April 24, 2024, 9:10 am

Ta gặp ta ở giữa nhà mình…

Nhà thơ Trần Chính là hiện tượng hiếm hoi trong giới sáng tác văn học. Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà không xuất thân ở cơ quan chuyên nghiệp báo chí, văn nghệ nào.

Là một công chức được đào tạo bài bản từ trường đại học Nông Lâm, ông đã kinh qua các cương vị công tác tại UBND Thành phố Thái Bình: Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung, giám đốc Công ty quản lý môi trường đô thị Thành phố; Chánh văn phòng UBND Thành phố Thái Bình; Giám đốc Đài phát thanh TP Thái Bình. Mấy chục năm công tác, ông cứ âm thầm lặng lẽ sáng tác, rất ít người biết ông làm thơ. Bản thân con người ông cũng lặng lẽ, khiêm nhường, luôn tránh xa chốn lao xao danh lợi. Mãi sau này do sự thúc giục của bạn bè, ông mới cho in thơ. Dù viết muộn, công bố muộn, nhưng đến nay ông đã có 10 tập thơ: Giọt sương, Vầng trăng (1997), Quả không mùa (2005), Lời mùa Thu (2005), Nhành mai trước cửa (1992), Trăng trên mái nhà (2017), Ngàn sau còn hát (2019), Lặng im ngắm gió (2020), Giọt trang nghiêng (2021); và 1 tập truyện ngắn Đời chẳng bạc người (2018). Vì là một công chức nghiêm cẩn, nên Trần Chính làm thơ không vì danh vọng hay mộng mơ, mà ông chỉ viết những gì ông nghĩ suy, trăn trở về cuộc đời, lẽ sống mà ông nếm trải. Cảm hứng của ông thường xoay quanh các đề tài thân thương như quê hương, cha mẹ, vợ con và những suy ngẫm về bản thân. Còn một mảng đề tài nữa ông cũng dành nhiều tâm huyêt là chiến tranh, người lính, những người mẹ, người vợ lính. Ông quê gốc ở thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, theo cha mẹ sang sinh sống ở thành phố Thái Bình từ thơ bé, nhưng nỗi nhớ quê vẫn da diết trong ông suốt một đời. Đốt hương mà khấn rạ rơm Từ ngày còn bé vẫn thơm đến giờ Hay: Lang thang đi suốt cuộc đời Tìm trong ký ức nhớ người nhà quê (Tản mạn quê) Đọc kỹ Trần Chính, thấy rõ ông luôn tự tìm mình trong thơ, dù viết về điều gì, ông cũng soi mình vào đó để tìm lẽ buồn vui, hay dở của hiện thực.

Có một điều thú vị là Trần Chính không hút thuốc, không uống rượu, mà có một bài thơ về rượu khá hay: Nâng lên cái dại cái khờ/ buồn đau ẩn hiện mơ hồ quanh ta/ chén vui bằn bặt vắt qua/ chén đầy tỉnh giấc đã là thu sang/ chai chưa rót rượu đã tràn/ thì đêm nay uống cho tàn cỏ hoa/ cái thời nông nổi đã qua/ còn bao nhiêu cái bôn ba qua rồi?/ rượu suông gạn đắng đầu môi/ uống đi cho tỉnh một đời say nhau (Uống rượu) Có lẽ đây là một lời tâm sự của nhà thơ về lẽ đời, lẽ người mà ông chiêm nghiệm. Rải rác trong các tập thơ của Trần Chính, có ngót chục bài viết về cỏ, tất cả đều khá ấn tượng. Cỏ xưa nay thường được ví với những gì thấp kém, những kiếp người bình dân, thua thiệt, nhưng cỏ lại là hình tượng của vẻ đẹp bất tử của sự sống. Trần Chính soi mình vào cỏ để triết lý về kiếp nhân sinh của đời người. Bao giẫm đạp vẫn nẩy mầm Mà thân cỏ vẫn âm thầm tốt tươi (Khấn cỏ) Chẳng hề vướng bận hèn sang Cỏ vui phận cỏ có màng chi đâu (Cỏ tự than) Nước mắt cỏ tự rơi Ướt đầm cả thân cỏ Đau đớn tận cội rễ Đến tận cùng rụng rơi. (Nước mắt cỏ) Lá vàng đi như tiếc Đâu biết đến ngàn sau Nắng quằn quại trên đầu Cỏ tự mình xanh lại (Không đề) Có người nhận ra mấy tập thơ gần đây Trần Chính có sự “Trở về mình”, là một phát hiện tinh tế: “Cảm giác Trần Chính tiếp tục trở về mình, trở về thu dọn mình, để viết những những lời gan ruột, sau sắc, giàu trải nghiệm…”.

Thực ra sự “Trở về mình” trong sáng tác văn học là một khái niệm chỉ để dành cho những người viết có tâm huyết và làm văn chương đích thực. Người ta thường nói quá trình sáng tác của nhà văn là quá trính đi tìm chính mình, khám phá chính mình là từ ý nghĩa đó. Cuộc đời Trần Chính là một hành trình đầy gian lao. Vào tuổi năm mươi, vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo nằm liệt giường. Là một công chức nghèo, ông phải vừa công tác, vừa chăm sóc vợ ốm, vừa nuôi 5 người con còn nhỏ đang học phổ thông. Đó là những năm tháng bao cấp đói nghèo vô cùng cực khổ, không ai giúp được ai. Ban ngày đi làm cơ quan, tối về ông xoay trần đắp chậu xi măng bán cho người trồng cây. Các con lớn cũng phụ giúp ông lúc học xong bài. Cứ như thế trang trải đắp diếm rối ông cũng nuôi được các con khôn lớn, chăm sóc vợ chu toàn suốt 17 năm đến khi bà mất. Bao nhiêu năm không có một ngày vui, nên thơ ông không thể là những dòng chữ nhạt nhẽo. Thương nhớ người vợ ông yêu quý, ông đã khóc bà: … phận mình sớm mất đi rồi/ cô đơn tôi giữ trọn đời cô đơn/…/ hương thơm còn ngát trên tay/ tôi ngồi khóc kiếp nợ vay mất còn. (Viếng mộ vợ) Cuộc đời của Trần Chính buồn nhiều hơn vui, nhưng ông luôn trân trọng những ký ức, kỷ niệm đã qua như một phần của hạnh phúc. Ông có một chiếc xe đạp cũ gắn bó với ông đã mấy chục năm, bỗng một hôm bị kẻ trộm lấy mất.

Ông tiếc ngơ ngẩn, ăn ngủ không yên. Các con ông giờ đây đã thành đạt và giầu có, an ủi ông và mua cho ông một chiếc xe đạp đẹp và đắt tiền nhất. Nhưng ông vẫn rất buồn, hàng ngày đạp chiếc xe mới đi tìm chiếc xe cũ khắp nơi. Ông sang cả chợ Rồng - Nam Định, về các chợ huyện chợ quê để tìm. Các con và bạn bè khuyên giải rất nhiều, nhưng ông chỉ lặng im. Khoảng hai năm sau, ông tìm thấy chiếc xe ở chợ quê phủ Sóc. Xe đã cũ nát nhưng ông vẫn nhận ra. Ông đã trả bà cụ đi chợ có chiếc xe đó giá gấp năm lần để mua lai chiếc xe của mình. Một niềm vui rất lớn trở lại với ông. Vì đó là chiếc xe đạp được phân phối từ thời bao cấp, ông đã dùng nó đèo vợ ông từ khi còn là người yêu, rồi đèo các con ông đi sơ tán hồi chiến tranh phá hoại, rồi đi học sau này. Chiếc xe đạp yêu quý ấy giờ đây ông vẫn dùng hàng ngày… Quãng đời chăm vợ ốm và nuôi 5 con ăn học là quãng đời cực nhọc nhất của nhà thơ Trần Chính. Đó cũng là thời gian trung niên đẹp nhất của người đàn ông, mà ông không hề nhận biết, không hề được hưởng thụ, cũng không hề nuối tiếc. Ông đã làm được một việc mà ít ai làm được, đó là nuôi dậy các con nên người. Các con ông tất cả đều đỗ đại học chính quy với điểm đỗ rất cao. Khi con gái út ông vào đại học, cha con ông đều vui mừng và xúc động. Vì đó là thành công của cả gia đình. Các con ông đã không phụ lòng mong mỏi của vợ chồng ông. Ông đã viết cho con: dù đời bố còn gì mà tiếc/ tất cả qua rồi, cái được vẫn là con (Cái được vẫn là con).

Giờ đây, các con ông đều đã trưởng thành, có người hiện đang giữ cương vị cao trong xã hội. Vợ ông mất đã gần hai mươi năm, ông vẫn ở một mình trong căn nhà giản dị ngày xưa. Nhiều người hỏi sao ông không tục huyền cho đỡ quạnh quẽ, ông chỉ im lặng khẽ cười cho qua chuyện. Trong lòng ông, không ai có thể thay thế được người vợ ông hằng yêu quý. Các con cũng vì thương bố nên nhiều lần khuyên bố tìm trong số những người quý mến ông lấy một người bạn đời cho đỡ cô đơn. Ông điềm đạm gạt đi. Vì trong thâm tâm, ông không muốn có người khác xen vào giữa tình cảm của ông và các con. Các con giờ là nguồn hạnh phúc và là niềm tự hào vô bờ của ông… Tuổi đã bát tuần, nhưng mấy năm nay ông vẫn viết đều và viết hay. “Trở lại mình”, hay nói cách khác là đi sâu khám phá bản thân. Tuy vậy, hay chính vì vậy mà thơ Trần Chính mang nỗi niềm cô đơn hơn. Một mình với một mâm cơm/ một đôi đũa một bát mòn trên tay/ … / ngồi ăn mà ngẫm trời xoay chuyển vần/ buồn vui sướng khổ thăng trầm/ phận đời khôn dại có ngần ấy thôi (Một mình với một mâm cơm). Và đây là những câu thơ tuyệt hay về nỗi cô đơn: Chưa cầm đã mất/ ở đây bây giờ/ bất chợt/ gió lọt vào căn phòng nhỏ/ gọi ta về buồn vui/ đêm chập chờn/ tỉnh thức/ ta gặp ta ở giữa nhà mình (Ở giữa nhà mình). Trở lại mình, tìm lại mình, nhìn thấu mình là biểu hiện của sự Ngộ. Chính từ sự ngộ ấy, Trần Chính đã nhận ra giấc chơi của cuộc đời. Cái còn mất, cái lợi danh chỉ là thứ phù du của cõi đời mà thôi. Ông đã từ cái cô đơn sang trọng mà nhận ra giấc chơi của cõi người: Giấc chơi là giấc phù vân/ rượu tàn canh đợi lần khân rối ngày/ ríu ran đen sẫm lòng tay/ giọt mồ hôi xám đổ gầy thân đêm (Giấc chơi). Và đây là một giấc chơi khác: Ta tự ru mình vào giấc mộng/ giấc mộng tàn rồi rặt chia phôi/ chia phôi lá rơi và quả rụng/ chắp vá sao lành một giấc chơi (Tự ru). Nhà thơ đã rõ cái hữu hạn của kiếp người, từ đó cũng nhận ra giá trị của kiếp sống làm người: Ta chỉ là hạt bui/ giữa trần gian ẩn hiện vô thường/ biết vui buồn, biết yêu thương/ bóng mình đổ xuống con đường mình qua/ cõi người thoáng chốc ấy mà (Tâm sự)….

Có thể nói, qua những tập thơ gần đây, Trần Chính càng thấu hiểu lẽ đời và cõi người. Đồng thời ông cũng hiểu ý nghĩa của thi ca. Với ông, thơ không chỉ là chữ nghĩa, mà là tư tưởng và tình cảm của người viết. Không thể viết dễ dãi và sáo mòn. Càng biết nhiều càng khiêm nhường. Ông đã có cuộc đời đầy tự hào chăm lo cho vợ và bố mẹ, nuôi dậy con cái mà vẫn có một sự nghiệp thi ca. Nhưng ông luôn dấu mình đi trước những chốn lao xao. Trong giới văn nghệ có không ít hiện tượng bóng to hơn người, tiếng tăm to hơn tác phẩm. Có lẽ vì thế mà những người như Trần Chính thường lặng lẽ. Gần đây tôi có đọc được một câu ngạn ngữ của Nhật Bản: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Có lẽ Trần Chính cũng là một bông lúa chín… Giờ đây ông sống an nhiên và thanh thản sau những năm tháng làm việc không ngừng nghỉ, và thực sự tự hào vì đã có được một gia tài chữ nghĩa đáng trân trọng… Chúc ông luôn vui khỏe để đi tiếp con đường văn chương mà ông yêu thích, và có thêm những thành công mới.

0Nguồn Văn nghệ 48/2021


Có thể bạn quan tâm