April 17, 2024, 12:36 am

Sông làng đã hóa sông thơ

 

Ngọc Khương quyết định in tuyển tập ở tuổi 70. Sớm hay muộn? Không sớm cũng không muộn. Bởi lẽ hành trình thơ của Ngọc Khương cũng đã đến lúc cần được nhìn lại, cần được chiêm ngưỡng, cần được nâng niu. Tuyển tập thơ Ngọc Khương, như một cách thong thả nhất và chân thành nhất để ngắm nghía dung nhan người tình thủy chung, sau dằng dặc năm tháng dan díu với nhau, có những lúc nồng nàn đưa đón, có những lúc ơ hờ nhớ quên, có những lúc lạnh nhạt vui buồn.

Số phận của nhà thơ Ngọc Khương phải hứng lấy không ít trớ trêu. Tuổi nhỏ Ngọc Khương bơ vơ, không nỡ trách giận. Tuổi trẻ Ngọc Khương lận đận, không nỡ oán than. Ngọc Khương chọn thi ca để an ủi mình chăng? Chưa hẳn, có thể ngược lại, thi ca đã chọn Ngọc Khương để cưu mang và che chở cho một mệnh kiếp bất an. Bởi lẽ, chính Ngọc Khương trong một phút giây bẽ bàng nào đó, bất chợt nhận ra bản thân bước thấp bước cao qua cõi nhân gian hiu quạnh, nhiều sớt chia mà cũng lắm bẽ bàng: “Chân đi vấp bóng mây trời/ Đường đời sụp lở, bẫy người bủa vây”.

Cuộc đời nhà thơ Ngọc Khương chia làm hai giai đoạn. Một giai đoạn âm thầm dạy học ở quê nhà Quảng Bình, và một giai đoạn thăng hoa bám trụ ở đất mới Sài Gòn. Sinh ra trong lam lũ, cái kỹ năng cam chịu trở thành cái bản năng vươn lên của Ngọc Khương. Khát vọng sống và khát vọng thơ ở Ngọc Khương luôn song hành, từ khi có bát ăn đến khi có bát để. Vậy, nhà thơ hồn hậu và tháo vát Ngọc Khương đã phát triển cơ ngơi tương đối thành đạt, bằng cách nào? Khởi nghiệp từ vốn liếng… thơ. Ngọc Khương có khả năng trình diễn và Ngọc Khương cũng có khả năng tổ chức. Một thời, Câu lạc bộ Thơ Nhạc mang tên Hương Nguồn của Ngọc Khương thịnh vượng như một địa chỉ tin cậy của khách văn nghệ Sài Gòn. Từ ấy, Ngọc Khương cung cấp dịch vụ và tận tình phục vụ công chúng khắp nơi, theo đúng tiêu chuẩn: “Chân chim đã vắt sang chiều/ Dắt nhau ta vịn câu Kiều cùng đi”.

Từ tập thơ đầu tay Trăng nghiêng in năm 1994 đến tập thơ thứ 12 Điệu khúc của những cây cầu in năm 2019, Ngọc Khương có một phần tư thế kỷ dự phần thường xuyên và tích cực trên văn đàn. Ông không cầu danh lợi, mà ông kiếm tìm sự đồng cảm. Ông tự hiểu sự khắc nghiệt của cuộc làm người, và ông càng hiểu hơn sự khắc nghiệt của cuộc làm thơ. Ông mở lòng ra, giữa loay hoay trắc ẩn và run rủi đa mang: “Trăm năm/ Biết mấy cuộc tình/ Bởi yêu cuồng dại/ Nên mình cô đơn”.

Không theo đuổi sự cách tân, Ngọc Khương chẳng ham muốn sự diêm dúa, cũng xa lạ sự cầu kỳ. Thơ của Ngọc Khương giản dị và thuần khiết như những con người cặm cụi gánh bóng mình đi qua những đồi cát trập trùng duyên hải, vừa nhẫn nại đức hạnh vừa mịt mờ ảo ảnh. Tài sản để Ngọc Khương mang vào từng trang viết, không có gì bí mật, đó là “giọng miền Trung cồn cào nỗi nhớ”. Vị muối mặn từ biển Đồng Hới thấm vào mỗi câu, hơi gió lạnh từ cảng Hòn La thổi vào mỗi dòng, cho phép Ngọc Khương được suy tư, được mộng mị, được sáng tạo. Cứ chạm vào các địa danh của Quảng Bình chôn nhau cắt rốn và Quảng Bình dấu vết lịch sử, thì lập tức thơ Ngọc Khương ùa ra như níu kéo ly biệt “Em ơi, trăng Nhật Lệ/ Gom từ vạn thương đau”, như nước mắt trùng phùng “Ôi vết sẹo Hiền Lương/ Trăm năm còn mưng mủ/ Qua cầu/ Sóng rên”.

Chỉ riêng mảnh đất thời niên thiếu với bao nhiêu ngậm ngùi mà Ngọc Khương từng lủi thủi khóc trong vòng tay nội dỗ dành, đã đủ cho ông có được một miền cảm xúc xao động. Làng cù lao ấy có âm thanh mưu sinh “Quanh năm cồn cào sóng vỗ/ Tiếng gõ chài khua đổ sao đêm”. Làng cù lao ấy có nhịp đập nhân ái “Một người bệnh, nháo nhác cả thôn/ Một người sinh, chật nhà than lửa/ Một người mất, trắng đồng khăn rũ”. Vì vậy, Ngọc Khương xuất hiện trên thi đàn Việt với một bức chân dung không nhòa lấp trong thương khó bộn bề: “Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/ Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến/ Da cháy rần trong nắng quái miền Trung”.

Rời làng cù lao ấy ra đi, Ngọc Khương ôm ấp niềm riêng “Sông làng đã hóa sông thơ/ Miên man chảy giữa giấc mơ bao người”. Ngọc Khương ngoảnh lại cái lấm láp quá khứ để trân trọng “Người đã khuất khóc cho người góa bụa/ Khói nhang chiều quặn lại phía bờ sông”, Ngọc Khương ngoảnh lại cái thua thiệt dĩ vãng để bao dung “Thương mẹ một đời cát vùi lút mặt/ Thương em bao lần sóng lật đò ngang/ Thương cây đa vết đạn đầy mình/ Vẫn đứng vững giữa muôn trùng bão tố”.

Thơ Ngọc Khương có thế mạnh về vần điệu nhẹ nhàng và uyển chuyển. Hồn vía của thơ Ngọc Khương hầu hết nằm ở những dòng lục bát buông lơi và bịn rịn “Ước gì hết những tai ương/ Đồng xanh ca hát ngát hương lúa vàng”. Thơ Ngọc Khương cũng có không ít đắng đót “Chợ đời ai bán ai trao/ Đồng tiền sấp ngửa lao đao kiếp người/ Chênh vênh đứng giữa khóc cười/ Nửa lao xao nắng, nửa trời động kinh”. Cũng có không ít chua chát “Bây giờ môi nhạt trầu cau/ Níu nhau thì ít, buông nhau thì nhiều”. Tuy nhiên, Ngọc Khương biết cách tha thứ cho những chen lấn, tha thứ cho những bấn loạn, tha thứ cho những nhục nhằn “Một đời xuôi ngược bôn ba/ Xế chiều lại muốn nghiêng qua cổng làng”.

Cũng là người dành nhiều tâm huyết viết cho thiếu nhi. Trong những tập thơ thiếu nhi của Ngọc Khương như Bim bim và mướp vàng hoặc Cò bay giữa phố, thỉnh thoảng có vài khoảnh khắc tươi tắn bất ngờ: “Diều còn níu được tay người/ Thương cô bong bóng tối trời về đâu”.

Quảng Bình thế kỷ 21 đã có được không ít nhà thơ nổi tiếng, mà sau cái dáng thi nhân liêu xiêu của Lưu Trọng Lư có thể kể đến Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Xuân Đố, Hải Kỳ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Trần Quang Đạo… Và nhà thơ Ngọc Khương cũng là một gương mặt xứng đáng để người yêu thơ Quảng Bình vinh danh và tự hào!

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm