March 29, 2024, 8:32 am

Tagore, những giá trị phục hưng văn học và xác tín về tình yêu

Độc giả Việt Nam từng đã được làm quen với các tác phẩm của Rabindranath Tagore từ những năm 60-90 của thế kỉ trước, qua các dịch giả Cao Huy Đỉnh, Đào Xuân Quý, Lưu Đức Trung ở các tỉnh phía Bắc, cùng Đỗ Khánh Hoan, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy và Nhật Chiêu ở các tỉnh phía Nam…

Sự nghiệp R.Tagore quá đồ sộ: Ông bắt đầu có bài được in trên báo ngay từ năm mới mười ba tuổi, kéo dài liên tục đến khi ông mất (tuổi tám mươi). Ông là tác giả của 50 tập thơ viết bằng tiếng Bengal và các tập thơ tự dịch ra tiếng Anh, 42 vở kịch, 12 tiểu thuyết, hàng chục tập truyện ngắn, hàng chục vở kịch, chưa kể hàng chục tập cảo luận, biên khảo, bút kí, hồi kí và một loạt các bài hát, các bức họa, các tập thư từ trao đổi khác nữa, v.v… Vì vậy, phần đã được dịch ra tiếng Việt tuy cũng đã là khá đa dạng, phong phú, nhưng hãy còn hết sức ít ỏi, thiếu vắng.

Chân dung nghệ thuật của Tagore, một nhân vật khổng lồ, - xứng đáng được coi là đứng ngang tầm với Leonardo da Vinci1 của Ý, đối với sự Phục hưng văn hóa Ấn Độ, chữ dùng của học giả người Nhật Tatsuo Morimoto2.

Nhưng quả thực đối với chúng ta, lại là hết sức đáng tiếc, khi chúng ta mới chỉ có điều kiện hình dung ra rất khiêm tốn, vỏn vẹn qua một số tập thơ của Tagore được dịch hoặc trích dịch như: Lời dâng (Gitanjali), Trăng non, Người làm vườn, Tặng vật, Bầy chim lạc…, thêm vài tập tiểu thuyết và truyện ngắn được dịch nữa như: Đắm thuyền, Nàng Binodini, Mây và mặt trời…

Đó là nỗi tiếc nuối mà chúng ta rất nên gấp gáp nỗ lực khắc phục.

Vì vậy, thật sự đáng vui mừng khi những năm gần đây, nhà thơ - dịch giả Bùi Xuân, với tấm lòng say mê và khát vọng khám phá các tài sản tinh thần vô giá hãy còn tiềm ẩn phía trước ta của R. Tagore, đã lần lượt cho ra mắt độc giả Việt Nam một loạt các bản dịch mới của thiên tài văn học Ấn Độ này, cũng là tác giả châu Á đầu tiên được Giải thưởng Nobel về Văn học vào năm 1913. Ông là người đã đưa các giá trị tinh thần cao quý của phương Đông hội nhập được vào các giá trị tinh thần của phương Tây và được công nhận rộng rãi ở đó, mà nói như cố Thủ tướng Ấn Độ J.Neru3, thì Tagore đã biết làm “hơn bất cứ người Ấn Độ nào khác, để góp phần đạt tới sự hài hòa cho các lí tưởng đẹp đẽ của cả Đông và Tây”. Thậm chí, một nhà thơ nổi tiếng của Thụy Điển là Per Hallström4 còn đánh giá Tagore cao hơn nữa, khi ông nói: “Không có một nhà thơ nào khác ở cả châu Âu, kể từ khi Goethe5 qua đời vào năm 1832, có thể cùng sánh được với Tagore về nhân cách cao quý, về sự vĩ đại tự nhiên và cả về sự thanh tĩnh hài hòa đến thế!”. Vậy là tầm vóc Tagore từ phương Đông đã được đưa lên ngang tầm cao văn hóa phương Tây và hòa vào tầm vóc của cả nền văn minh nhân loại.

Tập Những bài thơ (Poems) được dịch giả Bùi Xuân giới thiệu trọn vẹn hôm nay đã được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào tháng 2 năm 1942, sáu tháng sau khi R.Tagore từ trần, gồm các bài thơ được R. Tagore viết rải rác từ năm 1886 đến năm 1941. Các bài thơ này đều do tác giả tự dịch từ tiếng Bengal sang tiếng Anh, một số lớn các bài chưa hề được đăng trên các báo hoặc in vào bất cứ tập sách nào trước đó. Vì thế, cũng có thể coi đây như một tập thơ di cảo của tác giả.

Trong tập thơ này, R.Tagore vẫn duy trì và phát huy được thế mạnh trong năng lực suy tư và lí giải nhiều vấn đề tinh tế của đời sống tâm linh và đời sống xã hội, cũng như trong tình yêu, tình yêu đắm say của đôi lứa và cả lòng yêu đời sâu thẳm từ bản ngã. Đôi khi, ông cũng còn đề cập đến các khía cạnh thời sự khác nữa trong thời mình sống, như ở bài số 38, viết trong những ngày sôi nổi của phong trào Swadeshi6 ở Bengal năm 1905, với tinh thần bài trừ đồ ngoại, cổ vũ khuyến khích hàng nội hóa của Ấn Độ. Hoặc bài số 46, viết để chào mừng Đại hội Đảng Quốc đại Ấn Độ họp ở Calcutta năm 1917, mà ông còn trực tiếp đến đọc trước Đại hội. Hay bài số 102, viết nhằm tố cáo bọn phát xít Mussolini7 (Ý) bất thần tiến hành xâm lược Ethiopia năm 19358, làm dấy lên phong trào phản đối, lên án mạnh mẽ trên toàn thế giới. Thật bất ngờ đối với chúng ta, là một nhà thơ lớn, một triết gia, tưởng chừng luôn quen thuộc với các suy tư huyền bí, gần với chất tâm linh và tín ngưỡng như Tagore, lại dám dấn thân, gắn mình vào cuộc sống đời thường giản dị đến thế! Tuy nhiên, chúng ta lại cũng sẽ không còn thấy bất ngờ nữa, khi nghe những lời tâm nguyện chân thành, những đòi hỏi vươn lên làm chủ số phận, đầy ắp ý chí khao khát tự do, ở bài thơ số 103 trong tập, có thể coi như tuyên ngôn của một nhà cách mạng dân tộc dân chủ đích thực:

… “Đừng ru tôi vào những

giấc mơ uể oải;

Hãy giũ bỏ tôi khỏi sự luồn cúi

trong bụi đất này,

Ra khỏi gông cùm xiềng xích

tâm trí, đã biến

cuộc đời chúng tôi thành vô ích;

Ra khỏi sự phi lí đè bẹp số phận

chúng tôi dưới bàn chân hỗn độn

của lũ độc tài;

Hãy xua tan nỗi tủi nhục lâu đời này

và nâng cao đầu chúng tôi

hướng vào bầu trời vô biên,

vào ánh sáng hào phóng

vào bầu không khí tự do”.

Bản chất Tagore là như vậy: một nhân cách lớn có tầm suy tưởng vươn cao trên đầu thời đại mình, có ý thức quyết liệt giải phóng con người mình, rất gần với tư tưởng cách mạng dân tộc dân chủ, chứ không hề chịu lặng lẽ ngụp lặn trong các khuynh hướng tôn giáo và triết lí duy tâm siêu hình hay nhập thân vào các ý niệm tượng trưng thần bí, để bị động rơi vào tâm trạng bi quan, cô độc, thiển cận và hoài cổ, như một số trí thức Ấn Độ đương thời. Chính vì thế, ông đã trở thành chiếc đầu tàu tạo nên cuộc Phục hưng văn hóa Ấn Độ9, kéo dài gần bốn chục năm.

Ở một bình diện khác, trong bản chất con người Tagore lại tràn đầy tình yêu: Lòng yêu đời, yêu con người và đặc biệt là tình yêu đôi lứa, đắm say, trung hậu, nồng nàn. Hình tượng người phụ nữ trong thơ ông thật đẹp đẽ và cao sang, có khi như một dấu hỏi đánh đố, đầy huyền bí, đầy ẩn dụ, có khi lại là một nỗi giãi bày hồn nhiên, vừa duyên dáng, quyến rũ, vừa dễ cảm thông, chia sẻ. Trong tập thơ này có đến gần 1/3 số bài là thơ tình, tập trung vào từng nhóm, từ bài thứ 2 đến bài 20, từ bài 68 đến bài 74 và từ bài 90 đến bài 118. Có lúc, trong cơn hứng khởi, nhà thơ dồn dập muốn quy tụ hết thảy mọi thứ chỉ để tập trung vào tình yêu:

...“Tất cả niềm vui, nỗi buồn,

mong mỏi của trái tim,

Tất cả kỉ niệm của những

khoảnh khắc ngây ngất,

Tất cả lời bài hát tình yêu của

các nhà thơ ở mọi thời đại

Đến từ khắp nơi

Và quy tụ trong tình yêu duy nhất

dưới chân em”.

(Bài 6)

Và hình như, đậm đà hơn tất cả, những câu thơ tinh diệu và si mê nhất của Tagore vẫn là thơ tình, một trong vài ba thế mạnh đã làm ông trở nên bất tử. Không hề ngẫu nhiên, khi ta thấy ông đã từng viết những dòng sau trong tập Lời dâng: “Tôi đã sống trong Tình Yêu chứ không phải trong Thời Gian. Khi thần linh hỏi tôi: “Các bài ca của ngươi có tồn tại mãi không?”, tôi sẽ nói: “Tôi không biết, nhưng tôi biết rằng chỉ khi tôi hát, tôi mới cảm thấy mình bất tử!”.

Tagore là như vậy đó! Bên cạnh rất nhiều tâm huyết cách tân thi ca và tiến hành cuộc Phục Hưng văn hóa lớn lao, thì xác tín về Tình Yêu vĩnh cửu cũng là một nét đặc trưng không thể thiếu, đã làm nên phong vị thơ độc đáo của Tagore.  

_____

1. Leonardo da Vinci (1452- 1519) là thiên tài toàn năng người Ý, thành công trên nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, y học, phát minh khoa học và triết học tự nhiên. (Các chú thích trong tập thơ này là của người dịch).

2. Tatsuo Morimoto (1928 – 2016) là nhà sử học Nhật Bản, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng như: Fonctions du rire dans le théâtre français contemporain: Études à travers André Roussin, Jean Anouilh, Eugène Ionesco et René de Obaldia (Chức năng của tiếng cười sân khấu Pháp đương đại: Nghiên cứu qua André Roussin, Jean Anouilh, Eugène Ionesco và René de Obaldia), NXB Librairie A.G.Nizet, 1984.

3. Jawaharlal Nehru (1889 - 1964) là nhà hoạt động chính trị và thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ (1947 – 1964). Ông là thân sinh của cố  thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi.

4. Per Hallström (1866 – 1960) là nhà thơ, nhà viết truyện ngắn, viết kịch nổi tiếng người Thụy Điển. Từ năm 1922 đến năm 1946, ông là Chủ tịch Ủy ban Nobel của Viện hàn lâm Thụy Điển về giải Nobel Văn học.

5. Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832) là đại thi hào người Đức, một trong những vĩ nhân văn chương của thế giới.

6. Swadeshi là từ kết hợp của hai từ tiếng Phạn: swa (của mình) và desh (quốc gia). Swadeshi có nghĩa là “của nước mình”. Phong trào Swadeshi (1905 – 1911) là phong trào yêu nước thành công nhất ở Bengal (Ấn Độ) trong những năm đầu thế kỉ XX; châm ngòi từ việc chính quyền thực dân Anh thực hiện chính sách phân chia Bengal ra làm hai vùng: nửa phía Tây thuộc về người theo đạo Hindu và nửa phía Đông là của người theo đạo Hồi. Phong trào đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Ấn Độ tẩy chay hàng ngoại và dùng hàng nội do Ấn Độ sản xuất.

7 Benito Amilcare Andrea Mossolini (1883 –1945) là thủ tướng thứ 2 7 của Ý (1922 –1945), lãnh tụ của phát xít Ý.

8 Ngày 3 tháng 10 năm 1935, Mussolini đã đưa quân tấn công, xâm lược Ethiopia. Cuộc chiến giữa Ý – Ethiopia diễn ra từ đó cho đến năm 1939 (lịch sử gọi đây là cuộc chiến tranh Ý – Ethiopia lần hai) và kéo dài cho đến năm 1941, khi phát xít Ý bị đánh bại ở Đông Phi.

9. Thời kì Phục hưng văn hóa Ấn Độ manh nha từ cuối thế kỉ XIX và phát triển mạnh mẽ vào các thập niên đầu thế kỉ XX. Mục đích chính của phong trào này là bảo vệ, phục hưng văn hóa Ấn Độ và hòa hợp văn hóa Đông – Tây. Theo Jawaharlal Nehru, Rabindranath Tagore là “Ngôi sao sáng của Ấn Độ phục hưng”.

Nguồn Văn nghệ số 21/2022


Có thể bạn quan tâm