March 29, 2024, 2:02 pm

Sức khai phóng của những vần thơ ghi chép

Có thể nói những bài thơ có một cái tên chung là “Ghi chép” với các định lượng về thời gian như: đầu năm, tháng tư, mùa hè và mùa thu... và được đánh số thứ tự từ 1... n của Lê Anh Hoài như là sự khai phóng một thể thức thơ mới đương đại. Cũng cần nói thêm rằng thể thức văn chương mới này cũng nằm trong thể loại ký và bình đẳng với các thể thức khác như: ghi chép, ký, bút ký, ký sự, nhật ký hay du ký...

*

Ghi chép” thơ của Lê Anh Hoài được làm theo thể thức thơ tự do hiện đại, nên tính khai phóng cao, không bị gò bó bởi thể thức, niêm luật, ngôn ngữ, giọng điệu, cũng không hề gặp phải bất cứ một thứ rào cản nào theo kiểu taboo customs (những điều cấm kỵ) đã và đang xảy ra trong cuộc sống thường nhật. 

Thơ ghi chép của Lê Anh Hoài dù viết về đề tài, chủ đề nào cũng đều tuân thủ một cách khá nghiêm ngặt yêu cầu về thể thức ghi chép bằng thơ của thể loại ký đương đại. Tự thân các chi tiết, hình ảnh và giọng điệu của thi phẩm nói lên tư tưởng chủ đề mà tác giả quan tâm, muốn hướng tới một cái nhìn thật sự khách quan về đời sống xã hội Việt Nam đương thời đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Ở đây thường nói không với sự gia cố, trau chuốt về ngôn từ, cũng nói không với vần điệu nuột nà, du dương, thuận nhĩ như ở các thể thức thơ khác: lóa mắt những khuôn mặt hồng hào phía trên dòng người đặc đen tìm đường về quê mẹ/.../ thành phố rộn những cú gọi khẩn cấp vô vọng trong đêm/ xe cấp cứu hú còi như đàn sói hoang đói khát (Ghi chép mùa hè 45).

Còn đây là sự hoảng loạn trong cơn chạy dịch kéo dài hàng tháng trời từ các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... về các tỉnh Nam bộ và miền Trung - Tây Nguyên… Dưới trời mưa tầm tã, đoàn người dắt díu nhau về quê tránh dịch, người ướt sũng như lũ vịt bì bõm bơi nơi cống rãnh. Nhưng họ cứ phải ra đi hệt như kiếp bị lưu đầy: tầm tã mưa/ đàn vịt vẫy vùng trong cống rãnh/ chợt nhớ đoàn người hành hương trốn dịch/ họ chịu tội thay cho ai/ nhật ký nào ghi cho kiếp lưu đày (Ghi chép mùa hè 43)

Ghi chép. Vâng chỉ là ghi chép thôi. Nhưng ghi chép một cách có nghề và đầy tính nghệ thuật thì mới là chuyện đáng nói. Lê Anh Hoài là người đã và đang làm được điều đó: tôi đón đường ngang mua trộm rau/ của cô bán rau trộm/ cấm chợ rồi/… (Ghi chép mùa hè 36)

Khúc thơ tả cảnh sinh hoạt đời thường của hai người: nhà thơ và cô bán rau thời đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Nhiều chợ tạm, chợ cóc, hàng quán vỉa hè theo lệnh của chính quyền đều phải đóng cửa để phòng chống dịch. Người bán mớ rau cũng phải bán trộm vì không được phép và tất nhiên người mua vì thế cũng trở thành người mua trộm. Những cảnh tượng ấy diễn ra khá thường xuyên trong đời sống đô thị những ngày dịch bệnh bùng phát mà tất thảy chúng ta ai cũng có thể nhìn thấy. Lê Anh Hoài đã chọn cách diễn đạt giản dị, ngôn từ bình dân, gần gũi và thân quen gần với khẩu ngữ chúng ta thường xuyên bắt gặp ở đâu đó trên đường phố hay cổng chợ dân sinh. Nhưng phía sau những điều bình thường ấy lại là một câu những chuyện hoàn toàn khác, một thông điệp nóng hổi của cuộc sống. Dù những câu chuyện khác ấy cũng bắt đầu từ đại dịch, nhưng không còn là chuyện bán và mua rau nữa, mà là sự công bằng xã hội trong gói cứu trợ hàng chục ngàn tỷ đồng của Chính phủ dành cho những người yếu thế; cùng với đấy là thứ tự ưu tiên trong việc tiêm vaccine để ngăn ngừa virus... Quanh câu chuyện cứu trợ ấy bao chuyện xảy ra thật đau lòng. Trong mùa đại dịch này người lao động tự do như nhà chị hàng rau này, kiếm được miếng ăn đã khó, còn nói gì đến vận may có được những đồng tiền cứu trợ, chỉ vì một lẽ thật sự giản đơn: ôi xin anh/ em đi bán rau/ thì làm sao/ tham nhũng.

                     *

Sở dĩ Lê Anh Hoài bước đầu thành công ở thể thức thơ ghi chép tự do hiện đại chính là ở quá trình khai triển không ngừng nghỉ trường liên tưởng trong nỗ lực đổi mới giọng điệu và ngôn ngữ thơ. Có thể nói, trường liên tưởng là căn cốt để tạo nên một giọng điệu thơ riêng. Một nhà thơ nào đó, chừng nào chưa tạo ra một trường liên tưởng khác biệt để làm nên giọng thơ riêng cho mình thì chưa thể hình thành phong cách tác giả và tác phẩm thi ca, trong tư cách như một người tự lĩnh xướng cái tôi nghệ sĩ riêng biệt và độc đáo của chính mình… Trường liên tưởng vừa là căn cốt vừa là động lực thúc đẩy quá trình thiết lập một giọng điệu riêng, cũng như quá trình tạo sinh nghĩa để gọi chữ cho thơ. Có thể nói ranh giới giữa ngôn ngữ văn xuôi, văn tự hành chính hay khẩu ngữ với giọng điệu, ngôn ngữ thi ca ở thể thức thơ ghi chép chỉ cách nhau chưa đầy nửa nốt nhạc. Dấn thân vào thể thức thơ ghi chép chẳng khác nào người làm xiếc trên dây: thành phố rộn những cú gọi khẩn cấp vô vọng trong đêm/ xe cấp cứu hú còi như đàn sói hoang đói khát. (Ghi chép mùa hè 45).

Ở câu trước mới chỉ là “dự lệnh” để chuẩn bị cho câu sau “động lệnh” bám theo một trường liên tưởng vừa mới lạ, vừa mãnh liệt. Tiếng còi xe cấp cứu hú lên như đàn sói hoang đói khát thì thật là kinh khủng và rùng rợn, nói lên tính cấp thiết trong việc tranh giành sự sống của con người trước thảm họa đại dịch. Chỉ cần chần chừ, do dự một chút thôi là phải trả giá bằng cả mạng sống của con người. Cuộc chiến chống Covid-19 ở thời khắc này đã trở thành cuộc đấu tranh sinh tồn giữa con người và virus bệnh dịch: đâu đây tiếng loa đòi bóc gỡ tôi nguyên con ra khỏi cộng đồng/.../ những người tuyệt vọng sụm xuống ngay chân cầu vượt/ được hỗ trợ mỗi người một câu thơ. (Ghi chép mùa thu 49).

Ở câu thơ thứ nhất, nếu bỏ đi hai từ “nguyên con” thì nó vẫn có nghĩa của một câu thơ bình thường. Nhưng thêm hai từ ấy vào thì câu thơ trở nên mới lạ hơn và nghĩa câu thơ cũng vì thế mà bớt đi trừu tượng, rất hợp với thể thức thơ ghi chép. Bóc gỡ tôi là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng bóc gỡ tôi “nguyên con” lại không bình thường chút nào… “Nguyên con” không chỉ là cụm từ mới lạ trong trường hợp này, mà nó còn tạo nên trường liên tưởng rộng và sâu hơn.

Ở hai câu tiếp theo của khúc thức này, miêu tả đoàn người tuyệt vọng khi không thể vượt qua cầu để về quê tránh dịch, đành ngồi tụm lại với nhau ở dưới chân cầu, những mong sẽ có người đến hỗ trợ, cứu giúp. Và rồi cái gì đến, ắt đến. Mỗi người trong số họ đã được trợ giúp... một câu thơ. Đọc đến đây tôi không thể nào nhịn được cười, nhưng mà cười ra nước mắt, cười toát mồ hôi luôn, bởi sự liên tưởng quá bất ngờ của tác giả, làm cho câu thơ đổi ý, rẽ sang một hướng khác. Chỉ cần ba từ một câu thơ nhà thơ đã xác lập được một trường liên tưởng vừa mới lạ so với logic thông tường, làm cho rộng nghĩa câu thơ rộng ra và sâu thêm.

Trong bài “Ghi chép mùa thu 47” Lê Anh Hoài có những liên tưởng táo bạo: thời tem phiếu tái hồi/ tôi chỉ xin tiêu chuẩn một lạng em trong tháng dài ác mộng/ ta xa xỉ ngậm ngùi vì độ trễ của sự thấu hiểu/ lũ xa xỉ lại không hề ngậm ngùi vì độ trễ cứu giúp chúng sinh.

Có thể nói cơn lốc đại dịch Covid-19 đã làm cuộc sống của con người trên toàn cầu đổi thay đến chóng mặt. Thậm chí có lúc còn quay ngoắt 180 độ, đưa con người trở lại thời bao cấp với đủ loại tem phiếu. Vì yêu cầu kiểm soát dịch bệnh mà người ta đã sinh ra bao nhiêu thứ giấy tờ... Những loại giấy tờ ấy, trong một chừng mực nào đấy là cần thiết. Nhưng nếu câu nệ nó quá, người ta đã đánh mất cơ hội để cứu sống những mạng người. Anh chỉ cần xin tiêu chuẩn một lạng em là đã có cơ hội vượt qua cơn ác mộng về đại dịch. Vậy mà không hiếm những người đã vung phí đến mức xa xỉ những cơ hội ấy dẫn đến chết người…

 *

Ghi chép” thơ của Lê Anh Hoài không mới về thể thức, nhưng lại mới về nội dung chứa trong thể thức ấy, mà các cụ ta thường ví là “bình cũ, rượu mới. Nhưng suy cho cùng người sành rượu bao giờ cũng trọng rượu hơn trọng bình. Cũng vậy, người đọc thơ kỹ tính thường trọng chất lượng tác phẩm hơn là hình thức của nó, bất luận bài thơ được viết ra theo trường phái, thể loại, dạng thức nào, miễn là phải tạo được sự ám ảnh về hình tượng nghệ thuật thơ, ngõ hầu truyền được sự rung động từ tác giả đến với bạn yêu thơ. Và cái đích cuối cùng cần phải vươn tới là nâng tầm nhận thức, suy tư về cuộc đời, về thân phận con người như là một tinh thần nhân văn cao cả và phổ quát mà chỉ có văn chương, nghệ thuật mới đem đến cho con người sự thỏa mãn ấy mà thôi.

Nguồn Văn nghệ số 51/2021


Có thể bạn quan tâm