April 20, 2024, 9:30 am

Sức xuân của nhà văn

Hiếm có cây bút nào vượt qua tuổi thượng thọ 90 như nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang, lại liên tục cho ra đời những cuốn sách mới. Gần nhất là tuyển tập truyện ngắn Tím ngát tuổi hai mươi (Nxb Văn học, tháng 4/2020); cuốn sách gồm những truyện ông viết từ thuở mới cầm bút cách đây hơn bảy thập kỷ, đã đành là tràn trề sức Xuân. Nhưng 2 tác phẩm ông cho in năm 2019 cũng chứng tỏ Phan Quang quả là “trường Xuân bất lão”. Đó là Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019) và Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi (Nxb Văn học, 12/2019).

Có nhiều điều đáng nói về mấy cuốn sách vừa xuất bản của Phan Quang, nhưng vào lúc Xuân mới gõ cửa, đọc Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi vừa gặp lại tuổi Xuân của tác giả, vừa được sống những giờ phút trọng đại khi lịch sử đất nước sang trang, có lẽ là thích hợp nhất. Sách dày 350 trang khổ lớn, gồm 18 chương, tác giả ghi thể loại là “Hồi ký”, nhưng là một dạng hồi ký đặc biệt. Có thể nói như thế vì “theo lời tác giả đây chỉ là những mảnh thời gian được chọn nhặt khởi đầu từ ngày ông rời làng quê tỉnh Quảng Trị sau Cách mạng Tháng 8/1945 và kết thúc lúc được bình bồng theo các kênh rạch đất mũi Năm Căn tháng 5/1975” (Trích Lời Nhà xuất bản)… Tuy vậy, đây không chỉ là những trang viết trên hành trình tác nghiệp của một nhà báo may mắn được chứng kiến hầu hết nhưng sự kiện lớn của đất nước đã có “tuổi thọ” hơn nửa thế kỷ mà Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi thực sự là một tác phẩm mới - mỗi chương được tác giả sắp đặt theo một chủ đề, những trích đoạn từ các trang viết “ngày xưa” được gắn kết bởi người “dẫn chuyện” dù đã 90 tuổi vẫn đầy sức cuốn hút.

Ví như một “tiết mục” ở chương 2 có tiêu đề Mối tình đầu và người vợ tao khang, cứ tưởng tác giả tiết lộ chuyện riêng thầm kín thời trẻ, hóa ra là cuối đời, Phan Quang đúc kết “duyên nợ” của ông với hai “người yêu” là báo chí và văn chương: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù con đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với người vợ… cho dù ma lực văn chương tương tự mối tình đầu, thi thoảng lại hiện lên gieo cho mình chút vấn vương

Điều cần nói thêm là chính nhờ “vấn vương” với “mối tình đầu”, tác phẩm báo chí của Phan Quang đã sống thọ như tác giả; và như nhà báo Hồng Vinh, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân đã nhận xét trong Lời giới thiệu cuốn sách: “Một bài báo viết về một chủ đề nóng hổi tính thời sự lại được ông trình bày tha thiết, có khi bay bổng nữa, gợi cảm tựa một áng văn. Có lẽ vì vậy cho đến hôm nay những câu chuyện tưởng đã xưa cũ trong tập sách mang tính hồi ký này vẫn cuồn cuộn sức sống, vẫn hấp dẫn thế hệ hậu sinh chúng tôi…

Phan Quang đã dành nhiều trang trong chương 2 để kể lại mối tình “vấn vương” từ thời trẻ, mê say với tủ sách đủ loại. Không biết có nên gọi là may mắn không, khi Phan Quang có ông bác sở hữu “cả một tủ xếp san sát những bộ sách dày cộp bằng tiếng Pháp… Gần như có đủ toàn bộ các tác phẩm của Alexandre Dumas, George Sand, Alfred Musset, Gustave Flaubert, Chateaubriand, Jean Jacques Rousseau… Lại có mấy cuốn Thần thoại Hy Lạp…”. Có thể nói, nhờ cái vốn văn hoá này mà ông trở thành cây bút trường sức đi xa cả trong văn chương và báo chí.

Cũng chính nhờ ngòi bút “vấn vương” với văn chương, qua 18 chương sách, bạn đọc như được cùng tác giả sống lại nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử đất nước. Đó là những giây phút đầu tiên khi nghe tin Bác Hồ qua đời, là chuyến đi cấp tốc vào miền Nam mùa Xuân 1975, cùng lúc với đại quân tiến vào giải phóng Quảng Trị và Thừa Thiên Huế… Đặc biệt, với quê hương “Bình Trị Thiên khói lửa”, tác giả đã dành rất nhiều trang ghi lại những dấu ấn sâu đậm, những kỷ niệm sống mãi với thời gian, trong đó có truyện ngắn đầu tay Lửa hồng đăng số báo Cứu quốc số Tết Kỷ Sửu 1949 với bút danh Hoàng Tùng. Phan Quang kể lại: Cuối năm 1948, anh vừa từ vùng địch hậu Bình Trị Thiên ra, tòa soạn họp xem lại số báo mừng Xuân mới, “nhà thơ Chế Lan Viên chợt cao giọng xướng: “Vẫn thiếu một truyện ngắn hay! Ông Hoàng Tùng từ vùng địch hậu mới ra, hãy viết truyện gì về trong nớ đi!”… Vậy là tôi đành phải hì hục cày cho xong một truyện với điều kiện không được quá 2000 từ…

Sau 70 năm, đọc lại Lửa hồng, truyện cảm động với tình quân dân cá nước giữa đêm đông lạnh giá, nhưng nếu bạn đọc tìm ở đây một cốt truyện gay cấn, hấp dẫn sẽ thất vọng; tuy vậy, tôi rất ngạc nhiên và cảm phục là anh “lính mới vừa từ Bình Trị Thiên chân ướt chân ráo ra nhận việc” lại có thể viết những câu văn hay, giàu chi tiết gợi cảm như thế! “… Lớp than mỏng màu hồng đang thiu thiu ngủ, trên mình phủ lượt tàn trắng mỏng và mịn tựa phấn bướm, bị mấy thanh củi giá buốt chạm vào, giật mình tóe sáng, tung phấn lên không trung. Ông lão cụm mấy thanh củi lại sát nhau rồi ghé miệng thổi vào bếp. Lát sau, ngọn lửa như tỉnh hẳn lên, tươi vui đỏ rần rật…À, phải rồi, tôi quên là anh “lính mới” vừa qua tuổi đôi mươi này từng mê đắm văn chương Pháp từ thuở ấu thơ…

Cuộc sống có những sự tình cờ thú vị. Đây là câu của Phan Quang vừa viết cuối năm 2019 trên báo Văn nghệ, khi nhắc kỷ niệm với nhà văn Bùi Hiển hồi kháng chiến chống Pháp cùng đi thực tế ở Thừa Thiên, năm 1955 lại cùng về công tác tại Ban Nông nghiệp báo Nhân dân, sau đó lại ở chung trong khu tập thể Trung Tự… Phan Quang (tên thật là Diêu) thì tình cờ lấy bút danh đầu tiên là Hoàng Tùng, trùng với tên “thủ trưởng” (Tổng biên tập báo Nhân Dân sau này!) rồi trở thành người kế nhiệm ông. Một tình cờ nữa là cuốn sách ra trước thềm Xuân Canh Tý - 2020, có đến mấy chương kể lại những mùa Xuân trên đất Bình Trị Thiên. Ngoài chương kể lại “mối tình đầu” với văn chương và truyện ngắn đầu tay Lửa Hồng, còn có chương Bông mai không chịu chết, Xuất quân sáng mùng một TếtLá cờ trước Ngọ Môn đều là chuyện mùa Xuân.

Bông mai ấy Phan Quang bất chợt thấy buổi mờ sáng, lúc từ hầm bước lên trong ngày Xuân đầu tiên sau khi Mỹ phải ký Hiệp định Paris tháng 1/1973. “… Tôi không tin nổi tai mắt mình… ngay bên mô đất đắp quanh nhằm gia cố căn hầm, một điểm vàng nho nhỏ. Một đóa mai vàng đơn nhất đang cố vươn mình nhô lên khỏi mặt đất…” Phan Quang chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của Mãn Giác thiền sư “Đêm qua hiên trước một nhành mai”; còn tôi nghĩ đến bài ca dao “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” miêu tả sức sống bất diệt trên vùng đất Bình Trị Thiên gian khó. Chuyện bông mai này gây xúc động mãi đến… 42 năm sau, nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm đã viết thành thơ vào một ngày Xuân Ất Mùi – 2015: “Giữa ngổn ngang đổ nát/…Cành mai vàng kiêu sa đọng chút sương/ Bông mai và mùa Xuân không chịu chết

Chính là dân tộc Việt Nam với sức sống diệu kỳ đó mới có cuộc “Xuất quân sáng mùng một Tết” (24/1/1974). Đêm trước đó, tức tối ba mươi tháng chạp, Phan Quang và đoàn khách Trung ương được bộ đội Đoàn 559 đón đưa xuống thuyền ngược “dòng Kiến Giang lên thăm chỉ huy sở  Bộ Tư lệnh và vui đón giao thừa cùng anh em… Giữa bữa cơm, đại tá Đồng Sĩ Nguyên bỗng trịnh trọng đứng lên, anh không giấu nổi vẻ xúc động khi nói tiếp mấy lời: “Tết năm ngoái chúng tôi phấn khởi được đón đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn… Tết năm nay chúng tôi vui mừng được đón tiếp đồng chí Trường Chinh…” Suốt đời tôi không bao giờ quên sáng Nguyên đán năm Giáp Dần 1974 ấy…

Phan Quang kể lại và đã thốt lên như thế. Buổi sáng Nguyên đán đặc biệt không chỉ với Phan Quang mà với cả binh đoàn Trường Sơn cùng bà con Quảng Bình quanh vùng căn cứ vừa được hưởng không khi hòa bình.

Một quang cảnh cực kỳ hùng tráng chợt hiện lên, khi đoàn xe con theo sau xe đồng chí Trường Chinh và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên từ lòng một thung lũng leo lên mấy quả đồi dọc theo con đường mới mở… Trên bãi đỗ xe rộng, đã có cơ man là xe hơi, không biết đến bao nhiêu chiếc, toàn là xe vận tải mới toanh, chiếc nào cũng chất đầy hàng hóa phủ bạt kín, xếp hàng im phăng phắc…; về phía bên kia bãi là những hàng đỗ những chiếc xe ca chở đầy bộ đội… Tất cả các chiến sĩ có mặt nơi đây sẵn sàng làm nhiệm vụ tiến vào chiến đấu tại các mặt trận sâu hơn nữa về phía Nam…” 

Gần nửa thế kỷ đã qua từ ngày Xuân ấy. Sự kiện diễn ra có thể nói là bí mật, khi đó báo chí chưa được đưa tin; thật may là có một “nhân chứng” là cây bút lão luyện Phan Quang nên hôm nay chúng ta như được thấy lại khung cảnh hào hùng có một không hai này. Sau quân lệnh “Xuất phát” của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, hàng trăm xe chở bộ đội và vũ khí của binh đoàn 559 “cùng lúc rùng rùng nổ máy chuyển động, lần lượt nối đuôi nhau tiến vào phía Nam…

 Uống nước nhớ nguồn, hôm nay, sau khi kể lại ngày Xuân đặc biệt ấy, Phan Quang bùi ngùi viết: “Những chiến binh từ vùng đồi núi miền Trung đồng loạt xuất quân vào miền Nam sáng mùng một Tết ấy để đi đến các tuyến lửa xa xôi hơn, ác liệt hơn của Tổ quốc, ngày nay ai còn ai mất?...

Cuộc xuất quân ấy chính là “tiên báo” sẽ có ngày Phan Quang được thấy “Lá cờ trước Ngọ Môn” đúng vào giải phóng Huế 25/3/1975. Nhà văn kể lại: “Người tôi gặp đầu tiên tại cơ quan Khu ủy Trị Thiên không ai khác là ông bạn đồng tuế đồng hương, nhạc sĩ Trần Hoàn… Tôi đã gặp và phỏng vấn nhiều nhân vật tên tuổi xứ Huế bấy giờ: Linh mục Nguyễn Văn Bính giảng viên Trường La Providence, Linh mục Nguyễn Kim Đính Chánh xứ Giáo xứ Phú Cam, HÒa thượng Thích Mật Hiển, trụ trì chùa Trúc Lâm, bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế… giáo sư Vĩnh Phối…” Sau đó, Phan Quang còn trở lại Huế nhiều lần, gặp gỡ trò chuyện với rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức như Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính…

Không thể trích dẫn hết những dấu ấn của Huế và Bình Trị Thiên trong Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi của Phan Quang. Năm tháng trôi qua đã hàng chục thập kỷ, nhưng tất cả vẫn như tươi nguyên; và hơn thế, còn cả tính thời sự. Xin dẫn thêm một câu Phan Quang ghi lại ý kiến của cụ Nguyễn Hữu Đính từ “ngày xưa” ấy: “Bác say sưa nói về chuyện chính quyền ta cần phải tìm mọi cách bảo vệ môi trường tự nhiên… Bác băn khoăn trước việc cái thảm thực vật che phủ mặt đất đang co hẹp dần, về sự hao mòn của diện tích các khu cây xanh… Nếu ta khai thác tốt bảy trăm hecta vườn sẵn có, ta sẽ không những giữ được các nguồn đặc sản từ các khuôn viên xứ Huế mà vẫn có thể làm ra thêm một khối lượng thực phẩm đáng kể…

Những điều gửi gắm của nhà nông lâm học cao niên được nhà văn-nhà báo lão thành Phan Quang ghi lại, đã đăng báo Nhân Dân, cũng vào một ngày Xuân hơn bốn thập kỷ trước, ngày 17/1/1979 - mà tươi rói như là bản kiến nghị hướng tới mục tiêu xây dựng phát triển luôn phải quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, không chỉ đối với thành phố Huế mà với cả đất nước hôm nay đang rộn ràng những bước canh tân thức thêm Xuân mới…

Nguồn Văn nghệ só 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm