April 25, 2024, 5:18 am

Sóng ngầm

Làng lọt thỏm giữa thung lũng, toàn đá. Đá chất chồng lên nhau, không hình thù cố định. Những ngôi nhà sàn vây thành vòng cung, trong chiều gió, có cảm tưởng tất cả đều đang lung lay. “Chắc chắn lắm đấy”, Phương, anh chàng hướng dẫn viên ghé tai tôi. Những đụn mây dạt ra, mở đường cho nền trời trong veo. Tia nắng đầu ngày rơi trên ruộng bậc thang nhấp nhô như bức tranh thủy mặc.

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Hít vào một ngụm không khí, tôi thả lòng mình sau chặng đường dài ngồi xe. Tour lên Pơ Lang này của J là chuyến “đi chơi kỳ lạ” nhất trong cuộc đời vừa đủ hai chín năm của tôi. Từ sau tuổi hai mươi hai, bắt đầu với chân phóng viên tập sự, tôi đi bất cứ lúc nào. Trừ những loạt bài điều tra được lên kế hoạch tỉ mỉ, mất mấy tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thành, phần lớn thời gian còn lại đều chạy theo dòng thời sự. Triều cường, kẹt xe, ô nhiễm, bạo hành, cháy nổ, trộm cướp, cái vòng luẩn quẩn như thòng lọng siết chặt cổ, sợ hãi trở thành cảm giác dễ tin nhất. Đôi khi mệt mỏi cùng cực, vẫn chưa giây nào tôi tính đường bỏ việc. Không có khái niệm ngày nghỉ, không cuối tuần, giờ giấc cố định lại càng không. Má tôi từng rất tự hào ngày con gái bước chân vào giảng đường khoa báo chí trong thành phố cách quê nhà cả ngàn cây số. Nhưng, năm rồi bảy năm sau khi ra trường, bà thấy cái sự không chồng con của tôi là quá đỗi bất thường. Ở quê, phụ nữ ngoài hai mươi chưa có ai ướm lời coi như ế chỏng ế chơ. “Yêu đương gì đi chớ”, có lần, má tôi nói, và rồi thở dài. 

Tổng biên tập kéo tôi ra xe, đẩy lên hàng ghế đầu, đã có năm bảy người ngồi: “Em đi rồi về”. Chị lo mọi thứ, từ việc đăng kí tại J, đóng phí đến mớ quần áo được xếp gọn trong vali. Trước đó một ngày, tôi nộp đơn xin thôi việc, chị im lặng đẩy tờ giấy qua góc bàn. Sau những cái siết tay thật chặt, đồng nghiệp đứng tựa lưng vào mấy mảng tường nhìn tôi thất thểu bước xuống cầu thang. Ý nghĩ tôi sẽ không quay lại, hoặc rất lâu nữa hiện rõ mồn một trong mắt mọi người.

Cả nhóm ở lại ngôi nhà sàn được thiết kế theo kiểu homestay, không ngăn cách phòng, nam tầng hai, nữ tầng một và có rất nhiều cửa sổ. “Chừng nào các bạn cảm thấy thật ổn, chúng ta sẽ về nhà”, Phương quả quyết. Mốc thời gian đó nghe mơ hồ làm sao. Chúng tôi mỗi người một vẻ, không ai nhìn ai, biết ai hay quan tâm ai, như thể J thiết kế riêng một cuộc trốn chạy cho những kẻ bị thương không dính dáng gì nhau.

Mọi người tản ra, vụng về thảy hành lý dưới sàn nhà. Một cô gái còn rất trẻ ngồi phịch xuống, bật khóc ngon lành. Bờ vai cô rung lắc cùng tiếng nấc nghẹn như có tảng đá đè ngang lưỡi. Mấy đầu ngón tay cô còn vương lại mầu vẽ. Tôi nhìn chằm chằm vào đó, và, cái tên Kỳ Yên bật ra từ miền ký ức rất xa, ngỡ như lâu lắm rồi. Kỳ Yên quản lý một gallery nho nhỏ. Cô gái hai mươi lăm tuổi này, như tôi biết, luôn khiến người đối diện thoải mái bởi sự hài hước và lòng nhiệt thành. Tôi bước tới, tính đặt tay lên vai Kỳ Yên, nhưng một cô gái khác, mái tóc uốn lọn mầu socola thả hờ trên vai, xẹt qua đứng chắn ở giữa: “Cứ để cô ấy vậy đi”. Là vị khách cuối cùng nhảy tour TRỞ VỀ, tôi đã không được báo trước hãy cho nhau những khoảng trời riêng tư với cảm xúc của chính mình. Rốt cuộc chẳng có màn an ủi nào. “Nghe đâu có một ngọn đồi cao, lên đó sẽ thấy được bao quát khung cảnh thung lũng”, cô gái tóc uốn nói. Tôi ậm ờ: “Chúc chuyến leo núi bình an”. Ra tới cửa, cô ngoảnh đầu lại: “Em là Anh Thi”.

Đầu làng sừng sững cây hoa gạo cao lớn, ước chừng cả trăm năm tuổi. Phải vì thế mà làng mang tên Pơ Lang, cách gọi khác của hoa gạo? Phương nói vốn dĩ làng không có tên. Du khách ghé thăm, nhìn cây hoa gạo độc nhất nằm ngay lối vào làng nên gọi Pơ Lang riết thành quen. J kết nối với Pơ Lang qua cam kết về chương trình du lịch cộng đồng. Người đến Pơ Lang không có sự tách biệt chủ - khách. Ở đây, mọi thứ đều tĩnh lặng hoặc vui nhộn một cách trong trẻo. Chúng tôi có thể bó gối bên bếp lửa, ăn vài củ khoai mới vùi trong tro than và uống ngụm nước mưa mát lành. Giếng nước đầu làng không bao giờ cạn. Lũ trẻ học chữ vỡ lòng do thầy giáo – thương binh dạy trong căn phòng nhỏ được người Pơ Lang cùng hùn hạp cất lên. Việc sử dụng điện rất hạn chế, các thiết bị công nghệ cũng hiếm. Cả Pơ Lang chỉ được ba cái tivi nằm rải rác từ đầu đến cuối làng. Sau một ngày làm việc trên rẫy, mọi người tập trung vào buổi tối trong những nhà có tivi, xem chương trình thời sự và bộ phim gia đình Hàn Quốc dài tập. Chuyện này làm tôi nhớ thuở bé ở quê, thế hệ 8x đời cuối và 9x đời đầu mà ngày nay nhiều người thường gọi là “thế hệ cô đơn” chúng tôi đã dành những buổi sớm 6 giờ sáng và 17 giờ chiều mùa hè cho các bộ phim thiếu nhi Mỹ, Úc và Mexico, tỉ như Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Cô gái đại dương, hay Vùng đất thủ lĩnh rồng.

Tôi gặp má con chị Hưởng trên cánh đồng bắp nếp đang độ trổ cờ, râu non khoe mầu đỏ phất phơ trong gió. Chị nhoẻn miệng cười, kéo tay tôi đi dọc theo những hàng bắp đều tăm tắp, khoe vụ năm nay được mùa. “Hết mùa bắp mình sẽ ra thành phố mua cho Na cái hộp dẹp to bằng này”, chị dùng cả hai tay tạo dáng một hình chữ nhật. Mãi sau tôi mới hiểu “cái hộp” là laptop, đồ vật hấp dẫn mà chị nhìn thấy trên tay vài du khách đến Pơ Lang. Tôi đã bỏ lại, có lẽ những người khác cũng vậy, tất cả thiết bị công nghệ từng kè kè bên mình. Cứ như thể vứt chúng thì bản thân không còn dây mơ rễ má gì với nỗi buồn nữa. Mắt chị Hưởng sáng rực trước viễn cảnh “cái hộp” nằm gọn trong lòng Na, hẳn chị đã mường tượng rồi tua đi tua lại trong đầu cảnh đó hàng ngàn lần. Đôi khi tôi tự hỏi, một cách kì cục, nếu không có điện thoại thông minh, không laptop, không đường truyền internet, không mạng wifi liệu chúng ta có hạnh phúc và bình an hơn hồi mình còn tin cho nhau bằng những lá thư tay, bằng những cuộc gặp gỡ trực tiếp?

Na chừng mười lăm tuổi, ngồi vọc đất, đôi mắt to tròn xa xăm. Cô bé không dự phần vào cuộc chuyện trò của tôi và chị Hưởng. “Con bé không nói được em ạ, từ cái dạo bị một thằng người bất lương làm hại”, chị Hưởng thở hắt ra. Những cuộn khói đen đột ngột trờ tới. Tôi bước thụt lùi rồi gập người thở dốc. Cơn đau chạy từ đỉnh đầu xuống thái dương, như có trăm ngàn nhát búa đập vào, lúc nảy tưng tưng, lúc lại như đang kéo lê thành đường dài. Tôi nôn nốc thôn tháo, một dòng nước nhờ nhờ thoát ra từ miệng. Nắng vẫn rơi trên đầu, nhưng tôi run cầm cập. “Em có sao không?”, chị Hưởng hốt hoảng lay vai tôi. Chị tính chạy đi gọi người tới giúp. Tôi ngăn lại: “Em không sao”. Thêm một cơn mộng mị giữa ban ngày.

Buổi sáng thứ hai ở Pơ Lang, mắt tôi khựng lại vài giây, dưới tán hoa gạo, người đàn ông ngồi đó, áo sơ mi tối mầu cùng mái tóc bù xù như ổ rơm, vết sẹo dài hình tia chớp vắt qua mu bàn tay nổi rõ dưới ánh mặt trời. Tia chớp bập vào mắt tôi, vừa buồn bã, vừa ám ảnh. Cũng như đường rạch trên cổ tay sẽ còn mãi, nhắc tôi nhớ Mỹ không còn nữa. Con bé đã bỏ tôi đi rồi. Thức dậy trong bệnh viện giữa bốn bức tường rặc mùi ete, he hé mắt đảo quanh thấy bóng má tựa dấu chấm hỏi đổ dài, tôi rùng mình, dùng dằng ý nghĩ: mình còn sống sao? Tại sao Mỹ chết, còn tôi sống? Vị bác sĩ phụ trách chép miệng: “Sẽ để lại sẹo”. Vết sẹo vĩnh viễn.

Có vẻ người đàn ông ấy cũng đã nhận ra tôi. Chúng tôi nhìn nhau đến cả phút, lặng thinh. Mặt đất rung chuyển. Những đường nứt vạch ra dưới chân. Đá ào ào chạy từ đỉnh đồi xuống. Tiếng la hét, tiếng khóc, và âm thanh đỗ vỡ từ đâu đó đập ầm ầm vào màng nhĩ. Tôi nghĩ mộng mị lại bắt đầu rồi. Thành phố vừa trải qua cơn rúng động vì vụ cháy chung cư The Sun khiến mười ba người thiệt mạng. Như nhiều đồng nghiệp hiện trường, tôi ở lại cùng cư dân nơi đây cả tuần. Cập nhật diễn biến chữa cháy, số thương vong, ghi chép, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn gửi về tòa soạn trong nỗi hoang mang và buồn bã không sao diễn tả thành lời. Ngay đêm đám cháy bùng phát, chúng tôi vác máy ảnh chạy, cảm giác tuyệt vọng chẳng khác nào chính mình đang bên bờ vực thẳm. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chúng tôi thường nói về sứ mệnh đưa tin của người cầm bút. Nghe rất to tát thuở mình mới vào tuổi hai mươi, và thật oách. Sau này, không ít lần, bản thân hoang mang về cái sự oách đó. Đồng nghiệp kể, rất nhiều ngày trong tòa soạn, cứ gục trên bàn làm việc tôi lại nói mớ “Chạy đi”.

Ai đó kéo cánh tay, tôi theo như cái máy, cơ thể lắc lư tựa người say. “Cô muốn chết hả?, người đó quát lên. Mắt tôi chạm vào tia giận dữ trong mắt anh. Hai chúng tôi sững lại, thời gian ngưng đọng trong khoảnh khắc vừa đủ nhịp thở. Đúng là tôi đã muốn chết thật. Ở đó, trong cái kẹt giữa hai gian hàng, tối đen, mưa xối xả. Nỗi buồn trương lên từng giây. Mũi dao bấm rạch một đường dứt khoát trên cổ tay. Không đau. Máu rỉ ra và trống rỗng bắt đầu ngự trị. Tôi thèm trạng thái đó biết bao.

Ngày cuối theo tin vụ cháy chung cư The Sun, Mỹ mang cho tôi vài ổ bánh mì vừa ra lò. Con bé vẫn thường như vậy vào những hôm biết tôi đã ở hiện trường nhiều giờ liền, rồi về tòa soạn gõ bài mà chẳng cơm nước gì. Đã gần 10 giờ tối, chỉ còn lại một tuyến xe buýt cuối cùng. “Em về được chứ?”, tôi hỏi. Mỹ vui vẻ gật đầu: “Mẫn vào làm việc đi. Chừng Mẫn rảnh, mình ra biển chơi”.”Cuối tuần này”, tôi khẳng định. Tôi nhìn con bé bước lên xe, yên vị trên ghế tựa và vẫy tay với mình. Mỹ sẽ xuống trạm dừng đối diện tiệm bách hóa chị em tôi vẫn hay ghé mua gói bột ngọt, chai nước mắm, mấy gói mì. Thêm một trăm mét nữa về phía trái là chung cư nơi chúng tôi sống cùng nhau trong căn hộ tầng hai mươi bảy, đã gần chín tháng.

Chúng tôi chạy đua với những vệt nứt dài trên con đường mới phút trước còn được lát sỏi và mầu trắng xuyến chi. Người đàn ông vẫn giữ chặt cổ tay, như không có ý định buông ra, tôi cứ mặc. Bản năng sinh tồn trong mối hiểm nguy bất ngờ này đã lại trỗi dậy, dù mới hôm qua, trong tôi chỉ là một vùng chết. Trận động đất chớp nhoáng bất thình lình ập xuống khiến những khối đá đẹp đẽ băm nát Pơ Lang. Đất sụp dưới chân và đá tung tóe trên đầu. Nhà sàn không còn nữa, từng mảng tường gỗ nứt toác đè lên thân người. Tiếng kêu cứu mắc kẹt lại trong đống đổ nát.

Phương cõng cậu bé chừng bảy tuổi lao đến: “Toại, thằng bé không thở nữa”. Đó là tên người đàn ông dưới tán hoa gạo. Toại làm động tác ấn tim ngoài lồng ngực, trong khi Phương cố đẩy mấy khối đá lăn lóc đang chực chờ ào về phía thằng bé. Đến lúc kịp hiểu Toại là bác sĩ và giọng anh thét giữa cả trăm tạp âm: “Chúng ta phải giúp nhau trước, đội cứu hộ khó có thể đến nhanh được”, xung quanh không ai bảo ai, người còn có thể đều cố gắng cào cấu, đào bới nhấc lên từng khối đá, tôi vẫn cứ bước giật lùi, mơ hồ thấy mình đang nằm bó gối trên ghế trong phòng làm việc tại tòa soạn. Giấc ngủ chập chờn, văng vẳng bên tai là tiếng la hét, gào khóc, tiếng còi hụ của xe cứu thương, xe cứu hỏa. Những gương mặt người trôi giữa cuộn khói đen bốc cao ngùn ngụt. Bốn giờ sáng, chuông điện thoại reo vang, tôi bật dậy, đầu đau như búa bổ: “Một vụ cưỡng hiếp, giết người. Trời ơi...”, giọng chị bạn bên hội bảo vệ trẻ em thành phố nấc nghẹn. “Ở đâu, chị?”, tôi ào vào nhà vệ sinh, đánh răng rửa mặt qua loa rồi lao ra ngoài. Ba năm phụ trách đường dây khẩn tiếp nhận thông tin các vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em, với tôi, điện thoại là vật bất li thân. Ngày nào cũng cầu mong nó đừng reo, nhưng tần suất sáng màn hình dạo gần đây nhiều đến độ cảm tưởng mình đang thật sự mắc kẹt giữa vùng chết chóc.

Chợ ken kín người. Cảnh sát và bác sĩ pháp y cũng đã tới. Hiện trường bị phong tỏa. Có nhiều tiếng khóc xé toạc bầu không khí buổi sớm. Tôi cầm máy ảnh lách vào. Thấy gương mặt quen, anh cảnh sát thở dài: “Cô bé chừng mười sáu tuổi, vẫn còn mặc đồng phục của một trường nghề”. Lồng ngực trái nện thịnh thịch, tôi dáo dác nhìn quanh, nhận ra khu chợ này gần ngay chung cư mình. Trong lúc lái xe, ý nghĩ phải đến nơi thật nhanh đã hoàn toàn che mờ thực tế tôi đang trên đường về nhà. “Cô bé hẳn đã chống cự rất dữ dội. Máu quá nhiều”, anh tiếp. Còn gì nữa, tôi không nghe được. Cáng thương phủ tấm khăn trắng, khi đội pháp y khiêng ra xe, phần chân cô bé trệ xuống, lộ mẫu giầy thể thao Sorrento đen.

Mỹ là em út, cách tôi cả chục tuổi. Vì một lý do nào đó, mãi khi lên năm, Mỹ vẫn không gọi được một tiếng “má”. Bác sĩ kết luận con bé bị câm bẩm sinh. Má thường thu nắm tay đấm ngực thùm thụp, trách cứ bản thân rằng đó là lỗi của bà đã để đậu thai vào cái tuổi gần mãn kinh. Hẳn tuổi tác người mẹ đã tạo nên viễn cảnh không dễ chịu gì cho sức khỏe đứa con. Cầm tờ giấy khổ A4 từ bệnh viện về, ba tôi ngồi trên bộ phản trước hiên đốt thuốc lá cả đêm. Sau cùng, cả nhà quyết định phải vui sống, dù thế nào chúng tôi cũng thừa sức lo được cho Mỹ dẫu con bé không đi học, đi làm chăng nữa. Quê không có trường chuyên biệt dạy chữ và giao tiếp bằng tay, Mỹ lại khăng khăng muốn học. Bốn anh em tự phân công nhau, đứa cầm tay Mỹ nguệch ngoạc những ký tự A, B đầu đời, đứa đạp xe lên thị trấn hỏi chỗ này chỗ kia tìm mua bằng được mấy cuốn sách dạy ngôn ngữ ký hiệu. Năm anh em đều biết giao tiếp bằng tay là vì vậy. Rồi chúng tôi lần lượt vào đại học, Mỹ ở nhà cùng ba má với tiệm tạp hóa con con đầu chợ và mấy công đất trồng bắp, khoai mì. Cánh đồng bắp nếp của chị Hưởng gợi tôi nhớ tuổi thơ nhọc nhằn đầy kỷ niệm bên anh chị em. Những chén chè, những cuộn ram bắp Mỹ tự tay làm cho cả nhà.

Vào tuổi mười lăm, lần đầu tiên Mỹ nói về ước mơ. Con bé muốn có một tiệm bánh mì ngọt và đã tự xoay sở học kha khá kỹ thuật làm bánh trên mạng internet. Được đào tạo bài bản tại một trung tâm hoặc trường nghề hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho Mỹ, bốn anh em tôi quả quyết. “Trong thành phố có Mẫn mà”, anh Hai trấn an trạng thái lo lắng thường trực của ba má. Lần nào gọi video về cho má, Mỹ cũng ra dấu: “Có Mẫn, má đừng lo”.

Chị Hưởng trườn trên nền đất lởm chởm đá, chân trái gãy và hai tay bê bết máu: “Chị không thấy Na đâu, làm sao con bé có thể kêu cứu khi nó bị câm kia chứ”. Bỗng dưng mọi thứ xung quanh trở nên sáng rõ, tôi không còn đứng trong làn khói mù dầy đặc của The Sun, không gào thét điên dại giữa khu chợ buổi sớm. Tôi bừng tỉnh. Anh Thi bị thương, có lẽ Toại đã dùng nẹp gỗ cùng mấy mảnh vải xé từ áo sơ mi ra bó tạm chân cho cô. Kỳ Yên xé từng mảng áo sơ mi mặc ngoài, cố buộc vết thương trên tay một người phụ nữ, hầu mong máu ngưng chảy. Nước mắt quệt với bụi đất vằn dọc vằn ngang mặt cô. Nước mắt đó hẳn không còn là nỗi buồn của riêng Kỳ Yên nữa, cô đang đau nỗi đau đồng loại. Người thầy – thương binh của Pơ Lang đang bế thốc học trò trong đôi tay rắn rỏi, sau lưng cõng thêm một cậu bé, bước thấp bước cao loạng choạng trên đôi chân giả. Tôi chạy, quờ quạng giữa vùng tranh sáng tranh tối tìm Na, mấy đầu ngón tay bắt đầu tứa máu. Cuộc tìm kiếm dài lê thê. Tôi nói to, không biết với Mỹ, với Na hay với cảm giác tội lỗi của chính mình: “Lần này chị sẽ không để em một mình, sẽ đến kịp dẫu cho em không thể kêu cứu”.

Na không thể kêu cứu. Mỹ của tôi cũng vậy.

Khi cảnh sát bập còng số tám vào tay gã chủ tiệm bách hóa, đôi đồng tử tôi giãn ra hết mức, cố thu vào mắt gương mặt ngày ngày mình vẫn vui vẻ chào hỏi. Vợ gã thụp xuống đất, cái bụng lùm lùm chực chờ vỡ ối. Tiếng khóc của chị, hai bàn tay mười ngón cào cấu trên nền đường xi măng của chị, và, ánh mắt căm hận hướng về phía cha của con gái chị - người bạn thân đầu tiên Mỹ có trong đời – cùng chiếc giầy Sorrento đen trở đi trở lại như một đoạn phim, tua hoài vẫn không qua hết trong đầu tôi. Khoảng gần 11 giờ tối ấy, Mỹ nhắn: “Em xuống trạm dừng rồi, Mẫn đừng lo”. Đó là dòng tin cuối cùng tôi nhận được, con bé không bao giờ về nhà nữa.

Khi tôi mở mắt ra, trời đã tối đen. Băng gạc quấn quanh đầu. Tôi chẳng cảm thấy đau đớn gì, cố trườn dậy quờ quạng tìm Na, sợ hãi cảm giác đó, cơn quặn thắt tim khi những con chim ác là nhún nhảy tạo thành màn trời đen kịt giữa khu chợ tồi tàn đang chờ ngày bị phá bỏ để xây trung tâm thương mại. “Cô bé đang nằm đằng kia”, Toại ấn tôi nằm xuống băng ca “Cô phải nghỉ ngơi đi”.

Phương nói nguyên tắc của J là không bao giờ thắc mắc hay cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra khiến khách hàng của họ tìm đến tour TRỞ VỀ. “Nhưng, một nửa trong số các bạn đã xuất hiện trên truyền thông hoặc mạng xã hội”, Phương thả người xuống bên cáng thương. Tôi trợn tròn mắt: “Một nửa ư?”. “Đúng vậy”, Phương thở dài. Kỳ Yên phát hiện mắc bệnh đa xơ cứng trong thời gian chuẩn bị triển lãm tranh sơn dầu Cà phê thanh xuân. Các chi dần bị liệt, đôi khi không thể kiểm soát cử động. Với một họa sĩ đang lên như Kỳ Yên, căn bệnh chẳng khác gì án tử. Anh Thi vừa ly hôn sau khi phát hiện chồng cặp kè cô bạn thân. Còn Toại, được đào tạo từ “lò” Oxford về. “Áp lực phải trở thành như anh – biểu tượng tài năng – khiến em trai Toại gieo mình từ tầng 11 của trường cấp ba xuống hồi tháng rồi, mới mười sáu tuổi. Toại đã làm gì đó để trừng phạt bản thân về một lỗi lầm mà có lẽ chính cậu ấy cũng chẳng biết là lỗi lầm gì”, giọng Phương run run.  Tôi nhớ vết sẹo trên mu bàn tay Toại, dưới ánh mặt trời nhức mắt một phút trước động đất. Mỹ của tôi bị giết, còn em trai Toại tự sát, cùng tuổi mười sáu. Người chết có lẽ đã đến một nơi tốt hơn, chúng ta thường an ủi nhau như vậy. Người sống thì ở đây, như tôi, như Toại cùng cảm giác tội lỗi ứ nghẹn. Tại sao tối đó tôi không đưa em về nhà, hoặc bảo cứ ở lại tòa soạn cùng chị? Tại sao tôi tham gia nhiều hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đến thế mà quên mất em gái mười sáu tuổi của mình cũng cần được bảo vệ? Tại sao Toại có thể đứng trong phòng mổ mấy chục giờ đồng hồ mà không thể ngồi lại một phút, nói với em trai: “Không sao đâu, chỉ là điểm thấp thôi mà”?

Nhiều lều cứu thương đã được dựng lên. Phương, Kỳ Yên cùng những người khác đang phân phát nước uống và bánh mì. Với cái chân băng trắng, Anh Thi vẫn kiên quyết ngồi trong khu lều nấu nướng phục vụ mọi người. Cô nói mình còn sống và phải làm cái gì đó. Chúng tôi không còn buồn nỗi buồn của mình nữa, chí ít là trong những thời khắc này. Hỏi Phương vì sao tên tour là TRỞ VỀ, anh nhún vai: “J tin rằng, tại thung lũng tách biệt này, các bạn, những người đang bị thương tinh thần rất nặng sẽ tìm thấy một điều gì đó, sẽ nhớ lại một ký ức tốt đẹp, một trải nghiệm từng có với bạn bè, người thân, lấy nó làm động lực sống tiếp”. “Lần này, mục đích đó thất bại, phải vậy không, Phương? Làm sao chúng ta biết có một cơn sóng ngầm chết chóc khác đang chực chờ trên con đường TRỞ VỀ, từ Pơ Lang?”. Phương im lặng rất lâu, một khoảng dừng sắp xếp từ ngữ hay vì bất ngờ trước câu hỏi để rồi trả lời bằng một câu hỏi khác: “Cô có biết mình đã cứu Na không, Mẫn?”. Đội cứu hộ tìm thấy tôi, vẫn còn đang ôm chặt che chở cho Na dưới đống đá sau cơn dư chấn tiếp theo trận động đất. Đá đập vào đầu, bả vai tôi rách toác, hai chân đầm đìa máu. Quan trọng hơn, tôi đã đến kịp, Na trầy xước nhẹ, cô bé vẫn ổn.

Vào kiểm tra vết thương trên đầu tôi, cả người Toại ướt nhẹp. Ngoài trời đang mưa. Chạm mắt vào vết sẹo trên mu bàn tay Toại, tôi cố lựa lời, muốn nói một câu gì đó, nhưng rốt cuộc làm thinh, quên luôn cảm ơn. Ngày mai, mưa tạnh, những người bị thương nặng sẽ lần lượt được đưa vào các bệnh viện tuyến trên. Sau thảm họa này sẽ là chặng đường dài dựng lại Pơ Lang trên nền đổ nát, cần rất nhiều sức người và rất nhiều quyết tâm. Kỳ Yên, Anh Thi là những cô gái đầu tiên xung phong ở lại.

“Tôi rất tiếc, chuyện em gái cô”, miệng nói, tay Toại thoăn thoắt quấn băng. “Bạn tôi là bác sĩ pháp y. Chuyện đó, không phải lỗi của cô đâu”, anh tiếp như thể đọc được thắc mắc của tôi. Tim tôi co lại, cơn đau vốn chưa phút nào dứt từ sau hôm ấy giờ lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Bằng cách nào đó, Toại đã biết, cả vụ rạch cổ tay.

Thay vì “Chuyện đó, không phải lỗi của anh đâu” như dự tính trong đầu, tôi nói: “Tôi sẽ trở lại Pơ Lang khi vết thương lành. Chắc sẽ có việc gì đó mình làm được”.

“Pơ Lang cần một trạm xá”, Toại nói trong lúc lảo đảo dựa vào cột lều, mi cụp xuống, có lẽ anh đã kiệt sức, cần vài phút chợp mắt trước khi lại lao ra ngoài tiếp tục chăm sóc những người bị thương.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm