April 25, 2024, 4:49 pm

SỬ THI GIỮ ĐẤT (1)

Đồng hành cùng sự tồn tại và phát triển của một dân tộc, sử thi tồn tại như mạch nước ngầm bền bỉ chảy và bùng lên trong những thời điểm mà tinh thần dân tộc ở “trạng thái sử thi”.Đó là những giai đoạn đặc biệt mà vấn đề lịch sử - dân tộc được đặt lên hàng đầu, vấn đề vận mệnh tổ quốc, danh dự quốc gia khiến người ta quan tâm hơn là các vấn đề thuộc về quan hệ và số phận cá nhân.Với nội dung, ngôn ngữ thơ và sắc màu văn hóa phong phú, kho tàng sử thi các dân tộc Việt Nam dân gian còn những sử thi mang tinh thần bất khuất bảo vệ đất nước, quê hương khỏi giặc ngoại xâm và kẻ tà tâm, gian ác…

KỲ I. NGƯỜI THÁI KỂ CHUYỆN CHA ÔNG CHINH CHIẾN

Là địa bàn định cư lâu đời của 23 dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun, Tày, Nùng, Dao, Mường... song Tây Bắc được coi là thủ phủ, là vùng đất tổ của người Thái với số dân chiếm 51% trên tổng số dân cư. Ngạn ngữ Thái có câu “Xá ăn theo lửa. Thái ăn theo nước. H’Mông ăn theo sương mù” để chỉ đặc điểm sinh sống, canh tác của các dân tộc gần gũi với họ. Hành trình di cư và phát triển của đồng bào Thái trên đất Việt là một câu chuyện dài hơn câu khắp giăng ngang núi, trong đó, việc xung đột, chống cát cứ để tạo nên một “đế chế” Thái hùng mạnh dưới thời Tạo Ngân (thế kỉ XIV) đã tạo một bước chuyển quan trọng trong xã hội Thái, tạo nên một trong những nền văn hóa đặc sắc và rực rỡ nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

1. Kiệt tác trong kho tàng văn hóa dân gian

Đến Mường Lò, sẽ không khó để được người già ở đây kể cho một đoạn sử thi được trích trong các sử thi di sản của dân tộc Thái như “Táy Pú Xấc” (có nghĩa là người Thái đánh giặc) hoặc “Căm Hánh tặp sấc klương” (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng). Giới nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định, “Táy Pú Xấc” là bộ sử thi lớn ghi lại lịch sử “Chinh chiến” của dân tộc Thái qua 50 đời Tạo từ thời Tạo Lò (con Tạo Ngân) kéo dài đến Kam Nho.

 

Các sự kiện lịch sử được ghi trong  “Táy Pú Xấc” khá chi tiết, ấn tượng nên rất có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa xã hội. Tìm hiểu về “Táy pú xấc”, sẽ thấy có nhiều bộ khác nhau bởi mỗi Mường sẽ có một thầy Mo viết cho Mường của mình.Là một dân tộc có chữ viết và chú trọng đến việc ghi lại lịch sử từ rất sớm, dân tộc Thái ở Việt Nam đã tín nhiệm các Mo mường ghi chép những văn bản lịch sử cổ xưa và quan trọng. Các thầy Mo này không những đảm nhận các hoạt động mang tính tâm linh cho bản làng mà còn là những trí thức lớn, hiểu biết uyên bác được mời tham gia làm mưu sĩ của các triều đại Tạo Thái.

Sau hàng chục năm bền bỉ, công trình sưu tầm và biên dịch sử thi “Táy Pú Xấc” của nhà nghiên cứu văn hóa Lường Vương Trung đã đạt giải thưởng cao năm 1998 do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng, tiếp đó xuất bản năm 2003 là một bản khá đầy đủ, giúp cho giới nghiên cứu và những độc giả yêu thích văn hóa Thái một cái nhìn sâu sắc hơn về dân tộc anh em này. Theo 50 đời Tạo chinh chiến giữ đất đai của tổ tiên, mở mang lãnh thổ, các thế hệ người Thái đã trải qua nhiều tao loạn, thăng trầm để giữ được thế ổn định cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nhất là cần phải đứng vững ở vùng đất xen giữa vua Kinh và vua lào nên các đời Tạo lại càng cần phải khéo léo ứng xử cũng như có biện pháp đối kháng vừa mềm dẻo vừa kiên quyết.

Được viết theo lối hát "khắp" truyền thống vốn được coi là làn điệu dân ca được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa đời thường và nghi lễ của cộng đồng Thái, “Táy Pú Xấc” cho thấy quá trình thiên di xuống phía Nam của dân tộc Thái đầy gian truân qua hai đợt chính là vào khoảng thế kỉ thứ IX – X và đầu thế kỉ thứ XI. Nguyên nhân “Người Thái xưa ở đất Hán rủ nhau xuống ăn Mường Lò” (dân ca Thái ở Mường Muổi, Thuận Châu – Sơn La) là do không chịu thần phục chính sách đồng hóa của Hán tộc nên họ đã từ thượng nguồn Tây Giang theo dòng chảy của sông Đà và sông Mê Kông di cư xuống phía Nam.

Sau nhiều lần tranh chấp với cư dân bản địa, cũng như chinh phạt xóa đi tình trạng cát cứ, thống nhất được Tây Bắc, họ đã trở thành chủ nhân một vùng đất rộng lớn với đặc điểm “vùng đất ba dải, miền chín lưu vực con sông. Mường Muổi được chọn là thủ phủ.Chế độ quân sự của xã hội Thái cũng khá linh động. Địa thế hiểm trở không cho phép họ có một đội quân thường trực mà chỉ tập hợp quân theo mỗi kỳ chinh chiến. Họ còn phân định ranh giơi qua câu thành ngữ “Cuối sông Đà nổi tiếng Vua Kinh. Đầu sông Đà nổi tiếng Tạo Lay”

Đến với các bản người Thái, sử thi Táy Pú Xấc thường được bà con nhắc đến với lòng trân trọng

Nghệ nhân Lò Xuân Thương ở xã Púng Tra, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là một trong số ít các nghệ nhân biết hát “Táy Pú Xấc’. Nghe bài khắp có tiết tấu chậm rãi, ngâm nga kể lại từng chi tiết trong quá trình “cha ông đánh giặc” nơi đầu sàn nhìn ra hướng rừng, có cảm giác như thấy được từng trường đoạn anh hùng và bất khuất của các thể hệ người Thái đấu tranh giữ đất và tranh đoạt mở mang địa hạt, thống nhất bờ cõi. Người hát khắp nếu không phải hàng nghệ nhân thượng đỉnh thì cũng phải là những người có vai vế trong cộng đồng như ông Mo, ông Nghè…Bởi để chuyên chở được hết hàng nghìn câu thơ phản ánh 50 đời cha ông chinh chiến, khai bản lập mường, gìn giữ cương thổ và vị thế trước các quốc gia khác đòi hỏi một sức hát và sự hiểu biết sâu rộng, thâm uyên.

Niềm tự hào có thật trong lịch sử

Nếu “Táy Pú Xấc” đã trở thành một áng hùng thi của ngàn năm thì "Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng" lại là câu chuyện của một giai đoạn mà trong đó, người Thái Đen cùng nhân dân các dân tộc Mường Lò là chủ thể khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Cầm Hánh. Là sự thật lịch sử từng diễn ra tại Mường Lò trong thế kỷ….., người Thái Mường Lò cũng như đồng bào Thái cả nước đều vô cùng tự hào về trang sử chiến đấu bảo vệ tổ quốc bằng thơ này.

Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã dành nhiều tâm sức để sưu tầm và dịch lại bộ sử thi từ các nghệ nhân cao tuổi khác để văn bản hóa tác phẩm. Sử thi có đoạn: “Giặc cờ vàng âm mưu xâm chiếm nước ta. Ở Mường Lò có 4 anh em là Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Tú và Cầm Hiệp đứng lên chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Cầm Hánh là tổng chỉ huy, cử Cầm Chiêu lên đóng chốt ở Viềng Công (xã Hạnh Sơn - huyện Văn Chấn, nay còn di tích thành lũy), Cầm Hiệp ra chốt chặn ở Mường Hồng (Hưng Khánh - Trấn Yên), Cầm Tú chỉ huy quân cứu viện cơ động.Sau những trận giao tranh quyết liệt, với số quân đông và vũ khí mạnh hơn, quân giặc bắt được Cầm Hiệp, Cầm Tú và Cầm Chiêu. Chúng tra khảo, dụ dỗ, mua chuộc nhưng cả ba lãnh tụ nghĩa quân không khuất phục.

 Con trai Cầm Chiêu là Cầm Tám thay cha chỉ huy thành Viềng Công, cùng bác là Cầm Hánh đánh thắng nhiều trận lớn.Quân giặc dùng kế hiểm hạ được thành Viềng Công, Cầm Tám phải mở đường máu rút sang Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La) lánh nạn. Cầm Hánh thế cô, bị vây bốn bề đành cho quân sĩ lên các bản người Mông, Dao… lánh nạn, còn ông dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Bởi vậy ngày nay, người Thái, Mông, Dao vẫn coi nhau như anh em ruột thịt.Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò, không chịu làm kiếp ngựa trâu.” (Trích bản dịch của nghệ nhân Lò Văn Biến).

Nghệ nhân Lò Văn Biến (mặc áo trắng) thường đến các thầy Mo để sưu tầm sử thi “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng”

Không quên ơn người xưa, đồng bào Thái vẫn hương khói phụng thờ anh hùng Cầm Hánh ở đền thờ đặt tại phường Tân Anh, thị xã Nghĩa Lộ. Thanh gươm ông từng tắm máu giặc ngoại xâm và tự mình tuẫn tiết đã trở thành báu vật của đồng bào Thái. Mấy trăm năm sau, hậu duệ của những người anh hùng theo Cầm Hánh đánh đuổi quân xâm lược ấy đã khơi nguồn lịch sử, sôi máu hùng anh để tham gia cuộc khởi nghĩa Cần Vương do lãnh tụ Nguyễn Quang Bích lãnh đạo ở Yên Bái và Tây Bắc. Và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta cũng có sự cống hiến xứng đáng của đồng bào Thái trên vùng nước non Tây Bắc.

“Táy Pú Xấc”, “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng” cùng rất nhiều trang sử thi sống động khác của đồng bào Thái không chỉ mang giá trị lịch sử, văn học trong cộng đồng tộc người mình mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa dân gian đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Để thấy được ngàn năm, trăm năm trước, tổ tiên ta đã đoàn kết dựng nước, đánh giặc và tạo lập cuộc sốngmột cách đầy hào khí trước thiên nhiên bất trắc và lòng hiểm hung, tham vọng của những thế lực bành trướng...

(kỳ 2: Người Hà Nhì và làng chiến đấu trong quá khứ)


Có thể bạn quan tâm