April 25, 2024, 11:25 pm

Sức cuốn hút của văn chương

 

Là người làm công tác nghiên cứu lý luận và giảng dạy môn Văn học ở trường Đại học sư phạm Hà Nội, bạn đọc đã biết đến Trần Đăng Suyền qua các công trình như Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, (chuyên luận, 2001); Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo (tiểu luận phê bình, 2002); Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX (chuyên luận, 2010); Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học (chuyên luận, 2012).

Đây là nền tảng lý luận khảo nghiệm ban đầu để Trần Đăng Suyền hình thành nên một xu hướng nghiên cứu, khám phá tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà văn. Qua nhiều năm nghiên cứu và thực tiễn, năm 2019, Trần Đăng Suyền vừa cho ra mắt cuốn Chuyên khảo: Tư tưởng và phong cách nhà văn – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nội dung cuốn sách được hình thành qua hai phần chính:

            - Phần thứ nhất: Những vấn đề lý luận về tư tưởng và phong cách nhà văn (Chuyên luận). Tác giả đi sâu khai thác phân tích khái niệm về tư tưởng nghệ thuật. Phân tích lý giải những căn cứ xác định tư tưởng và con đường đi tìm nghệ thuật của nhà văn. Cái nhìn về thế giới con người qua hình tượng nghệ thuật và trường liên tưởng của nhà văn. Phân tích biểu tượng thẩm mỹ nghệ thuật trong sự quan sát của nhà văn.

- Phần thứ hai: Tư tưởng và phong cách nghệ thuật một số tác giả, tác phẩm văn học (Khảo luận). Phần này tác giả đi sâu khảo luận về sở trường tư tưởng và phong cách nghệ thuật của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng,… Qua việc nghiên cứu đọc, cảm thụ và thẩm định Trần Đăng Suyền hình thành rõ quan niệm tư tưởng nghệ thuật và tư tưởng tác giả thống nhất trong tác phẩm. Từ đó phân tích phác họa hình ảnh chân dung nghệ thuật của nhà văn.

            Trần Đăng Suyền viết: “Nói đến nhà văn trước hết phải nói đến tư tưởng nghệ thuật. Bởi bản chất của văn học là hoạt động thẩm mỹ, là quy luật của cái đẹp, của tình cảm và cảm xúc, của những rung động nơi tâm hồn con người. Một hình thái ý thức xã hội, một hoạt động biểu hiện thế giới tinh thần của con người, bởi thế văn học tất yếu mang tính tư tưởng”. Từ việc phản biện, phân tích một số tác phẩm văn học trong và ngoài nước, Trần Đăng Suyền cho rằng: Người nghệ sỹ nào không đủ trí tuệ để trở thành nhà tư tưởng thì khó có thể tiến xa trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu chỉ có tài không thôi thì nghệ thuật dẫu có điêu luyện đến đâu cũng không thể chắp cánh bay bổng được. Nhà văn không có tư tưởng đích thực nếu đó không phải là tư tưởng nghệ thuật. Tư tưởng và hình thái nghệ thuật trong mỗi tác phẩm văn học luôn gắn bó mật thiết với nhau.

            Nghiên cứu một nhà văn xét đến cùng là nghiên cứu tư tưởng thể hiện trong tác phẩm của nhà văn đó và cùng với nó là nghiên cứu phong cách, nghĩa là đi tìm cái riêng biệt, độc đáo, có giá trị thẩm mỹ trong sáng tác của tác giả đó.

            Phần cuối cuốn sách: Tư tưởng và phong cách nhà văn… Trần Đăng Suyền phân tích quan niệm về phong cách trong văn học tuy không mới nhưng đọc hấp dẫn. Ông lý giải: phong cách nghệ thuật là một phạm trù đẹp, một khái niệm mở đối với nhà văn cũng như nhà lý luận, nghiên cứu phê bình văn học đó là quy luật muôn đời của văn chương nghệ thuật. Viết văn trước hết phải là ngôn ngữ văn chương. Nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật. Đã là nhà văn thì cần phải có phong cách. Phong cách là một hiện tượng văn học quan trọng bậc nhất của nhà văn. Để chứng minh luận điểm đó, tác giả nêu ra ý kiến của hai nhà văn Hugo và Nguyễn Tuân. Hugo cho rằng: “Tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách”. Nguyễn Tuân nói: “Văn học có cái rất vui là phong cách. Cách nói, cách viết khác nhau. Phong cách là cái chỗ phong phú, cái chỗ “xôm” nhất trong văn học”.

            Hành trình từ những tác phẩm nghiên cứu tiểu luận ban đầu, trải qua nhiều năm nghiên cứu giảng dạy văn học, vừa đọc những công trình lý luận, phê bình vừa thẩm định các tác phẩm sáng tác văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi Tư tưởng và phong cách nhà văn – Những vấn đề lý luận thực tiễn là một công trình mang dấu ấn đậm nét của Trần Đăng Suyền, bởi theo ông, từ những trang viết lý luận, soi vào đời sống văn học và từ thực tiễn đời sống văn học điều chỉnh, bổ sung cho lý luận. Có như vậy lý luận mới chạm vào được với cây đời và sự tỏa hương từ cây đời mới thấm vào hiện thực những vấn đề lý luận.

Nguồn Văn nghệ số 49/2019                        


Có thể bạn quan tâm