March 29, 2024, 8:09 pm

“Sức mạnh mềm” trong cuộc chiến chống Covid 19

 

Trong những ngày cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid 19, cùng với lực lượng Y, bác sĩ, Công an, Quân đội, tình nguyện viên, còn có một lực lượng tuyến đầu là các Văn nghệ sĩ, bằng tác phẩm của mình họ đã và đang tạo nên “ sức mạnh mềm” trong cuộc chiến chống Covid 19.

 

Nghệ sĩ làm MV lan tỏa tinh thần phòng chống dịch Covid 19. Ảnh Internet

Những cuộc thi chưa có trong tiền lệ

Với hơn 500 ngày chống dịch Covid 19, nhiều chủ trương, quyết sách chưa có tiền lệ đã được Chính phủ thực hiện trên tinh thần “ chống dịch như chống giặc”. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid 19 lần thứ tư ( từ 24/4 đến nay), với những diễn biến phức tạp của biến chủng mới, cuộc chiến chống  Covid 19 càng trở nên cam go hơn, khốc liệt hơn với hành nghìn ca tử vong trong đó có cả lực lượng tuyến đầu… đặt ra những thách thức trong kịch bản ứng phó với dịch phải cụ thể hơn, linh hoạt hơn và quyết liệt hơn bao giờ hết. Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đây được xem là hành lang pháp lý an toàn, thậm chí là cơ chế mở để người đứng đầu Chính phủ có những chỉ đạo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.Trước đó, để tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị- xã hội Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào  “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, kêu gọi các đơn vị, địa phương phát huy sức mạnh toàn dân chống dịch, thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa. Địa phương áp dụng sáng tạo, linh hoạt các giải pháp chống dịch, có phương án kịp thời ứng phó mọi tình huống. Lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, nhà báo, tình nguyện viên... "tiếp tục thể hiện ý chí chân cứng đá mềm, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ người dân".

Phát động phong trào thi đua, Thủ tướng đã khơi dậy truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trên dưới một lòng không chỉ được chứng minh trong lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc mà còn là hiện tại khi đất nước phải đối mặt với thiên tai, địch họa.  Theo Thủ tướng, mỗi thời kỳ cách mạng đều gắn với các phong trào thi đua, các phong trào ấy đã cổ vũ lớn lao, khơi dậy khát vọng dân tộc, truyền cảm hứng, lan tỏa hành động trong mọi tầng lớp nhân dân để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh lịch sử qua các thời kỳ. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thi đua khen thưởng tập trung vào 5 nhiệm vụ cụ thể, trên tinh thần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, huy động sự chung tay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.

Ngay sau lễ phát động thi đua chưa có trong tiền lệ của Thủ tướng, nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai một cách linh hoạt nhiệm vụ chống dịch song song với phát triển kinh tế. Đồng thời ở nhiều cấp độ khác nhau, các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thi viết nhằm cổ vũ tinh thần chống dịch, lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt trong phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid 19, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép.

Ngày 17/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã chính thức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu”. Cuộc thi giành cho các nhạc sĩ chuyên và không chuyên đang sinh sống, làm việc ở trong nước và ngoài nước. Với nội dung tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc chiến chống Covid -19 đầy khó khăn, gian khổ, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tác phẩm động viên, khích lệ tinh thần vượt khó, ý chí kiên cường của các lực lượng, nhất là lực lượng tuyến đầu; ca ngợi những tấm gương tận tụy, vượt mọi khó khăn, thử thách, hy sinh vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sự an toàn của đất nước; khẳng định quyết tâm, đồng lòng và niềm tin mãnh liệt của cả dân tộc chiến thắng đại dịch Covid-19.

 

Tạo ra những xung lực mới

Trước đó, Sở Văn hoá và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng mở cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng”. Cuộc vận động sáng tác được tổ chức trên 7 lĩnh vực, gồm: văn học; âm nhạc; sân khấu; múa; nhiếp ảnh; điện ảnh . Ngoài ra, ở góc độ hẹp hơn, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi viết “ Nhân nghĩa đất phương Nam”;  Đơn vị phát hành sách Skybooks tổ chức cuộc thi viết 'Những ngày sống chậm trong đại dịch Covid-19" để góp phần lan toả những câu chuyện đẹp và truyền đi những thông điệp tích cực trong những ngày cả nước hướng về miền Nam với nhiều thấp thỏm, âu lo...

Cũng mang ý nghĩa động viên tuyến đầu chống dịch, Báo Người lao động đã phát động cuộc thi kể chuyện "Người Thầy thuốc trong tôi". Đây là cuộc thi nhằm tôn vinh truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid 19 bùng phát và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, người thầy thuốc đã tự nguyện trở thành chiến sĩ xông pha nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Không chỉ vậy, toàn ngành y tế đã vào trận, cống hiến không ngừng nghỉ, vừa bảo đảm nhiệm vụ khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học vừa thực hiện trọng trách do Nhà nước giao cùng cả nước phòng chống Covid-19. Và trong số họ, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nhiều câu chuyện đẹp, nhiều bài học giá trị... mà chỉ có những cuộc thi viết, những tấm gướng ấy, sự hy sinh thầm lặng ấy mới được chia sẻ, biểu dương, để nhân lên các giá trị tích cực, nhân bản trong xã hội.

Sau "Người Thầy thuốc trong tôi", Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Đây là giải thưởng giành cho các đơn vị, cá nhân (không phân biệt quốc tịch) đang sinh sống và hoạt động trên lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên với các sản phẩm bao gồm: Vở diễn sân khấu, tiểu phẩm, kịch ngắn, bài hát được đặt lời theo các làn điệu chèo, cải lương, dân ca kịch, tuồng... có nội dung phản ánh đậm nét và toàn diện về cuộc chiến chống Covid 19 của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, khẳng định giá trị cao đẹp của những tác phẩm văn học, nghệ thuật đã và đang tạo ra những xung lực mới - thứ vacxin tinh thần vô cùng ý nghĩa trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid 19. Không chỉ có Hội nghệ sĩ sân khấu, các Hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Múa... với đặc thù riêng, cũng tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác, triển lãm và biểu diễn nghệ thuật có chủ đề phòng, chống Covid 19

Cả nước chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau theo Chỉ thị của Thủ tướng, cũng là khoảng thời gian văn, nghệ sĩ cả nước triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch theo cách của riêng mình. Nhiều người trong số họ là những tình nguyện viên trực tiếp ra tuyến đầu, cũng có người chọn sáng tác để lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp trong mùa dịch. Những cuộc thi chưa có trong tiền lệ vì thế đã được ra đời, với những sản phẩm kết nối triệu triệu trái tim như ca khúc “Ghen Cô Vy”, “Vũ điệu 5K”, hay nhóm ca khúc “Việt Nam chống dịch vang danh” (lời Phạm Thuyên), “Toàn dân đoàn kết chống dịch”, “Việt Nam rạng rỡ hoan ca”, “Tự hào Việt Nam” của  nhạc sĩ Xuân Trí, hay ca khúc “Sức mạnh Việt Nam” của Nhạc sĩ Xuân Bình; “Mong sao hết dịch” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung… cũng đã và đang được người dân cả nước đón nhận. Đặc biệt gần đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cho ra mắt tập ca khúc "Niềm tin" với chủ đề tuyên truyền, phòng chống dịch Covid 19. Tuyển tập gồm 60 ca khúc của 52 tác giả sáng tác về các y, bác sĩ, chiến sĩ biên phòng, công an... ở tuyến đầu chống dịch. Tuyển tập ca khúc như một minh chứng cho sự đồng lòng, sẻ chia và biết ơn của người dân cả nước gửi đến những người lính trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Dịch Covid 19 với các biến chủng mới được dự báo là sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nên rất khó để có thể đưa ra những thời hạn cụ thể cho việc đẩy lùi dịch Covid 19. Chính vì vậy, bên cạnh sự chi viện sức người, sức của cho địa phương có dịch, những cuộc vận động sáng tác giống như liều vacxin, giúp xoa dịu nỗi đau, cân bằng cuộc sống và nhất là  giúp mỗi người sống chậm lại để có thể  cảm nhận đầy đủ hơn những giá trị cuộc sống vốn thường ngày bị lãng quên bởi những mối lo “ cơm áo, gạo tiền”.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

 

 


Có thể bạn quan tâm