April 18, 2024, 11:16 am

Tại sao ông Abe cho bầu Quốc hội vào 22/10?

Theo nhiều nhà quan sát, một trong những mục tiêu chủ yếu của cuộc bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn – mà thủ tướng Nhật yêu cầu – là nhằm cho phép liên đảng cầm quyền hội đủ đa số ghế để thay đổi Hiến pháp, nhằm rảnh tay đối phó với Bắc Triều Tiên. Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đặt Tokyo trong thế kẹt. Nếu xung đột bùng phát, Nhật Bản là đối tượng tấn công hàng đầu của Bình Nhưỡng, trong lúc một mặt, lá chắn quân sự của đồng minh Hoa Kỳ không còn là bảo đảm tuyệt đối, với chính sách “sớm nắng chiều mưa” của tổng thống Trump, và mặt khác, Hiến pháp “chủ hòa” không cho phép Tokyo phát triển các phương tiện riêng cho phép chủ động đáp trả đe dọa từ phía tây. Cuối tháng 8, nửa đầu tháng 9/2017 vừa qua, đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên đối với Nhật Bản tăng cao, với việc Bình Nhưỡng hai lần bắn thử tên lửa xuyên qua lãnh thổ Nhật Bản (ngày 28/08 và 15/9), và thử bom hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 03/09, và đây cũng là vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên được coi là thành công của Bình Nhưỡng. Bom nhiệt hạch mà Bắc Triều Tiên cho thử có sức công phá gấp nhiều lần hai trái bom nguyên tử từng tàn phá hoàn toàn hai thành phố Nhật Nagasaki và Hiroshima, vào cuối Thế chiến Hai.

 

Toan tính của Thủ tướng Abe

Ngày 25/9, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố giải tán Quốc Hội, để tổ chức bầu cử sớm, cho dù có đến ba phần tư dân chúng chán ngán với các cuộc bầu cử liên tiếp, không ủng hộ sáng kiến này, theo một số thăm dò dư luận. Một số dự báo thậm chí còn cho rằng liên đảng cầm quyền của thủ tướng Abe sẽ mất đa số tuyệt đối tại Hạ Viện. Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ từ chức, nếu đảng của ông không hội đủ đa số. Cuộc bầu cử sớm có khả năng bất thành, thế nhưng lãnh đạo Nhật vẫn quyết định tổ chức, vì ông hy vọng có đa số để sửa đổi Hiến pháp “chủ hòa”. Dự định sửa đổi Hiến pháp (bao gồm một điều khoản đặc biệt cho phép đối phó với thảm họa lớn) đòi hỏi phải được hai phần ba nghị sĩ của Quốc Hội lưỡng viện thông qua. Tuy nhiên, theo tờ Yomiuri Shimbun, nhật báo hàng đầu Nhật Bản, dự kiến của thủ tướng Nhật, đưa ra hồi tháng Năm, đã không được sự ủng hộ của đảng trung hữu Komeito, thuộc liên minh cầm quyền. Chiếm 51 ghế trên tổng số 722 ghế Quốc Hội lưỡng viện, đảng Komeito có khả năng ngăn chặn bất cứ đề nghị sửa đổi nào của đảng đồng minh Tự Do Dân Chủ (LDP) của thủ tướng Abe. Để huy động được sự ủng hộ rộng rãi, thủ tướng Nhật muốn “xóa bài làm lại”, bằng cách tìm một liên minh mới giữa LDP với các đảng cánh hữu khác, bao gồm cả đảng Komeito và đảng đối lập Phục Hưng Nhật Bản (Nippon Ishin no Kai). Đây là những đảng có chủ trương sửa đổi Hiến pháp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo chiều 25-9 - Ảnh REUTERS

Đúng vào ngày ông Abe cho giải tán Quốc hội, một chính đảng mới cũng đã ra đời, mang tên đảng Hy Vọng (Kibo no To), do nữ thống đốc vùng thủ đô Tokyo Yuriko Koike thành lập. Đảng Hy Vọng của nữ thống đốc Koike tuyên bố là đối thủ của đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) của thủ tướng Abe, trong hàng loạt các vấn đề đối nội… Từ năng lượng hạt nhân cho đến thuế giá trị gia tăng, ngôi sao đối lập đang lên Yuriko Koike đều chống lại chủ trương của thủ tướng Shinzo Abe. Trong chương trình tranh cử Quốc Hội 22/10, đảng Hy Vọng cam kết, nếu được tín nhiệm, sẽ từ bỏ hạt nhân từ nay đến năm 2030 cũng như không tăng thuế TVA. Trong bối cảnh công luận Nhật còn bị thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ám ảnh, đảng Hy Vọng của thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, dự kiến chạy đua với đảng LDP cầm quyền trên hồ sơ điện hạt nhân. Nữ thống đốc Tokyo cũng đã tự so sánh phong trào chính trị non trẻ của mình với lực lượng đã từng đưa chính trị gia trẻ tuổi Emmanuel Macron trở thành tổng thống Pháp. Theo một thăm dò dư luận của Kyodo, hiện tại 27% cho biết sẽ bỏ phiếu cho đảng LDP và 6% cho đảng của bà Koike, trong khi vẫn còn đến hơn 42% cử tri còn lưỡng lự. Cương lĩnh chính trị công bố ngày thứ Sáu 6/10/2017, hai tuần trước bầu cử, Bà Koike hứa hẹn sẽ từ từ thay thế điện hạt nhân cũng như sẽ chận lại dự án của chính phủ Shinzo Abe tăng thuế hàng tiêu dùng TVA từ 8% lên 10%.

Tuy nhiên, theo tờ Yomiuri Shimbun, không loại trừ đảng Hy Vọng có khả năng liên minh với đảng LDP trong chủ trương sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của thủ tướng Abe. Trong một cuộc tranh luận giữa 8 đảng phái tranh cử trên kênh NHK hôm chủ Nhật 8/10/2017, thống đốc Tokyo Koike tuyên bố không loại trừ khả năng lập liên minh với đảng LDP, sau cuộc bầu cử Quốc Hội 22/10. Chỉ riêng hai đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) và đảng Hy Vọng có thể nhận được khoảng 45% ý định bỏ phiếu của cử tri, theo một số thăm dò dư luận. Toan tính của thủ tướng Abe liệu có thành công? Liệu cử tri Nhật Bản có ủng hộ chủ trương gia tăng sức mạnh quân sự trước đe dọa Bắc Triều Tiên của lãnh đạo LDP? Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là câu trả lời. Tuy nhiên, trước mắt, đã có những tiếng nói phản đối lựa chọn nói trên của người đứng đầu chính phủ Nhật. Theo nhật báo Asahi Shimbun, thay vì tìm cách chuẩn bị chiến tranh với Bắc Triều Tiên, điều cơ bản mà Tokyo cần làm là huy động mọi nỗ lực ngoại giao để tìm cách xây dựng “một cách tiếp cận chung, mang tính thực tế”, đối với Bắc Triều Tiên, “cùng với Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga”.

 

Tác động của “ngôi sao” Koike

Sự nổi lên của bà Thống đốc Yuriko Koike đang làm đảo lộn chính trường Nhật Bản. Trước hết, sự lên ngôi của bà Koike xuất phát từ không khí thất vọng bao trùm của những cử tri bị mất niềm tin trước các vụ bê bối trong nội các của ông Abe. Ít nhất là đã có ba vụ như thế: vụ trường học theo chủ nghĩa dân tộc ở tỉnh Osaka, vụ Viện Giáo dục Kake giành được đất xây dựng trường thú y tại một đặc khu kinh tế và việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng quốc phòng Inada Tomoni trước đây. Trong bối cảnh ấy, đảng (cũ) của bà Koike lãnh đạo đã vượt qua đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe (đang cầm quyền). Cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo trước đây, thường được coi là thước đo của cuộc bầu cử quốc gia, bởi nó đại diện cho khuynh hướng đang lên của cử tri. Đảng LDP cảm nhận được cuộc khủng hoảng của việc có thể bị hạ bệ nếu bầu cử muộn. Dưới áp lực của dư luận xã hội, mặc dù ông Abe đã buộc phải cải tổ nội các, song cái bóng của Yuriko Koike vẫn cứ đeo đẳng. Đặc biệt là từ khi bà Koike lập đảng mới (25/9), cơn ác mộng của cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo sẽ lặp lại trong cuộc bầu cử quốc gia.

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike tuyên bố thành lập đảng đảng Hy Vọng (Kibo no To) hôm 25-9.     Ảnh Internet

Tiếp đến, sự nổi lên của bà Koike còn tạo ra dịp “đầu cơ” cho các chính trị gia “gió chiều nào che chiều ấy”, những nghị sỹ có “khứu giác chính trị” rất nhậy bén. Một khi đảng của bà Koike đang lên, họ thường có xu hướng muốn “cải đảng”. Ví dụ đối với đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), ít nhất đã có 12 nghị sỹ quốc hội cho biết họ sẽ rời bỏ DPJ để tham gia tân đảng “Hy Vọng” của bà Koike. Có nhiều dự đoán sẽ có thêm nhiều người thuộc DPJ tuyên bố rời khỏi đảng mình, thay đổi phe cánh để tìm niềm hy vọng mới. Cũng cần giải thích thêm, đảng DPJ từng bị thất bại nặng nề, do vấn đề quốc tịch của bà Murata Renho, Chủ tịch đảng, buộc phải từ chức trước sức ép của dư luận, cộng với một số bê bối trong nội bộ đảng, càng làm cho tâm lý của những người thuộc DPJ thêm dao động. Và không chỉ DPJ, sự dẫn đầu của đảng Hy Vọng tác động tới cả LDP của Thủ tướng Abe. Một cựu nghị sỹ của đảng này, ông Mineyuki Fukuda gần đây cùng tuyên bố sẽ rời khỏi LDP để đầu quân cho Yuriko Koike. Nhưng việc Fukuda rời khỏi LDP vẫn chưa tạo ra phản ứng dây chuyền bằng việc ông Junichiro Koizumi, người từng giữ cương vị chủ tịch LDP và thủ tướng Nhật Bản lại cũng tích cực ủng hộ bà Koike. Chủ tâm của cựu thủ tướng Koizumi là muốn Nhật Bản từ bỏ sử dụng điện hạt nhân, tạo ra sự khác biệt so với chủ trương của LDP.

Ngoài ra, sự lên ngôi của nữ thống đốc Koike đã vẽ lại bản đồ chính trị ở Tokyo. Ngay tại cuộc bầu cử Hội đồng thành phố, sau khi nhóm của bà Koike đánh bại đảng LDP, đa số đã chuyển sự hy vọng từ Abe sang Koike. Từ đó cũng là thời điểm các lực lượng chống đối Abe bắt đầu hành động và xu hướng điều chỉnh lại bản đồ chính trị Nhật Bản ngày càng lộ rõ. Xu hướng tái cơ cấu trong chính giới cũng bắt đầu được đẩy nhanh. Có lẽ đứng mũi chịu sào của xu thế này là hiện tượng đô-mi-nô rời bỏ đảng Dân chủ (DPJ). Các chính trị gia trong DPJ đã hoàn toàn thất vọng với xu hướng suy tàn của đảng mình. Hầu hết các nghị sỹ trong đảng cho rằng, cuộc bầu cử sắp tới sẽ là cơ hội cho sự tái sinh của đảng. Cũng có dự báo cho rằng, nếu đảng Hy Vọng của bà Koike chấp thuận thì DPJ sẽ xích lại gần chính sách của bà Koike, thậm chí, có thể hợp lưu với đảng Hy Vọng. Ngày 27/9, các phương tiện truyền thông nhật bản cho biết DPJ đang bàn bạc với đảng Hy Vọng về khả năng sáp nhập giữa hai đảng.

Tóm lại, một mặt, đương kim Thủ tướng Abe đột ngột tuyên bố giải tán Hạ Viện với những lý do chưa khiến người dân tâm phục khẩu phục nên sẽ rất khó giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Mặt khác, việc bà Koike dường như từ bỏ “chính quyền Tokyo”, nhòm ngó vào cái ghế Thủ tướng cũng khiến các cử tri phải đặt nhiều câu hỏi. Tại sao hồi đầu chỉ tham gia tranh cử chiếc ghế Thị trưởng Tokyo, mà chiếc ghế ấy thật ra cũng chưa đạt được thành tích chính trị nào xuất sắc mà nay bà đã vội “nhòm ngó” chiếc ghế Thủ tướng. Điều này khiến công luận nhớ lại trường hợp của Thị trưởng thành phố Osaka Toru Hashimoto. Ông này cũng từng thề thốt rằng, để hiện thực hóa được ý tưởng của chính quyền Osaka, phải có tham vọng làm Thủ tướng. Kết quả hồi đó là “xôi hỏng bỏng không”. Trên thực tế, chính trị gia nào cũng đều muốn đạt tham vọng cá nhân của họ./.

 


Có thể bạn quan tâm