April 24, 2024, 12:11 am

Sự nhức nhói của văn minh

Mọi bài học về lịch sử hay triết học hầu như đều nói rằng: loài người đã tiến lên từ dã man đến văn minh. Sự văn minh của loài người mà bây giờ chúng ta thấy, quả là đáng “choáng ngợp” so với người hái lượm. Song, lại có một sự thật khác: lịch sử loài người đã “tiến lên” bằng những dã man khủng khiếp!

Nhiều kẻ đã coi đất đai của Tổ quốc là một món hàng để trục lợi. Những nơi đẹp nhất đã bị tư hữu hóa, bị “rào giậu” chặt chẽ, khiến người dân sở tại không còn được thụ hưởng tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cho họ.

Con người tinh khôn (Homo Sapiens) có từ 200 nghìn năm trước hay lâu hơn là câu chuyện đang tranh luận, nhưng Homo Sapiens được gọi tên lần đầu tiên bởi bác sĩ, nhà sinh học người Thụy Điển Carl Linnaeus (1707-1778). Trên trái đất từng tồn tại nhiều loài người khác nay đã tuyệt chủng. Con người ngày nay tồn tại được là nhờ trí thông minh, càng ngày càng thông minh theo quá trình tiến hóa. Từ chỗ bị lép vế trước các động vật to lớn, nhờ trí thông minh và những vũ khí chế tác được, con người đã vươn lên đứng đầu thế giới trong việc tìm kiếm thức ăn, kiến tạo chỗ ở cũng như các lĩnh vực khác. Và văn minh ấy được tiến lên bằng sự dã man: Họ đốt trụi nhiều cánh rừng để trồng ngũ cốc; họ tìm diệt tất cả các loài thú để ăn. Thậm chí họ tiêu diệt cả những người anh em của mình. Nhà sử học Yuval Noah Harari, người Israel, đã nêu ra nhiều bằng chứng thuyết phục khẳng định “người tinh khôn” chính là kẻ đã làm tuyệt chủng nhiều sinh vật khác. Năm 1955, người ta tìm thấy ngôi mộ cổ ở Sungir (Nga) một bộ xương đàn ông 50 tuổi, cách đây 30 nghìn năm với đồ tùy táng là 25 vòng ngà voi ma-mút. Loài voi ma mút tuyệt diệt cùng với thời điểm người tinh khôn đặt chân đến Nga.

Chúng ta tự hào vì con người tìm ra lửa để nấu chín thức ăn, mở rộng canh tác, ngăn ngừa thú dữ… nhưng chúng ta chưa hề nghĩ đến ngọn lửa đã đốt trụi bao nhiêu cánh rừng, tuyệt diệt bao nhiêu giống loài, đốt trụi bao nhiêu thành quách. Từ rìu đá đến tên đồng và bây giờ là tên lửa hạt nhân, là bom nguyên tử... văn minh con người, về một khía cạnh nào đó, chính là sự dã man càng ngày càng tăng lên. “Chúng ta” tìm diệt anh em mình, “Chúng ta” đã hủy hoại gần xong trái đất, bây giờ đang tiến tới các vì sao.

Vôn-te (1694-1778), sử gia, nhà tư tưởng của thời kỳ Khai sáng Pháp từng nói: “Không có Chúa nhưng đừng nói cho đầy tớ của tôi biết, ngộ nhỡ nó có thể giết chết tôi trong đêm”. Lịch sử loài người dường như là quá trình thay thế ngộ nhận này bằng một ngộ nhận khác. Người Trung Quốc cổ đại coi vợ và cung tần là sở hữu riêng nên khi chết có thể chôn theo hậu và phi. Người Aché ở Paragoay còn hái lượm đến năm 1960, khi chết còn chôn theo một bé gái. Ai không theo kịp bầy sẽ bị bỏ rơi hoặc bị giết chết. Họ coi điều ấy là tự nhiên. Ta coi điều ấy là tội ác. Có thể có những điều hôm nay ta coi là tự nhiên, ngày mai bị coi là tội ác. Những nền văn hóa luôn khác nhau, luôn biến đổi và bị diệt vong giống như các đế chế hùng mạnh rồi suy tàn. Sự “bền vững” chỉ đúng cho một giai đoạn, không thể đúng cho cả tiến trình. Người đời sau thường nói, mình văn minh, tiến bộ hơn đời trước. Điều này cũng không hẳn đúng. Người hiện đại không thể khỏe mạnh, tinh nhanh và hiểu biết tự nhiên, có kỹ năng sống tốt như người cổ đại. Càng ít có phút thư giãn, khoan khoái “và trong mơ thơm ngát cánh đồng xanh” mà luôn bị thúc ép, dồn đuổi bởi những nghĩa vụ, những nhu cầu từ khi sống cho đến khi chết. Người ta thèm khát giàu có, thèm khát tiện nghi, thèm khát sự hơn người và thèm khát cả trăng sao. Sự thèm khát này làm tăng thêm nỗi lo âu.

Khoảng 12 nghìn năm trước, trái đất chỉ có 5-8 triệu người; bây giờ trái đất có hơn 7 tỉ người, tức 7 tỉ cá nhân, 7 tỉ sự khác nhau. Mâu thuẫn, xung đột được tích tụ. Người ta không đánh nhau để giành một con cái, một quả rừng, vì thiếu thóc gạo, mà đánh nhau to vì khác nhau về ý niệm, vì quyền lợi dân tộc, thậm chí vì lợi ích một địa phương, một cộng đồng… Đánh nhau để thể hiện “đẳng cấp”, sức mạnh. Những cuộc thập tự chinh kéo dài do Roma kêu gọi là để chống lại đạo Hồi và ngoại giáo. Chủ nghĩa phát xít ra đời với ý niệm người thượng đẳng và người hạ đẳng. Không phải để săn bắt thú mà người ta chế ra bom hạt nhân; không phải vì nghèo phải đi ăn cướp, mà một nước giàu nhất lại hay gây ra các cuộc chiến tranh. Lại có nước tự phong mình là “dân chủ” để can dự, thậm chí đánh đổ các nền dân chủ khác; tự cho mình mới là người đủ thẩm quyền lãnh đạo cả thế giới. 

Thế giới phẳng (The world is flat) là thuật ngữ được nhà báo, nhà kinh tế học người Mỹ Thomas Friedman đưa ra lần đầu tiên năm 2005 trong cuốn sách cùng tên. Thực tế thì thế giới chưa bao giờ phẳng và sẽ không bao giờ phẳng. Không có sự bình đẳng giữa mọi người mặc dù pháp luật nước nào cũng khẳng định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Ngày 26-6-2012, Linh mục Phan-xi-cô nói trước 50 nghìn người tại Quảng trường Thánh Phê-rô: “Trong Giáo hội, không ai là công dân hạng nhì, không một ai”. Đó chỉ là sự lãng mạn của các nhà truyền giáo. Sự phân tầng, có kẻ cao, kẻ thấp, có kẻ mạnh, kẻ yếu, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu không bao giờ mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Với mỗi cá nhân, có thể thay đổi từ đẳng cấp này sang đẳng cấp khác, nhưng với toàn xã hội thì không. Người giàu, người thống trị chiếm số ít nhưng lại chiếm nhiều của cải của xã hội, chi phối, dẫn dắt xã hội bằng đồng tiền, bằng quyền lực chính trị. Họ được hưởng ưu đãi về y tế, giáo dục, được bảo vệ bằng những biệt khu cư trú và được nhà nước bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự vô lý, sự bất bình đẳng xã hội càng ngày càng tăng lên, cho đến lúc tất cả có thể cùng diệt vong, hoặc cũng có thể bị diệt vong trước đó do các loại trí tuệ nhân tạo, các người máy, các loại nửa người, nửa vật hoặc quái vật thật sự do chính sapiens tạo ra.

Nếu ai nghĩ rằng, chủ nghĩa tư bản (dạng này hay dạng khác, ngay cả trong lòng các nước trước đây là CNXH) không bóc lột, không tàn nhẫn là một sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Nhà tư bản (hay một số doanh nhân, doanh nghiệp ở nước ta) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đã là những nhà từ thiện lớn; nhưng họ tạo công ăn việc làm cho một số người trong khi làm thất nghiệp một số người nhiều hơn, tước đi tương lai của nhiều gia đình khi gom hết đất đai vào tay mình với một giá rẻ mạt không thể tưởng tượng được.

Nhà tư bản nào muốn thành công cũng dựa vào chính trị, thao túng nhà nước. Sự câu kết của nhà nước và nhà buôn là một câu kết vô cùng nguy hiểm. Điển hình như vào thế kỷ 18, ông John Low, vừa là giám đốc công ty Mississipi, vừa là thống đốc ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính Pháp. Để cứu công ty của mình ông đã cho in tiền vô tội vạ để mua cổ phiếu của công ty. Việc này được nhà vua và chính phủ đồng tình vì nhiều người trong số họ có cổ phiếu lớn ở công ty này, do đó đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế, chính trị, gây khốn đốn cho quốc gia. Hoặc như vào thế kỷ 19, Công ty Đông Ấn của Anh bán thuốc phiện vào Trung Quốc với những món lãi kếch sù, gây nghiện cho 40% dân số, làm suy yếu Trung Quốc vốn đã suy yếu dưới triều Thanh mạt. Nhận ra nguy cơ lớn, các nhà đương cục Trung Quốc đã vây quét, tiêu hủy nhiều lô hàng thuốc phiện. Cũng vì có cổ phiếu lớn trong công ty, nên các nghị viên và quan chức Anh đã vận động Chính phủ cho quân đội sang Trung Quốc gây ra cuộc Chiến tranh Nha phiến, khiến Trung Quốc phải đền bù thiệt hại cho công ty của Anh và họ còn lấy được cả Hồng Kông để tiện bề buôn bán.

Ở Việt Nam, nhiều kẻ đã coi đất đai của Tổ quốc được giành giữ bởi bao nhiêu xương máu tiền nhân là một món hàng để trục lợi. Những nơi đẹp nhất đã bị tư hữu hóa, bị “rào giậu” chặt chẽ, khiến người dân sở tại không còn được thụ hưởng tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cho họ. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của ta bị thi hành kỷ luật, bị rơi vào vòng lao lý cũng vì thao túng và bị thao túng bởi các doanh nghiệp, kiếm lợi trên lưng Đảng và dân.

Kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm quốc tế cho hay, nếu không được kiểm soát tốt, một doanh nghiệp có thể trở thành một đế chế, ngay cả chính quyền cũng trở thành kẻ làm thuê cho họ. “Khách hàng là Thượng đế” là một khẩu hiệu ma mị. Khách hàng không bao giờ biết được giá thành và chất lượng sản phẩm. Khuyến khích tiêu dùng, kiến tạo một xã hội tiêu dùng thì nhà tư bản là người có lợi nhất. “Khách hàng là Thượng đế”, nếu đem áp dụng vào báo chí và nghệ thuật thì sẽ giết chết báo chí và nghệ thuật. Báo chí câu view không phải là báo chí đúng nghĩa!

Giả sử có nước Chúa, tức thế giới tốt đẹp như ta hằng mong muốn, thì như Kinh Thánh đã nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu đặt chân lên nước Chúa”. Kẻ giàu ở đây được hiểu là giàu không chính đáng. Chúng ta cần trở thành người chính đáng, người lương thiện. Hơn thế, là người hạnh phúc. Nhân loại cần phấn đấu cho hạnh phúc không chỉ cho người nghèo mà cả những người giàu. Bởi vì, con người sinh ra còn một thứ gọi là lương tâm. Không kẻ nào có thể ngủ yên trên chăn gối của sự bất lương!

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm