April 25, 2024, 2:36 am

Tấm giấy thông hành để bước vào thị trường lao động

Vào thời điểm hiện tại, nhiều trường Đại học đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh, điểm sàn dự kiến và còn tổ chức cả những buổi tọa đàm với mục đích giải đáp những vướng mắc trong chọn trường, chọn ngành cho các em học sinh trước khi bước vào mùa tuyển sinh đại học 2020-2021, kết thúc 12 năm học phổ thông. Những động thái mới của các trường nói trên đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội, song bên cạnh đó cũng còn có không ít băn khoăn.

Băn khoăn đầu tiên được cho là đến từ phát biểu của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bỉ, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hôm 11/4 tại tọa đàm khoa học: “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, rằng: “Hết Trung học phổ thông thì 70% đi học nghề và chỉ 30% đại học thôi. Học đại học nhiều để làm gì? Có những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một hiện thực của Việt Nam”.

Và băn khoăn thứ hai là tuyên bố của lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội: “Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn ba môn đều được điểm 10 thì hẵng suy nghĩ về việc nộp vào ngành này của trường” (Ngành công nghệ thông tin). Cả hai thông tin trên đều khiến học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội cảm thấy hụt hẫng.

Và sự hụt hẫng này nhắc chúng ta nhớ lại khoảng mươi mười lăm năm về trước, kỳ thi Đại học được ví như canh bạc lớn của cuộc đời mỗi người, đến nỗi có thơ nôm rằng “Cổng trường Đại học cao vời vợi, trăm người với, 99 người rơi” thì nay, quan niệm phải vào bằng được Đại học đã khác. Để giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” tại thị trường lao động trong nước; đồng thời coi đây là động lực để Việt Nam đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm xuất khẩu lao động chất lượng cao, hoặc đón lõng những công ty lớn đầu tư vào Việt Nam... chúng ta đã thực hiện chủ trương phân hóa trong giáo dục, trong đó đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp trung học cơ sở và cao hơn là trung học phổ thông, thông qua việc đầu tư mạnh mẽ cho khối trường nghề. Mặc dù vậy, thị trường lao động trong nước vẫn ghi nhận có đến gần 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Thế nên, trước quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi về sự thất nghiệp của cử nhân đại học, hay mở rộng ra là của cả lao động đã hoặc chưa qua đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: “Không phải bằng đại học mang lại việc làm mà là chất lượng đào tạo và năng lực của người học”. Và vì vậy, hệ thống giáo dục đại học nói chung, trường nghề nói riêng phải nhìn nhận lại vấn đề bằng cấp, chất lượng đào tạo.

Cùng với PGS Đỗ Văn Dũng, nhiều lãnh đạo các trường đại học đã lên tiếng trước nhận định của ông Bùi Sĩ Lợi. Họ cho rằng đây là kết luận thiếu căn cứ, là không có lợi cho hệ thống giáo dục đại học. v.v.... do không dựa vào những thống kê cụ thể, xem số người có ba bằng đại học thất nghiệp là bao nhiêu, hay chỉ có một vài người, rồi xem người đó học trường nào, ngành nghề ra sao... Có thể, cả người phát ngôn và người đang bảo vệ những tấm bằng đại học đều có những con số cụ thể để bảo vệ cho luận điểm của mình; nhưng những con số về tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước là một thực tế không thể phủ nhận. Chưa dừng lại ở thất nghiệp trình độ Đại học, nhiều người học lên cao học vẫn rơi vào tình trạng thất nghiệp. Vì sao lại vậy? Đơn giản, vì hệ thống giáo dục bậc Đại học lâu nay chỉ thiên về lý thuyết, thiếu thực hành vốn được xem là kỹ năng mềm được các đơn vị sử dụng lao động trông đợi và xem là yếu tố tiên quyết trong tuyển dụng lao động hiện nay.

Trái ngược với những cơ sở đào tạo chất lượng thấp nhưng vẫn tồn tại trong hệ thống giáo dục đại học, thì trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lại rất tự tin với nhiều ngành nghề được đào tạo bài bản. Và như tuyên bố của thầy hiệu phó, chỉ khi ba môn thi đều chắc chắn điểm 10 các thí sinh mới mong đỗ vào khoa hot của trường. Điều này cho thấy, ngoài chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất của trường Bách Khoa được đầu tư giúp sinh viên vừa học, vừa hành từng bước tích lũy được kỳ năng mềm, chính là chìa khóa để sinh viên ra trường có được tấm vé bước vào thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

 Trang bị kỹ năng mềm là một phần không thể thiếu bên cạnh những chuẩn kiến thức ngành đào tạo. Đã đến lúc hệ thống giáo dục đại học nói chung, trường nghề nói riêng phải đẩy mạnh đổi mới. Tấm bằng đại học sẽ không nói lên điều gì, mà chính chất lượng giáo dục, kỹ năng mềm mà các cơ sở giáo dục trang bị cho người học, mới là tấm giấy thông hành để mỗi người đủ tự tin bước vào thị trường lao động.

Nguồn Văn nghệ số 17/2021


Có thể bạn quan tâm