April 20, 2024, 12:11 pm

Sức hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết

 

Khi tôi chuẩn bị viết về tiểu thuyết Nậm Ngặt mây trắng của Nguyễn Hùng Sơn, một anh bạn nhà văn đã nói với tôi: “Phải khen ngợi đấy nhé, vì tiểu thuyết trực tiếp viết về cuộc chiến đấu với Trung Quốc, bảo vệ biên giới phía Bắc còn rất hiếm. Phải biểu dương, phải ủng hộ”. Tôi hoàn toàn ủng hộ thiện chí của ông bạn. Nhưng khi đọc hết Nậm Ngặt mây trắng của thì thấy cần phải biểu dương, khẳng định không phải chỉ vì nó “hiếm” mà còn bởi nó “hay” – điều mà bất cứ người sáng tác nào cũng mong mỏi, cũng hướng tới.

Trước hết nói về nội dung. Văn học của chúng ta đã có hàng trăm tác phẩm của nhiều thế hệ nhà văn viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Nhưng viết về cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc lại là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến tranh giữ từng tấc đất của ông cha, hai cuộc kháng chiến này tuy hai mà một, nhưng vẫn có những nét khác nhau. Do vậy viết về cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, các tác giả không khỏi có những khó khăn, bỡ ngỡ, bởi đối tượng miêu tả đã khác, thời gian, không gian lại bị bó buộc – đã thế không phải thích nói gì, viết gì là có thể thực hiện được. Nhưng xin nói ngay là với Nậm Ngặt mây trắng, Nguyễn Hùng Sơn đã thể hiện được 3 nội dung quan trọng: Ấy là dã tâm xâm lược đê hèn của kẻ thù, cuộc chiến giữ đất hết sức khốc liệt và tinh thần hy sinh anh hùng, quả cảm giũ từng tấc đất biên cương của hàng chục nghìn chiến sĩ ta.

Về dã tâm xâm lược bỉ ổi của kẻ thù, tác giả có nhiều lần đề cập và lần nào cũng bừng bừng căm giận, đôi khi như những lời hịch: “Sau sự phản đối của ta, Trung Quốc pháo kích một tuần, tưởng là họ cũng còn tôn trọng luật pháp Quốc tế, tôn trọng những thông lệ đã cam kết. Nhưng không. Đó chỉ là sự nghi binh, đánh lạc hướng thôi. Lần này không chỉ dùng pháo, cối bắn mà Trung Quốc còn dùng cả bộ binh đánh vào một số điểm tựa của ta ở sát biên giới. Biết rõ bụng dạ của “ông bạn” hàng xóm nên các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên đã sẵn sàng “nghênh đón” bẻ gẫy các đợt tấn công, giữ vững trận địa, diệt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí, trang bị” (Tr.80); “Lần này họ ngậm miệng mà làm cái trò quá mù ra mưa như lâu nay vẫn làm ở biên giới Ấn Độ. Tuy nhiên hoàn toàn không giống như các cuộc đụng độ ở biên giới Ấn Độ hoặc Liên Xô trước đây. Cuộc chiến ở Vị Xuyên, Yên Ninh, Quản Bạ… tuy chỉ trong phạm vi hẹp của ba huyện dọc biên giới với chiều dài chưa đầy 50 cây số, chiều sâu vào nội địa Việt Nam, nơi sâu nhất là năm cây số, nhưng với hàng trăm khẩu pháo lớn, với số đạn pháo mỗi ngày hàng chục nghìn quả, và với lực lượng bộ binh đã tham chiến, trên hai sư đoàn phía trước và bốn sư đoàn phía sau, thì đây không còn là một cuộc đụng độ nhỏ lẻ nữa rồi” (Tr.121);… “Khi chúng bắt đầu rút quân ta không truy kích nữa. Quan điểm của chúng ta là khi kẻ địch đã cam chịu thất bại thì không cần ra tay nữa. Nếu chỉ chậm trễ một ngày thôi thì kết cục của chúng còn thảm hại hơn nhiều” (Tr.274).

Tiểu thuyết Nậm Ngặt mây trắng chỉ tập trung miêu tả cuộc chiến giữ đất của quân dân ta ở Vị Xuyên, Hà Giang từ năm 1984 đến 1989 tức là thời gian và địa điểm ác liệt nhất mà linh ta gọi đây là “lò vôi thế kỷ”: “Thế là cả mũi hơn 30 người nay chỉ còn 5 người chưa bị thương và mũi trưởng Minh chỉ có thể ngồi một chỗ để bắn sung, ném lựu đạn” (Tr.151) và “Số còn lại (của đại đội 10) gồm 19 người rơi vào vòng vây của địch đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh đến người cuối cùng” (Tr.159).

Nói ra điều này có vẻ quen thuộc, thậm chí hơn “xáo” nhưng đó là sự thật: chúng ta chấp nhận hy sinh, vì đây là đất của tổ tiên, ông bà, như một người dân dân tộc Dao ở Hà Giang đã nói: “Giặc rút hôm nay thì mai chúng tôi về lại Nậm Ngặt ngay. Nhà cửa, ruộng vườn hỏng thì còn làm lại, nhưng mồ mả, tổ tiên, quê cha đất mẹ thì không làm lại đâu ạ” (Tr.333-334). Chúng ta chiến đấu và chiến thắng vì chúng ta có những vị tướng trận mạc, xông pha nơi chiến trận, biết quý trong máu xương người linh: “Tướng chết có tướng khác thay ngay, nhưng lính chết phải 20 năm sau mới thay được” (Tr. 129). Và không phải chúng ta thích chiến tranh” (Anh Trần Việt Hưng - TBH chú) không muốn một lần nữa lại cầm súng ra trận. Các đồng chí trong sư đoàn cũng vậy, không ai mong muốn ra nơi chiến sự. Nhưng với kẻ đểu cáng, thâm độc, thì không thể không sống mái với chúng nó (Tr.25).

Nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết Nậm Ngặt mây trắng là Trần Việt Hưng, vốn là một chiến sĩ đã chiến đấu ở miền Nam, ở chiến trường Lào trong kháng chiến chống Mỹ, đã dần trưởng thành trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và trở thành Phó Chủ nhiệm chính trị sư đoàn. Anh khao khát được ở lại hậu phương cùng vợ con, nhưng cũng sẵn sàng ra trận. Anh rất căm thù địch, nhưng cũng rất thông cảm, yêu thương chiến sĩ. Trước việc chiến sĩ Phan Văn Lê (con liệt sĩ), trốn đơn vị về viếng bà nội - người đã thay cha nuôi dưỡng anh, Trần Việt Hưng có cái nhìn thể tất: “Không có tình yêu thương người thân, người nuôi dưỡng mình thì làm sao có được tình yêu quê hương, đất nước” (Tr.30). Vũ Ngọc Ngạn – một người đồng hương xấu chơi, đâm sau lưng mình, nhưng Trần Việt Hưng vẫn bỏ qua, coi như không biết, vẫn đồng ý đề bạt Ngạn khiến Ngạn rất xúc động và tỉnh ngộ. Sau này Ngạn đã hy sinh anh dũng (nằm đè lên quả lựu đạn của thám báo Trung Quốc) để bảo vệ đồng chí, đồng đội. “Thôn Nậm Ngặt với Việt Hưng là cái thôn bản chung chung, bỗng trở nên gần gũi thân thiết vô ngần vì đây là nơi hàng chục nghìn đồng chí thay phiên nhau bám trụ chiến đấu mấy năm trời, hàng nghìn đồng chí đã hy sinh, đã bị thương. Máu xương họ đã thấm đẫm mỗi gốc cây, kẽ đá” (Tr.334). Có thể nói Trần Việt Hưng là hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc và là một thành công của Nguyễn Hùng Sơn. Khắc họa một nhân vật chỉ toàn ưu điểm, toàn quả cảm, hy sinh vì đồng đội, chiến sĩ mà người đọc không thấy khiên cưỡng, lên gân là một thành công của tác giả và nó cũng phần nào cắt nghĩa nguyên nhân chiến thắng của chúng ta trước kẻ thù.

Phan Văn Lê cũng là một nhân vật thành công của tác giả, góp phần làm giảm bớt tính chất ký sự của cuốn tiểu thuyết, làm mềm đi tính chất khốc liệt của cuộc chiến. Phan Văn Lê là con liệt sĩ, mẹ đi bước nữa, bà nội nuôi dưỡng, chăm bẵm anh từ tấm bé. Khi nội mất, anh trốn đơn vị về viếng nội, mặc dù biết thế nào cũng bị kỷ luật. Nhiều lần thủ trưởng đơn vị yêu cầu anh về tuyến sau, vì biết Lê là con liệt sĩ, nhưng anh vẫn kiên quyết ở lại sống mái với quân thù. Khi anh vật lộn với tên thám báo, rồi rơi xuống vực, cả đơn vị ai cũng nghĩ là anh đã hy sinh, nhưng một lần nữa tấm lòng nhân hậu đã cứu anh. Tỉnh dậy trước tên thám báo, anh không nỡ để hắn ở chỗ khuất có thể không có ai cứu, còn những giọt nước cuối cùng anh cũng giành cho nó. Chứng kiến những hành động ấy, toán thám báo Trung Quốc đã không nỡ sát hại Lê. Anh đã thoát lưỡi hái tử thần, gặp Thanh Thủy - cô gái Dao xinh đẹp, hai người đã yêu nhau say đắm. Chi tiết Lê và Thanh Thủy thay nhau túc trực bên Việt Hưng đã hôn mê hàng chục ngày, kiên trì thầm thì vào tai anh những điều tốt đẹp, những kỷ niệm không thể nào quên khiến Hưng đã tỉnh lại như một sự thần kỳ. Có thể nói Lê và những chi tiết rất sinh động, chân thực rất tiểu thuyết là một điểm sáng của Nậm Ngặt mây trắng.

Có thể nói là Nguyễn Hùng Sơn khá lúng túng và chưa thật thành công khi viết về hậu phương người linh (mà tiêu biểu là quê hương Nghệ Tĩnh của Trần Việt Hưng và Vũ Ngọc Ngạn). Mấy chuyện tình yêu của họ cũng còn nhiều khiên cưỡng, đặc biệt là mâu thuẫn giữa Hưng và Ngạn còn gượng gạo, cứ có cảm giác là sự bố trí, sắp đặt của tác giả.

Nhưng khi trực tiếp miêu tả cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Nguyễn Hùng Sơn trở thành một người khác hẳn. Anh miêu tả khá sinh động, chân thực, cảnh và người, cũng như diễn biến của cuộc chiến. Cứ có cảm giác là anh rất thân thiết, hiểu người, hiểu việc và chỉ viết ra những điều đã nghe, đã thấy, đã gặp. Nhưng anh chưa đủ độ lùi để biến những vốn sống ấy thành máu thịt của mình. Do vậy nhiều trang viết của Sơn đã bị các sự kiện cuốn đi. Thành ra những trang viết tâm đắc nhất của anh, máu thịt nhất của anh - và là linh hồn của cuốn tiểu thuyết, chất ký sự đã lấn át chất tiểu thuyết, sự kiện đã có phần lấn át việc miêu tả con người, nhân vật. Đó là điều đáng tiêc. Nhưng tôi xin nhắc lại những trang viết chiến trận của Nguyễn Hùng Sơn đã rất hấp dẫn, giá anh viết thành một tập ký sự của cuộc chiến giữ đất ở Vị Xuyên, Hà Giang thì chắc chắn sẽ rất cuốn hút người đọc.

Tôi không biết gì về tác giả Nguyễn Hùng Sơn, chỉ biết anh là một tác giả mới. Nhưng, với những gì mà anh đã viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống Trung Quốc thì thấy anh rất am hiểu, rất trân trọng và yêu quý người chiến sĩ, người đồng đội của mình. Và lời bộc bạch đầu sách cũng đã phần nào thể hiện tình cảm của anh: “Xin chân thành cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 2 tại Mặt trận Vị Xuyên; Đại tá Đỗ Thanh Trì, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn 313; Đại tá Nguyễn Đức Cam, nguyên Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng sư đoàn 356 và các nhân chứng từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên 1984 – 1989 đã cung cấp tư liệu để tác giả hoàn thành tác phẩm này.

Với “Nậm Ngặt mây trắng” tác giả bày tỏ niềm cảm phục sâu sắc và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì sự toàn vẹn của biên cương, bờ cõi thiêng liêng của Tổ Quốc (Tr.4).

Người viết bài này cũng rất cảm ơn tác giả với tất cả thế mạnh và điểm yếu của mình đã đem đến cho người đọc những trang viết hào sảng về cuộc chiến đấu giữ đất của quân và dân ta ./.


Nguồn Văn nghệ số 52/2019


Có thể bạn quan tâm