April 19, 2024, 2:24 am

Sông Lục chảy xuôi

Một lần khoác túi đi về đến cổng làng, tôi nghe trong làng có tiếng kèn trống. Chặn một người đi đường để hỏi, tôi chặn đúng anh bạn học thời vỡ lòng. Anh ta bảo rằng “Chú Nhận mất rồi”. Thấy tôi giật mình, anh ta chép miệng: “Chiều đưa ra đồng! Khổ lắm… chả biết kiếp trước có tội gì mà như bị giời đày. Hâm lắm! Hâm cho đến lúc chết mày ạ”. “Thỉnh thoảng “ngài” vẫn vi hành chứ”. “Vưỡn”. Rồi hắn lại nói: “Lúc gần chết, vẫn còn nói rằng đừng chôn mình trong bãi tha ma của làng, cứ chôn ở bờ sông… khổ thế chứ. Thật chả giống ai”.

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Tôi là trai làng nhưng lấy vợ và ở trên thành phố. Bận bịu với công việc làm ăn nên cũng ít về làng. Mỗi bận về đây, bao giờ tôi cũng có cảm giác háo hức như thể lại được khám phá điều gì đó về chính nơi mình gắn bó suốt tuổi thơ. Hôm ấy, vài dự định bị gác lại, tôi không về nhà mình mà đến ngay đám ma chú Nhận. Trong xóm, ngoài làng người đến chật cả sân. Nhìn gia cảnh của chú, hiếm ai không xót xa. 

Chú Nhận với tôi chẳng họ hàng gì, nhưng là hàng xóm khá thân thiết với thày u tôi. Chú cũng chẳng có họ hàng với ai trong làng. Một thân một mình, chú đến làng tôi ở từ khi còn là thanh niên, đến nay tuổi chú chắc cũng ngoài bảy mươi. Hồi bé chúng tôi đã nghe nói chú Nhận quê ở tận trên xứ bắc xa xôi. Cha mẹ chú đã mất. Chú bơ vơ, lưu lạc đến đây.

Kể rằng thuở hòa bình mới lập lại, những người bỏ làng tản cư lục đục tìm về làng cũ. Làng tôi bấy giờ trông như một bãi đất hoang với vài cái chòi coi vịt bên bờ sông. Ngoài hai cái nhà ngói đã bị đập phá chỉ còn vài đống gạch vụn. Cả vùng là một bãi bùn đất nhão nhoét. Mọi người tìm về nhà cũ, bắt tay sửa lại. Tuy vất vả nhưng cũng rất vui, vì hòa bình đã về, không sợ Tây Tàu nữa. Ở làng bỗng xuất hiện một người thanh niên gày gò, cao lêu nghêu nhưng khỏe mạnh và vui tính, đó là Nhận.

Nhận đi ngang qua đây, thấy dân làng vất vả, liền ở lại làm giúp cho làng, Nhận đến hộ từng nhà, chỉ cần ăn cơm chứ không đòi tiền công. Không ai ngờ Nhận rất thạo việc, làm gì cũng khéo léo, gọn gàng. Chẳng bao lâu sau, bộ mặt của làng cũng đổi thay, ngăn nắp với những mái nhà tre lợp rạ xinh xắn. Thấy việc trong làng đã vãn, Nhận định xách nải ra đi. Các cụ hỏi đi đâu thì Nhận lừng chừng không nói, chỉ giơ ra tấm thông hành để chứng minh là người đàng hoàng, có quê quán, có biết chữ Quốc ngữ và làm hàng nan. Nhưng hỏi chú đi tìm ai, ở đâu thì Nhận chỉ một mực nói tìm người nhà rồi im lặng. Người trưởng làng thấy thế cũng không hỏi thêm nữa, bèn bàn với các cụ cao tuổi bảo Nhận nếu muốn thì cứ ở lại.

 


Có thể bạn quan tâm