April 20, 2024, 8:08 pm

Sức lan tỏa của Ấn Độ huyền bí

Giữa buông bỏ và hận thù

Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên1 là cuốn tiểu thuyết nối dài niềm đam mê Ấn Độ của Hồ Anh Thái. Mảnh đất huyền bí với nhiều vỉa tầng văn hóa cổ luôn bám riết, “hành hạ” nhà văn, làm nên một vùng thẩm mỹ, một mảng đề tài, một series truyện về xứ thiêng Ấn Độ, rất riêng.

Hồ Anh Thái luôn tạo lực hút từ nhan đề tác phẩm. Xâu chuỗi toàn bộ tiểu thuyết của nhà văn, nhan đề chính là những mã ký hiệu. Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên gây ấn tượng về cách sắp xếp đồng đẳng, ngang phè giữa thiêng và phàm, thiện và ác (về nhân sinh); lịch sử, kiếm hiệp, du đãng/bợm nghịch, chương hồi (về thể loại). Đây là cuốn tiểu thuyết ngắn. Tất cả được nén lại. Tuy vậy, xu hướng ngắn hóa không làm giảm sức chứa của một cuốn tiểu thuyết về Ấn Độ cổ đại với những vùng đất, những con người được sử sách ghi danh. Qua cái nhìn đa chiều của một nhà Đông phương học, Ấn Độ còn được trình hiện với những mặt vênh lệch. Đó là tình trạng phân chia thứ bậc, những bất bình đẳng, kỳ thị đẳng cấp đẫm máu; là mâu thuẫn giữa vương triều và tôn giáo; đối thoại và dung hòa giữa Bà La Môn và Phật giáo. Những tiểu vương quốc lộng lẫy thiếp vàng che giấu phía sau là tội ác, mưu mô, tranh đoạt. Quyền lực và cuộc sống xa xỉ, dâm loạn của các quan chức/giáo sĩ Bà La Môn. Đó còn là những lễ hội, phong tục, nghi lễ hỏa táng, thủy táng trên dòng sông thiêng. “Mỗi ngày có hàng trăm hàng nghìn người chết được hỏa táng bên sông rồi tro cốt được rải xuống sông… Người chết nhờ thế mà mát mẻ trong nước và lên với cõi trời”.

Kiệm lời. Đa sắc thái biểu cảm. Những con chữ có độ kết tinh. Nhà văn đi từ bí mật hậu cung đến việc lớn triều đình; từ tinh thất bình an đến những chuyện rất đời; từ câu chuyện tình yêu mang màu sắc kiếm hiệp diễm tình đến những hận thù truyền đời khó buông bỏ. Những góc khuất trong giáo đoàn, khi các khất sĩ còn đang trên con đường tu tập, khi ánh sáng từ bi, không đẳng cấp, không hận thù vẫn còn là lý thuyết của một tôn giáo mới. Một thoáng xao xuyến đồng giới trong chốn tu hành; một khoảnh khắc say sưa nghiêng ngả trên đường khất thực, những mâu thuẫn nội bộ giáo hội khiến Đức Phật “phiền lòng”. Nhà sư, hoàng hậu, ô cửa hẹp và một vòng tay ôm vượt trên cả lễ nghi. Một thoáng rưng rưng run rẩy khi người con gái (dẫu từng là một Nữ Chúa xuất quỷ nhập thần, diệt bạo cứu nhân) nhìn những lọn tóc rơi rơi khi tìm chốn bình yên nơi cửa Phật. Và một chớp nhoáng bất ngờ khi sư nữ gục xuống, vì một kẻ vẫn nuôi lòng thù hận. Thiện ác, ân oán luẩn quẩn. Hận thù ngỡ đã hóa giải vẫn ngoi lên giữa chốn thiện lành. Phải chăng là nghiệp?

Lịch sử cho thấy căn tính của một dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử cho thấy trí lực và tầm văn hóa của một nhà văn. Tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên viết về lịch sử nhưng không lệ thuộc sự kiện mà nhà văn đã trình hiện lịch sử theo cách của một cái-tôi-văn-hóa. Câu chuyện về lịch sử cổ đại Ấn Độ được cấu trúc theo lối cổ điển, phù hợp với chuyện xưa tích cũ. Nội dung được triển khai từ một sườn truyện dựa trên trục nhân vật, vừa phân mảnh, vừa liên hoàn. Những nổi nênh phận người dồn nén qua lời tự bạch và dòng tâm trạng. Một cô gái thuộc “đẳng cấp bất khả tiếp xúc” trở thành Nữ Chúa. Một chàng trai si tình thành nhà sư kiêm điệp viên. Một hoàng hậu sống giữa biến loạn vương triều nhưng bằng thiên nhãn nhìn thấu cõi vô minh. Một tiểu vương đắm mình trong hoan lạc, mê muội dẫn đến mâu thuẫn giữa quý phi và hoàng hậu với những cái chết thảm thương. Cấu trúc theo trục nhân vật chỉ là bề mặt văn bản. Cấu trúc nội tại là những mối quan hệ chồng chéo giữa nhiều phương diện (tôn giáo, tín ngưỡng, luật tục, vương triều, tình yêu và cả bi kịch hồng nhan). Tất cả những vấn đề thuộc về một xứ sở, đã vượt thoát khỏi phạm vi lãnh thổ, xóa nhòa biên độ không thời gian, mang chứa nhiều vấn đề muôn thuở của con người. Từ câu chuyện lịch sử, dòng đời, khuôn diện cuộc sống cứ tươi ròng qua lối viết vừa ẩn vừa lộ đậm chất tiểu thuyết. Thiện ác, nhân quả, Trung đạo, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm, không chỉ là lý thuyết siêu hình mà đậm nhạt qua một cõi nhân sinh lộn lạo nhiều dục vọng, chênh vênh giữa buông bỏ và níu giữ hận thù.

Nhà sư và món cá rán

Điều gì đã khiến một chàng trai trở thành điệp viên, rồi thành nhà sư? Cái gì khiến nhà sư nhiều lần “ghé qua bìa rừng, bỏ tấm áo cà sa ra, thay vào đó bộ dhoti của đàn ông Ấn” làm một cuộc hóa trang chỉ để thưởng món cá rán sông Hằng “là số một trần gian”. Và điều gì khiến nhà sư nhiều lần đổi lốt, “chui vào một bụi cây, thay tấm cà sa bằng một bộ quần áo bình dân, đội mũ bành lên để vào khu đèn đỏ”? Với lối kể nhập vai, Hồ Anh Thái đưa câu chuyện xa xưa trở về thời hiện tại  - “Ta sẽ đôi hồi tâm sự ngay bây giờ đây”; Ta biết có người nghe chuyện đang bực dọc lắm rồi. Một nhà sư mà lảm nhảm nãy giờ chuyện thèm cá ăn cá. Vậy xin bình tâm lắng nghe ta kể tiếp. Ta không phải là nhà sư thực sự. Ta là một điệp viên của triều đình. Nói cho chính xác, ta là một điệp viên trong cái lốt nhà sư. Sư quốc gia, như người đời vẫn giễu”. Câu chuyện về Ấn Độ một thời đã xa được kể lại ở thì hiện tại chưa hoàn kết, phảng phất carnival - mặt nạ, giả danh, đội lốt, trật khớp (cái khăn xếp trên đầu nhà sư/điệp viên/thương nhân; cái khăn trên đầu tráng sĩ/nữ chúa, giọng the thé bán nam bán nữ của một thực khách/tội nhân…). Cuộc chạm mặt của các nhân vật trong góc quán nhỏ như một tiểu hội hóa trang. Nữ Chúa cải trang thành tráng sĩ. Nhà sư giả dạng thương nhân. Thật giả lẫn lộn, nghiêm trang ỡm ờ. Đâu là người xưa, đâu là người nay, khi nhà sư không phải là kẻ tu hành, chàng trai bỗng chốc là Nữ Chúa, thực khách chính là phạm nhân bán-đàn-ông. “Giọng nói của lão béo. Nó không còn là giọng của đàn ông. Nó rin rít the thé. Nó là giọng của một gã đàn ông bị cắt chim”.

Liên quan đến nhà sư thèm món cá rán là câu chuyện tình lãng mạn, oái oăm giữa chàng vệ binh Ekanga và công chúa Samavati, nay là khất sĩ Govinda và hoàng hậu xứ Vamsa. Bên cạnh những chương viết về giáo hội, về Đức Giác Ngộ, về đối thoại gay gắt và hòa giải giữa Phật giáo và Bà La Môn, tình yêu lệch đẳng cấp, không đăng đối đã làm nên những trang văn đẹp, bi cảm. Tình yêu chung thủy làm sóng sánh trăng nước, tan chảy lòng người. Nhưng tình yêu vẫn không vượt lên được lễ nghi, chỉ là mơ tưởng kìm nén. Vừa như dối lòng, vừa như khao khát. Khoảnh khắc đấu tranh giữa đẳng cấp, tình yêu và dục vọng, ẩn ức hóa thành mơ thực khát khao (lời hoàng hậu: “Nhà sư Govinda tiến lại gần cửa sổ. Có cảm tưởng sư sắp vén áo cà sa mà nhảy phốc vào… Govinda không nhảy vào. Nhà sư cứ đứng ở bên ngoài cửa sổ như thế mà nói với ta ở bên trong”; lời nhà sư: “Ngồi trong quán bờ sông, ta nhớ lại điều hình như đã xảy ra trong đêm hôm ấy. Chàng Ekanga trong cái lốt nhà sư đã thu gọn tấm cà sa mà bước qua cửa sổ vào trong nhà. Trong thoáng chốc nàng Samavati đã lọt giữa vòng tay chàng. Bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu là tâm sự, những tâm sự không thể cất thành lời”). Cái chết hóa giải người này, nhưng nỗi đau thì còn ở lại với người kia: “Lửa trên giàn hỏa táng cháy suốt nửa ngày. Lửa ấy đã thiêu cháy nàng trong dãy nhà cung phi. Lửa ấy bây giờ hóa giải thân thể nàng thành tro bụi”; “Giờ thì tro cốt nàng đã trôi đâu đó trên một khúc sông Hằng. Tro cốt ấy cũng đã lắng xuống đâu đó dưới đáy sông Hằng”. Còn “ta thì sụp đổ. Vỡ vụn hoàn toàn”.

Nữ Chúa và hình phạt

Đứa con gái vén váy sari ngồi xuống vẽ bằng bột màu rải trên sân đất cho thành hình. Đứa con gái tiện dân tỉ mỉ vẽ nữ thần Durga, nữ thần trừng phạt quỷ dữ (và suốt quãng đời bi ai của mình cô gái/Nữ Chúa/sư nữ còn vẽ nhiều nữ thần). Một đất nước thờ nhiều nữ thần nhưng người nữ lại chịu nhiều oan nghiệt nhất.  Điều gì khiến một bé gái thuộc đẳng cấp hạ tiện, bị kỳ thị, hiếp đáp trở thành Nữ Chúa trên đảo - “con người đã hóa thành huyền thoại mấy năm nay, ở kinh thành có người tấm tắc ngợi khen, người căm hờn nguyền rủa”. Motif lời đồn khiến nhân vật lung linh huyền thoại, khiến câu chuyện mang màu sắc kiếm hiệp, lôi cuốn. “Khắp các làng xóm các phố thị người ta đồn đại về Nữ Chúa. Nào là nữ thần Durga đã giáng trần để trừng phạt. Nữ Chúa có tài xuất quỷ nhập thần. Nữ Chúa có hẳn một hòn đảo để nhốt những thằng nhà giàu bị cắt chim”. Motif lời đồn khiến câu chuyện lịch sử trở nên thiếu tin cậy, bất tín nhận thức, nhưng những vi mạch đời sống “phì đại” hơn.

Điều gì khiến cô gái thù hận đàn ông và luôn bị ám ảnh bởi dương vật. “Mỗi thằng trong người xổ ra một con rắn. Giống như lão phó lý cũng đã xổ từ trong người ra một con rắn”. Bộ phận sinh dục nam, “con rắn” trở thành nỗi ghê sợ, là công cụ làm ác phải bị trả thù. Một ngày đứa bé gái hai lần bị hãm hiếp chỉ vì thuộc thành phần dưới đáy xã hội. Một khoảng tuổi thanh xuân bị cưỡng bức ba lần. Thù hận nung nấu - “Ta thù. Mẹ ta thù. Hai người đàn bà không nói ra nhưng thầm quyết sẽ dành cả cuộc đời này để báo thù”. Nhà văn trao cho cô gái tiện dân chức năng trừng trị cái ác, diệt bạo trừ gian, cướp của người giàu chia cho kẻ khó, và trở thành cái gai trong mắt triều đình. Điều gì đã khiến nữ tướng một băng cướp buông bỏ ân oán giang hồ, rời cuộc đời trần tục, tìm về Phật pháp. Oán thù nên cởi chứ không nên buộc. “Về với một đức tin cũng không thể gọi là ra hàng. Đấy là sự quy thuận những điều phải lẽ”. Nhưng cuộc đời dọc ngang đầy sóng gió của Nữ Chúa/sư nữ Manju lại đi đến kết cục ngay trên bức tranh đang vẽ dở dang, hình con voi màu trắng, biểu tượng “về sự đản sinh và tư tưởng của Phật”.

Đức Phật cũng phiền lòng

 “Chúng ta đã có Đức Phật là người chỉ đường. Con đường ấy là Trung Đạo. Đấy là sự cân bằng. Mà hết thảy nhân loại đều lệch cán cân và mất thăng bằng”. Sự xóa bỏ đẳng cấp chính là cốt lõi nhân văn trong tiểu thuyết có cái tên rất bợm nghịch này. Mỗi người một thân phận đều gặp nhau dưới ánh đạo hằng của Đấng Giác Ngộ - những con người thuộc đẳng cấp trên quyền lực, đầy tội lỗi và những số phận thuộc đẳng cấp dưới đầy bi kịch đau thương. Tất cả đều được tái sinh, từ một tôn giáo mới, giáo chủ là Đức Phật, là đấng giác ngộ muôn loài. “Tôn giáo ấy không câu nệ đẳng cấp mà nói rằng mọi người đều ngang bằng bình đẳng”. Không để cho Đấng Giác Ngộ xưng ta, tự kể về mình là sự lựa chọn hợp lý của nhà văn. Phật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là một “nhân vật” đồng đẳng với các nhân vật khác, không đẳng cấp, chẳng quyền uy. Nhà văn không giải thiêng cũng chẳng tụng ca. Từ chiều cạnh lịch sử, tác giả tái hiện Đức Phật như một vị đứng đầu giáo hội, đại diện cho một giáo phái mới còn xa lạ, có khi đối nghịch với các tôn giáo khác ở các tiểu vùng Ấn Độ thời cổ đại. Thậm chí, có lúc Phật “lúng túng” trước cách ứng xử của một tiểu vương quốc; mâu thuẫn trong giáo hội, những biểu hiện sai trái của những khất sĩ có lúc còn vướng buộc bởi sân si trần thế. Đức Phật “phiền lòng” vì chuyện sư uống rượu, chuyện xếp hàng trước nhà vệ sinh, chuyện ẩu đả giữa các pháp hữu và sự mất đoàn kết giữa các giáo đoàn. Đối thoại tôn giáo đặt ra gay gắt nhưng cuối cùng là dung hòa - “Hai tôn giáo khác nhau, nhưng lúc này đều chung một thiện ý. Họ sẽ là những hài nhi mới sinh ra trong một nguồn học thuyết mới, trong một hệ thống đạo đức mới”.

… Và bác sĩ Kirit

Ấn tượng để lại từ tác phẩm là tình huống bác sĩ chia tay con gái để tiến cung và hẹn gặp lại con ở bến sông. Vị bác sĩ âm thầm làm công việc “cắt mổ khâu vá” các phạm nhân, thiến đi “công cụ làm ác”, để trả thù riêng, trả thù đời. Oán thù ngỡ nguôi ngoai cởi bỏ khi hàng trăm phạm nhân mất nam tính, mất đẳng cấp cao đã được tái sinh. Khi trên đảo không còn những gã đàn ông bị trừng phạt bằng hình phạt nhục nhã, đau đớn còn hơn cả cái chết. “Nhưng cởi ra gỡ ra bằng cách nào đây?”.

Khó có thể xóa bỏ thù riêng, vị bác sĩ âm thầm biến đứa con gái nuôi mơn mởn, hồn nhiên, tràn trề dục lạc thành độc nhân. “Cô là một Vishkanya, một độc nhân, không chỉ là độc dược mà là một độc nhân, một người mà cả thân thể của mình là bầu thuốc độc”. Lại một thiếu nữ tiến cung, không phải để mỏi mòn chờ kiệu ngựa vua ngẫu nhiên dừng lại ở bó cỏ tươi non (“ngựa dừng lại ăn bó cỏ trước phòng nào thì cung phi trong phòng ấy được chọn. Lúc ấy đám cấm vệ mới rầm rập chạy đến, chăng đèn kết hoa. Đám nữ tì chuẩn bị trà nước và một điếu cần sa. Giường đệm được thay mới. Trầm được đốt lên. Xạ hương được vẩy khắp”) mà làm vật hiến tế, để tiêu diệt cái ác. Lại một bông hoa tàn rữa vì một gã đàn ông đẳng cấp cao, gã đàn ông ấy mặc hoàng bào, khuôn mặt “phảng phất buồn” che giấu con quỷ dâm dục bên trong. Tiểu vương có khuôn mặt trầm lặng ấy là kẻ hoang dâm vô độ “bắt hết đàn bà con gái về hậu cung”, dung túng cho quý phi từ đẳng cấp hạ tiện lên chốn mẫu nghi, khuynh loát vương triều.

Cuộc hẹn đắng lòng. “Người cha biết rất rõ rằng mỗi Vishkanya là một thứ thuốc độc chỉ dùng một lần rồi bỏ. Khi kế hoạch thành công thì đứa con gái nọ không thể nào chạy ra được khỏi hoàng cung”. Hận thù khó buông bỏ. Một đời xóa không xong.

Sẽ không bao giờ nó chạy được ra đến bến sông này. Nhà văn buông một lời kết nhẹ tênh nhưng trĩu nặng trầm tư, để lại ấn tượng sâu đậm, tạo sức lan tỏa của câu chuyện về lịch sử Ấn Độ huyền bí. Một đất nước thờ toàn nữ thần sao nam quyền thống trị? Một xứ sở thần linh sao dòng sông Thiêng không rửa sạch được khổ nạn người?

______

1. Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, NXB Trẻ 2022.

Nguồn Văn nghệ số 14/2022

 


Có thể bạn quan tâm