April 25, 2024, 9:58 pm

Sự giao thoa của một bài thơ

Thời sinh viên, hơn bốn mươi năm trước, đọc báo, tôi có thói quen gặp bài thơ nào cảm thấy hay, tôi cắt (khỏi phải chép tay) thành bộ sưu tập cho riêng mình. Sinh viên không có tiền mua báo thường xuyên. Thơ hay lại thường trên báo Văn nghệ. Thấy tôi thích thơ, anh tôi lúc ấy là Giáo viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mỗi lần về mang cho tôi một tập Văn nghệ làm quà. Tôi nâng niu món quà quý. Cứ thế tôi đọc ngấu nghiến. Gặp bài thơ nào thích, tôi cắt xếp tuần tự như một album ảnh.

Thời đó, thơ phần lớn dung dị, hồn hậu, gần gũi đời sống, dễ đi vào lòng người. Có lẽ vì thế mà người đọc thơ, yêu thơ nhiều lắm. Sinh viên, kể cả các khoa tự nhiên, hầu như ai cũng có sổ tay thơ. Mà không chỉ sinh viên, nhiều người thấy thơ hay cũng ghi chép, học thuộc. Thơ và bạn đọc thật tâm giao.

Tôi thích những bài thơ có tứ, có “chuyện”, có khổ kết hàm ý, có câu kết hay, khái quát ấn tượng, tạo cảm xúc thích thú. Những bài thơ như thế rất dễ nhớ, còn nhớ lâu nữa. Đã trên dưới bốn mươi năm, tôi vẫn nhớ như in những bài mình yêu thích, ví như: Khi cánh đồng có một dòng sông, Làng có một ngày như thế (Nguyễn Trọng Tạo), Dòng mương con gái (Bùi Mạnh Nhị), Bài thơ viết ở Hòn Gai (Ngô Xuân Hội) v.v... (Phạm vi bài này không nói đến những bài thơ nổi tiếng đã trở thành tài sản chung của độc giả).

Với Bài thơ viết ở Hòn Gai của Ngô Xuân Hội, thật thú vị khi 42 năm sau, tôi bất ngờ gặp lại trên báo Văn nghệ (17/8/2020). Ngô Xuân Hội đã chọn bài này là bài đầu tiên trong chùm chín bài tâm đắc nhất đời thơ (tính đến thời điểm hiện tại). Tôi rất vui, thầm nghĩ, 42 năm trước, tôi đã chọn đúng một trong những bài thơ đáng yêu nhất của tác giả. Một bài thơ “có chuyện” theo gu của mình...

Vào bài thơ là lời kể: Lâu ngày trở lại Hòn Gai/ Tôi với bạn tôi đứng trên cầu sắt/ Cong cong hình bán nguyệt/ Chiếc cầu bắc qua những ô vuông than... Chiếc cầu cong cong bắc qua những ô vuông than thật “bắt mắt” bởi nó là hình ảnh lạ, không lẫn, chỉ ở vùng than mới có. Rồi tác giả dẫn dắt: Và tự nhiên không biết từ lúc nào/ Các câu chuyện chúng tôi quay nói về thị xã/ Về nhà cửa, cư dân, phố xá/ Lán Bè, Bãi Cháy, Cửa Lục, Hòn Gai… Những địa danh của vùng than đất mỏ, chưa một lần đến mà vẫn nghe gần gũi, quen thuộc, rất yêu.

Và đây là chuyện của bạn, sinh động, gợi cuộc sống hạnh phúc thanh bình đang hồi sinh sau chiến tranh dưới bàn tay người thợ cầm bay: Bạn tôi thích kể/ Về những ngôi nhà/ Những ngôi nhà có tường xanh rèm hoa/ Ì ầm từng cơn sóng bể/ Những ngôi nhà đã một thời bom rơi đổ vỡ/ Những ngôi nhà đang dựng xây... Còn chuyện của tôi thì: Không như anh bàn tay quen cầm bay/ Bàn tay tôi quen cầm búa/ Tôi là thợ mỏ/ Đục đá mở hầm xuyên núi lấy than... Cuộc trò chuyện trên chiếc cầu bán nguyệt bắc qua những ô vuông than thêm phần thi vị khi được kể trong một không gian lãng mạn, đặc trưng của vùng mỏ: Đằng kia nhà máy than luyện/ Tung lên những đámc khói mờ/ Và núi Bài Thơ, núi Bái Thơ/ Đứng giữa trời như tạc.

Đoạn kết logic theo mạch cảm xúc: Núi vẫn núi không có gì đổi khác/ Nhưng chúng tôi thì đã khác xưa rồi/ Và sẽ lớn lên, sẽ còn nhiều thay đổi/ Nếu không thế mỗi lần trở lại/ Biết lấy gì nói với Hòn Gai. Nhẹ nhàng, tự nhiên nghe như không có gì nhưng không kém phần hàm nghĩa. “Biết lấy gì nói với Hòn Gai”, câu thơ không lên gân lên cốt, nghe thật thích, cảm động...

Đó là cách cảm bài thơ của một người yêu thơ thời sinh viên.

Như đã kể, bộ sưu tập thơ của tôi chỉ là những bài bắt gặp ngẫu nhiên, đơn lẻ. Là người yêu thơ không làm nghiên cứu phê bình nên tôi không cập nhật hết sáng tác cũng như dõi theo đời thơ của các tác giả. Ngô Xuân Hội cũng vậy, dù lưu giữ thơ ông nhưng tôi không biết nhiều về ông (một phần cũng vì thời đó, chỉ có báo giấy, không có điện thoại, zalo, facebook, mạng xã hội... như bây giờ).

Hôm gặp lại Bài thơ viết ở Hòn Gai trong mục Thơ tác giả tự chọn trên Văn nghệ online, thú vị quá, tôi tìm facebook Ngô Xuân Hội để kết nối chia sẻ về bài thơ tôi thích đang lưu giữ trong bộ sưu tập của mình nhưng do đã lâu, không nhớ rõ năm nào, báo nào. Bài thơ hay (với tôi) và tâm đắc (với tác giả). Một sự giao thoa tự nhiên, không hẹn. 

Nhà thơ Ngô Xuân Hội rất vui và trân trọng trước sự yêu thích thơ mình của một bạn đọc xa lạ. Ông hồi âm tôi qua tin nhắn facebook: “Bài thơ này báo Văn nghệ in chữ đậm, đầu trang nhất số chuyên đề về thơ công nghiệp Quảng Ninh - Hải Phòng năm 1978. Lúc ấy tôi đang làm cán bộ Định mức lao động ở phòng Lao động Tiền lương mỏ than Thống Nhất, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tờ báo ấy tôi không còn giữ được, nhưng vẫn nhớ. Cảm ơn bạn đã yêu thích!”. Không chỉ vậy, ông còn hỏi địa chỉ và chuyển phát nhanh tặng tôi tập thơ Những quả me chín dần và truyện dài Ngày ấy ở Yên Trung. Qua tựa sách của Trần Nhuận Minh, tôi hiểu vì sao Ngô Xuân Hội có thơ hay về vùng mỏ. Thì ra “Đề tài anh quan tâm nhiều hơn và cảm giác viết mãi vẫn không vơi nỗi lòng mình là than và công nhân mỏ, là vùng công nghiệp khai khoáng Quảng Ninh, nơi anh đã gắn bó rất sâu sắc dường như hết cả cuộc đời mình”.

Sau khi đọc nhiều hơn về Ngô Xuân Hội, tôi nhận ra điều thú vị nữa. Bài thơ viết ở Hòn Gai - một trong những sáng tác đầu đời thơ của Ngô Xuân Hội nhưng đã định hình stylistic của ông - đúng như Ngô Minh khái luận: “Thơ anh chủ yếu là thơ tự sự với thể thơ, ngôn ngữ truyền thống, chân chất, dân dã” nhưng “phía sau câu chuyện anh luôn lẩy ra được những day dứt, băn khoăn, những chiêm nghiệm về đạo lý và nhân sinh, nên dễ găm vào lòng người đọc”. Phải thế chăng mà Bài thơ viết ở Hòn Gai neo đậu trong tôi đã rất nhiều năm.

Ngô Xuân Hội, sau mười năm gắn bó với vùng mỏ, cuộc sống, sự nghiệp sáng tác và cả nơi ăn chốn ở đã bao lần xê dịch, đổi thay. Điều thật mừng là những đổi thay của Ngô Xuân Hội, cả người và thơ đã không phụ đất mỏ nghĩa tình, thủy chung. Sự đổi thay xứng đáng với tâm niệm - Nếu không thế mỗi lần trở lại/ Biết lấy gì để nói với Hòn Gai.

_________

* Xem bài thơ trong mục Thơ tác giả tự chọn trên Văn nghệ online, 17/8/2020

Nguồn Văn nghệ số 37/2020


Có thể bạn quan tâm