April 20, 2024, 6:39 pm

Tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, kinh tế và xã hội

NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG HÚT THUỐC LÁ VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ TỪ 25 ĐẾN 31/5/2020

 (Thuốc lá điện tử, Thuốc lá làm nóng)

Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), trên thị trường đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Cả hai loại sản phẩm này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào, có một số thành phần độc hại tương tự như thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá này còn mới đối với thị trường tiêu dùng, nhất là tại Việt Nam.

Một pin thuốc lá điện tử nổ trong miệng cậu bé 17 tuổi.

Thuốc lá điện tử (ENDs):

Thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan (dung dịch điện tử), tạo ra sol khí cho người dùng hít vào. Các thiết bị thuốc lá điện tử bao gồm bộ phận pin, sạc;bộ phận gia nhiệt, làm nóng, dẫn dòng khí để người sử dụng hít vào; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử.

Cần phải khẳng định rằng, hệ thống cung cấp dung dịch điện tử làm nóng và bốc hơi dung dịch tạo nên một hóa hơi, chứ không phải hơi nước[1]. Làn hơi này vẫn tỏa ra môi trường dẫn đến việc những người xung quanh vẫn hít phải, ngửi thấy và cảm nhận rõ làn hơi này.

Thuốc lá làm nóng (HTPs):

Thuốc lá làm nóng sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Điếu thuốc hay đầu mồi được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói có thể hít vào. Thiết bị điện tử bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng, điếu thuốc hay đầu cắm phải được sử dụng cùng nhau.

Việc quảng bá HTPs là sản phẩm không đốt cháy nên không tỏa khói từ đó giảm tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường là không chính xác. Việc sử dụng HTPs dẫn đến sự đốt cháy. Carbonyl và các gốc tự do có ôxy được phát hiện trong khói phát thải từ HTPs. Đây là các hợp chất hóa học thải ra trong quá trình đốt cháy các hợp chất hữu cơ, điều này cho thấy khi HTPs được sử dụng thì xảy ra quá trình đốt cháy.[2],[3] Điều này cần phải được nhấn mạnh, nếu không sẽ tạo ra thông tin sai lệch, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách về tác hại của việc sử dụng HTPs. Mọi việc sử dụng thuốc lá đều nguy hiểm. HTPs cần phải được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu việc sử dụng và phơi nhiễm khí thải ra môi trường, phòng, chống phơi nhiễm với hút thuốc lá thụ động.

Như vậy, cả thuốc lá điện tử ENDs và thuốc lá làm nóng HTPs đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây tác hại cho người xung quanhdo hút thuốc lá thụ động. Hiện chưa có đầy đủ thông tin về mức độ gây hại của các loại thuốc lá mới này nên cần sự thận trọng trong việc xác định cơ chế quản lý.

2. Tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe:

2.1 Tác hại tới sức khỏe của những người hút thuốc

Các sản phẩm thuốc lá mới hiện được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên đây chỉ là các quảng cáo nhằm gây nhầm lần. Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy cả thuốc lá điện tử ENDs và thuốc lá nung nóng HTPs đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh.

Tác hại của thuốc lá điện tử

- Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ

Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai: Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.

Đối với thanh thiếu niên: Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

- Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15,500 các loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.

Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn liên quan đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương phổi.  Thời gian gần đây, số liệu từ các quốc gia cho thấy sử dụng thuốc lá điện tử gây các ca viêm phổi cấp nguy kịch (39 ca tử vong); động kinh, các bệnh về răng miệng, ngộ độc (>2.600 ca ở Mỹ, EU, Canada, Nam Triều Tiên); gây tai nạn thương tích (các vụ nổ/bỏng, chấn thương, gãy xương chiếm tới 2.035 ca ở Mỹ giai đoạn 2015-2017, trong đó có 2 ca tử vong);... Đây chỉ là các số liệu phát hiện được vì trên thực tế chưa có sự thống kê, nghiên cứu đầy đủ, có hệ thống về tác hại của thuốc lá điện tử như thuốc lá điếu thông thường.

- Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.

- Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại may túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.

- Hiện tại cũng không có đủ bằng chứng để xác định tính hiệu quả của việc sử dụng thuốc lá điện tử như một biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Tác hại của thuốc lá làm nóng:

- Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù HTPs được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá (Acrolein, Volatile Organic Chemicals, Acetaldehyde, Carbon monoxide, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, Heavy metals, Formaldehyde... - một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư).

- Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động:

Thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm chất nitrosamines liên quan tới ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Phơi nhiễm chất aldehydes như formaldehyde có thể gây ung thư phổi và mũi, ngoài việc khiến cho phổi dễ bị nhạy cảm trước các nhiễm khuẩn. Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ. Phơi nhiễm acrolein góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Phơi nhiễm cũng gây tổn hại khả năng chống viêm của phổi.

Do có tính tương đồng với thuốc lá điếu thông thường về thành phần nguyên liệu, thuốc lá làm nóng cũng có những tác hại đối với sức khỏe tương tự như thuốc lá điếu thông thường hiện nay.

Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống nhưtrong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù HTPs được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá[4] (Acrolein, Volatile Organic Chemicals, Acetaldehyde, Carbon monoxide, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, Heavy metals, Formaldehyde... - một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư). Khói thuốc nung làm nóng ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. HTPs chứa nicotine là chất gậy gây nghiện mạnh, cóhại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai.Tác động sức khỏe trong dài hạn của thuốc nung lá làm nóngcòn chưa được biết nên không đủ bằng chứng để khẳng định về nguy cơ tuyệt đối hay tương đối.

Ngoài ra, các tác hại và ảnh hưởng sau đây đã được ghi nhận với thuốc lá làm nóng:

- Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đánh giá tác hại của IQOS, một sản phẩm HTP do Philip Morris International sản xuất, phát hiện bằng chứng về gây độc tế bào và viêm tế bào phổi - là yếu tố gây tổn hại phổi. Ít nhất hai ca được báo cáo mắc viêm phổi tăng eosin cấp là do sử dụng HTPs.

-  Một nghiên cứu đánh giá tác hại của IQOS phát hiện bằng chứng về gây độc tố gan; tác động lên sức khỏe trước đây không thấy liên quan tới việc hút thuốc lá điếu thông thường.

- Phơi nhiễm nicotine gây tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non và thai chết lưu và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Việc phơi nhiễm nicotine trong quá trình phát triển bào thai và vị thành niên gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ.

- Phơi nhiễm chất nitrosamines đặc trưng ở thuốc lá có liên quan tới các loại ung thư như ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung.

- Phơi nhiễm chất aldehydes như formaldehyde có thể gây ung thư phổi và mũi, ngoài việc khiến cho phổi dễ bị nhạy cảm trước các nhiễm khuẩn.

 - Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim và các tổ chức mô khác, theo đó qua thời gian làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ.

- Phơi nhiễm acrolein góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Phơi nhiễm cũng gây tổn hại khả năng chống viêm của phổi.

2.2. Tác hại đối với sức khỏe của những người không hút nhưng hít phải các khí thải (sol khí) từ những những người hút thuốc lá điện tử

- Các bằng chứng cho thấy khí  thải của thuốc lá điện tử có thể gây rủi ro cho những người xung quanh. Khi một người tiếp xúc với nicotine, nhịp tim và huyết áp sẽ tăng lên bởi động mạch vành bị co lại, làm giảm lưu lượng máu và khí oxy. Qua thời gian, sự tiếp xúc với nicotine có thể dẫn đến bệnh về tim, đột quỵ và đau tim.

- Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ emvì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Chỉ riêng Nicotine đã gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thiếu niên, thanh niên, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai lưu.Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

2.3 Tác hại về mặt xã hội

2.3.1. Tác hại đối với thanh thiếu niên

- Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet ) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Một nghiên cứu trên thanh thiếu niên tại các thị trấn và thành phố của 13 quốc gia Đông Âu cho thấy 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút ENDSít nhất 3 lần.Một nghiên cứu của Hàn Quốc báo cáo rằng 9,5% thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng đã sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên (nhiều hơn 10 lần mỗi tháng) trong đó 3,3% sử dụng mỗi ngày. Hai vòng điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh (GATS GATS) năm 2014 và 2018 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm 13-15 tuổi ở các quốc gia Châu Âu đều có xu hướng tăng nhanh, cả ở nam và nữ (San Marino tăng từ 5,9% năm 2014 lên 8,9% năm 2018; Italy tăng từ 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018; Georgiatăng từ 5,7% năm 2014 lên 13,2% năm 2018...)[5].

Tại Mỹ, tỷ lệ trong học sinh trung học Mỹ có sử dụng ENDS khoảng 30%; tỷ lệ trong HS cấp 2 khoảng 25%[6].

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên lứa tuổi 13-15 ở các nước thu nhập thấp và trung bình khá cao và đang gia tăng song song với thuốc lá điếu: Guam 34,6%, Ba Lan 23,4%, Ucraina 18,4%, Lào 4,3%, Campuchia 2,3%.

Một bài tổng quan lý thuyết tại Hoa Kỳ đã kết luận rằng tỷ lệ bắt đầu hút thuốc lá điếu thông thường ở những người trẻ (tuổi từ 14-30) đã từng dùng thuốc lá điện tử cao hơn 3,62 lần so với những người chưa từng sử dụng. Một Ủy viên của cơ quan quản lý dược phẩm Hoa Kỳ - FDA đã nêu rõ quan điểm: “Đó không chỉ là vấn đề về việc nghiện nicotine và nguy cơ những đứa trẻ em nghiện nicotine từ việc dùng thuốc lá điện tử dẫn tới việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường. Mà đây còn là rủi ro trực tiếp gây ra bởi thuốc lá điện tử.”

Theo số liệu nghiên cứu của CTFK Hoa Kỳ, thanh thiếu niên dễ bị hấp dẫn bởi những hành vi có tính rủi ro như thử hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá điện tử. Các cuộc khảo sát được thực hiện năm 2014 và 2015 ở Hoa Kỳ chỉ ra rằng gần 10% thanh niên (18-24 tuổi) và 13% học sinh trung học 30 - những người chưa bao giờ sử dụng các sản phẩm khác từ thuốc lá đã từng thử thuốc lá điện tử.

Một báo cáo tại Anh về ảnh hưởng ban đầu của việc sử dụng thuốc lá điện tử nêu rõ:

  • Thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng sẽ hút thuốc lá điếu thông thường hơn những người không dùng thuốc lá điện tử và
  • Thanh thiếu niên hút thuốc lá điếu thông thường có nhiều khả năng sẽ dùng thuốc lá điện tử hơn người không hút thuốc lá.

Tác giả đã kết luận rằng đối với thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn tới 6 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

2.3.2. Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- ENDs và HTPs làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá do cung cấp thêm sự lựa chọn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá bên cạnh thuốc lá truyền thống, thúc đẩy cả người không hút thuốc lá và người đang sử dụng thuốc lá điếu sử dụng thuốc lá điện tử.

Nhiều bằng chứng cho thấy cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm.

Từ những phân tích trên cho thấy, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng làm tăng sử dụng thuốc lá, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

2.3.3. Tác hại và ảnh hưởng của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đến kinh tế-xã hội

Thuốc lá điện tử gây ra nhiều vấn đề xã hội, kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, an ninh trật tự, kinh tế, môi trường và sự phát triển bền vững.

- Thuốc lá điện tử có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Thuốc lá điện tử có thiết kế mở (phần chứa dung dịch tách rời có thể tự nạp) nên người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.Tại Mỹ, ENDs có thể được dùng cùng với chất ma túy từ cây Cannabis và Marijuana[7]. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại may túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.

- Thiết bị điện tử để sử dụngENDs và HTPs có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm...[8]

- Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn.

Theo cáo cáo của WHO năm 2017 và một số nghiên cứu khác cho thấy: 2/3 lượng thuốc lá điếu bị vứt bừa bãi; chỉ riêng chi phí dọn sạch lượng thuốc lá bị vứt bừa bãi đã là 11 tỷ USD, chưa kể các chi phí môi trường khác trong cả chuỗi cung ứng thuốc lá: trồng cây, sấy, ... Trong khi đó, thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, dung dịch…. Quy trình dỡ bỏ, phân loại… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine, ... Thực tế tại Mỹ: 58 triệu sản phẩm thuốc lá điện tử được bán ra trong năm 2015, trong đó có 19,2 triệu sản phẩm dùng 1 lần. Các sản phẩm thuốc lá điện tử thiếu hướng dẫn người dùng cách vứt bỏ sản phẩm (Hoshing Chang, 2014).

- Tiêu dùng thuốc lá điện tử làm giảm chi tiêu, ảnh hưởng tới đói nghèo. Nghiên cứu của D Efroymson và cộng sự (2011) chỉ ra việc sử dụng thuốc lá có ảnh hưởng tới vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng ở Việt Nam. Hiện nay, lợi nhuận biên của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng rất cao.Đây là giai đoạn sản phẩm mới nên các hãng duy trì lợi nhuận cao và ban đầu nhắm tới người có thu nhập cao.Lợi nhuận biên của IQOS cao hơn thuốc lá truyền thống 30-50%. Lợi nhuận biên của JUUL là “rất cao”,nm tới 70%. Các hãng thuốc lá điện tử hoàn toàn có thể ra nhiều sản phẩm hơn với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất).

- Thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn tại Việt Nam. Theo WHO, trên thế giới, sử dụng thuốc lá khiến cho 8 triệu người tử vong mỗi năm (7 triệu do hút thuốc trực tiếp và 1,.2 triệu do hút thuốc thụ động). Chi phí của việc hút thuốc lá trên toàn cầu là 1 nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra 40  ngàn ca tử vong sớm mỗi năm. Chi tiêu cho hút thuốc lá chiếm mất trên 31 ngàn tỷ mỗi năm của các hộ gia đình Việt Nam.Chi phí cho một số bệnh tật phổ biến do thuốc lá đã lên tới trên 21 ngàn tỷ mỗi năm.Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.

- Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có những tác động bất lợi đến kinh tế và ngành sản xuất nội địa: Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nên việc cho phép nhập khẩu thuốc lá điện tử sẽ chỉ làm lợi cho các công ty thuốc lá nước ngoài. Hiện nay, Tổ chức Hải quan quốc tế của Liên hiệp quốc xếp thuốc lá điện tử không chứa nicotine vào chương hóa chất nên không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc mức thuế thấp. Bên cạnh đó, bộ phận điện tử của sản phẩm thuốc lá điện tử là phần có chi phí và giá cao, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây thất thu cho ngân sách.

Kết luận:

- Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóngthế hệ mới có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường. Bản chất sản phẩm này vẫn là lệ thuốc chất gây nghiện nicotine. Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (chủ động và phơi nhiễm với khói thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường.

- Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử ENDs và thuốc lá làm nóng HTPs ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.

Cần cấm cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng).

Việt Thắng (nguồn Quỹ PCTH Thuốc lá – Bộ Y tế)

________

 

(1) Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) về tác hại của thuốc lá điện tử, bà Tan Yen Liam - Giám đốc Thông tin và Quản trị tri thức SEATCA.

(2) Zervas E. and Katsaornou P. Can heat-not-burn tobacco be “not-burn” and “smokeless”?. Hellen- ic Open University, University of Athens. 2018.

 (3) Salman R, et al. Free-base and total nicotine, re- active oxygen species, and carbonyl emissions from IQOS, a heated tobacco product. Nicotine and Tobacco Research. 2019. 21(9): 1285-1288.

 (4) Acrolein, Volatile Organic Chemicals, Acetaldehyde, Carbon monoxide, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, Heavy metals, Formaldehyde... - một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư.

 (5) Western Pacific - RAP Consultation

 (6) Prevalence of Cannabis Use in Electronic CigarettesAmong US Youth -JAMA Paediatrics- published online September17 , 2018 ,Katrina F.Triverset al - Prevalence of Cannabis Use in Electronic CigarettesAmong  US Youth - JAMA Pediatrics

(7) Prevalence of Cannabis Use in Electronic CigarettesAmong US Youth -JAMA Paediatrics- published online September17 , 2018 ,Katrina F.Triverset al - Prevalence of Cannabis Use in Electronic CigarettesAmong  US Youth - JAMA Pediatrics

(8) https://www.forbes.com/sites/brucelee/2019/06/21/a-vape-pen-explodes-here-is-what-happened-to-the-teen/#7f6cb20a5b58; https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMicm1813769

 


Có thể bạn quan tâm