April 19, 2024, 7:53 pm

Sự bảo vệ pháp lý của nghệ thuật đường phố

Chúng ta biết rằng các thành phố lớn trên thế giới, nghệ thuật đường phố là một phần không thể thiếu khi nói đến nền văn hóa của họ. Chẳng hạn, London là thành phố vô cùng nổi tiếng với nghệ thuật đường phố, thu hút các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Nghệ thuật đường phố đã trở thành một phần không thể thiếu trong đặc trưng của London.

Ở Việt Nam, mặc dù chúng ta nhận thấy sự phát triển khá rầm rộ của những nhóm trình diễn múa, ca hát hoặc các hoạt động nghệ thuật không thường xuyên tại chỗ, thì nghệ thuật đường phố nhìn chung chỉ là những chắp vá rời rạc và vẫn trong tình trạng…mong đợi một đột phá lớn lao. Còn khi nói đến nghệ thuật đường phố và nghệ thuật đô thị, thì người nghe phần lớn sẽ nghĩ ngay đến graffiti. Tuy nhiên, ở đây có sự khác nhau.

Theo định nghĩa chung, thì nghệ thuật đường phố là “tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng được tạo ra để tiêu thụ bên ngoài bối cảnh phòng trưng bày nghệ thuật điển hình”. Nó thường gắn liền với tái tạo đô thị. Nói cách khác, nó cho phép các không gian có được danh tiếng sáng tạo để thu hút du khách và các nhà đầu tư.

Một bức tranh đường phố được vẽ 2012 và được phục hồi vào tháng 10 năm 2017 - Ảnh Martin Ron.

Khác với nghệ thuật đường phố nói chung, graffiti được dùng để chỉ những bức tranh vẽ tên và ký tự trên bề mặt đô thị. Đây là một hình thức nghệ thuật từng được coi là hành vi phá hoại và phạm pháp. Nhiều quốc gia hiện nay vẫn cấm các nghệ sĩ graffiti, và nếu bị bắt, họ có thể bị phạt tiền và ngồi tù. Trong khi đó, một số nơi lại công nhận là một loại hình nghệ thuật được kính trọng thông qua “nghệ thuật đường phố”. Một số quốc gia, như Việt Nam, graffiti được công nhận một cách…dè chừng.

Nghệ thuật đường phố giải trí cho người xem ở nơi công cộng; nó truyền tải một thông điệp và thu hút công chúng. Một trong những thành phần chính của nghệ thuật là tự do ngôn luận. Graffiti thực hiện quyền này bằng cách đưa sự sáng tạo ra đường phố. Phần lớn nghệ sĩ coi những con đường “hợp pháp” và được quản lý như phòng trưng bày và bảo tàng là những doanh nghiệp kiếm lợi nhuận, tách rời nghệ thuật khỏi cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, họ buộc phải tạo ra nghệ thuật trên các bức tường thành phố mà mọi người đều có thể tiếp cận được.

Thật không may, hiện các nghệ sĩ đường phố gặp khó khăn trong việc phá hủy hoặc phân phối lại tác phẩm của họ mà không được công nhận.

Nghệ thuật đường phố, nghệ thuật ngoài trời đối mặt với sự hủy hoại của môi trường như thế nào?

Khác với những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày và bảo vệ ở trong không gian kín, nghệ thuật đường phố, do trưng bày ở ngoài trời nên luôn phải đối mặt với sự hủy hoại của thời tiết và môi trường, nhiều khi là cả sự tác động xấu từ con người.

Ở Việt Nam, một thời gian làng tranh bích họa Tam Thanh được ca ngợi là “thiên đường sắc màu”, “bảo tàng tranh sống động”. Tuy nhiên, sau vài năm, môi trường đã tác động rất rõ nét lên các bức tranh nơi đây. Báo chí lại một phen…phàn nàn. Gần đây, 30 bức tranh được các họa sĩ và “những người có năng khiếu” vẽ thêm. Năm 2022, Đà Nẵng đã mở con đường tranh bích họa biển. Để bảo vệ con đường nghệ thuật này, người ta đã tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực đường bích họa; lắp hệ thống camera giám sát xung quanh khu vực đường tranh.

Còn phố bích họa Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện, khai trương tháng 2/2018. Đoạn phố dài hơn 200 m, trưng bày 17 tác phẩm trên 127 vòm cầu, gợi nhớ về Hà Nội xưa. Sau năm năm, một số hạng mục, tranh đã bị xuống cấp, hư hại. Đầu năm 2023, rất may, các đơn vị liên quan đã phối hợp khắc phục.

Những bức tường công cộng, tường nhà dân sát mặt đường ở các đô thị, nông thôn nhiều năm nay được đầu tư…cho phép các dự án bích họa thực hiện, nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, trừ một số dự án nghiêm túc, được các họa sĩ chuyên nghiệp thực hiện, thì phần lớn là do “những người có năng khiếu” làm, dẫn đến tình trạng …dở khóc dở cười. Rồi không ít những công trình công cộng đã bị nạn graffiti hoành hành. Gần đây nhất, đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu tại depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại bị xịt sơn, vẽ bậy. Phía nhà thầu đã báo công an vào cuộc điều tra. Người ta lại đặt một câu hỏi: Chẳng lẽ cứ để cái nạn này hoành hành mãi hay sao?

Nghệ thuật đường phố và nghệ thuật đô thị có được bảo vệ bởi luật bản quyền?

Tới đây, chúng ta đều nhận ra rằng: Khi một tác phẩm nghệ thuật đường phố, nghệ thuật đô thị (bao gồm cả graffiti, vì thể loại này được coi như một phần của nghệ thuật đường phố) bị phá hủy vì những người sở hữu tòa nhà, bức tường, hay một công trình xây dựng nào đó, thì các nghệ sĩ sẽ phải làm thế nào?

Ở các nước mà nghệ thuật đường phố rất phát triển, thì phần lớn người ta vẫn …chưa rõ liệu nghệ thuật đường phố có được pháp luật bảo vệ hay không. Tuy nhiên, ngày nay rõ ràng là các nghệ sĩ đường phố có quyền bảo vệ tác phẩm của họ khỏi bị chiếm đoạt hoặc phá hủy trái pháp luật. Những quyền này thường được gọi là Quyền đạo đức. Tại Mỹ, một trong những phần pháp luật quan trọng nhất bảo vệ quyền của nghệ sĩ đường phố là VARA, Đạo luật về quyền của nghệ sĩ thị giác. Những quyền đó gồm: Quyền ghi công, Quyền liêm chính. Chẳng hạn như “Quyền toàn vẹn cho phép tác giả ngăn chặn mọi thay đổi làm biến dạng hoặc cắt xén tác phẩm của mình”. Ở một số khu vực pháp lý quốc tế, quyền toàn vẹn cũng bảo vệ tác phẩm nghệ thuật khỏi bị phá hủy.

Khi nào một tác phẩm nghệ thuật đường phố được bảo vệ?

Cho đến gần đây, vẫn chưa rõ khi nào nghệ thuật đường phố được bảo vệ, mặc dù người ta nói nghệ thuật đường phố được pháp luật bảo vệ như nghệ thuật thị giác. Và người ta cũng cho rằng chỉ những tác phẩm tầm vóc được công nhận mới được bảo vệ. Tuy nhiên, lại gây ra hàng loạt những tranh cãi khác, như thế nào là “một tác phẩm tầm vóc và được công nhận”? Hay “Ai sở hữu tác phẩm? Nghệ sĩ hay chủ sở hữu của bức tường? Bức tường nơi tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo có thể bị phá bỏ?”

Luật bản quyền có bảo vệ nghệ thuật đường phố không?

Câu trả lời ngắn gọn: có, miễn là tác phẩm gốc. Tuy nhiên, luật bản quyền đã đưa ra những hạn chế nhất định đối với độc quyền của tác giả, cụ thể là khi tác phẩm được đặt vĩnh viễn ở không gian công cộng. Ví dụ: Ở Tây Ban Nha, các tác phẩm nằm cố định trong công viên, đường phố, quảng trường hoặc những nơi công cộng khác có thể được sao chép, phân phối và truyền đạt tự do bằng tranh, bản vẽ, ảnh chụp và các thủ tục nghe nhìn. Ở Vương quốc Anh, quyền tự do sao chép tác phẩm trong không gian công cộng chỉ áp dụng cho các tác phẩm điêu khắc, tòa nhà và đồ thủ công. Do đó, không áp dụng cho các tác phẩm đồ họa (bao gồm cả nghệ thuật đường phố). Ở Pháp: chỉ áp dụng cho các công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc, được đặt cố định trên đường công cộng và không có mục đích thương mại.

Như vậy, các quyền của nghệ sĩ liên quan đến nghệ thuật đường phố khác nhau tùy thuộc vào nơi đặt tác phẩm, điều này có thể gây khó khăn cho việc biết khi nào ai đó có thể sao chép hoặc không cho tác phẩm được đề cập.

Sự thật thú vị: hành vi phá hoại bị trừng phạt, ở hầu hết các quốc gia đều theo luật hình sự. Do đó, một tác phẩm nghệ thuật đường phố dù đẹp đến đâu, nếu nó được thực hiện mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bức tường, nó có thể bị trừng phạt bởi luật hình sự. Tuy nhiên, việc bị trừng phạt như một tội hình sự sẽ không ngăn tác phẩm được bảo vệ bởi bản quyền.

Cuối cùng, theo Shiryn Hagh - Luật sư trong nhóm Sở hữu Trí tuệ của LegalVision, chuyên về Nhãn hiệu thì: Cả nghệ sĩ đường phố và chủ sở hữu tài sản đều phải nhận thức được quyền sở hữu trí tuệ. Các nghệ sĩ đường phố cũng nên lưu ý rằng họ có thể thương mại hóa nghệ thuật của mình thông qua các thỏa thuận cấp phép và thực thi các quyền hợp pháp của họ.

Lý Uyên

Nguồn Văn nghệ số 23/2023


Có thể bạn quan tâm