April 19, 2024, 1:22 pm

Sức lan tỏa qua tập sách

 

Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam là tập tiểu luận - phê bình mới nhất của TS Bùi Như Hải, tập hợp 23 bài viết tiêu biểu, có chất lượng về mặt thực tiễn lẫn học thuật được đăng ở các Hội thảo, các báo và tạp chí Trung ương, địa phương trong suốt 15 năm qua (2005-2020), thuộc văn xuôi nói chung và thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn nói riêng.

Các bài viết trong tập sách này đã tập trung, xoáy sâu phân tích, đánh giá, nhận định những nguyên nhân, tiền đề tạo nên một “cú huých” đầy ngoạn mục, làm nên diện mạo, thành tựu mới cho văn xuôi Việt Nam sau 1975, đặc biệt sau Đổi mới trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Sự khởi sắc, đổi mới, cách tân của văn xuôi được thể hiện ở sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật; trong việc mở rộng biên độ phản ánh, chiếm lĩnh hiện thực và số phận con người; mở rộng phạm vi đề tài, chủ đề, cảm hứng sáng tạo, phong cách và bút pháp, kỹ thuật, kỹ xảo,...

Về phương diện nội dung, các bài tiểu luận như Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 từ chuyển mình đến thành tựu, Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ đổi mới, Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ đổi mới, Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn tiền Đổi mới (1975-1985), Tiến trình vận động của đề tài gia đình trong văn xuôi Việt Nam, Sự vận động của đề tài dô thị trong văn xuôi Việt Nam, Tư duy truyện ngắn Việt Nam thời kỳ Đổi mới về đề tài đạo đức xã hội,... Bùi Như Hải đã đi từ việc nêu những tiền đề lịch sử, xã hội Việt Nam sau Đổi mới đến việc lý giải về nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật, từ đó đã làm sáng rõ những đặc trưng, đặc điểm của văn xuôi Việt Nam đương đại nói riêng có sự tiếp nối, thừa hưởng những thành tựu trước đó, nhưng đồng thời có sự khác trước. Hiện thực trong văn xuôi đương đại không còn được phản ánh, miêu tả một chiều, mà là đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau, từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, vì thế hiện thực được miêu tả ở chiều sâu ý thức. Chính sự chuyển dịch từ cảm hứng anh hùng ca sang cảm hứng phản tư, văn xuôi đương đại đã hướng tới, quan tâm con người cá thể, đào sâu vào thế giới mơ hồ, mong manh của tâm hồn, vào con người bản thể của những nỗi đau phận người, nhằm kiếm tìm, tái dựng căn cước bản thân,...

Về phương diện nghệ thuật, tác giả của tập sách đã có những nhận định, lý giải, đánh giá một cách thấu đáo trong các tiểu luận như Kết cấu của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại, Truyện cực ngắn – hướng đi mới cho văn học hôm nay, Diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại,... khi luận bàn đến phương thức nghệ thuật trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Tác giả cho rằng: Chính sự thay đổi tư duy nghệ thuật đã dẫn đến sự biến đổi trong phương thức miêu tả và biểu hiện nghệ thuật. Chính tư duy đổi mới đã làm nên những đổi thay trong lối viết, cụ thể là lối viết mới – lối viết hiện đại, hậu hiện đại. Lối viết ấy thể hiện ở sự vận dụng linh hoạt, mới mẻ các bút pháp huyền thoại, kỳ ảo, vô thức, kỹ thuật dòng ý thức, lắp ghép điện ảnh; ở giọng điệu và ngôn ngữ; ở kết cấu và không - thời gian nghệ thuật,...

Với một văn phong giản dị, nêu vấn đề, trình bày vấn đề một cách rõ ràng cũng như giọng điệu uyển chuyển, sinh động, hàn lâm, uyên bác của tác giả công trình, vì thế nó đã thuyết phục được bạn đọc cũng như giới nghiên cứu, phê bình văn học. Tập sách vừa mới ra mắt bạn đọc trong thời gian rất ngắn nhưng nó lại có sức lan tỏa trong đời sống văn học nước nhà.

 Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của Bùi Như Hải là một công trình đầu tay nhưng đã tạo ra được một hiệu ứng tích cực không chỉ mang đến nhiều tri thức, mà còn khiến người đọc hâm mộ về tinh thần làm việc, nghiên cứu khoa học một cách nghiên cẩn, hàn lâm, tâm huyết với nghề nghiệp của tác giả. Tập sách thực sự rất hữu ích cho những ai đang quan tâm, nghiên cứu mảng văn xuôi Việt Nam đương đại và nó cũng rất cần thiết cho các giáo viên, giảng viên các cấp đọc, tham khảo khi giảng dạy phần văn học sau 1975. Thiết nghĩ, công trình này rất xứng đáng khi được giải A về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2020 và được tôn vinh để có sức lan tỏa trong đời sống học thuật, nghiên cứu văn học nghệ thuật, đặc biệt là ở nước ta hiện nay đang còn thiếu và yếu về đội ngũ phê bình, lý luận văn học nghệ thuật.

Nguồn Văn nghệ số 50/2020


Có thể bạn quan tâm