March 28, 2024, 5:09 pm

Sự sáng tạo trong dạy và học Ngữ văn

 

Văn học đồng nghĩa với sự sáng tạo và đổi mới. Nhà văn khi viết xong một tác phẩm là hoàn thành công việc ở phần thứ nhất, phần thứ hai quan trọng hơn là nhiệm vụ của người tiếp nhận, đó là đưa tác phẩm đó vào cuộc sống. Một tác phẩm dù bất hủ đến đâu mà không được người đọc tiếp tục sáng tạo thì tác phẩm đó coi như đang “chết”. Nói như vậy có nghĩa là trong hoạt động dạy và học của mình, giáo viên và học sinh (người đọc) cũng là chủ thể sáng tạo. Trong hành trình đi đến cái hay, cái đẹp của văn chương thì giáo viên và học sinh là đồng tác giả với nhà văn.

Trong hoạt động dạy và học Ngữ văn, sự sáng tạo không phải là tạo ra cái mới mà quan trọng là làm mới một tác phẩm đã cũ. Nói cụ thể là thầy và trò cần phải “đánh thức”, truyền “hơi thở cảm hứng”  giúp tác phẩm được “sống”. Nếu coi tác phẩm văn học như một ngọn đèn thì thầy và trò là người thắp đèn. Ánh sáng cây đèn có được thắp lên và tỏa đi bao xa, bao lâu lại tùy thuộc vào tâm huyết, năng lực của thầy và trò. Trong hoạt động này, vai trò của thầy rất quan trọng, ngoài việc tổ chức, hướng dẫn thì thầy còn phải khơi mở, làm ‘lây lan cảm xúc’ đến học trò để lớp học có một “bầu khí quyển văn chương”, được sống với đời sống của tác phẩm. Nói theo cách của văn chương thì thầy và trò phải “hóa thân, nhập tâm” vào tác phẩm, để vui, buồn, hờn giận…cùng với mỗi nhân vật trong tác phẩm. Dĩ nhiên không đòi hỏi giờ ngữ văn nào cũng phải thế nhưng mỗi thầy và trò cần có tâm thế như vậy khi tiếp cận tác phẩm văn học. Điều này văn mẫu không làm được!

Văn học là một loại hình nghệ thuật. Và như vậy, hoạt động dạy và học Ngữ văn cũng là nghệ thuật, mà nghệ thuật lại không chấp nhận sự bắt chước, sao chép. Có thể có sự giống nhau về ý tưởng chứ không thể giống nhau về cách cảm nhận và hình thức thể hiện. Cùng là hình ảnh cây bàng ngoài cửa lớp nhưng trong giờ Mỹ thuật, mỗi học sinh sẽ có bức tranh với những đường nét, màu sắc riêng của mình. Trước một tác phẩm văn học cũng vậy, mỗi giáo viên và học sinh đều có sự cảm nhận và diễn đạt riêng. Sự khác nhau đó chính là sự sáng tạo, là “cái tôi” không lẫn với người khác. Có được như vậy là do quan niệm thẩm mỹ, năng lực cảm thụ và phương pháp thể hiện của mỗi người khác nhau. Điều này văn mẫu không làm được!

Văn học (gồm cả văn học viễn tưởng) bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống, mà cuộc sống thực tiễn lại luôn luôn biến động, luôn luôn “sáng tạo”. Có rất nhiều quan niệm thẩm mỹ được thay đổi theo thời gian. Vì vậy, sáng tác và cảm nhận văn học cũng cần luôn luôn sáng tạo. Ban-dắc từng nói “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”, tức là văn học luôn tái hiện cuộc sống thực tiễn một cách chân thực và sinh động.  Với đề làm văn lớp 6: “Hãy miêu tả ngôi nhà mà em đang ở” thì có bao nhiêu học sinh sẽ có bấy nhiêu “ngôi nhà” khác nhau. Rồi đem so sánh những bài văn này với những bài văn của học sinh lớp 6 vào 10 năm trước thì càng thấy “ngôi nhà” có sự khác biệt. Nếu gò ép học sinh vào một khuôn hình nhất định (mà nhiều khi đã lạc hậu) là không đúng thuộc tính văn học, là đang bắt các em lừa dối, mà “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối” (Nam Cao). Như vậy, muốn học sinh viết ra nhưng trang văn có tính sáng tạo, ‘đích thực là văn chương” thì cần để cho các em viết bằng cảm xúc và suy nghĩ chân thực của mình dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên. Điều này văn mẫu không làm được!

Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy có nhiều điều rất-buồn-cười trong cách dạy và học văn hiện nay. Thứ nhất là cách nhìn nhận về “học sinh giỏi văn” (học sinh giỏi văn theo đúng nghĩa bây giờ rất khó tìm). Tiêu chí đầu tiên để chọn học sinh giỏi Văn là phải …“chữ tốt”, còn “văn hay” thì đã có thầy cung cấp, tất cả đều sẽ có “văn hay” giống nhau và thế là sẽ thành học sinh giỏi Văn (!) Thứ hai là cách đánh giá. Ngày tôi còn là học sinh (thời chưa dùng văn mẫu), nếu trong lớp có những bài văn giống nhau thì đều bị cô giáo trừ điểm (vì sao chép của nhau). Còn bây giờ, những bài văn giống nhau lại là những bài văn…điểm cao vì giống… văn của thầy, giống văn mẫu (đã bỏ công sao chép thì chép của thầy chứ dại gì tự nghĩ ra hay chép văn mẫu khác để mang tiếng là… không hiểu ý thầy)… Những điều bất hợp lý này là do văn mẫu sinh ra.

Từ những cơ sở trên, tôi cho rằng, lệ thuộc quá nhiều vào văn mẫu là cách dạy văn rất…phản văn. Chúng ta phải rất khó khăn khi lựa chọn giữa cái trước mắt (điểm bình quân thường cao hơn nếu…trúng tủ) và hậu quả lâu dài (học sinh ngày càng chán văn). Mà điểm thi của học sinh là một cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng giáo viên. Vì vậy, bàn về chuyện dạy văn mẫu là một vấn đề rất…tế nhị, nhiều khi rất “đụng chạm”, ảnh hưởng đến danh dự, quan hệ…giữa các giáo viên. Khách quan mà nói thì hiện nay vẫn có nhiều giáo viên dạy văn không phụ thuộc văn mẫu. Họ là những người lặng lẽ, mang tiếng là “ngông’, là “một mình một ngựa đi giữa mù sương”, là “đi ngược xu thế của thời đại” và cuối cùng là người thiệt thòi. Thiệt thòi ở đây không phải là ở bảng xếp loại thi đua mà thiệt thòi lớn nhất là sự đơn độc, lực bất tòng tâm. Giáo viên không dùng văn mẫu thiệt thòi với các giáo viên khác. Trường không dùng văn mẫu thì thiệt thòi với trường khác. Cứ như vậy sẽ dẫn lên cấp quản lý cao nhất của ngành. Vì vậy, theo tôi để chữa tận gốc rễ “căn bệnh văn mẫu” thì phải làm từ những bộ phận chuyên môn cấp Bộ. Cần phải đổi mới quan niệm, cách nhìn nhận về môn Ngữ văn của những người có quyền hạn của cả ngành giáo dục.

Trong khi chờ đợi một sự ‘sáng tạo” của cấp trên thì giáo viên chúng ta vẫn phải “sống chung với… mẫu”. Cũng cần phải nói rằng bản thân văn mẫu không xấu, chỉ có người vận dụng văn mẫu chưa tốt. Nói thẳng ra là chúng ta chỉ nên coi văn mẫu là tài liệu tham khảo chứ không phải là tài liệu chính thức. Trong việc này, vai trò của người thầy rất quan trọng. Đó là sự chọn lọc, hướng dẫn và điều tiết cho học sinh. Nhưng trước hết, người thầy phải tự làm công việc này. Nói cách khác, sử dụng văn mẫu rất cần sự sáng tạo, mẫu nhưng không theo mẫu. Công việc này phải bắt đầu từ lương tâm, trách nhiệm của người thầy. Nếu được như vậy thì văn mẫu thực sự là tài liệu bồi dưỡng, tài liệu cần thiết cho mọi giáo viên Văn nói chung.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin nêu ra một thực tế rất đáng để suy ngẫm. Đó là thái độ tiếp nhận của học sinh trước môn Ngữ văn và Mỹ thuật. Xét trên nhiều mặt, Mỹ thuật là môn học gần gũi với môn Ngữ văn nhất. Thế nhưng tại sao học sinh rất hào hứng, chờ đón giờ Mỹ thuật còn giờ học Ngữ văn không nhận được tình cảm ấy (tất nhiên có ngoại lệ không nhiều). Câu trả lời không khó nhưng thực hiện để đạt được điều đó lại không dễ chút nào!...

Nguồn Văn nghệ số 43/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm