April 25, 2024, 7:06 pm

Sông Lèn dấu tích oai linh…

Lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta cho thấy Xứ Thanh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Sông núi của vùng đất Cửu Chân, Ái Châu xưa gắn liền công nghiệp lẫy lừng của nhiều danh nhân, trong đó hai vị anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lý Thường Kiệt có vai trò rất đặc biệt với những dấu tích còn mãi oai linh bên bờ sông Mã, sông Lèn mà mỗi khi chúng tôi về đây dâng hương đều xúc động tự hào như tiếp thêm năng lượng…

 

Sông Lèn chảy từ đâu về đâu?

Bắt nguồn từ rừng núi biên giới Việt – Lào, sông Mã ngang tàng uốn lượn ngoằn ngoèo dần mở rộng dịu êm khi xuống đồng bằng và khựng lại khi gặp dãy núi Bần phải chia làm hai nhánh tại Ngã Ba Bông ở tỉnh Thanh Hóa. Một nhánh chính chảy theo hướng bắc nam gặp sông Chu cùng “dắt” nhau rẽ sang hướng đông vượt qua Hàm Rồng xuôi về Biển Đông qua cửa biển Hội Triều. Nhánh còn lại khởi đi từ núi Sơn Trang chảy theo hướng đông miên man xuống Lèn hòa vào Lạch Sung đổ ra vịnh Bắc Bộ tại cửa Sung.

Nhánh thứ hai từ Ngã Ba Bông của sông Mã đổi tên thành sông Lèn. Hướng dẫn chúng tôi đi thăm quê hương, nhà thơ - nhà phê bình văn học Thy Lan cho biết, về địa lý sau khi tách ra từ sông Mã tại địa phận xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc và xã Hà Sơn, huyện Hà Trung sông Lèn chảy giữa xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn và xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Con sông biến thành ranh giới tự nhiên giữa các huyện bên tả ngạn là Hà Trung, Nga Sơn với huyện Hậu Lộc bên hữu ngạn của Xứ Thanh. Chiều dài sông Lèn khoảng 34 km, chảy cắt qua Quốc lộ 1 tại cầu Đò Lèn, cách Hà Nội khoảng 130 km về hướng nam, rồi xuyên qua cầu Thắm trên Quốc lộ 10.

Sông Lèn. Ảnh: Trần Đàm

Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Trần Đàm của Thanh Hóa là người rất yêu sông Lèn và chụp nhiều ảnh về dòng sông này. Ông nói rằng, theo sử sách từ thời Tiền Lê, một đoạn sông Lèn được Lê Hoàn cho đào để nối với các sông khác trong hệ thống kênh Nhà Lê nhằm mục đích tạo tuyến giao thông thủy nối từ kinh đô Hoa Lư tới biên giới Đèo Ngang. Là tuyến đường thủy quan trọng xưa nay của xứ Thanh nối núi rừng, đồng bằng với biển cả cho thuyền bè tấp nập xuôi ngược, sông Lèn còn cung cấp nguồn thủy sản phong phú, nước sinh hoạt, trồng trọt và tiêu thoát nước cho một vùng rộng lớn. Mùa lũ nước dâng phù sa. Mùa cạn dòng sông hiền hòa như dải lụa mềm lượn qua những xóm làng trù phú, những cánh đồng mênh mông, những đền đài rêu phong tạo nên những bức tranh sinh động.

Ngược lòng lịch sử, sông Lèn cùng với dòng mẹ sông Mã đóng vai trò quan yếu trong hành trình dựng và giữ nước của dân tộc, gắn liền với công nghiệp của nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng như Khương Công Phụ, Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Lê Lai, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Tôn Thất Thuyết… Đặc biệt, sông Lèn mang nhiều dấu tích oai linh cuộc khởi nghĩa của nữ tướng Triệu Thị Trinh chống quân xâm lược nhà Ngô và 19 năm danh tướng Lý Thường Kiệt trấn thủ Thanh Hóa xây dựng, khai mở và giữ yên vững chắc cõi bờ phía Nam bấy giờ.

Sông Lèn với cuộc khởi nghĩa oai hùng của Bà Triệu

Bà Triệu tức Triệu Thị Trinh, còn được gọi Triệu Ẩu, Triệu Nữ, Nhụy Kiều Tướng Quân,… sinh trưởng ở vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nối chí Hai Bà Trưng, cô gái họ Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt đã dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô từ phương Bắc.

Anh em họ Triệu chỉ huy nghĩa quân rời quê nhà Quan Yên xuống núi Nưa nơi có vị thế hiểm yếu để lập căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động xuống đồng bằng. Năm 248, Triệu Thị Trinh ở tuổi 19 đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa. Hịch cứu nước được ban truyền khắp nơi kể tội giặc ngoại xâm và kêu gọi tinh thần vì nghĩa lớn. Nhân dân khắp quận Cửu Chân nhiệt liệt hưởng ứng. Từ căn cứ Ngàn Nưa nghĩa quân đã tấn công chiếm thành Tư Phố, vượt sông Mã xuống vùng đất cổ Bồ Điền bên dòng sông Lèn để xây dựng thêm căn cứ địa. Ba vị tướng họ Lý và là anh em ruột: Lý Hoằng Công, Lý Mỹ Công và Lý Thành Công đã giúp chủ tướng chỉ huy xây dựng căn cứ Bồ Điền thành một hệ thống đồn lũy vững chắc để phòng ngự.

Lễ hội đền thờ Bà Triệu.

Vào thời Việt cổ Bồ Điền có tên Kẻ Bồ, sau thời Bà Triệu xuất hiện thành ngữ “đánh ngô Kẻ Bồ”, nay là thôn Phú Điền thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Đây là một vùng đồng bằng châu thổ nằm giữa hai dãy núi đá vôi. Chẳng những là vùng trù phú, sơn thủy hữu tình mà vùng đất “đánh ngô Kẻ Bồ” với vị thế trọng yếu còn có ý nghĩa về mặt quân sự, trong đó con sông Lèn có vai trò giao thông then chốt kết nối từ miền xuôi lên miền núi, từ đồng bằng ra biển. Ở Bồ Điền theo đường thủy ngược sông Lèn là đến vùng Quan Yên quê hương Bà Triệu, hay chuyển quân tới căn cứ núi Nưa cũng thuận tiện, đồng thời dễ liên lạc các vùng. Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân Bà Triệu đánh chiếm hết quận Cửu Chân đến Giao Chỉ và lan nhanh khắp các quận còn lại. Thứ sử Giao Châu bị giết.

Tình hình nguy cấp, nhà Ngô liền cử viên tướng giỏi Lục Dận, cháu của danh tướng Lục Tốn, sang làm Thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu úy, mang theo 8.000 quân để đàn áp cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Với nhiều kinh nghiệm trận mạc, quân số áp đảo, lại lắm âm mưu thâm độc, Lục Dận đã dùng của cải mua chuộc một số thủ tĩnh địa phương để chia rẽ lực lượng, rồi tập trung quân bao vây tấn công quận Cửu Chân. Tại căn cứ Bồ Điền mà huyết mạch là sông Lèn, đã diễn ra hơn 30 trận chiến ác liệt của nghĩa quân Bà Triệu chống lại sự bao vây tấn công của giặc Ngô. Con sông Lèn trở thành dòng bi hùng chôn vùi xác giặc và ôm trong lòng nhiều nghĩa sĩ hy sinh vì nước.

Sức cùng lực tận, cuộc khởi nghĩa kết thúc, Bà Triệu lên núi Tùng quì xuống vái trời đất rằng “Sinh vi tướng, tử vi thần” (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn lúc mới 23 tuổi. Đó là ngày 22.2 năm Mậu Thìn - 248. Ba vị tướng anh em họ Lý đã tìm thấy thi thể và lo chu toàn mộ phần nữ chủ soái trên đỉnh núi, rồi cả ba ông cũng đã tuẫn tiết dưới chân núi Tùng để giữ trọn khí tiết!

Với niềm tự hào về quê hương, nhà phê bình văn học Thy Lan cho biết, từ lâu nhân dân Xứ Thanh đã dựng lên ba đền thờ Bà Triệu gắn liền với dấu tích oai hùng của nữ anh hùng dân tộc. Đó là đền thờ trên núi Quan Yên ở huyện Yên Định quê hương sinh trưởng nên bà, đền Nưa ở huyện Triệu Sơn nơi bà dựng cờ khởi nghĩa và đền thờ chính nơi bà hy sinh ở căn cứ Bồ Điền xưa bên sông Lèn, nay thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Tương truyền, khi mới khởi dựng đền Bà Triệu ở Bồ Điền chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời tiền Lý (549-602), vua Lý Nam Đế trong một lần kéo quân vào Nam chinh phạt quân Lâm Ấp đã nghỉ tại làng Bình Lâm (nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) và đến đền cầu xin Vua Bà hiển linh giúp đánh thắng giặc. Ngày ca khúc khải hoàn chiến thắng trở về, Lý Nam Đế đã phong Bà làm thần với mỹ danh “Bật chính anh liệt hùng tài Trinh nhất phu nhân” và cấp tiền cho dân làng sửa sang ngôi đền. Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm cùng kho tàng các sự tích, truyền thuyết, huyền thoại, thơ ca, câu đối,...

Vào năm 2014, Khu Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu ở Hậu Lộc được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Và sáng 11.3.2023, tại Lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, lại được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đền Bà Triệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Dịp này, đông đảo du khách đã tìm về chiêm bái, tưởng nhớ Vua Bà và chứng kiến một trong những nghi thức long trọng và quan trọng bậc nhất của di sản này: Lễ rước kiệu hay còn gọi là rước bóng. Đây là nghi lễ đặc sắc thể hiện rõ nhất “tính thiêng” hay quan niệm dân gian về sức mạnh của vị Thần...

Công tích khai mở của Lý Thường Kiệt bên sông Lèn

Thái úy Lý Thường Kiệt là một trong những nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, có công lớn đánh Tống bình Chiêm và xây dựng đất nước, đặc biệt là 19 năm trấn nhậm phủ Thanh Hóa ông đã xây dựng đất Ái Châu xưa giàu mạnh thành một pháo đài bất khả xâm phạm phía Nam Tổ quốc bấy giờ.

Vào năm 1082, nhận lệnh triều đình nhà Lý đi trấn thủ Thanh Hóa, khi mới đặt chân vào đất này Tổng trấn Lý Thường Kiệt đã chọn làng Ngọ Xá, huyện Vĩnh Lộc nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung để xây dựng Lương Mục Đường làm nơi ở và làm việc. Phật giáo đang là tư tưởng chính thống thời nhà Lý. Vốn là người mộ đạo Phật, Lý Thường Kiệt đã cùng Trưởng lão Sùng Tín từ Kinh đô Thăng Long vào du hành ngược dòng sông Mã, dừng thuyền ở núi núi Hàm Rồng, rồi đi về phía tây chuyển sang sông Lèn. Thuyền đến ấp Đại Lý, ông thích thú khi nhìn thấy núi Ngưỡng Sơn nhiều cây cối xanh tươi bên bờ sông Lèn như dải lụa mềm uốn qua những làng mạc trù phú, tạo nên chốn sơn thủy hữu tình và chọn nơi này dựng chùa Linh Xứng.

Đền thờ Lý Thường Kiệt.

Theo nội dung Văn bia Chùa Linh Xứng được đại sư Thích Pháp Bảo soạn năm 1126 trong Thơ văn Lý Trần, do GS. Huệ Chi dịch, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao? “Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thầy bói nhắm phương, thợ hay dâng kiểu, quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới. Kém sức thì bào thì gọt; sành nghề thì dựng thì xây. Chùa Phật thênh thang ở giữa; phòng chay rộng rãi hai bên. Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ Trí Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước. Quanh tường thì thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực quả (Cực quả: thuật ngữ đạo Phật, chính sự giác ngộ tốt), mười phương cùng với mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng không kể xiết. Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là Tháp Chiêu Ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quanh con tiện. Gió rung chuông bạc; hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi; long lanh vàng diệp. Quanh thềm lan can, đầy sân hoa cỏ. Trước cửa chính, trong treo chuông vàng, một tiếng chày kinh; ngân vang khắp chốn. Thức tỉnh kẻ u mê; phá tan niềm hôn tục. Khuyên bảo việc lành; răn đe điều ác... Bên dòng nước dựng xây đình nhỏ, san sát thuyền bè qua lại, dừng chèo tạm nghỉ. Hoặc Hoàn Bang, Chân Lạp (Hoàn bang là nước Chiêm Thành; Chân Lạp nước phía nam Chiêm Thành) xa tới mà quỳ gối xem; hoặc nước lạ phương xa quy phục mà cúi đầu dập trán. Cái nhà nát của kẻ quê mùa hóa thành vương xá lớn”.

Chùa Linh Xứng là một danh lam, nơi khai sáng đạo Phật cho xứ Thanh, với nhiều ngôi chùa lớn xuất hiện ngay sau đó, tiêu biểu như Hương Nghiêm, Báo Ân, Sùng Nghiêm Diên Thánh… Trải qua thiên tai, chiến tranh chùa Linh Xứng bị đổ nát rồi phục dựng, duy chỉ tấm văn bia mãi trường tồn thành báu vật được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Từ văn bia đã khai mở cả một pho lịch sử cách đây hàng ngàn năm, đặc biệt là tấm lòng, tầm nhìn và công tích của danh nhân Lý Thường Kiệt.

Ngoài việc xây dựng chùa, chấn hưng Phật giáo, Lý Thường Kiệt còn có nhiều đóng góp to lớn về mọi mặt trong 19 năm trấn nhậm Thanh Hóa. Vì vậy, sau khi danh tướng qua đời, nhân dân đã xây dựng chùa Báo Ân để tưởng nhớ công ơn của ông. Đồng thời, cũng bên bờ sông Lèn, ngay trên mảnh đất sinh thời ông chọn làm nơi “Thọ thân”, một ngôi đền thờ ông cũng được dựng lên.

Nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm cho biết, theo các tài liệu còn ghi lại thì ban đầu nơi đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm bên chùa Linh Xứng để thờ Lý Đại Vương, về sau bị hư hại xuống cấp, người dân trong vùng chung tay xây dựng thành ngôi đền khang trang bề thế hơn. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh với tuổi thọ gần 1000 năm. Đền rất linh thiêng, được người dân bảo vệ tôn nghiêm và sùng kính.

Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tọa lạc trên một diện tích đất rộng lớn, nay thuộc thôn 3, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung. Cổng đền hướng ra dòng sông Lèn êm đềm. Kiến trúc gian chính ngôi đền gồm nhà 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, cột kèo và các “vì” được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật và cây cỏ thiên nhiên.

Nhờ có lời nguyền lâu đời truyền lại và những hiện tượng linh thiêng mà ngôi đền vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, cổ vật không bị mất cắp như một số nơi khác. Một ông từ giữ đền thổ lộ rằng, tất cả những gì liên quan đến ngôi đền dù là nhỏ nhất như cành cây, hòn đá, viên gạch vương vãi trong đền dân làng không ái dám lấy về nhà để sử dụng. Có người từng vô tình mang về nhà rồi phải đem trả lại cho đền. Bởi vì từ khi lấy tài sản của đền về thì họ bị đau ốm, hoặc có người đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh nặng. Và sau khi đem trả những gì lấy của đền thì lại hết người hết bệnh, sức khỏe trở lại bình thường, thậm chí còn khỏe hơn! Thời chiến tranh chống Mỹ, Thanh Hóa liên tục chịu nhiều trận bom dữ dội, nhưng riêng đền thờ Lý Đại Vương không bị trúng bom. Nhiều nhà dân bên cạnh đền cũng bị bom dội tan nát, có quả bom rơi sát đền nhưng không hề nổ. Điều này càng làm tăng đức tin và tôn kính đối với ngôi đền thiêng.

Hàng năm có hai ngày lễ lớn là ngày giỗ của Thái úy Lý Thường Kiệt vào 21.6 âm lịch và ngày lễ Khai ấn đầu năm vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch diễn ra tại đền cổ. Về đây ngắm sông Lèn êm đềm, thắp nén hương tưởng nhớ danh tướng triều Lý cũng như nhiều danh nhân khác gắn liền xứ Thanh, chúng tôi rất đỗi xúc động tự hào về các bậc tiền nhân và như tiếp thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ cho hành trình bước tiếp.

Phan Huỳnh

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm