March 29, 2024, 8:02 pm

Sự “bùng nổ” của tư duy thực dụng trong thi cử

 

Kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm chính quy đợt 1 đã chính thức khép lại với kết quả hơn một nửa số trường trong cả nước đã xét tuyển đủ chỉ tiêu. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì đây là kỳ tuyển sinh thành công nhất sau 3 năm hợp nhất kỳ thi chung cấp Quốc gia. Song, dư luận xã hội lại đang phản ứng theo chiều ngược lại, thậm chí còn đẩy sự việc đi xa hơn khi coi đây là kỳ thi thiếu công bằng và giảm chất lượng đào tạo, nếu như không muốn nói đang tạo cơ hội cho sự bùng nổ tư duy thực dụng.

 

Vừa qua, dư luận lại hết sức băn khoăn, lo lắng với đầu vào các trường sư phạm. Trường ĐH Sư phạm Huế lấy điểm đầu vào 12,75 (công thức tính điểm riêng) được cho rằng điểm chuẩn quá thấp.

Điều đáng bất ngờ hơn, là kết quả của trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh với  mức điểm trúng tuyển các ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn chỉ là 9 điểm với phương thức sử dụng kết quả thi quốc gia. Như vậy, chỉ với 3 điểm/môn thi thí sinh đã có sẵn 1 vé vào học tại trường sư phạm.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bỏ qua những ồn ào xung quanh giải trình từ phía Bộ Giáo dục &Đào tạo về điểm sàn, về điểm ưu tiên khu vực, về phương thức ra đề thi hay vô khối những sáng kiến áp dụng kỹ thuật cao trong công tác tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho cả thí sinh và cơ sở đào tạo thì thấy vấn đề bất ổn trong mùa tuyển sinh năm nay chính là cách  trả lời của chính những người trong cuộc. Nhà quản lý thì cho rằng, sở dĩ có sự bội thu điểm mười, chính là chất lượng giáo dục đào tạo đang lên chứ không phải đề thi quá dễ; đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt không phải do sự bất hợp lý của điểm ưu tiên theo khu vực mà do thí sinh chưa chắc chắn về bài thi và chưa có sự cân nhắc, hay lường hết những tình huống sẽ xảy ra đối với nguyện vọng 1 và các nguyện tiếp theo…

Thực ra đây chỉ là những lời giải thích để xoa dịu dư luận, còn thực tế lại khác. Việc chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm với ngân hàng đề thi đã được Bộ mô phỏng và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Bộ và nhiều trang mạng phần nào đã hạn chế sự sáng tạo của thí sinh, đánh đồng chất lượng giáo dục, hay nói đúng hơn nó khiến cho người ta ngầm hiểu rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tạo điều kiện tối đa để tất cả thí sinh có thể tốt nghiệp PTTH. Chưa kể việc tổ chức thi theo khu vực, cụm thi đã và đang tạo nên tâm lý trông thi dễ dãi, để khu vực, cụm thi có kết quả tốt nghiệp THPT ở mức cao nhất có thể. Trên thực tế, khi tổ chức kỳ thi xong, không chỉ học sinh mà hiệu trưởng cũng nóng lòng, ngóng, chờ kết quả từng ngày. Ngày hội đồng chấm thi công bố kết quả, thầy trò cùng hồi hộp, tâm trạng khác nhau. Khi nghe tin trường tỉ lệ tốt nghiệp cao, vượt hơn năm trước, như vậy là thành tích thi đua năm nay là yên tâm.

 Ngoài những bất cập nói trên thì dư luận xã hội cũng đang cảm thấy bất an trước một lối sống thực dụng đang manh nha xuất hiệ từ những thông tin doThứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời trên truyền thông rằng: Thực chất nếu nhìn trên tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh thì chỉ có vài chục ngành có điểm chuẩn cao (chiếm tỉ lệ rất thấp, chưa đến 1% tổng số ngành) thuộc các trường quân đội, công an, y dược.

Như vậy có thể hiểu đây là những ngành đang được xem là rất hot hiện nay. Nên số lượng thí sinh ứng tuyển luôn cao hơn chỉ tiêu đến vài chục, thậm chí vài trăm lần. Và  khi được hỏi vì sao lại chọn khối trường này nhiều thí sinh và phụ huynh các em đã không ngần ngại bày tỏ, học trong các khối trường này họ không phải lo học phí do được Nhà nước bao cấp toàn phần hoặc một phần, không phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp…vv.và vv… 

Đây là niềm tin có thật và cũng dễ chấp nhận của những ông bố bà mẹ chân lấm tay bùn và của những công nhân suốt ngày tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Song, dù thông cảm nhưng cũng không khỏi chạnh lòng trước một bộ phận giới trẻ đang thiếu đi nhiệt huyết, chỉ mong có  được một chỗ trú ngụ an toàn. Trong suốt quá trình tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia cũng đã khuyên thí sinh đăng ký vài ba ngành cao hơn kết quả thi dự kiến, vài ba ngành sát với kết quả thi dự kiến và vài ba ngành thấp hơn kết quả thi dự kiến. Khi xét tuyển thí sinh được xét bình đẳng giữa các nguyện vọng (không trúng tuyển nguyện vọng cao sẽ trúng nguyện vọng thấp), nhưng khối trường sư phạm vẫn không thể nâng mức điểm sàn cao hơn điểm sàn của Bộ Giáo dục & Đào tạo - điều này cho thấy, sự nghiệp trồng người vẫn chưa thể quay lại vị trí ngành hót mà vẫn còn trong tình trạng bấp bênh giống như không ít trường thuộc khối ngành xã hội.

 

Những ồn ào về kỷ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 chưa hẳn đã hết bởi sau kỳ xét tuyển đợt 1 sẽ còn các đợt 2,3, thậm chí nhiều trường sẽ tuyển thêm đợt 4 và 5 cho đủ số lượng đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt. Và ai có thể biết trước sẽ còn có những chuyện gì sẽ xảy ra, liệu có còn chăng tình trạng “ vơ bèo vào tép” như đã từng xảy ra trong nhiều mùa tuyển sinh năm trước.

Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định phần mềm lọc ảo được áp dụng cho mùa tuyển sinh năm nay đã và đang phát huy tác dụng, giúp các trường xác định rõ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển. Nhưng với “độ mở” không giới hạn nguyện vọng đối với mỗi thí sinh, thì liệu có hạn chế số lượng ảo hay không?. Chưa kể nhiều trường không xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp mà xét điểm theo học bạ. Đã xuất hiện hiện tượng một số học sinh cuối năm lớp 11 điểm kém suýt ở lại lớp, năm nay điểm trung bình cả năm lớp 12 trên 6 phẩy. Có em suốt cả bậc học phổ thông không hề biết đến danh hiệu tiên tiến là gì, cuối năm 12 cha mẹ bỗng thấy con mang về giấy khen học sinh tiên tiến.  Xét điểm theo học bạ vô hình chung sẽ tạo ra tiêu cực cho cả người dạy và người học.

 


Có thể bạn quan tâm