March 29, 2024, 9:33 pm

Tầm quan trọng của môn Anh văn và môn Sử trong chương trình học của nhà trường.

 

 Sau tiếng mẹ đẻ thì Anh ngữ từ lâu được xem như tiếng phổ thông của thế giới, là cầu nối, là phương tiện để con người trên trái đất dễ dàng nối kết, để người người xích lại gần nhau, thấu hiểu nhau hơn.

Ở các nước tiên tiến và phát triển, tiếng Anh được học song hành với tiếng mẹ đẻ từ lúc bé, như các nước ở quanh ta: Singapore, Philippin, Malaysia, Thái Lan... Dân ta cũng ý thức được việc đó nên có nhiều người cho con em vào học các trường Tây, trường Anh ngữ chỉn chu từ buổi mới vỡ lòng. Ngày xưa, một Tiến sĩ, Giáo sư (Professeur - Professor) phải thông thạo ít nhất một hoặc hai thứ tiếng Anh, Pháp. Bác Hồ chúng ta biết nhiều thứ tiếng nên Người đi khắp nơi, tuyên truyền vận động được các dân tộc trên thế giới ủng hộ cách mạngViệt Nam, các tướng tá thời bấy giờ cũng giỏi tiếng Pháp hay tiếng Anh. Nhìn chung, muốn làm việc đại sự, muốn buôn bán làm ăn với người nước ngoài, muốn xin vào công ty nước ngoài, thậm chí chạy xe xích lô mà biết chút ít tiếng Pháp, tiếng Anh (bồi) người biết ngoại ngữ bao giờ cũng có ưu thế hơn người không biết.

            Tiếng Anh ở nước ta cũng được dạy từ rất sớm nhưng hiệu quả của việc học tiếng Anh cho đến bây giờ vẫn chưa cao vì kiểu dạy trong các trường PTCS và PTTH còn nhiều bất cập do chương trình cũ kỷ, lối dạy “Tầm chương trích cú”, đa phần chỉ chú trọng Văn phạm (Grammar), đọc hiểu, trả lời câu hỏi để lấy điểm chớ không chú trọng nhiều phần nghe nói, phần giao tiếp nên cho dù đã học xong lớp 12, hoc sinh vẫn không nghe không nói được, thái độ nhút nhát khi giao tiếp, phát âm sai nên người nghe không hiểu mô tê gì cả, ngay cả một giáo viên dạy Anh văn cấp 2,3 của Việt Nam đi qua Mỹ, khi giao tiếp cũng ù ù cạc cạc, cũng “ ngọng, điếc” như thường.

            Tiếng Anh phát âm không dễ như tiếng Pháp vì dù hai loại tiếng này là tiếng đa âm, nhưng tiếng Pháp viết sao đọc vậy, còn tiếng Anh khi đọc lại biến âm  (một âm I mà lúc đọc là “i”, khi đọc là “ai”, âm h có khi đọc, có khi là âm tắt, âm lại có âm nổ và âm gió, đọc tiếng Anh phải chú ý mấy âm gió (âm phát ra chỉ có hơi gió thường ở đầu hoặc cuối chữ như âm t, s, ch...) khi nói phải có gió máy, xì xịt thì mới ra giọng Anh, giọng Pháp. Môn học này chủ yếu là bắt chước, họ nhấn giọng ở đâu phải nhấn đúng chỗ đó, giống như chữ Việt có 5 dấu (Thí dụ: “Tôi ăn cơm” mà nói “Tôi ăn cớm” là sai) ngữ điệu lên xuống thế nào, buồn, vui, diễn cảm ra sao, cách để diễn tả ý câu đều có mẫu câu sẵn, phải nói theo cách của họ, sáng tạo thì thêm thắt ý nghĩa cho đầy đủ, phong phú nhưng bắt buộc phải đúng theo khuôn mẫu của câu (đơn, phức, thành ngữ, mệnh lệnh, cảm thán...). Học sinh miền quê thường phát âm sai do thói quen tiếng địa phương (tr thành ch, r thành g) nên phải rèn những âm sai, nếu không, muốn nói chuyện này lại hóa ra nói chuyện khác. Tiếng Anh phần phát âm hơi khó nhưng văn phạm lại dễ hơn tiếng Pháp.

            Tiếng Việt là tiếng đơn âm nên khi thầy Việt dạy, học sinh nghe có thể hiểu được nhưng đến khi nghe người nước ngoài nói thì học sinh không biết gì cả vì họ nói rất nhanh, họ nuốt âm và nối âm liên tục nên có những câu dễ, học sinh đã học rồi mà nghe vẫn không ra. Học sinh ở thành phố có điều kiện để đi học thêm trường này, trung tâm nọ, có điều kiện tới sinh hoạt ở các câu lạc bộ tiếng Anh, có dịp để giao lưu tiếp cận với người nước ngoài, hoặc được nghe trên máy thường xuyên mới quen tai. Còn học trò ở thôn quê thì ý thức của phụ huynh và ngay cả học sinh, đa phần đều ít chú tâm tới chuyện học thêm, chuyện nâng cao ngoại ngữ, phần vì không có tiền cho con em đi học, phần nữa phụ huynh thường có quan niệm cho con học vài chữ bỏ bụng rồi về phụ cha mẹ lo chuyện ruộng vườn. Không hiểu sao thời khóa biểu tiếng Anh, nhà trường xếp mỗi tuần có 3 tiết, trong ba tiết này chỉ đủ dạy cho một bài đọc hiểu, còn thời gian đâu để dạy giao tiếp, dạy nghe... (ở nông thôn, có nơi trường không hề cho học sinh nghe, nói gì cả). 

            Một môn học tiếng nước ngoài tương đối khó mà xếp giờ ít ỏi, thầy cô giáo (nhất là ở miền quê) vừa thiếu, vừa chưa đủ chuẩn, phương tiện nghe nhìn cũng thiếu thì làm sao học sinh giỏi cho được. Kết quả thi PTTH, môn Anh văn năm nào  dưới 5 điểm cũng chiếm 50, 60%, riêng năm nay chiếm 68,71%, còn lại là học sinh  trung bình, khá, giỏi, phần lớn nằm ở những thành phố lớn. Một môn ngoại ngữ quan trọng đối với tương lai học sinh, đối với nước ta, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay, môn ngoại ngữ kém như vậy là một trở ngại rất lớn trong việc giao dịch, việc nắm bắt những tinh hoa của thế giới trong mọi mặt.

*

Song hành với môn Anh văn, môn Lịch sử năm nay điểm kém (dưới 5) cũng chiếm trên 70%. Môn này hiện nay phụ huynh và học sinh cho “ra rìa” vì vừa khó học với những sự kiện và con số dài lê thê, bài học nặng về chính trị khô khan mà với tầm hiểu biết của một học sinh mới lớn, không thể nào kham nổi.

 Chương trình Lịch sử lớp 12 có hai phần Sử việt và một phần Sử thế giới. Chỉ riêng Sử Việt, qua bao niên đại với bao nhiêu vị vua Lê, Lý, Trần, Đinh... và bao cuộc chiến chống xâm lăng là đã thấy nhiêu khê rồi, rồi lịch sử cận đại với nhiều sự kiện trải dài qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ làm sao một học sinh mới lớn nhớ cho hết. Môn này lại được xem là môn phụ, thi theo kiểu trắc nghiệm (IBM), nên giáo viên không có thời gian kể lễ dông dài mà chỉ dạy theo kiểu “dạy tủ”, chủ yếu làm sao cho học sinh nhớ năm nhớ tháng, nhớ tắt những sự kiện chính để đủ đánh cho trúng A, B, C chớ giáo viên không truyền được “lửa” về một danh nhân anh hùng, một trận đánh vẻ vang trên sông Bạch Đằng, hay một sự kiện trọng đại về việc thành lập Đội tuyên truyền Giải Phóng Quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), cho học sinh hiểu tường tận những sự kiện, những con người lịch sử, để học sinh trả lời được những câu hỏi có ý phát triển kiến thức mở rộng về sự kiện này, thí dụ như “Ý nghĩa của sự thành lập”, “Tác động của nó tới cách mạng Việt Nam như thế nào?”. Dạy sử ngày nay, giáo viên chỉ đơn thuần dạy học sinh “thuộc lòng” các mốc thời gian chính của sự kiện, địa điểm, tên tuổi của một nhân vật lịch sử nào đó để dễ khoanh vào đáp án đúng. Cùng với kiểu ra đề trắc nghiệm, tư duy của học sinh ít nhiều bị hạn chế. Nhiều học sinh muốn thể hiện niềm tự hào của bản thân về trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng không có điều kiện thể hiện bởi chỉ cần khoanh (hoặc tô) vào đáp án đúng là đã đáp ứng được yêu cầu của đề rồi!... Học sinh vô lớp phải nghiên cứu hoặc học thuộc cuốn sách giáo khoa dày cộp, những quyển giáo trình in sẵn cơ man nào là con số, là sự kiện, ngay cả người nghiên cứu chuyên sâu về sử học chắc gì đã nhớ hết, huống hồ các em vẫn còn là học sinh phổ thông. Lên lớp, nhiều giáo viên chọn cách phát các câu hỏi trắc nghiệm để học sinh làm rồi giáo viên đọc đáp án. Trong số những em học sinh theo học lịch sử, có em hiểu bài, có em đầu óc rỗng tuếch.

            Dạy một trận đánh đáng ra phải dùng dụng cụ trực quan như lược đồ, hay cho chiếu một đoạn phim, hoặc kết hợp một đoạn văn, một bài thơ để truyền cảm hứng cho học sinh. Thí dụ như dạy về Chiến dịch Điện Biên Phủ thì đọc vài câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, dạy sự kiện Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình thì giáo viên nên đọc một đoạn trong bản “Tuyên ngôn độc lập”, dạy sự kiện Bác đi tìm đường cứu nước thì đọc mấy câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi / Cho tôi làm sóng dưới thân tàu đưa tiễn Bác..” để gợi hứng cho học sinh, lịch sử từ đó đi vào lòng người nhẹ nhàng, êm dịu.

            Chương trình học nặng nề, cồng kềnh, quá sức học sinh. Học sinh mới lớp 12, còn nhiều non kém, đâu phải chính trị gia gì mà phải biết chiến tranh thế giới như thế nào, kinh tế nước Nhật ra sao... Phương pháp dạy khô khan, thiếu trực quan, học sinh còn phải gánh bao nhiêu môn khác mà khi đi thi thì tổ hợp môn thi đầu vào Đại học, môn Sử là môn ít xuất hiện nhất, nên học sinh nào thi vào ngành có môn Sử thì em đó học cho có lệ để khỏi điểm liệt, để sức tập trung lo thi mấy môn kia kéo lên.   

            Chúng ta không được xem thường môn Lịch sử, vì đây là môn học về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông chúng ta, nhất là đối với một nước luôn đối mặt với những cuộc xâm lăng của ngoại bang như nước ta. Một bề dày lịch sử đầy kiêu hùng đã viết bằng máu và nước mắt của tổ tiên ông bà, của những người cha người chú, lẽ nào giờ đây, một môn học đáng lẽ phải được giảng giãi sâu sắc, sinh động, để con em được thắm vào máu vào tim những bài học lịch sử nhớ đời, từ đó các thế hệ thanh niên được trao truyền những bài học lịch sử, giữ vững truyền thống cha ông và nhờ đó có lý tưởng sống rõ ràng, có ý thức của một công dân Việt Nam.

Vì lẽ gì môn Sử bị rẽ khinh đến như vậy, đâu cần yêu cầu gì sâu xa, chỉ là một bài thơ, một đọan văn, một kịch bản phim ngắn ( Trung Quốc có phim Vua Càn Long rất sinh động, xem phim này lớn nhỏ gì cũng yêu mến ông vua rất “đời” này), không cần nói chi nhiều, chỉ cần giáo viên truyền được nội dung câu chuyện gây được ấn tượng nhớ đời về vị anh hùng, về một trận đánh đầy mưu trí dũng cảm, hay những sự kiện trọng đại của đất nước là đủ.  Chương trình không ôm đồm, bài học gọn nhẹ, cách dạy sinh động phong phú, có thể tranh luận trao đỗi quanh một đề tài nào đó và thời gian học môn Sử nhất thiết phải nhiều hơn, xác định là môn quan trọng trong các kỳ thi. Cách thi thì không nên thi theo kiểu may rủi A, B, C.

Học sinh THPT thử cắc cớ hỏi các em những vị lãnh đạo quan trọng trong chính quyền hiện nay xem mấy em có biết hay không chớ đừng nói chi đến các danh nhân lịch sử hay những cuộc chiến tranh đã qua như thế nào?

Các môn học trong nhà trường môn nào cũng cần thiết nhưng nhất quyết không để các môn cấp thiết lu mờ, xiêu vẹo trong việc xây dựng tâm hồn con người, nhất là những con người mới lớn, không vì lý do gì ngày càng xa rời nguồn cội, không biết đâu là lịch sử QUÊ CHA ĐẤT TỔ, dù người đó sau này có thành đạt thế nào, có học vị, học hàm đến đâu cũng không xứng đáng là người Việt chân chính.


Nguồn Văn nghệ số 37/2019


Có thể bạn quan tâm