April 24, 2024, 7:21 pm

Sự “trở về” của Dó Việt

 

Đa số đại biểu có mặt tại buổi toạ đàm “Dó Việt xưa - nay”, do Ban quản lý văn hoá phố cổ Hà Nội tổ chức vào những ngày đầu tiên của tháng 5 ghi nhận, tọa đàm đánh dấu sự trở về của Dó Việt. Trước đó một triển lãm cùng tên cũng đã được diễn ra tại Hà Nội thu hút hàng ngàn lượt người xem, cho thấy bên cạnh những triển lãm nghệ thuật hiện đại, những sản phẩm từ làng nghề truyền thống vẫn tạo sức hút mạnh mẽ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Song, trong sâu thẳm mỗi người, nỗi khắc khoải về sức sống của Dó Việt, hay của những làng nghề truyền thống vốn làm nên hồn cốt dân tộc Việt sẽ đi về đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

 

Sản phẩm giấy dó. Ảnh Internet

Thời hoàng kim của Dó Việt

Hoạ sĩ Đào Ngọc Hân,  Uỷ viên Ban chấp hành Hội khảo cổ học Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng, cho biết: trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy Dó của người Việt ra đời từ rất lâu và cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, đặc biệt là in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, và in tranh dân gian. Đặc biệt hơn cả, là chất liệu này còn dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Còn hoạ sĩ Lý Trực Sơn người được giới mỹ thuật biết đến trong vai trò tiên phong  khi sử dụng giấy Dó làm chất liệu chủ đạo thể hiện các tác phẩm hội hoạ của mình cũng cho biết thêm: theo thư tịch cổ, vào thế kỉ XIII ở phía Tây kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ chuyên nghề làm giấy; theo thần phả còn được lưu giữ tại các đình ở vùng này cho biết, từ thời Lý, làng Dịch Vọng đã có nhiều gia đình chuyên nghề làm giấy. Thời đó dòng Tô Lịch còn chảy qua làng, có chiếc cầu gỗ bắc qua sông, dân làng đặt tên cầu là Cầu Giấy – cầu của làng có nghề làm giấy, để ghi nhớ nghề nghiệp của quê hương. Ngày nay cầu cũ không còn, nhưng dấu tích của nghề làm giấy ở cố đô Thăng Long vẫn gắn mãi với địa danh này.

Tuy nhiên, gần đây nhất, theo một thư tịch cổ nước ngoài, Việt Nam đã có nghề làm giấy từ thế kỉ III (sau CN). Người Giao Chỉ thời đó đã biết dùng gỗ mật hương để chế tác thành một loại giấy bản tốt, gọi là giấy mật hương. Một tài liệu khác nói rằng: Khoảng năm 284 các lái buôn La Mã đã mua được hàng vạn tờ giấy mật hương của ta. Theo sách Thập dị kí của Vương Gia người Trung Quốc (thế kỉ IV) cũng cho biết: người Giao Chỉ đã biết làm giấy từ rong rêu lấy từ lòng biển, gọi tên là giấy Trắc Lí… Đến thế kỉ XV, do nhu cầu của xã hội, việc học hành, giao dịch thi cử phát triển nên đã xuất hiện thêm làng nghề làm giấy ở phường Yên Thái, vùng Bưởi ven Hồ Tây. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề làm giấy truyền thống mai một dần, một phần do không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội, phần nữa là sự lấn lướt và của giấy công nghiệp, nên nhiều làng nghề chỉ tồn tại trên danh nghĩa, hoạ hoằn có làng nghề chỉ còn lại một đến hai người còn theo nghề thể như một hành động giữ gìn tổ nghiệp.

 

Hồi sinh Dó Việt

Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, giấy Dó truyền thống được làm từ những chất liệu mộc mạc, mỏng manh nhưng có tính dai, độ bền, hút ẩm tốt, một tờ giấy Dó trải qua đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm. Đây chính là sự độc đáo, khác biệt của các loại giấy Dó Việt với Dó của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ sự đa dạng trong cách thức sử dụng, giấy Dó truyền thống thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, nó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn năm.  

Nhưng tiếc thay, những giá trị ấy nay một phần đã bị mai một theo thời gian, phần  khác đã không thắng nổi quy luật khắt khe của thời kinh tế thị trường. Những sản phẩm thủ công dù tinh hoa đến mấy, giá trị đến mấy cũng không thắng nổi những sản phẩm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giấy Dó cũng vậy, cực chẳng đã trở thành mặt hàng kén người sử dụng, và cho đến thời điểm hiện tại, hội họa chính là “khách hàng” duy nhất của giấy Dó.

Ông Lại Phú Thạch, nghệ nhân làng giấy Nghĩa Đô (Hà Nội) - làng nghề duy nhất trong cả nước chuyên làm giấy Sắc phong cho Vua trăn trở: giờ không còn ai dùng giấy sắc phong, nên người dân làng giấy Nghĩa Đô không thể sống được bằng nghề. Làng Nghĩa Đô hiện chỉ còn mình ông Thạch là còn giữ nghề, nhưng để truyền lại cho con cháu thì rất khó, vì giấy làm ra cũng không có người mua. Mong ước của ông Thạch chính là thành phố Hà Nội, Cục di sản và Nhà nước có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân, làng nghề… để giữ nghề truyền thống.

Giấy Sắc phong kén người sử dụng, nhưng giấy Dó thường cũng không kém phần chật vật. Theo các hộ dân làm nghề giấy Dó, trung bình một gia đình có 2 lao động chính thì tối đa một ngày cũng chỉ làm được 80 tờ với điều kiện trời phải nắng gắt, còn trời âm u chỉ làm được 50-60 tờ/ngày. Trừ chi phí, mỗi hộ thu về khoảng 140.000 đồng/ngày. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng góp phần để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Hồi sinh Dó Việt trở thành nỗi mong mỏi của những nghệ nhân làng nghề truyền thống và đã thôi thúc các hoạ sĩ Lý Trực Sơn, Nguyễn Mạnh Đức quyết định sử dụng giấy Dó như một chất liệu chủ đạo trong quá trình sáng tác hội họa của mình. Sau hai họa sĩ gạo cội, làng hội họa Việt ghi nhận sự xuất của nhóm Zó Project vào năm 2013 với mục tiêu đưa giấy Dó nhập cuộc với cuộc sống hiện đại một cách tự nhiên. Từ ý tưởng hồi sinh giấy Dó, nhóm Zó Project đã quyết định sử dụng giấy Dó làm những cuốn sổ, tấm thiệp, bưu thiếp, bức thư pháp nhỏ xinh… để mọi người có thể nhìn thấy, chạm tay vào giấy Dó, biết được những ứng dụng mới từ loại giấy vốn mặc định trong đầu mọi người là loại chỉ để làm tranh. Ngoài ra, Zó Project còn thực hiện các triển lãm, chương trình trải nghiệm, trò chuyện về giấy Dó… mang lại cho công chúng những thông tin bổ ích và những sản phẩm độc đáo của loại sản phẩm này.

Những nỗ lực để hồi sinh giấy Dó đã bước đầu cho kết quả. Triển lãm “Dó Việt xưa - nay” giống như một cuộc biểu dương lực lượng về Dó Việt. Những tác phẩm hội hoạ được thể hiện trên giấy Dó qua tranh Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng.v.v… gắn với những làng nghề truyền thống như Yên Thái (Hà Nội), Suối Cỏ (Hòa Bình), làng Dương Ổ (phường Phong Khê, Tp. Bắc Ninh) thực sự đã chinh phục công chúng yêu hội họa. Trước đó, triển lãm tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) và Đông Hồ (Bắc Ninh) cũng đã được giới thiệu, trình diễn tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 (từ 24 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng). Triển lãm được đánh giá là có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế, khi đã mang đến những nét văn hóa dân gian, sự tương đồng và khác biệt của hai dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam trên con đường hồi sinh của chúng. 

Cùng với những cuộc triển lãm, thành phố Hà Nội đã hình thành dự án quảng bá du lịch làng nghề truyền thống, trong đó có mô hình làng nghề sản xuất giấy Dó tại quận Tây Hồ, kết hợp với các điểm du lịch tâm linh đình, chùa Võng Thị diễn ra tất cả các ngày trong tuần. Tại đây, du khách có thể tham gia tương tác một vài công đoạn trong quy trình sản xuất giấy Dó. Và trong những nỗ lực phục hồi nghề truyền thống, với triển lãm “Dó Việt xưa - nay” Ban tổ chức còn bố trí không gian riêng cho các nghệ nhân trực tiếp làm giấy Dó để chính họ bằng công việc của mình nói lên những tầng giá trị, tầng ý nghĩa của giấy Dó. Công việc làm giấy thủ công cổ truyền khá vất vả, công phu vì công cụ và phương tiện sản xuất đơn giản, dùng đôi tay và sức người là chính. Vật liệu cho sản xuất hầu hết được khai thác cây lá mọc tự nhiên. Nhưng giấy sản phẩm, làm thủ công với kỹ thuật lâu đời và óc sáng tạo của người thợ, về mặt nào đó đã không thua kém giấy hiện đại, thậm chí bằng công nghệ mới không thể làm được những loại giấy có đặc tính xốp nhẹ, bền dai như thế.

Dó như một chất liệu chủ đạo chuyển tải những khát vọng bao đời nay của người dân Việt Nam và vì vậy không có lý do gì có thể thất truyền trong đời sống đương đại. Với 11 sản phẩm giấy Dó các loại, trong vài năm trở lại đây giấy Dó truyền thống đã bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật, dần lấy lại vị thế trong văn hóa truyền thống của người Việt. Đặc biệt, những năm qua, cứ gần đến Tết Nguyên Đán, tại Hà Nội lại xuất hiện một đoạn "Phố chữ" chạy dọc theo đoạn tường bao cổ kính, rêu phong của Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tại đây, người ta bày bán từ chữ nho đến chữ quốc ngữ được viết trên giấy Dó. Phố chữ mỗi năm lại đông hơn những người "bày mực tàu, giấy đỏ", thu hút hàng nghìn người dân đến xin chữ, vô hình chung đã hình thành nét đẹp văn hoá đáng trân trọng.

Song để giấy dó có thể hồi sinh thực sự rất cần có chính sách khôi phục, bảo tồn đồng bộ, dài hơi để những giá trị văn hóa mang hồn cốt dân tộc này sống mãi trong dòng chảy đương đại. 

Nguồn Văn nghệ số 20/2019

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm