April 26, 2024, 6:27 am

Tác giả của những công trình dẫn giải văn học có giá trị

Đinh Xuân Hội (1892-1953) quê ở Thanh Chương (Nghệ An), xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông lại có đam mê và năng khiếu trong học hành, thi cử, nên đã đỗ tú tài trong khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn (1919), là sinh viên trường Quốc Tử Giám (Huế), lại tốt nghiệp trường Pháp_Việt và tốt nghiệp sư phạm của trường Quốc học Huế.

Có nghĩa là ông có đủ các loại bằng cấp mà một trí thức thời đó cần có. Ông có thời kỳ làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng chủ yếu là làm nghề dạy học và biên soạn sách phục vụ cho việc dạy và học thời bấy giờ. Đinh Xuân Hội có thiệt thòi của một người sinh ra và lớn lên vào buổi thoái trào của Hán học và sự manh nha của văn minh phương Tây chính vì thế mà ông lại có được kiến thức vững vàng của cổ học và với sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông có được sở học của văn minh Âu Tây - điều mà nhiều nhà nghiên cứu văn học trung đại và cận đại của nước ta sau này không có được. Về mặt trước tác Đinh Xuân Hội là một trong những người tham gia biên soạn bản thảo bộ Hán Việt từ điển (bộ Hán Việt từ điển hiện đại đầu tiên của nước ta) và cũng là người đầu tiên diễn dịch tác phẩm Thái Thượng cảm ứng thiên sang tiếng Việt. Cũng có ý kiến cho ông là người đi tiên phong trong việc biên soạn sách giáo khoa Hán Nôm cho học sinh trung học thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Nhưng đóng góp lớn nhất của Đinh Xuân Hội và đến nay vẫn còn nguyên giá trị là: ông là soạn giả của các các sách dẫn giải các tác phẩm nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam mà hầu hết là các truyện Nôm, khúc ngâm, như Phan Trần truyệnHoá Tiên truyệnCung oán ngâm khúcQuan Âm Thị Kính truyệnLục Vân Tiên truyện. Đó là những dẫn giải khó ai vượt qua được. Thời đi học phổ thông, chúng tôi được học trích đoạn Cung oán ngâm khúc và Lục Vân Tiên truyện thời gian trôi qua quá lâu rồi, tôi không biết những đoạn trích đó có lấy từ những sách dẫn giải của Đinh Xuân Hội không?

Cung oán ngâm khúc được Tân Dân thư quán in lần đầu tại Hà Nội năm 1929, sau đó được tái bản 4 lần. Phan Trần truyện dẫn giải do Tân Dân thư quán in lần đầu tại Hà Nội 1930. Các sách Hoa Tiên truyện dẫn giải in tại Hà Nội 1930, Quan Âm Thị Kính dẫn giải in tại Hà Nội 1929, Lục Vân Tiên truyện dẫn giải in tại Hà Nội đầu năm 1941, tất cả đều do Tân Dân thư quán xuất bản.

Các sách dẫn giải của Đinh Xuân Hội đều hết sức công phu, khoa học. Mở đầu là lời tựa, phàm lê, rồi đến từng đoạn trích (có tóm tắt nội dung) và phần chú giải. Nhìn chung phần chú giải đều công phu, tỉ mỉ, tác giả trích dẫn nhiều điển tích trong các sách cổ. Tất cả các phần chú giải đều dài hơn phần nguyên bản. Phần phụ lục (có thể coi là như vậy) là phần chữ Hán trong đó tác giả phiên âm, chú giải rất tỉ mỉ.

Phần tựa thường nói mục đích việc làm của tác giả, ví như tự của Phan Trần truyện dẫn giải tác giả viết: “Lối làm truyện của ta hay dùng nhiều điển tích bằng chữ Hán, đọc mà nghe thì ai cũng biết là hay và giỏi, mà vì điển nhiễm nhặt, ý nghĩa sâu sắc, mấy ai hiểu được rõ ràng. Vậy sau khi dẫn truyện rồi lại phải dẫn trích thêm, giải nghĩa ra, để người xem thấy truyện chỗ nào khó hiểu thời tra cho rõ”. Cũng trong những lời tựa này, tác giả thường đánh giá tác phẩm mà mình dẫn giải và về cơ bản những đánh giá của ông đến nay vẫn còn đúng. Chẳng hạn tựa Hoa Tiên truyện dẫn giải Đinh Xuân Hội viết “Hoa Tiên là một truyện hay có tiếng trong nước Nam ta. Các giá trị của Hoa Tiên thật là tương đương với giá trị của “Truyện Kiều”, mà phát tích văn chương Hoa Tiện lại còn xưa hơn văn chương “Truyện Kiều” vậy”. Lời tựa Cung oán ngâm khúc dẫn giải tác giả viết: “Kể sách truyện dùng cách vận văn thượng lục hạ bát thời “Truyện Kiều” phải là “độc tuyệt”, còn văn lục bát giản thất thời bản “Cung oán ngâm khúc” này lại là thiên kiệt tác trong rừng quốc văn”. Trong lời tựa Truyện Lục Vân Tiên dẫn giải tác giả đánh giá chính xác về ba tác phẩm văn học trung đại tiêu biểu của nước nhà: “Trong rừng quốc văn ta có nhiều quyển rất giá trị, phần nhiều là văn vần. Song có ba quyển có giá trị nhất, có ảnh hưởng to tát cho quốc văn tương lai, là “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du, “Khúc cung oán” của cụ Ôn Như, và “Truyện Lục Vân Tiên” của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nay xét văn cuả ba quyển ấy thời mỗi quyển hay về một cách. “Truyện Kiều”, thời hay về lời văn mỹ miều, “Khúc cung oán” thời hay về ý văn não nùng, còn “Truyện Lục Vân Tiên” thời hay về lẽ văn bình dị thiết thực”, riêng Truyện Lục Vân Tiên có nhiều bản với lời lẽ khác nhau, Đinh Xuân Hội đã có cách ứng xử hợp lý và khoa học trong sách dẫn giải của mình, Truyện Lục Vân Tiên đã có bản chữ Nôm của nhà Liễu Văn Tường và nhà Lục Văn Tường xuất bản. Lại có nhiều bản quốc ngữ của nhà Long Quang, nhà Kim Khuê và nhà Mạc Đình Từ ấn hành. Nhưng theo thiển kiến của tôi thiên truyện này là truyện của người đường trong tiếng nói theo thổ âm và lối văn lại theo cổ cách, hai bản quốc ngữ lại theo thời văn mà thay đổi quá nhiều đối với phương diện bảo tồn quốc tuý với phương diện chấn hưng quốc văn, hai phái đến còn khuyết điểm.

Nay tôi dung hoà cả hai phái để làm sách dẫn giải Truyện Lục Vân Tiên. Đoạn trên thời chép câu nguyên văn theo các bản chữ Nôm, đoạn dưới thời phụ câu thời văn theo các bản quốc ngữ, lại những tiếng trong Nam ngoài Bắc có khác nhau như ăng là ăn, ang là an v.v… cũng phụ chú vào luôn thể”.

Và điều Đinh Xuân Hội làm chúng tôi cảm động nhất là trong tất cả các lời tựa ông đều lo lắng vì những thanh niên có thể vì không hiểu mà ngoảnh mặt với rừng quốc văn của ông cha.

Trong nhiều chú giải để cho sinh động, Đinh Xuân Hội đã dẫn cả ca dao tục ngữ, như trong trường hợp: “Hạt mưa là lời ví thân phận con gái hèn mọn, nhờ trời định sao thời được vậy, vì có câu thân em như hạt mưa sa, hạt sa xuống giếng hạt vào vườn hoa” (trong phần chú giải các câu từ 53 đến 76 của Truyện Phan Trần). Cũng có những trường hợp tác giả chú giải “tỉ mẩn” quá như: mây mưa, anh hùng… mà hiện nay ai cũng hiểu. Nhưng cũng có thể do những năm đầu thế kỷ trước, những từ này chưa chắc đã dễ hiểu với mọi người. Vả lại những chú giải này bây giờ vẫn có ích với nhiều người khi tác giả giải thích nguồn gốc của từ “mây mưa”, “anh hùng”…

Một điều chúng tôi rất tâm đắc với “phần chữ Hán” trong các sách dẫn giải của Đinh Xuân Hội là ông không chỉ để nguyên văn chữ Hán mà còn phiên âm theo vần A, B, C từng chữ được dùng trong tác phẩm (tác giả chú kỹ lưỡng chúng được dùng trong câu nào, trường hợp nào trong nguyên tác). Phần chữ Hán ở đây chính là từ Hán Việt_thuật ngữ mà chúng ta hay dùng hiện nay. Phần chú giải của Đinh Xuân Hội thực chất là giải nghĩa nội dung của các từ Hán Việt, xuất xứ của chúng trong văn tự Hán Nho. Gần đây có ý kiến rộ lên trong giới ngôn ngữ là vì trong ngôn ngữ của ta có tới 70-80% là từ Hán Việt nên cần dạy chữ Hán trong các nhà trường. Ý kiến này bị nhiều người phản đối vì sợ dẫn đến sự quá tải trong các trường học. Về vấn đề này, chúng tôi từng có ý kiến trong một tham luận về chữ quốc ngữ trong một hội thảo khoa học là không nên bắt các em học chữ Hán mà nên có một số tiết nhất định (nhất là trong các trường chuyên về khoa học xã hội) giải nghĩa các từ Hán Việt thường xuất hiện, để các em không hiểu sai khi nội dung bài viết (hoặc đọc) có nhiều từ Hán Việt. Do hạn chế của đầu thế kỷ thứ 20; Đinh Xuân Hội không bàn sâu về vấn đề này, nhưng với việc dành một phần sách để phiên âm, chú giải chữ Hán trong nguyên tác đã phần nào nói lên kiến giải của tác giả về vấn đề này.

*

Những trước tác của Đinh Xuân Hội chủ yếu được tác giả thực hiện từ những năm 20 đến 40 của thế kỷ trước. Sau này vì lý do sức khoẻ, ông về nghỉ và chữa bệnh ở quê nhà, việc nghiên cứu và viết sách của ông bị gián đoạn đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng đáng tiếc nhất là vì tư tưởng ấu trĩ đầu những năm 50 của thế kỷ trước mà ông đã buộc phải đi cải tạo và chết ở trong tù năm 1953.

Năm nay kỷ niệm 70 năm ngày mất của Đinh Xuân Hội, con cháu ông có ý định in lại những dẫn giải của ông về Truyện Phan TrầnHoa TiênCung oán ngâm khúcQuan Âm Thị KínhTruyện Lục Vân Tiên. Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh và tán thànhviệc làm này của con cháu ông Đinh Xuân Hội và cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm có kết luận dứt khoát về những đóng góp của ông Đinh Xuân Hội. Về phần mình chúng tôi xin có ý kiến: Nên in lại những trước tác của Đinh Xuân Hội thành hai loại: loai in nguyên văn dành cho những người nghiên cứu và muốn tìm hiểu sâu về những áng văn hay của đất nước và loại in giản lược dành cho bạn đọc phổ thông, để cho dễ đọc, dễ phổ biến.

Cách đây 60-70 năm, những năm cuối 50, đầu 60 của thế kỷ 20, bố tôi (một ông giáo) và mẹ tôi (là con của một ông giáo) trước khi lấy bố tôi, thường lẩy Kiều (tất nhiên rồi) và hay ngâm Cung oán ngâm khúcPhan TrầnQuan Âm Thị Kính… Bố tôi ngâm những lúc rỗi rãi, còn mẹ tôi thì hát ru các em tôi. Tôi không biết trước đó bố, mẹ tôi có đọc trước tác của Đinh Xuân Hội hay không, chỉ biết là chắc các cụ rất yêu, rất hiểu những tác phẩm này, nên mới ngâm nga như vậy. Bây giờ các cụ đã mất cả và tôi không có điều kiện để hỏi nữa. Chỉ mong các trước tác của Đinh Xuân Hội sớm được tái bản, để thế hệ hôm nay được xem lại những tác phẩm đặc sắc của ông cha.

Trần Bảo Hưng

Nguồn Văn nghệ số 23/2023


Có thể bạn quan tâm