ta không thể nào đoán định.

Giải phóng miền Nam được một năm, năm 1976 Lê Huy Mậu xuất ngũ, vào học khoa Triết trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lúc tình yêu văn chương trong anh bắt đầu lên tiếng. Vì thế, học khoa Triết mà Mậu lại kết giao với những Bùi Việt Phong, Lương Minh Cừ, Lệ Bình, Phạm Minh Hà, Lê Hữu Lương ở khoa Ngữ văn. Suốt ngày ngoài việc học, nhóm bạn lại động viên nhau sáng tác, viết rồi đọc, đọc rồi viết, người nọ chuyền tay người kia và gửi in báo. Cuối cùng thì thơ của chàng sinh viên Triết Lê Huy Mậu cũng được báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu. Dù đã bốn mươi năm trôi qua mà Lê Huy Mậu vẫn nhớ như in cái phút ban đầu kỳ diệu ấy. Hôm ấy Lê Huy Mậu và Bùi Việt Phong lang thang dạo phố, cả hai dừng trước một sạp báo trước cổng trường. Mở tờ báo Văn nghệ thành phố ra bất ngờ thấy thơ mình, không cần ngắm nghía xem mo rát đúng sai thế nào, thơ của mình được thêm hay bị bớt, chàng rút bút ra hý hoáy viết ngay lên tờ báo: “Tặng Bùi Việt Phong, người bạn thân nhất của Lê Huy Mậu!”. Đến lúc trả tiền mới hay người tặng cũng như người được tặng đều không có một xu dính túi. Cũng may gặp bà bán báo dễ tính, bảo: “Các cậu cứ cầm về, tiền mai trả có sao đâu”. Được lời như cởi tấm lòng, có bao nhiêu tờ báo Văn nghệ thành phố trên sạp, Mậu thầu tất.

Cứ tưởng như thế là tới đỉnh vinh quang, nào ngờ tất cả mới chỉ bắt đầu và con đường thơ càng đi càng hun hút, không biết đâu là đích. Điều này, một phần do tốt nghiệp đại học, Mậu được ưu tiên phân công công tác về Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá anh cứ ở đấy cũng chẳng sao. Dương Hướng, Mai Văn Phấn cũng làm Hải quan mà vẫn là những nhà văn nhà thơ danh giá đấy thôi. Nhưng Mậu là người giàu lòng trắc ẩn, tính lại ngơ ngơ ngẩn ngẩn thường quên những cái thiên hạ nhớ, nhớ những cái thiên hạ quên, trong lúc đó công việc Hải quan không thể “chín bỏ làm mười”. Được ba năm, năm 1984 anh bỏ của chạy lấy người, xin chuyển công tác về Ban Tuyên giáo đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu, ở đó một lèo hai mươi ba năm, đến năm 2007 thì chuyển về Hội Văn nghệ tỉnh làm Chủ tịch, cho đến nay.

 So với bạn bè cùng trang lứa, Lê Huy Mậu đến với thơ như thế là hơi muộn. Nhưng anh không “đi tắt đón đầu”, cứ tuần tự tiến, thử sức mình ở nhiều loại hình văn học: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình. Loại hình nào cũng có những thành công, nhưng chỉ ở thơ anh mới bộc lộ được hết sở trường sở đoản. Và trong thơ, anh cũng đi từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Bắt đầu bằng những bài thơ có vần, niêm luật chặt chẽ, đến thơ tự do - thơ văn xuôi không vần. Chúng ta biết, thơ văn xuôi luôn là một thách thức đối với tất cả các nhà thơ. Thi hào Nga Ioxip Brodski (Nobel văn học 1987) viết: “Thơ tự do, một cá nhân nào đó muốn sử dụng nó thì phải đi qua lịch sử của thơ vận luật trước khi anh ta giải phóng chính bản thân anh ta khỏi nó”(*). Lê Huy Mậu do đã tự giải phóng được mình khỏi những ràng buộc của thơ vận luật, viết thơ văn xuôi như không. Đây dường như là một sự trở về bản thể, bởi “… một đứa trẻ khi bắt đầu với Thơ, nó “nói” những câu thơ tự do…” (Thanh Thảo)... Đọc thơ văn xuôi của Lê Huy Mậu cũng có cảm giác như vậy, như anh đang “nói thơ”, cả bài thơ như một câu thơ, cảm xúc liền mạch, miên man, ảo mờ sương khói…

Dù viết thơ có vần hay không vần, Lê Huy Mậu chịu ảnh hưởng sâu sắc của cội nguồn thơ ca Nghệ Tĩnh quê hương, đấy là sự cô đọng, chắc khỏe của giặm, vè. Sự ngắn gọn trong cách thể hiện. “yếu tố tự sự - tính truyện” xuất hiện trong nhiều bài thơ. Một số bài thơ của anh có thể kể lại được, vì cơ sở của bài thơ là cái “tình”, nhưng nòng cốt lại là cái “sự”. Tứ thơ được xây dựng và triển khai xung quanh cái “sự” này, yếu tố kể chuyện trở thành chủ yếu. Ví dụ bài Cha tôi, viết năm 2011: Là nông dân/ Nhưng trông ông chẳng giống thợ cày/ Nước da trắng hồng/ Dáng người mảnh khảnh/ Rít điếu cày cong cả giấc mơ khuya// Tôi nhớ ông/ Đầu đội bê-rê/ Mặc áo lụa tằm/ Chân đi guốc mộc/ Là nho sinh nhưng không đỗ đạt/ Chức hương mục trong làng bà nội mua cho//Tôi là con cầu tự trong nhà/ Vào lớp một đã có xắc, có dép/ Nhưng ông thương con bằng roi, bằng vọt/ Tôi nhát đòn nên thành kẻ sợ cha// Năm ông mất tôi vừa mười ba tuổi/ Nỗi nhớ về ông mới ngang chiếc seo cày/ Nay tuổi tôi quá tuổi ông ngày mất/ Nhớ đến ông là nhớ chiếc roi mây! Đọc xong bài thơ, có thể câu chữ cụ thể ta không nhớ, nhưng những cái sự mà nhà thơ kể như dáng hình, phục sức của người cha, tính nghiêm khắc của ông thì ta nhớ ngay. Cái mạnh của lối kể chuyện dân gian được tác giả phát huy tối đa khi viết tác phẩm.

Một đặc điểm quan trọng nữa của thơ Lê Huy Mậu là giàu tính triết luận, thể hiện trước hết ở đề tài: Biện chứng của tình yêu, Angghen, Emanuel Kant, Don Quixote, Từ muôn đến một… đặc điểm này do anh là Cử nhân Triết và do cái máu “Đồ Nghệ” của anh, và khi đã học Triết rồi thì những triết luận trong thơ anh luôn được soi chiếu bởi ánh sáng khoa học. Biện chứng của tình yêu chẳng hạn:“Vạn vật chỉ là sự kết hợp với nhau bằng một phương thức nào đó. Như anh và em. Tự nhiên cũng yêu nhau. Âm và dương có trong hạt cơ bản/ Biện chứng của tình yêu nằm ngay trong biện chứng của tồn tại, và biện chứng của tồn tại nằm ngay trong hỗn độn của bầu trời/ Có kết hợp làm nên kim cương. Có kết hợp chỉ thành than đá. Hai mươi thế kỷ con người có lịch sử, và họ giải thích được gần hết những hiện tượng của tự nhiên…”

Những câu thơ đầy cảm xúc được viết với một sự chính xác của khoa học.

Tuy nhiên thơ là thơ, khoa học là khoa học, dù thơ có là một thành tố của Khoa học Xã hội và Nhân văn thì để lay động được lòng người nó chỉ có thể trông cậy vào hàm lượng thơ mà nó sở hữu. Điều này giải thích vì sao dù đã viết hàng trăm bài thơ, in gần chục tập sách mà cái tên Lê Huy Mậu chỉ được bạn bè cùng giới quan tâm. Phải đến khi Khúc hát sông quê của anh được nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thành bài hát thì cái tên Lê Huy Mậu mới được biết đến rộng rãi. Tôi đọc kỹ Khúc hát sông quê, thấy đây là bài thơ dài có những câu thơ hay. Nguyễn Trọng Tạo bằng con mắt xanh của một cao thủ đã dễ dàng nhặt ra từ đó những hạt vàng để phổ thành bài hát. Bài hát là sự cộng hưởng tuyệt vời giữa thơ và nhạc.

*

Trở lại câu chuyện tiêu chí một nghìn trang in của Lê Huy Mậu. Như đã nói, đến nay anh đã xuất bản bảy tập thơ, một tập truyện ngắn, còn bản thảo một tập Chân dung văn học đang nằm chờ ở Nhà xuất bản Hội nhà văn. Chỉ tiêu một nghìn trang in anh đạt chưa? Chưa đạt. Vì lẽ, tôi đọc hai tập thơ Từ muôn đến một, tác giả in năm 2015 và Viết lên tường nhà mình in năm 2016. Thấy bốn bài Donquixote, Thăm bảo tàng chiến tranh ở Seoul, Tây hồ, Miên man thằng mõ có trong Từ muôn đến một năm trước, năm sau lại xuất hiện trong Viết lên tường nhà mình. Việc in trùng lắp thơ như thế ở tác giả cũng là cách mà các nhà văn, nhà thơ ta (nhất là các nhà thơ) thường làm. Có điều này có thể do tác giả thiếu bài, do yêu cầu bố trí bài theo chủ đề trong tập mới, do thấy những bài đó hay cần được nhấn mạnh, do… Xét cho cùng chỉ là một thủ thuật nghề nghiệp, chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới.

Và có một điều vui, Viết lên tường nhà mình được tác giả xác định là tập Thơ văn xuôi. Đã là thơ văn xuôi thì không thể trình bày theo lối thơ có vần, thế là cũng những bài thơ ấy, ở tập trước tác giả in mỗi câu một dòng, sang tập sau ông nhập chúng lại liền tù tì thành từng đoạn văn xuôi một. Và tôi đã thử nghiệm đọc chúng theo hai cách, thì thấy hiệu quả khác nhau. Tôi thích cách đọc những bài thơ văn xuôi theo lối đọc văn xuôi hơn. Giải thích thế nào về điều này nhỉ. Sự bất cập giữa nội dung và hình thức ở cách sắp xếp thứ nhất chăng? Hay về bản chất, những bài mà tác giả gọi là Thơ văn xuôi, hay được giới chuyên môn gọi là Thơ văn xuôi, gần với văn xuôi hơn? Ví dụ đoạn thơ này:“Tôi đã hết sức ngạc nhiên và thú vị khi người thuyết minh bảo tàng giải thích rằng: Hàn quốc ngày xưa nghèo lắm! Chính những người lính này đã phải đi đánh thuê cho Mỹ tại Việt Nam để lấy tiền xây dựng đất nước Hàn được như ngày nay nên nhân dân Hàn quốc mãi mãi tri ân họ!”(Thăm bảo tàng chiến tranh ở Seoul)

Từ thử nghiệm của mình, tôi rút ra kết luận: “Mọi ranh giới mờ nhạt hơn ta tưởng, tới mức cái này có thể là cái kia, cũng chính là cái kia!”. Lê Huy Mậu có nghĩ như tôi? Không biết. Nhưng với những câu thơ sau đây, tôi biết anh sẽ đạt chỉ tiêu đã định và hy vọng từ việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cuộc đời, tác giả sẽ có thêm những “Khúc hát sông quê” mới: “Ngỡ chỉ với hai tư chữ cái/ Hết vỡ lòng là thạo – chữ ơi/ Ai hay viết cạn một đời lao lực/ Vẫn hầu như chưa viết được thành lời!”

------------------

* Dẫn theo nhà thơ Thanh Thảo.

Nguồn Văn nghệ số 39/2018


Có thể bạn quan tâm