April 20, 2024, 10:25 am

Sự tích cầu Bò

 

Đã thành thói quen, cứ cơm nước xong là bà Khai lại đem ấm nước chè xanh, cùng bộ khay chén và chiếc điếu cày ra ngoài thềm, nơi có chiếc chõng tre để cho ông hút thuốc lào và hai ông bà cùng  nhâm nhi chén nước chè đặc sánh, ngầy ngậy, chan chát nơi đầu lưỡi. Thứ nước chè đặm đà, ngan ngát, mang hương vị nơi mảnh vườn rặt sỏi đá, vốn lâu nay vẫn được ông bà chăm sóc, tưới tắm, nhổ cỏ, bắt sâu. Ở cái tuổi ngoại “bát tuần”, tuy sức khỏe có suy giảm theo năm tháng, nhưng cơ bản ông bà chả đau ốm mấy khi. Hơn nữa, thấy gia cảnh nhà mình ấm cúng, kinh tế ổn định và cháu con vui vẻ, đề huề. Ông bà lấy làm mãn nguyện lắm. Về già, còn gì bằng mỗi khi thơi thả, hai cụ lại cùng thả tầm mắt ra phía bờ ao ngắm ráng chiều  đỏ ối phía sau rặng tre đằng ngà và đón cơn gió nồm nam mát rượi nhè nhẹ thổi về. Lòng hai cụ cảm thấy nhẹ tênh, nhất là khi từ phía rặng tre, tiếng lũ chim chích chòe lảnh lót gọi nhau, xao động khắp làng Hạ.

Hôm nay cũng vậy, sau bữa cơm chiều, bà Khai chầm chậm ra chiếc chõng tre ngoài thềm ngồi ngắm cảnh hoàng hôn đang dần buông. Vừa đưa miếng trầu lên miệng nhai thì Quốc Vũ, đứa cháu nội được cả nhà cưng chiều, đến ôm ghì lấy cổ bà thủ thỉ:

- Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 vừa rồi, con được những 26 điểm, bà có mừng không?

Bà Khai khẽ cốc vào đầu Quốc Vũ, mắng yêu:

- Cha bố anh, biết thừa lại còn hỏi, nhưng... nguyện vọng con muốn đăng ký vào trường nào?

Quốc Vũ nói như đã lập trình sẵn trong đầu:

- Con thi khối C thì chắc chắn sẽ vào một trong các khoa Văn - Sử  - Địa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội chứ ạ.

Bà Khai gật đầu:

- Tuyệt vời. Nhưng bà nghe người ta bảo, ở đời bất cứ làm ngành nghề gì, kể cả làm cán bộ cũng phải có năng khiếu. Con lớn rồi, lại càng phải biết học lực và sở đoản, sở trường của mình. Đừng có ngộ nhận, đua đòi theo kiểu “ếch đua thì nhái cũng đua” là nguy hiểm lắm đấy.

Quốc Vũ cười bả lả:

- Bà ơi, con có ước mơ sau này trở thành nhà văn, nhà sử học, theo bà có nên không ạ?

Bà Khai xoa đầu cháu mỉn cười:

- Ừ, tuổi trẻ nhiều ước mơ lắm, nhưng phải nhớ là không được viển vông - Ngừng một lát bà khe khẽ đọc hai câu thơ của ai đó: “Qua nhiều suối ước, sông mơ/ Đã trông thấy bến, thấy bờ nào đâu” và bà lại cười. Nhấp ngụm nước chè, bà quay lại nhìn vào mắt Quốc Vũ vỗ về: Được là nhà văn, nhà sử học thì còn gì bằng, nếu đấy là nguyện vọng thì ngay từ bây giờ con phải biết nuôi nguyện vọng đó. Nói cách khác, con phải cố gắng nhiều lắm, vì nhà văn hay nhà sử học chính là những tinh hoa của đất nước, thậm chí của nhân loại nữa. Bà tin là con sẽ thành công. Bỗng Quốc Vũ quay lại hỏi bà:

- Bà ơi, quê ta có chiếc cầu mang cái tên nghe rất buồn cười, đó là  cầu Bò bắc qua ngòi Bưởi để sang làng Chu. Tại sao lại gọi là “cầu Bò” hả bà?

Bà Khai bị bất ngờ và bí. Bí là vì từ ngày bà dời làng Bùng về làm dâu làng Hạ đã hơn nửa thế kỷ, có thấy ai giảng giải về “điển tích” cây cầu có cái tên ngồ ngộ ấy nó ra làm sao đâu. Thân phận người đàn bà, con gái ngày xưa khổ hết chỗ nói. Cắp nón đi lấy chồng, đến cái tên bố mẹ đặt cho cũng mất tiêu luôn. Về nhà chồng, bên cạnh chức năng sinh nở ra, bà chỉ biết tối ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Còn thời gian đâu mà tìm hiểu ngọn ngành cây cầu vốn chỉ bằng mấy khúc cây cọ được người ta bắc qua con ngòi để đi lại. Nay nghe cháu nội hỏi, bà Khai ớ ra. Lúc sau bà gù vào vai Quốc Vũ âu yếm:

- Bà chịu, mà con hỏi để làm gì?

Quốc Vũ gãi tai cười:

- Dạ, hôm nọ vô tình con có nghe mấy cụ trong câu lạc bộ thơ “Hương quê” bình hai câu: “Thơ hay những đẩu, những đâu/ Sao không có lấy một câu về làng?” và các cụ phá lên cười, hình như các cụ chê trách nhà thơ nào đó bạc bẽo với quê hương thì phải. Vì thế con chạnh lòng nghĩ, mình sinh ra và lớn lên ở đây, vậy mà không biết gốc gác từng địa danh, di tích của chính quê mình... Như thế sao gọi là nhà sử học được, phải không bà?

Vẫn bị thằng cháu dồn vào thế bí, bà Khai đành cười hì hì và bảo: Bà chịu. Tốt nhất là con hỏi ông nội, may ra ông biết chăng... Quốc Vũ nhớ ra, định vào trong nhà thì ông Khai đã cười hô hô: Giỏi, giỏi. Khá lắm. Đúng là “hổ phụ” sinh “hổ tử”. Hẳn ông Trung tá Quốc Khánh đang đóng quân ở ngoài Trường Sa biết con trai đã khôn lớn và thông minh, sẽ mừng và tự hào lắm đây. Ông Khai lập bập vịn vào cửa bước ra ngoài thềm. Ông thong thả ngồi xuống chõng tre, vê thuốc lào cho vào nõ điếu, mồi lửa. Ông vắt chân chữ “ngũ”, hít một hơi dài. Chiếc điếu cày nổ ong óc và từng làn khói được ông phả ra, bay lang thang ngoài sân, trông như những chiếc nấm, bồng bềnh. Quốc Vũ rót chén nước chè đưa tận tay ông nội. Lúc sau ông Khai thủng thẳng:

- Sự tích về cây cầu Bò ông biết rất rõ, nhưng kể ngọn ngành, chi tiết về nó là dài lắm, con có muốn nghe không?

Quốc Vũ  hồ hởi:

- Dạ có, ông kể đi ạ.

Ông Khai giương đôi mắt đùng đục, như lục tìm trong trí nhớ:

- Số là ngày xưa ấy, làng Hạ như bao làng quê khác nghèo xơ, nghèo xác. Người dân làng Hạ quanh năm chỉ biết trông vào mấy sào ruộng chiêm khê, mùa úng và mấy luống khoai, luống sắn trồng ở lưng đồi. Làng Hạ và làng Chu tuy rất gần gụi, thân thiết, sống không thể thiếu nhau, nhưng lại bị con ngòi Bưởi cắt ngang, nên hàng ngày họ vẫn phải đi trên cây cầu được bắc bằng mấy khúc tre. Rất chênh vênh và nguy hiểm như thể làm xiếc. Đã không ít trường hợp có cụ già và trẻ em bị trượt chân, ngã lăn tùm xuống ngòi và bị dòng nước cuốn trôi đi. Mãi sau này các vị chức dịch hai làng bảo nhau lấy những khúc cây cọ già, bắc lên cho rộng hơn và vững chãi hơn. Vì thế khi thì gọi là cầu Tre, lúc người ta kêu là cầu Cọ. Cọ và tre lâu ngày mục ruỗng là dân làng lại bảo nhau thay vào, nhưng cũng chỉ là tạm bợ... Giữa lúc dân tình đang cơ cực bởi chế độ hà khắc của thực dân Pháp và lũ tay sai thì phát xít Nhật tràn vào. Thế là một cổ hai tròng. Thực dân Pháp và phát xít Nhật đua nhau cướp bóc, giết hại và hãm hiếp đàn bà con gái. Tiếng kêu ai oán thấu tới trời xanh.

Bữa ấy làng Hạ đang vật vã với đói khát, bỗng đâu phía cổng làng xôn xao. Người dân ngơ ngác, chưa kịp tĩnh tâm, đã thấy mấy chục tên lính Nhật, mũ áo vàng như nghệ, súng ngắn, súng dài ngồi trên lưng ngựa. Tên sỹ quan còn đeo khẩu súng ngắn trễ hông và thanh kiếm dài tới một mét. Đi trước chúng là một người nhỏ thó, mặc áo the, khăn sếp, quần trắng, guốc gỗ màu mỡ gà vàng ươm ngồi trên chiếc xe tay, do một thanh niên lực lưỡng kéo. Hình như đã được báo trước, Lý trưởng Nguyễn Khắc Cường và Phó lý Hoàng Duy Tung, cùng đám chức dịch ăn mặc chỉnh tề, đã tề tựu đông đủ ngoài sân đình. Thấy người ngồi trên xe tay bước xuống, lý trưởng Cường trố mắt ngạc nhiên, buột miệng: A, thằng bố cu Bất, mày... Cường chỉ nói đến đấy, đã bị Bất sấn đến tát cho hai chiếc nảy đom đóm mắt. Lý Cường bị bất ngờ, huơ tay ra hiệu cho đám trương tuần. Đúng lúc viên sỹ quan Nhật xuống ngựa, mặt hằm hằm chỉ vào Bất, nói xì xồ gì đó. Viên thông ngôn đầu đội chiếc mũ vải trắng, quần áo và cả đôi giày cũng trắng tinh, nghiêm giọng:

- Trọng Bất đây là thân tín của các quan Nhật, các anh từ chánh tổng trở xuống đều phải gọi là quan lớn nghe chưa? Nếu ai động đến ông Bất, lập tức bị bắn bỏ.

Có tiếng xì xào: Ôi trời ơi thằng Trịnh Trọng Bất chuyên buôn bán lúa gạo và cám lợn ở chợ tỉnh, quan cách cái nỗi gì. Câm. Muốn mất đầu à? Nghe viên thông ngôn quát, tất cả các vị chức dịch mặt xanh như đít nhái, đứng run lẩy bẩy như thể bị lên cơn sốt rét. Lúc sau tên sỹ quân Nhật đứng chống tay vào bao súng và tay kia chống vào đốc kiếm, mặt đỏ au như gấc chín xì xồ một tràng dài. Tất nhiên “ngài” thông ngôn lại phải “nhai” lại rành rẽ từng câu, từng ý:

- Theo như ông Bất cho biết, làng này còn rất nhiều lương thực. Trong khi đó các quan Nhật đang rất cần cho người và ngựa ăn để có sức tiễu trừ quân giặc, đem lại tự do, độc lập cho người An Nam. Vì vậy ông lý trưởng và các ông phải có nhiệm vụ bảo đám dân đen đem hết lương thực ra sân đình, nộp cho các quan. Nếu ai chống lại sẽ bị chém mất đầu.

Thấy lý trưởng và đám thuộc hạ đứng ngây như phỗng, viên sỹ quan Nhật tuốt thanh kiếm, nghe “xoẻng” ra khỏi vỏ. Tên lính Nhật đứng gần đó thấy thế, liền giương khẩu súng trường, lên khuy lát nghe “quạch” và hắn chĩa nòng súng lên trời bóp cò. Một tiếng ‘bòm” chói tai phát ra, khiến các vị chánh phó lý cùng đám trương tuần xanh mắt mèo, đành răm rắp nghe theo. Chao ơi, cả cái làng Hạ vẻn vẹn mấy chục nóc nhà như bị xới tung lên. Lũ đàn bà, con gái bảo nhau chạy trốn ra ngoài cánh đồng Khống để ẩn. Ông già, bà lão cùng đám trẻ em hoảng sợ, kêu khóc như ri. Mặc. Tên sỹ quan Nhật thúc ép đám lính cùng trương tuần lục soát từng nhà và chúng lấy hết lúa gạo, kể cả những tải sắn khô bị mốc meo, chúng cũng không tha. Tất nhiên gia đình “quan lớn” Trịnh Trọng Bất không những được miễn, ngoài ra còn được các quan Nhật cho mấy tải lúa, quẳng vào tận thềm. Cơn tao loạn như một trận bão tàn phá đi qua. Làng Hạ đã xơ xác, nay lại càng điêu linh, xác xơ hơn bao giờ hết. Mãi sau này người dân làng Hạ mới biết, thì ra trong lúc bán gạo ở chợ tỉnh, Trịnh Trọng Bất vốn mỏng tai nghe được tin  người Nhật sớm muộn gì cũng sẽ thay thế người Pháp ở Đông Dương. Tham vọng muốn làm cuộc đổi đời, Trịnh Trọng Bất đánh liều đến ton hót với viên thông ngôn rằng mình biết nơi cất giấu vũ khí của Pháp ở làng Hạ và vì thế, đùng một cái hắn ta được các quan Nhật trọng dụng ngay. Đến khi kéo quân về lùng sục thì bọn Nhật mới ớ ra, bao nhiêu khí giới, lương thực, người Pháp đã sớm mang đi hết rồi. Chẳng chịu về tay không, bọn Nhật quay sang vơ vét lương thực của dân.

Cứ tưởng cuộc đời sẽ chìm trong đêm đen mãi, bỗng hôm ấy, cụ thể là vào trung tuần tháng 8 năm 1945. Người dân làng Hạ nghe đồn từ trên rừng xanh có Việt Minh lãnh đạo Nhân dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Mấy ngày hôm sau thì tin đồn đã hóa thành sự thật, khi mà cờ đỏ sao vàng cùng với cờ đỏ búa liềm được cắm lên, tung bay phần phật trên cây đa đầu làng và cả trên nóc đình làng Hạ, làng Chu. Dân tình như chảo dầu sôi và đám chức dịch lấm lét, không dám bước ra khỏi cửa.

Sáng hôm sau, Khai đang cùng mẹ mót sắn ở Hóc Vai, bỗng nghe đâu đó có tiếng huyên náo, la hét: Bọn Nhật thua rồi, Pháp chạy rồi. Đi phá kho thóc và đi cướp chính quyền bà con ơi. Một lúc sau từ các ngả đường, những người nông dân chân trần, quần nâu, áo vá, cuốc thuổng gậy gộc, dáo mác và cả liềm hái nữa. Họ hô vang khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật. Đả đảo thực dân, phong kiến. Mỗi lúc một đông, dòng người như thác lũ, họ rầm rập kéo xuống các công sở, phủ huyện. Khai thấy thế, vơ vội chiếc cuốc và nói với mẹ vài câu, rồi chạy vụt đi, tan vào trong đoàn quân đang như nước vỡ bờ ấy. Lại nói “quan lớn” Trịnh Trọng Bất từ khi được người Nhật nâng đỡ, cứ nghĩ thế là mình may mắn, thức thời. Nào ngờ phát xít Nhật đã thua và đầu hàng Đồng minh không điều kiện, đồng nghĩa với việc Trịnh Trọng Bất như nắm giẻ rách, bị quẳng đi...

Mấy ngày sau chính quyền mới của làng Hạ, làng Chu được thiết lập, do Việt Minh lãnh đạo. Họ cho đòi các vị chức sắc cũ ra trình diện và đương nhiên có cả Trịnh Trọng Bất. Nhưng du kích đi tìm kiếm khắp nơi không thấy “Quan lớn” Bất ở đâu. Đến gần trưa, mấy đứa trẻ mò cua, bắt ốc ở ngoài cánh đồng Khống chạy về báo, đã nhìn thấy Bất nấp trong bụi cúc đắng, cạnh cầu Cọ. Mọi người chạy ra túm được Bất. Mấy ông du kích tay lăm lăm cây mã tấu sáng loáng, chỉ vào mặt Bất quát:

- Tên chó săn, đồ phản động kia. Mau về sân đình để Nhân dân trị tội.

Chợt ai đó đề nghị:

- Lột hết quần áo nó ra. Bắt nó phải bò qua cây cầu cho biết thế nào là tội phản dân, hại nước. Và họ làm thật. Trịnh Trọng Bất mặt đen như đít chảo, run bần bật như kẻ không có gân. Hắn ngoan ngoãn cởi hết quần áo ngoài, xuống gối bò lồm ngồm như con cua trên thân mấy khúc cọ xù xì, khiến lũ trẻ đi bắt ốc, mặt mũi lấm lem đứng xem, nhịn không được, nhảy tâng tâng, vừa cười vừa reo: Ồ ê, ồ ê. Làm “quan lớn” mà phải cởi quần bò như con ếch bị gãy chân chúng mày ơi. May thay đúng lúc Bất đang bò gần hết cây cầu thì có người du kích, dáng chừng là cán bộ chạy tới cho phép Bất đứng lên. Cây cầu cọ được mang danh là “Cầu Bò” từ đấy. Sau này cây cầu được các cấp chính quyền cho xây mố, đổ bê tông cốt thép hiện đại, rất kiên cố, nhưng  người dân làng Hạ, làng Chu bảo nhau: Vẫn cứ để cây cầu mang danh xưng là “cầu Bò” để nhắc nhớ về một kỉ niệm đau buồn khó phai và cũng là giáo dục con cháu phải biết sống sao cho tử tế, đàng hoàng, ngay thẳng.

Tuấn Vũ ngồi nghe ông nội kể về “sự tích” cây cầu Bò, đến đoạn kết,  khẽ à. Bỗng cậu tò mò:

- Ông ơi, thế rồi sau đó số phận Trịnh Trọng Bất thế nào ạ?

Ông Khai nhấp ngụm nước chè, thủng thẳng:

- Dân mình vốn sáng suốt, đức độ và bao dung lắm. Vả lại cả làng Hạ ai cũng biết Trịnh Trọng Bất vốn chỉ là tay buôn bán cám bã làng nhàng. Không được học hành và nhất là không có tài cán gì. Việc hắn ta làm tay sai cho giặc chẳng qua là dại dột và ngu xuẩn nhất thời, không nỡ giết. Tất nhiên sau đó hắn cũng phải đi cải tạo một thời gian và những ngày cuối đời luôn sống trong âm thầm, ân hận và tủi hổ.

Tuấn Vũ nghe ông nói như nuốt từng lời. Nét mặt của chàng thanh niên sắp bước vào ngưỡng cửa trường đại học thoáng trầm tư. Hình như  cậu đang nghĩ về những gì... xa lắm./.

Nguồn Văn nghệ số 32/2019

 

 

                                                                                  


Có thể bạn quan tâm