April 25, 2024, 1:24 pm

Sông Đáy đổi dòng qua làng tôi…

Quê tôi ở tỉnh Hà Nam, huyện Kim Bảng, làng Phù Đạm.

Tên làng không biết đã có từ khi nào, và chữ Phù Đạm nghĩa là gì? Trong làng có chợ Dạm (hoặc Giạm), có lẽ là cái tên cổ hơn; phải chăng đất này từng có tên Kẻ Giạm? Tộc phả họ Lại làng tôi còn ghi sự tích ngôi từ đường dòng họ, từng bị lấp trong rừng cây sau một thời chiến tranh loạn lạc nào đó. Dân làng trở về chặt dọn cây cối tìm kiếm nhà cũ làng cũ, khi phát hiện một ngôi đền hay miếu thờ, bên ngoài có 4 chữ nho “Lại tộc từ đường” 賴族祠堂 thì biết chắc đây là nhà thờ họ Lại làng Phù Khê, làng mình rồi. Cái tên Phù Khê gợi nghĩ đến một dòng suối chảy qua hoặc chảy cạnh làng. Không rõ từ khi nào tên làng Phù Khê đổi thành Phù Đạm?

Không rõ tổ phụ chúng tôi đến cư trú tại làng này từ khi nào, bởi họ Lại chúng tôi có gốc từ Quang Lãng, Tống Sơn (Hà Trung) tỉnh Thanh Hóa; một bộ phận người họ Lại chúng tôi chuyển cư ra Bắc vào thời Lê – Trịnh, định cư ở nhiều vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.

Minh hoạ: Nguyễn Đăng Phú

Theo lời ba tôi kể thì gia đình cụ nội tôi nhà ở phố Châu Cầu, phủ Lý Nhân (sau là khu phố 5 thị xã Phủ Lý, nay là thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Đến ông nội tôi, là thầy đồ có nhiều học trò trong vùng; thấy thầy nghèo, chưa có nhà riêng, học trò bèn góp nhau mua tặng một thửa đất chừng trên dưới 2 sào (đơn vị diện tích ở Bắc Bộ, 1 sào = 360m2). Đó là mảnh đất vườn nhà ông nội tôi ở thôn Hai làng Phù Đạm. Sau ông bà nội tôi, đến lượt gia đình bác cả thừa kế cư trú trên ngôi nhà và mảnh vườn ấy. Ba tôi là con thứ, chỉ ở nhà ông bà nội đến lúc lập gia đình. Sau khi sinh đứa con thứ hai là tôi ít lâu, ba mẹ tôi bèn mua thửa vườn ngay bên cạnh nhà ông bà nội tôi, dựng nên ngôi nhà riêng của nhà tôi vào năm 1947.

Trên thực tế thì thời gian tôi sống ở làng khá ít, tổng cộng chỉ chừng 10 năm. Sinh ra ở làng, nhưng lúc 5 tuổi đã đi tản cư, lúc trở về làng đã 8-9 tuổi. Đi học phổ thông thì lúc học ở làng lúc lại sang học bên thị xã Phủ Lý. Giữa năm 1964, lúc 19 tuổi, tôi nhận được giấy báo thi đỗ đại học, đã lên ủy ban xã làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu đi Hà Nội. Tình trạng di chuyển này (nơi cư trú và nghề nghiệp) được ngành quản lý nhân sự mô tả bằng thuật ngữ “thoát ly”, tức là đã không còn cư trú tại làng quê mình nữa.

Tôi là người “thoát ly” nhiều hơn là “người sống ở làng”. Tôi không dám chắc mình đã đi đến hết các thôn xóm trong làng. Tôi cũng tự trách mình là chưa biết hết các đền chùa, miếu mạo, nhà thờ từng có trong làng. Tôi biết làng tôi có chùa thờ Phật là chùa Ngô ở thôn Hai, có đền Chầu thờ Thái Thượng Lão Quân cũng ở thôn Hai, có Văn Chỉ thờ Khổng Tử ở cuối thôn Hai đầu thôn Ba (sau 1954 bị đổ nát rồi bị phá bỏ), lại có nhà thờ Công giáo ở thôn Năm. Tôi cũng biết đền Chánh ở thôn Tư, thờ đức Cần Thiện vương, một vị phúc thần nguyên là bộ tướng của Hai Bà Trưng; ông bác tôi từng có đôi câu đối Nôm thờ ngài thế này: “Phò Trưng Vương, thu Nam Việt; Đuổi Tô Định, chỉ Bắc hoàn!” Đền Chánh ở ngay cạnh chợ Giạm, nơi ngày trước để họp chợ thì nay hầu như chỉ còn là một vườn cây.

Có một điều, mỗi khi nhớ về làng, tôi hay thắc thỏm trong trí, ấy là không rõ từ khi nào sông Đáy đã được/bị đổi dòng qua làng tôi? Tôi đã hỏi một số người, nhưng không ai biết rõ. 

Có lẽ những thế hệ người làng sinh ra cùng tôi và sau tôi, đến nay chỉ còn khá ít người biết rằng, 5 thôn của làng Phù Đạm vốn liền nhau, không bị sông Đáy cắt ngang như hiện giờ.

Là vì sông Đáy từ vùng Sơn Tây, Hà Đông, chảy đến vùng Mỹ Đức, chùa Hương thuộc tỉnh Hà Tây cũ, rồi chảy vào đất Hà Nam. Đến Quế, Quyển sông chảy theo hướng từ tây bắc xuống đông nam; đến làng tôi, chỗ giáp giới thôn Một với thôn Hai, sông uốn mình một góc nhỏ hơn 450 ngoặt theo hướng từ tây nam lên đông bắc, ngăn cách làng tôi với làng Vân Chu ở phía bắc; sông chảy về phía các làng Chân Châu, Phù Lão, rồi mới uốn khúc chảy theo hướng bắc nam, ngăn cách phía đông làng tôi với làng Lạc Tràng. Đến đây có ngã ba sông với hai nhánh chính: một nhánh trở thành đầu nguồn của sông Châu (cũng gọi Châu Giang) chảy sang phía đông, – vùng các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, rồi nối vào sông Hồng; một nhánh nữa, là dòng chính sông Đáy, ngoặt một đoạn theo hướng tây nam, ngay cạnh rìa phía nam làng tôi, ngăn cách làng tôi với tỉnh lỵ Phủ Lý của Hà Nam, rồi chảy theo hướng nam qua huyện Thanh Liêm xuống phía các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, cuối cùng đổ ra biển ở Cửa Đáy.

Nằm giữa ba bề sông nước, không có đê bao quanh, đất làng tôi được phù sa bồi đắp nên làng tôi là đất cao, không phải đất trũng thấp. Đất ruộng nước, cấy lúa cả hai vụ, thì không nhiều. Ao chuôm trong làng phần lớn do người ta đào đất đắp nền nhà tạo ra. Phần khá lớn đất đai là đất trồng màu; có những khoảnh ruộng lớn, ví dụ cánh Đường Đình (gọi thế có lẽ vì cánh đồng này nằm trước mặt đình làng), dân muốn cấy lúa thì phải đắp bờ tát nước vào. Người làng tôi được/bị người các làng xung quanh gọi là “dân khoai lang”, hoặc “dân gốc mía”, những định danh cho thấy làng là đất trồng mầu. Từ thời tôi còn nhỏ đã thấy đây là đất trồng đậu nành, có lẽ vì thế trong làng có một thôn, thôn Ba, có khá nhiều tư gia chuyên làm đậu phụ. Đậu phụ bán ở chợ Giạm làng tôi thời ấy là những miếng đậu (gọi là “khăn đậu”) nhuộm nghệ vàng chứ không bao giờ để trắng trơn như đậu phụ mậu dịch. Đến những năm 1990s, thật bất ngờ, một phần thôn Tư làng tôi trở thành đất chuyên trồng hoa, phục vụ vùng đô thị Phủ Lý ngày một mở rộng.

Đất cấy lúa ít nên hầu như ít có nhà nào trong làng suốt năm không từng phải ăn đong gạo chợ; cũng ít có nhà nào không từng ăn cơm độn, – độn khoai, độn sắn hoặc độn ngô. Thứ hạt ngô tẻ màu vàng cam được người làng tôi chế biến qua nhiều công đoạn, xay, giã, dần, sàng, để có hai thứ chế sẵn: thứ ngô vụn mảnh nhỏ đều để ghế lẫn vào nồi cơm vừa sôi (hoặc đem trộn với gạo ngay lúc chuẩn bị vo gạo nấu cơm); lại có một ít thứ ngô bột để có thể đem nấu cháo, nấu chè. Khoai lang hay sắn tươi đều được chế biến kiểu thái lát phơi khô cất vào chum, vò, khi nấu ăn sẽ đem ghế lẫn vào nồi cơm.

Cây trồng trong vườn nhà ở làng tôi cũng rất đáng kể: cây ăn quả như mít, na, nhãn, hoặc chuối, mía; cây lấy củ như dong riềng, dong trắng, củ từ, củ chóc, v.v. Có lần hồi đang là giáo viên trường trung học thương mại ở Ba Vì, Sơn Tây những năm 1970s, tôi bất ngờ nghe một bạn nhà giáo mới về trường nhận xét: làng anh gạo không nhiều, nhưng nhiều thức ăn vặt! Hóa ra cô giáo ấy từng có bạn cùng học đại học là người làng tôi!

Thời tôi còn ở làng, các cuộc họp thiếu nhi, thanh niên các thôn xóm thường có cảnh một số bạn đi họp mang theo mấy củ khoai củ dong luộc chia nhau ăn như thứ quà vặt của nhà. Mùa mít thì có nhóm còn đem theo từng nửa quả hoặc cả quả mít, ngồi ăn với nhau trước hoặc sau cuộc họp! Câu đùa “Thơm như múi mít!” có lúc khiến đám bạn bè con giai con gái phát ngượng. 

Giới am tường địa lý sông ngòi cho biết, thượng nguồn sông Đáy, vùng Phúc Thọ, Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây cũ, về mùa mưa thường gây lũ dữ, nhưng mùa khô lại có khúc cạn gần trơ đáy. Ở hạ lưu sông, từ Vân Đình, Ứng Hòa trở xuôi đến Cửa Đáy, lòng sông rộng ra, lưu tốc chậm lại, thuận tiện cho thuyền bè đi lại. Vì thế nên đoạn này trở thành một trong những tuyến vận tải thủy quan trọng ở đồng bằng Bắc Bộ.

Làng tôi ngăn cách các làng khác bởi chính sông Đáy. Làng như một bán đảo, chỉ duy nhất phía tây là đất liền với các làng khác. Ba mặt bắc, đông, nam đều là sông Đáy. Vì thế mà ngoài nghề nông, làm ruộng, và một số nghề phụ, thì nghề chân sào, tức là lao động vận tải thủy, cũng là một nghề có khá đông người làm, nhất là dân cư thôn Tư, thôn Năm, người làng gọi hai thôn này là vùng “ngoài bãi”, để phân biệt với vùng “trong làng” gồm các thôn Một, Hai, Ba. Tôi thật khó quên cái ấn tượng những tay chân sào lực lưỡng, khi thuyền đi gần bờ: họ cắm cây sào dài xuống đáy sông, rồi để đầu sào tì vào vai vào ức mình, chân bước theo mạn thuyền từ chỗ khoang lái đến gần mũi thuyền, xong lại quay lại làm lại thao tác ấy, đẩy thuyền đi. Cũng thật ấn tượng cái sức vóc của những chân sào đội những thúng đá dăm ba bốn chục kilogram, từ thuyền đi lên tận ngọn những đống đá lớn rồi mới đổ đá xuống; đấy là thời mà ngành đường sắt cần đá dăm lát đường xe lửa; những lao động đội đá ấy thường tự trang bị một chiếc mũ lót đầu làm bằng mo cau, để giảm đau, giảm nguy hiểm. Đám chân sào cũng có lúc kéo thuyền, khi thuyền chở nặng, lại gặp lúc ngược gió: một đầu dây chão cột chặt vào thuyền, một đầu dây chão đưa lên bờ, chia làm ba bốn dây khoác vai từng người chân sào; họ dùng sức mình cùng nhau kéo thuyền lướt đi trên mặt nước, chỉ để lại một người giữ lái trên thuyền. Sau này, xem tranh những người kéo thuyền trên sông Volga của họa sĩ người Nga Ilya Repin (1844-1930), tôi lại nhớ đến những chân sào vùng sông Đáy quê tôi.   

Làng có ba mặt sông cũng hàm chứa sự nguy hiểm. Phả họ Lại làng tôi có ghi sự tích một nhân vật họ Lại từng cứu nguy cho cả làng. Ấy là chuyện thời Lê-Trịnh, một đoàn quan quân đi thu thóc thuế; để có tiền đánh bạc, họ đã bán một thuyền thóc cho con buôn rồi đốt thuyền, lại báo về triều đình rằng dân làng Phù Đạm cướp thóc thuế đốt thuyền nhà nước! Khi đó, cụ Lại Đức Hoành, một quan chức đang về làng để cư tang mẫu thân; biết việc này, cụ Hoành cắt ngắn đợt nghỉ, vội vã lên Thăng Long kêu oan cho dân làng với triều đình; nhờ thế, dân làng Phù Đạm thoát được một cái án tru diệt có cơ đe dọa tính mạng hàng trăm người. Cảm cái ơn này, dân làng suy tôn cụ Lại Đức Hoành là thành hoàng làng. Khi cụ Hoành mất, làng bố trí an táng cụ tại cánh Đồng Cửa, nằm giữa ba thôn Một, Hai, Ba. Lúc ấy đang mùa nước lũ lên to, dân làng bèn cùng nhau đắp một cái gò lớn cho các đoàn quan chức về phúng viếng, gò ấy được gọi là Đống Quan Trợ.

Cái tên Đống Quan Trợ, giờ đây may lắm cũng chỉ còn trong ký ức một vài người đã rất già trong làng. Làng vẫn còn đấy, nhưng một phần cánh Đồng Cửa, toàn bộ mộ phần cụ Lại Đức Hoành, và Đống Quan Trợ, đều đã chìm xuống lòng sông!

Nhớ hồi những năm 1960s, đội thiếu niên của chúng tôi đi vớt bèo tây làm phân xanh cho hợp tác xã, lội xuống khoảng sông có lẽ gần nơi là Đống Quan Trợ khi xưa, một số bạn đạp chân phải và nhặt lên đưa nhau xem những mảnh sứ mảnh gốm có lẽ còn sót của cái kiến trúc mộ phần đã chìm hết xuống sông kia.  

Không biết từ khi nào, nhà cầm quyền, chắc chắn là chính quyền Pháp thực dân, đã chỉnh lại tuyến vận tải thủy sông Đáy. Họ cho đào một đoạn sông mới trên đất làng tôi, đúng cái đoạn duy nhất chưa có sông! Đoạn sông đào ấy cắt ngang làng tôi, tách thôn Một với các thôn Hai, Ba, biến phần lớn làng tôi, gồm các thôn Hai, Ba, Tư, Năm, từ chỗ là bán đảo trở thành hòn đảo giữa bốn mặt sông. Đoạn sông đào này chỉ dài chừng 2-3 km nên có lẽ thời gian thi công không lâu. Nhưng những hệ quả của việc đào sông kia thì lâu dài, sau hàng chục năm mới dần dần lộ rõ.

Một mặt, tuyến đường thủy sông Đáy qua đoạn này được thu ngắn lại rõ rệt. Từ bến Hồng Phú của thị xã Phủ Lý đi thuyền chỉ 2-3 km đã hết đoạn qua làng tôi, thay vì phải đi trên 10 km theo sông vòng quanh làng như xưa. Ai từng đi chùa Hương bằng thuyền từ bến Hùng Phú ở thị xã Phủ Lý, đều đã qua đoạn sông ấy; chỗ này nước sông trong xanh, dòng chảy mạnh, ngồi thuyền đi qua ít ai nghĩ đây từng là đoạn sông đào.

Mặt khác, cả đoạn sông dài còn lại, trước kia ngăn cách làng tôi với làng Vân Chu, dần dần bị bồi lắng, người ta gọi là “sông bồi”, sau mấy chục năm, trở thành ruộng lúa nước, rồi sau có đoạn có thể trồng mía, trồng hoa màu. Ngày nay, nhìn bản đồ chụp từ vệ tinh vẫn còn có thể nhận ra vết tích đoạn sông Đáy đã bị bồi lấp.

Sông bị bồi lấp nên bến đò nối hai làng cũng dần dần biến mất. Địa điểm xưa kia là cái quán với cây đa đầu thôn Hai nay vẫn còn đó; chỉ bến đò là không còn nữa. Muốn qua sông người ta đành lội bộ. Ba tôi kể, hồi người chừng 14-15 tuổi, tức là vào đầu những năm 1930s, cùng mấy bạn đi học trường huyện, phải cởi quần dài ôm cùng sách vở giơ lên đầu lội bộ qua sông, sang bên kia, lên chỗ bến đò cũ, gọi là “cây gạo Thổ Đôi” của làng Vân Chu, rồi đi qua làng ấy theo đê sông Đáy lên phố huyện Kim Bảng. Đến thời chúng tôi, vào những năm 1960s, một đoạn “sông bồi” đã thành sân đá bóng của thanh thiếu niên thôn Hai chúng tôi rồi.

Đoạn sông ngăn cách hai làng Vân Chu và Phù Đạm bị/được bồi thành đất bằng. Có lẽ đấy chính là cơ hội để, chỉ vài ba năm sau ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền mới của tỉnh Hà Nam đã sáp nhập hai làng này thành một xã, – xã Phù Vân. Xã mới có 6 thôn; làng Vân Chu trở thành thôn Sáu của xã. Ngày nay, nhìn hình ảnh chụp từ vệ tinh sẽ thấy, các ngôi trường tiểu học, trung học cơ sở xã Phù Vân, đặt giữa thôn Sáu và thôn Hai, là xây dựng một phần trên lòng sông bồi khi xưa.

Đoạn sông Đáy được bồi đắp khiến đất làng tôi dính liền với đất làng Vân Chu (thôn Sáu xã Phù Vân), thế nhưng, giữa thôn Một và thôn Hai cùng làng cũ lại bị đoạn sông Đáy mới đào cắt rời, người muốn qua lại phải đi đò. Bến đò ngang giữa hai thôn là thiết yếu, còn bởi vì nhiều gia đình thôn Hai, thôn Tư có đất sản xuất ở cánh đồng phía trong thôn Một, phía bên kia tỉnh lộ số 21 vào gần đến chân núi đá thuộc xã Thanh Sơn. Đò sông Đáy chỗ này không chỉ chở người mà còn chở nông cụ, cày cuốc, liềm hái, quang gánh, thóc lúa, đỗ đậu, ngô khoai, v.v. Nhiều khi thuyền phải chở cả những con trâu con bò cày, vì sông sâu, nhiều con trâu con bò không chịu tự bơi. Kinh nghiệm cho biết, đi cùng đò có chở một con trâu cũng đã nguy hiểm rồi; người dắt trâu phải nắm chắc thừng trâu, phải bằng mọi cách giữ để nó khỏi xê dịch làm nghiêng thuyền, kẻo thuyền lật thì rất nguy.

Thế nhưng đã có lần không vì chở trâu mà đò qua sông tại bến này cũng lật, làm chết đến gần chục người làng. Vụ chìm đò ấy xảy ra năm 1956, lúc đội công tác đã có mặt trong toàn xã để phát động cải cách ruộng đất. Ít lâu sau, một vụ xử án “phản động phá hoại” được tổ chức; “đầu sỏ” vụ gây chìm đò, như đội cải cách đã chỉ ra, không ai khác, lại chính là ông bí thư chi bộ xã thời kháng chiến! Ông bị kết án tử hình, bị thi hành án ngay sau khi xử! Đến sửa sai thì ông được minh oan.

Việc đào sông mới để thu ngắn đoạn sông Đáy qua làng tôi, đã xảy ra vào khoảng năm nào? Câu hỏi ấy tôi đã có dịp đem hỏi nhà sử học Trần Quốc Vượng, hồi cuối năm 2000, khi tôi và ông cùng được Sở Văn hóa Hà Nam mời về tham dự cuộc tổng duyệt nội dung một vài công trình biên khảo về văn hóa-lịch sử tỉnh nhà, khi ấy mới được tái lập.

Ông Trần Quốc Vượng phỏng đoán, thời điểm đào sông ấy là năm 1920, khi chính quyền của người Pháp cho đào kênh nối sông Nhuệ với sông Đáy.

Có lẽ là vậy! Con sông đào nối sông Nhuệ với sông Đáy khá dài, đoạn từ Cầu Giẽ đến Phủ Lý gần như song song với quốc lộ số 1. Cống điều tiết nước giữa hai sông đặt ở chỗ đê Đáy gặp quốc lộ 1, dân quen gọi là cống Ba Đa, dưới là cống, trên là cầu.

Thực ra, kênh nối sông Nhuệ với sông Đáy sẽ giúp giải tỏa bớt lượng nước ô nhiễm từ vùng đô thị Hà Nội. Mà điều này thì đến thế kỷ XXI mới trở thành vấn đề cấp thiết!

Còn đối với những năm 1920s, việc chỉnh trị tuyến vận tải đường thủy sông Đáy có lẽ mới là lý do hàng đầu để giới quản trị cho đào đoạn sông ngắn qua làng tôi. Thời ấy vận tải bộ bằng xe tải hay xe lửa, dù đã có nhưng vận tải thủy vẫn còn giữ vai trò lớn. Bớt cho đoạn đường sông ngoằn ngoèo hàng chục cây số, thay thế bằng đoạn sông đào thẳng băng chỉ 2-3 km, bài toán tối ưu ấy vốn rất dễ nhìn ra, nhất là khi trên tay có bản đồ.

Ngày nay, tìm lại căn nguyên khiến người ta đổi dòng sông Đáy đoạn qua làng mình, người làng chúng tôi hẳn đều phải thừa nhận việc đổi dòng kia là hợp lý, dù có nhớ tiếc diện mạo cũ của vùng đất quê nhà.

Cách nay chừng vài chục năm, thời kỳ tỉnh cũ Hà Nam mới được tái lập, tôi có nghe nói trong giới chức tỉnh cũng có những ý kiến muốn tái tạo một phần đoạn sông Đáy đã bị bồi lấp khi xưa, vừa để nhắc lại một đoạn thủy sử sông Đáy, lại cũng để phục vụ du lịch. Ý tưởng đó, từ bấy đến nay chừng như không thấy có tiến triển gì, mặc dù đó là một đề xuất… nghe được!

Tết Quý Mão, 2023

Bút ký của Lại Nguyên Ân

Nguồn Văn nghệ số 6/2023


Có thể bạn quan tâm