April 26, 2024, 4:39 am

Sóng độc hay là một cách đọc về đời sống

Sóng Độc có thể nói là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi về nghề báo của văn học Việt Nam hiện đại. Tác giả của nó, nhà văn Trần Gia Thái, là người đã có hơn 40 năm lăn lộn trong nghề báo, làng báo, từng kinh qua vị trí lãnh đạo của một cơ quan báo chí lớn, hẳn nhiên là người hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc về nghề. Nhưng từ chuyện hiểu về nghề cho đến việc một tiểu thuyết ra đời là cả một khoảng cách dài, bởi tác giả phải âm thầm nung nấu, suy nghĩ, cấu trúc cho tác phẩm của mình từ cốt truyện, nhân vật cho đến cách viết.

Nhà văn Trần Gia Thái

Không biết Trần Gia Thái đã phải thai nghén bao lâu cho tác phẩm này và mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành, chỉ biết rằng, với cảm giác đầu tiên của tôi, nếu cốt truyện này rơi vào tay một người khác, có lẽ nó chỉ có khả năng trở thành một truyện ngắn với dung lượng vừa phải. Để hình thành nên cuốn tiểu thuyết Sóng độc, tác giả phải bỏ ra sự dụng công ghê gớm để xây dựng nên mấy chục nhân vật, kết nối các nhân vật với nhau cùng vô vàn các chi tiết từ xa đến gần, từ rộng đến hẹp, từ chuyện xưa đến chuyện nay. Trần Gia Thái qua hơn 400 trang sách đã chứng tỏ mình là một chuyên gia tường tận về nghề báo, đặc biệt là báo hình. Tất cả các công việc bếp núc của nghề như lên khung chương trình, sắp xếp chương trình, duyệt bài, phát sóng, kiểm tra, kiểm thính được tác giả miêu tả kỹ lưỡng, gắn với hoạt động, đời sống của các nhân vật. Tác giả còn am hiểu sâu sắc về công tác tổ chức cán bộ với đủ các bước, quy trình từ trung ương đến địa phương; chuyện tổ chức đại hội, hội nghị trong Đài Truyền hình Bắc Hà được miêu tả vô cùng sống động. Tiểu thuyết Sóng độc vì thế còn có thể xem là một bức tranh thu nhỏ về đời sống cán bộ công chức trong một cơ quan nhà nước thuộc khối hành chính sự nghiệp.

Nội dung của Sóng độc, có thể nói xoay quanh câu chuyện đấu đá, đố kỵ, nhằm tranh giành quyền lực, lợi ích trong một cơ quan cụ thể là Đài Truyền hình Bắc Hà. Hai tuyến nhân vật được xây dựng rất rõ ràng. Phạm Quang Thiện đại diện cho tuyến nhân vật chính diện, chính trực, chính nghĩa, từ bé đến lớn sống chân chất, trung thực, hiền lành, chăm chỉ làm nghề và yêu nghề, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Thiện không màng tới các chức vụ lãnh đạo mà chỉ muốn yên thân để làm chuyên môn. Thế mà ước mơ tưởng như bé nhỏ giản dị ấy cũng không dễ dàng thực hiện được bởi các thế lực ghen ghét đố kỵ không bao giờ để anh được yên. Đứng đầu và đại diện cho tuyến nhân vật phản diện là Đỗ Thiết, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Bắc Hà, kéo theo Thiết là cả một bè lũ tráo trở, lật lọng, vong ân, hiểm độc, tiểu nhân gồm: Hoàn toác, Bạc phò, Mùi già, Đạt láu… Sự bất bình và phẫn nộ của độc giả khi đọc Sóng độc, trong đó có tôi, phải thốt lên rằng: bè lũ Đỗ Thiết và đồng bọn là một lũ chuột hèn mọn về nhân cách, chỉ chuyên rình rập để hại người ta thân bại danh liệt. Trong một cơ quan báo chí hàng đầu của tỉnh, chưa bao giờ người tốt lại lẻ loi và cô đơn đến thế. Trừ một vài lãnh đạo tận tâm, có thể thấy xung quanh Quang Thiện không có một đồng nghiệp nào kề vai sát cánh để sẵn sàng bảo vệ anh trước những mưu hèn kế bẩn của bè lũ Đỗ Thiết. Cái Thiện thì cô đơn như vậy, trong khi cái Ác đã đông lại còn không ngừng được tiếp tay bởi những kẻ như Lê Sở Kha. Nhiều tờ báo lá cải cũng sẵn sàng vì tiền mà đăng hàng loạt bài để “đánh” Quang Thiện, nhằm hạ uy tín của anh, thậm chí có thể đẩy anh đến chỗ bị sa thải, mất việc nếu Thiện không chứng minh được mình ngay thẳng, trong sạch. Khi Thiện cô đơn và yếu thế ngay trong chính cơ quan của mình, anh buộc phải cần đến sự giúp đỡ và chia sẻ của những người bên ngoài cơ quan như nhà báo Nguyễn An.

Tôi nghĩ, Trần Gia Thái có lẽ cũng phải trải qua nhiều cay đắng bầm dập lắm mới có thể viết nên những trang văn tận cùng chân thực và sinh động đến thế để lột tả phơi bày những chiêu trò hèn hạ, bẩn thỉu trong một cơ quan nhà nước, vốn vẫn được coi là môi trường của những người tri thức, những người có địa vị trong xã hội. Dù có lúc cái Thiện bị lấn át, bị đè nén song người tốt cuối cùng vẫn được nâng đỡ chở che. Nói cách khác, cái Thiện luôn luôn có một con đường riêng của nó. Đoạn Quang Thiện tìm được bằng tốt nghiệp cấp 3 trong nỗi nhớ về người cha của mình theo tôi là chi tiết đặc biệt quan trọng, làm dứt điểm ngã ngũ việc kiện cáo vu khống của bọn Đỗ Thiết. Chi tiết ấy vừa là sự đề cao chính nghĩa, đề cao tình cảm cha con, lại có chút gì như là tâm linh, là phúc ấm của gia đình, tổ tiên, dòng họ truyền lại cho mỗi thế hệ.

Tiểu thuyết Sóng độc khép lại qua những miêu tả cận cảnh về Đỗ Thiết: ngủ trên ghế, đầu nghẹo một bên, mắt trợn ngược toàn lòng trắng, bọt mép xùi ra, rồi lại từ từ đổ người phủ phục xuống bàn. Với những miêu tả này, có thể nói, tác giả đã biến kẻ phản diện Đỗ Thiết thành một con vật. Kẻ đại diện cho cái ác cho dù không bị tiêu diệt, không bị pháp luật trừng phạt thì chính nhà văn đã trừng phạt hắn bằng ngôn ngữ của mình. Cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác sẽ còn tiếp diễn, đó là cuộc đấu tranh chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Trần Gia Thái đã viết nên tiểu thuyết Sóng độc bằng những tích lũy vốn sống của cả một đời cầm bút. Trong những trang văn của ông có đủ sự tinh tế, trải nghiệm của nhìn người, nhìn việc, nhìn đời, chỉ vài nét phác là đã đủ hiện ra bản chất mỗi nhân vật. Bên cạnh chủ đề chính là cuộc đấu tranh giằng co trong nội bộ một cơ quan, còn có thể thấy hiện lên những trang sử của cả dân tộc qua số phận của từng gia đình, những câu chuyện của thời chiến và thời bình, những con người đi từ lam lũ nghèo khổ đến no ấm, khá giả.

Trần Gia Thái quê gốc Hà Nam, sinh sống lâu năm ở Hà Nội nên những câu chuyện trong Sóng độc làm chúng ta có cảm giác thật gần gũi như nó ở đâu đây hàng ngày, trong mỗi cơ quan công sở, trên mỗi nẻo đường ta qua, trong mỗi con người hàng ngày ta có thể gặp gỡ tiếp xúc. Từ góc nhìn và xuất phát điểm của một ngành nghề, Sóng độc góp một tiếng nói phản biện quan trọng vào xã hội, khi mà nhiều giá trị đạo đức, giá trị nhân văn đang có nguy cơ lung lay bởi những lợi ích kim tiền… Tôi cho rằng tác phẩm này gửi gắm một tâm huyết lớn lao của Trần Gia Thái để trình bày một cách đọc đời sống, nhìn đời sống của mình qua câu chuyện về một ngành nghề. Khi đi đến tận cùng cái riêng, người ta sẽ gặp cái chung. Thông điệp mà tác phẩm gửi gắm là bản ngợi ca những giá trị đẹp đẽ vững bền thuộc về nhân phẩm, lương tri con người; đồng thời tố cáo lên án mạnh mẽ, đấu tranh không khoan nhượng với tất cả những cái xấu, cái ác, những điều giả dối chà đạp lên lương thiện và sự tiến bộ của xã hội.

Nguồn Văn nghệ số 40/2022


Có thể bạn quan tâm