April 16, 2024, 12:08 pm

Sự ám ảnh từ những nhân vật trong tiểu thuyết của Tùng Điển

Người cũ là Tiểu thuyết của Nhà văn Tùng Điển vừa ra mắt công chúng bạn đọc vào tháng 7 năm 2018. Tiểu thuyết hiện đại này không đồ sộ về số trang. Không “trường thiên” ở chương hồi, ở đa tầng, đa tuyến. Nhưng Người cũ thực sự tạo được cái lớn hơn “cái Nó đang có” ở sức vang, sức loang thấm, chảy dài với sức ám ảnh ở nhân vật, sự kiện...

Tôi từng đọc Tùng Điển mấy chục năm qua. Tùng Điển viết không nhiều. Anh coi trọng cái tinh, cái chất. Bởi vậy, gần như trong các tác phẩm văn xuôi được xuất bản, có tới năm tập Tiểu thuyết, Truyện ngắn, (chiếm gần một nửa tác phẩm, xuất bản) Tùng Điển đã giành được Giải thưởng cao từ các cuộc thi sáng tác Văn học. Tùng Điển cũng là Nhà văn đã vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học Nhà nước, năm 2017.

Là nhà văn, nhưng quãng thời gian khá dài, Tùng Điển với vai trò là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn. Rồi, Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật của đất nước. Với anh, công việc quản lý luôn đè nặng, chi phối không ít cho tư duy lao động sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy, có tới gần ba năm trời, Tiểu thuyết Người cũ của Tùng Điển mới ra đời trong nấu nung, vật vã, trong cái chầm chậm ngẫm soi “chính mình” với một phía “khác mình.”

Tôi đã đọc một mạch và dừng lại khá lâu chương Người thiên cổ, chương khép lại cuốn sách trong sự hấp dẫn và cuốn hút của tiểu thuyết Người cũ của Tùng Điển. Có lẽ, tôi và khá đông bạn đọc đương thời thích cuốn Tiểu thuyết này ở dung lượng thích hợp. Ở bối cảnh của thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các mạng xã hội đẻ ra tràn ngập. Tiểu thuyết Người cũ của Tùng Điển là “cái Kênh” ưa thích và phù hợp. Là trên hết, điều cốt lõi nhất của nó là cái Hay, cái đọng, cái ấn tượng sâu sắc của tác phẩm.

Dễ nhận thấy từ tiêu đề của tác phẩm Người cũ là không gian của hồi ức, kỷ niệm, nó gợi về khoảng mờ xa trong nét đậm gọi về. Người cũ là câu chuyện người quê, cảnh quê, thời kháng chiến đánh Pháp. Cái thời đã khuất mờ tới sáu bảy mươi năm, đã lùi xa quá nửa thế kỷ đời người. Từ  một vùng quê, nơi cách trung tâm Hà Nội một cánh đồng “mênh mang, hút mắt...” Nơi quê hương Nhà văn từng sinh ra, lớn lên, từng một đời thân thương, gắn bó. Nơi “đại giác” đầy phong lưu, sinh động, đã đẻ ra “đại mộng” cho nhà văn ôm ấp một ngọn lửa được nuôi dưỡng, nhóm nhen trong suốt cả đời mình. Cũng bởi vậy mà Người cũ là câu chuyện cuộc đời, nhưng khi bước vào trang viết, tất nhiên là mối quan hệ hai hay nhiều chiều hơn thế, song ngỡ như mạch ngầm sâu của  tiểu thuyết Người cũ được đi từ “Ý niệm”. Cái ý niệm có trước. Ý niệm trở thành vai trò trội vượt, thành tầng nổi cho trang viết hiện diện. Thành ý tưởng mà nhà văn tâm huyết, gửi vào đấy những khoảnh khắc của tia nắng làm sáng dậy hồn mình.

Bằng nghệ thuật tự sự, “nhân vật Tôi” là người dẫn truyện. Với lối kể có duyên qua cô đặc, tinh lọc, tất cả những gì là hiện thực của thế giới bề mặt được hiển hiện và phát lộ lại dội lên từ tầng chìm sâu, nơi cảm rung, qua trải nghiệm và nghiền ngẫm của nhà văn. Để rồi, mọi hình hài của cái bên ngoài sáng dậy đều có từ nhu cầu của cái bên trong của ý tưởng, của “cái Ta Biết,” qua những lần mở mắt nhìn đời.

Người cũ với bốn mảng của Tiểu thuyết được chia tách, mang tên Sân 51, Những người chân đất, Hai người lính TâyNgười thiên cổ... Mỗi mảng rời, ngỡ như không liên quan này, tạo nên sự “kết cấu dính” trong nghệ thuật “văng xa” mà hội tụ, làm nên vòng xoáy, làm bật dậy điểm sáng của những gì là lý giải, phát kiến của nhà văn.

Chương đầu, Sân 51, Tùng Điển mô tả khá hấp dẫn những gương mặt nghệ sĩ đáng kính. Chuyện cây si trước cửa Hội Liên hiệp. Chuyện đôi Rùa vàng được yểm dưới gốc cây. Những chuyện tâm linh trong linh nghiệm, biến hóa... Rồi, truyện ông Tròn, “người xưa nay hiếm” với những người du kích anh dũng năm xưa trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Truyện quân giặc tàn ác hành hạ những người dân yêu nước. Rồi, truyện Hai người lính Tây trong khu phi quân sự với những ứng xử vui lạ, hồn nhiên nơi đối mặt ở một góc trận tuyến.

Đấy là sự khác biệt ở một góc mặt trận của hai người lính Tây bị đẩy sang Việt Nam làm lính trận. Hai người lính trẻ này chỉ thích ngôn ngữ Việt, thích hát dân ca quan họ với những bài ca dao đậm chất trữ tình. Hàng ngày hai người lính Tây luôn tìm gặp, thích giành những phần quà và vui chơi với cậu bé như bạn bè tri kỷ. Thậm chí, buổi có lệnh rút quân, phải chia xa, người lính ấy đã viết câu thơ tiếng Việt: “Gió đâu gió mát sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng thế này...” dấu vào hốc cây, gửi cho người mình nhớ...

Với ý thức, tạo hiệu quả truyền tải khái quát, nhanh và cô nén hơn trên mỗi trang tiểu thuyết. Ở Người cũ, Tùng Điển không sa vào mô tả ngoại hình, không sa vào dựng cảnh, dựng việc, hay khơi sâu, phân tích tâm lý nhân vật. Lấy tình tiết điển hình. Tự sự, bình phẩm và “Luận” điển hình là bước “cô,” rút ngắn tới bến bờ dội vang của sự kiện và ý nghĩa lớn hơn nơi phía sau mỗi sự kiện phản ánh.

Giống như dòng trôi êm trong lối mở, dẫn tới nguồn chảy dồn căng, xô tấp ở chặng cuối tìm về. Ở Tiểu thuyết Người cũ, từ chương Người thiên cổ, Tùng Điển đã đặt ra cái khó cho tiểu thuyết, ở cùng lúc mở ra hàng loạt tuyến nhân vật. Hàng loạt tình tiết thắt buộc. Hàng loạt mớ bòng bong, cần có những mối gỡ, đòi hỏi sự ứng xử cao tay của một nhà Tiểu thuyết. Và Người cũ như thăng hoa hơn, linh diệu hơn, kết tinh hơn khi người đọc thực sự nhập hòa, nín thở, trong hồi hộp, trong mong chờ, định đoán. Để rồi, kết cục có được khi Tùng Điển đã khá thành công ở Người cũ. Ở vai trò điều binh, khiển tướng, vai trò làm chủ thế cờ trong từng bước “tìm về trận cuối”. 

        Đi từ đơn tuyến tới kết cục của đa tuyến, đa tầng, Người c làm người đọc ám ảnh ở các “cao trào nhân vật”

        Sự ám ảnh từ bóng hình một ông Chánh, người bệ vệ, quắc thước. Ông ra làm viêc vì một căn nguyên nào khác của thời cuộc. Ông là người yêu nước, thương dân. Người lòng lành, tâm sáng. Với nhân vật này, Tùng Điển đã thật tài hoa ở đôi nét chấm phá, dựng lên “sự im lặng vĩ đại” của ông Chánh. Khi thằng Tây Lùn kéo quân vào nhà bắt cô Ngưu, con gái ông đem đi. Khi chúng phục kích giết chết anh Huề người yêu của cô Ngưu và ông Chánh giam vào phòng riêng. Phút xóm làng bị tàn phá. Phút người dân ngác ngơ trông ngóng vào ông. Phút ông Chánh mở toang cánh cổng, điềm tĩnh bước ra đường cái quan, đi giữa “trận can qua.” Sự im lặng của ông Chánh khi đứng nhìn xóm mạc, đứng nhìn ông bố đẻ của Huề, người cha đang đau thương khi đứa con mình vừa bị giặc giết hại.  Tất cả “sự im lặng kỳ lạ” này lại làm sáng lên sự thấu hiểu tận cùng của đáy lòng ở mỗi con người, ở mỗi phẩm cách, và ở mỗi nhân tình, thế cuộc...

          Ám ảnh trong căm giận và xót thương hơn nữa là Nhỡ. Nhân vật vô gia cư, không cha mẹ, được cụ Chánh thương tình nhặt về từ góc chợ. Là kẻ ở trong nhà, Nhỡ vô học, ngu dốt, hám tiền, bị địch mua chuộc, dụ dỗ. Nhỡ hóa thành kẻ phản bội. Nhỡ đã chỉ điểm, dẫn đường cho giặc về tàn phá thôn làng, gieo họa cho gia đình ông Chánh. Tiếp tay cho Tây Lùn trả mối hận tình, bắt giữ, hành hạ cô Ngưu, người nuôi dưỡng, chiều chuộng Nhỡ, kẻ vong ân, bội nghĩa. Kết cục cuộc đời Nhỡ mới là sự ám ảnh ghê gớm của thân phận, kiếp người. Khi sau này, không con đường nào khác, Nhỡ lại phải tìm đường quay về sống quẩn quanh nơi góc chợ cũ xưa. Rồi, một ngày, khi cô Ngưu tìm gặp Nhỡ, muốn trả mối hận thù cay đắng. Nhưng mang trong mình ung bướu của nỗi đau vì tội đồ, vì nghiệp chướng đã gây nên. Nhỡ muốn sám hối, muốn được “người mình hại”, sẽ hành hạ”. Sẽ trị tội. Sẽ “hại lại chính mình” cho đáng đời, đáng kiếp, cho may ra khi nhắm mắt, Nhỡ mới được an lòng. Và, từ nỗi dày vò quặn thắt ấy, Nhỡ đã cướp lấy chén “rượu độc” và vội uống khi phút giây cô Ngưu còn đang run rẩy, chần chừ vì bỗng chạnh tới lòng thương. Nhưng, không kịp nữa, Nhỡ đã kết liễu đời mình nơi góc chợ tối tăm và đau thương như vậy.          

           So với Nhỡ, nỗi ám ảnh còn thăm thẳm hơn nhiều là cuộc đời Ngưu, cô con gái ông Chánh. Ngưu là nhân vật “cành vàng lá ngọc”. Khước từ mọi giàu sang phú quý, Ngưu yêu Huề, theo Việt Minh chống lại lũ xâm lăng, bán nước. Bị Nhỡ, kẻ ở đợ phản bội, thằng Tây Lùn trả thù, Ngưu bị bắt bớ, bị giam cầm hành hạ. Ngày trở về, cha mất, nhà tan. Cô Ngưu một mình sống trong cảnh đơn côi, ôm một nỗi niềm riêng. Không tiếp xúc với ai. Không ai hiểu nổi mình. Với đời Ngưu, với tháng năm kia? Đấy là công hay tội? Là cái đẹp hay sự xấu xa, ruồng bỏ. Là giá trị hay là sự đáng ghét bỏ, dập vùi... Và, cô Ngưu, người của thế kỷ nào? Cô vẫn còn đấy mà như đã mất bóng, đã biệt tăm trên mịt mờ mặt đất...

        Cùng với ông Chánh, anh Huề, rồi thằng Nhỡ, cô Ngưu... Nhân vật Tây Lùn với sự gian ác, mưu ma, chước quỷ. Bao nhiêu ám ảnh khi đậm, khi thoáng chợt còn đeo đẳng, dày vò và loang dài trong tâm trí người đọc. Từ cái chết của ông Chánh với hình ảnh “con chó thủy chung” được vớt lên từ đầm nước bên cầu Gạch đầu làng. Hình ảnh “Người lính Tây” sau này đã tuổi tác, còn tìm lại mảnh đất vùng quê chiến địa xưa, nơi vẫn còn lưu giữ thật tươi xanh những kỷ niệm hồn nhiên với cậu bé, với câu thơ tiếng Việt gửi dấu ở hốc cây, buổi rời bốt, lên đường...  

       Ở tiểu thuyết Người cũ, phải nói Tùng Điển đã biểu hiện sự chặt chẽ, thỏa đáng các nhân vật, các tình tiết được đề cập trong hiện diện, trong mối liên quan và kết cục với hiệu quả, hiệu ứng trên các dòng vận động. Những nhân vật với sự xuất hiện đậm nhạt khác nhau nhưng đều khá hấp dẫn ở bóng hình, ở nét riêng trong cuộc đời, tính cách. Người cũ là Tiểu thuyết mới mẻ trên bước đường chuyển tiếp và đổi khác của thi pháp văn chương Tùng Điển. Là thành công mới, đắp dầy và nối dài trên con đường lao động và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

        Ở Người cũ, từ Sân 51, Những người chân đất, tới Người thiên cổ...  luôn xuyên suốt, luôn lấp lánh, tỏa rạng một điều: Trong cõi “vô biên độ” kia. Trong những góc khuất đời thường ấy. Có biết bao mảnh nhỏ Đời này. Là cái đẹp. Cái thân phận khổ đau. Cái cao cả. Cái thấp hèn. Cái bi ai, lỗi lầm và những gì gì nữa... Trong khuất mờ, nó vẫn sống. Vẫn lung linh. Vẫn là Nó. Nhưng nó sẽ tan chìm, mất bóng, sẽ chẳng còn gì. Sẽ chẳng là gì trước bóng ngày đang trôi đi dài dặc...” Bởi vậy, nhà văn Tùng Điển đã “thử dùng ký ức vẽ lại, xem còn gì trong cái máy ghi hình của tạo hóa” nữa không? (Trang 162)

          Có lẽ, từ “tự thức” và ý thức ấy. Tiểu thuyết Người cũ của nhà văn Tùng Điển đã góp vào văn đàn đất nước một tiểu thuyết Hay, với tiếng nói riêng anh.

 

        Nguồn Văn nghệ số 51/2018                  

 


Có thể bạn quan tâm