March 28, 2024, 8:04 pm

Sóng đập đôi bờ

 

   Biết nhau đã lâu, nhưng chúng tôi thân và hay gặp gỡ nhau hơn, khi anh đã đi qua mọi vinh quang ồn ã giải thưởng này nọ… Những năm 1969, 1970 tôi đã đọc thơ anh trên báo Nhân Dân, trong mục Thơ bộ đội. Chả là ngày ấy, đôi lần, thơ anh và thơ tôi cùng in trên báo Nhân Dân. Người biên tập thơ báo Nhân Dân ngày đó, là nhà thơ Gia Ninh (1917-2004), quê gốc Quảng Bình, tính tình điềm đạm ít lời. Một bữa, ông hỏi tôi có đọc thơ Nguyễn Đức Mậu chưa? Rồi ông lấy trong cặp ra chùm thơ Nguyễn Đức Mậu vừa gửi về báo, nói như khẳng định: cây bút này rồi sẽ đi xa và sẽ thành nhà thơ nổi tiếng.

           Mà đúng thế thật. Cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ (1972-1973), chùm thơ 4 bài của Nguyễn Đức Mậu được giải nhất. Một loạt báo chí viết bài ca ngợi. Khi ấy, đến thăm nhà thơ Gia Ninh ở căn hộ phố 325, nay đổi là phố Thể Giao, ông hào hứng kể về Nguyễn Đức Mậu, như báo Nhân Dân có công phát hiện, bồi dưỡng một tài năng. Mà cũng đúng thôi. Mấy năm ấy, Nguyễn Đức Mậu liên tục có thơ xuất hiện trên báo Nhân Dân, những bài thơ viết về chiến trường với giọng điệu trẻ trung, đầy hào sảng.

             Tập thơ đầu tay, Thơ người ra trận, in cùng Vương Trọng, khi Nguyễn Đức Mậu vừa tròn 24 tuổi. Anh chiến sĩ trẻ khi ấy đang ở chiến trường bên Lào. Đấy là buổi chiều vừa im tiếng súng, người chiến sĩ quân bưu chuyển tới gói bưu phẩm của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân gửi sang mấy cuốn Thơ người ra trận. Bất ngờ nhận được sách, niềm vui làm anh ngợp thở. Cả đơn vị reo hò, mừng cho anh. Về sau này, Nguyễn Đức Mậu đã in trên hai chục đầu sách, nhưng niềm vui ra sách, không niềm vui nào có thể sánh được cái buổi chiều thiêng liêng ấy.

            Văn chương như đời người, có số phận và định mệnh riêng. Kể từ đấy, đề tài chiến tranh, những trang sách viết về chiến trường của anh, được khẳng định và ám ảnh kéo anh đi suốt chặng đường sáng tạo của mình.

              Nguyễn Đức Mậu là người của binh nghiệp. Mười bảy tuổi, giã từ làng quê Nam Điền (Nam Trực, Nam Định) lên đường mặc áo lính. Bao chặng đường hành quân theo chiều rộng dài đất nước. Bao trận mạc từng tham dự. Trọn đời quân ngũ, cho tới khi nghỉ hưu. Thi ca đi cùng anh suốt cuộc đời. Anh thành nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Nhiều tác phẩm thơ đã định vị tên anh. Một đội ngũ hùng hậu các nhà thơ giai đoạn chống Mỹ cứu nước, như Pham  Tiến Duật (với Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô gái thanh niên xung phong), Hữu Thỉnh (với Phan Thiết có anh tôi và trường ca Đường tới thành phố), Thanh Thảo (với Dấu chân qua trảng cỏ), Nguyễn Duy (với Bầu trời vuông, Tre xanh), thì Nguyễn Đức Mậu có Nấm mộ và cây trầm, Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc, Trường ca Sư đoàn

            Nấm mộ và cây trầm là khúc ca tưởng niệm bi tráng của chiến tranh. Chiến tranh, đạn bom và cái chết. Thơ nói về chiến tranh, về cái chết đau thương, nhưng không bi lụy. Bài thơ như thức dậy lòng yêu tổ quốc, để người lính vững vàng cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Lời thơ không to tát, nhưng có sức lay động lớn.

Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn

Cây trầm cháy dở thay nén nhang

Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm...

 

Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ

Ngày hoa nở, đêm trời sao tỏ

Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ

Thành bàn tay chỉ hướng quân thù...

 

Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm

Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ

Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị

Thân hi sinh thơm đất, thơm trời.

          Bài thơ Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc, nhà thơ như người nghệ sĩ nhiếp ảnh, chớp ngay được hình tượng gian nan mà đầy khí phách của chiến sĩ trong chiến trường. Phải là người trực tiếp đi chiến trường, mới viết được những câu thơ như thế:

Người nằm nghiêng, súng cũng nằm nghiêng

Người ngủ ngồi, súng ôm ghì trước ngực.

          và:

Từng tiểu đội trong khi nằm ngủ

Đôi chân vạn dặm vẫn mang giày

        Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu được người đọc đánh giá cao, bởi khắc họa được nét bi hùng của chiến tranh.

Đất nước tôi chia làm hai nửa

Trận bom rung vọng suốt hai đầu

Trong cuộc chiến tranh này

Triệu chiếc võng rừng sâu

Làm triệu cây cầu

Nối liền vết cắt

Da thịt người vá lành da thịt đất

Trong nỗi đau của đất có con người...

           Chiến tranh là hy sinh. Điều đó là sự thật. Nói về hy sinh, những câu thơ như được dồn nén, quặn thắt, để tạo ra sức bùng nổ lớn.

Năm mươi ngày

Mười đợt bổ sung quân

Người còn sống

Chưa một lần thay áo

Người đã khuất

Chưa một lần thay áo

Chiếc áo vùi trong cát đạn cày lên

Màu áo lính bao bọc Cổ Thành

Đủ vá lành vết thương mặt đất

Đủ đắp ấm mùa đông giá buốt

           Câu thơ điềm tĩnh, như người chiến sĩ, cùng người chiến sĩ, biết vượt qua đau thương, để quyết tiến lên giành chiến thắng.

Thế hệ tôi góp mặt ở Sư đoàn

Người lính

Chiếc ba lô hai mươi cân nặng

Một khẩu súng vài trăm viên đạn

Bàn chân xuống biển, lên rừng

Đêm nay trận đánh cuối cùng

Những Sư đoàn dồn quân vào thành phố

(Trường ca Sư đoàn)

*

           Nếu không có chiến tranh, cuộc sống của anh sẽ ra sao? Có thể anh trở thành một người trồng cây cảnh ở quê. Hay một thày giáo phố huyện. Hoặc một công chức cơ quan bộ, ngành nào đó? Nhưng chắc, anh vẫn là một nhà thơ. Bởi năng khiếu và phẩm chất nhà thơ tiết lộ trong anh rất sớm. Và có lẽ nhà thơ đó không nổi tiếng bằng nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bây giờ. Chiến tranh, đập vào số phận dân tộc, đập vào tâm hồn dễ rung cảm của người cầm bút. Bao gian khó cam go, bao cái sống cái chết cận kề. Trái tim nhà thơ vút lên những vần điệu yêu thương và căm giận. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã phác họa khuôn mặt chiến tranh bằng những câu thơ da diết thật lòng. Chiến tranh, đã tạo nên khuôn mặt riêng của nhà thơ.

           Từ một cậu học trò ở làng quê ven sông Hồng, từ một gia đình có nghề trồng cây cảnh như nhiều gia đình trong làng. Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đức Mậu có nhiều kỷ niệm vui buồn với làng quê. Anh đã từng theo người nhà gánh cây cảnh, đi hơn chục cây số từ quê sang Thái Bình để bán. Anh mê thơ và tập làm thơ rất sớm. Thày giáo dạy văn trường làng sớm phát hiện năng khiếu làm thơ của cậu học trò, tiên lượng sau này cậu sẽ thành nhà thơ. Một sớm, hai thày trò chở nhau bằng xe đạp từ làng lên chợ Rồng, Nam Định, để được gặp nhà thơ nức danh “Lỡ bước sang ngang” của quê hương. Nhà thơ Nguyễn Bính khi ấy đang biên tập tạp chí Lời ca sông Vị của Ty văn hóa Nam Định. Những câu thơ tài hoa “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, hoặc “Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm” từng làm thổn thức cậu học trò mười lăm tuổi. Vốn hình dung một nhà thơ hào hoa phong nhã, nhưng hôm ấy, gặp nhà thơ Nguyễn Bính vận quần đùi trắng đã ngả màu cháo lòng, hàm răng ám muội thuốc lào, ngâm nga một khổ thơ với dáng điệu rất đau khổ:

Vừa tính chuyện cơm, toan chuyện nước

Lại buồn khi đậu tiếc khi bay

Có đâu thơ thẩn hoài như vậy

Không lẽ loay hoay mãi thế này...

          Cậu học trò ngỡ ngàng và bị nhà thơ mê hoặc ngay. Để rồi, nhiều buổi sau đó, cậu trốn học, chạy đến gặp nhà thơ, cốt để nghe ông đọc thơ và nhờ ông sửa giúp những bài thơ vụng dại của mình. Nguyễn Đức Mậu vẫn nhớ, nhà thơ Nguyễn Bính thẩm thơ rất tinh, biên tập thơ rất kỹ. Có khi bài thơ viết tràng giang đại hải, lời lẽ véo von, ông gạch đi hết. Có bài thơ bảy tám khổ, ông cắt gọt và ghép lại, lấy thành bài thơ bốn câu. Anh vẫn tâm niệm, may mắn có cơ duyên được gặp gỡ thi sĩ Nguyễn Bính, ngay từ thuở đam mê bước vào con đường văn nghiệp vốn trập trùng gian khó của mình.

           Nguyễn Đức Mậu cũng có may mắn lớn, là sớm được về sống và làm việc ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mấy chục năm về trước, Văn nghệ Quân đội là ngôi nhà đền đài thiêng liêng mà bất kỳ người cầm bút nào cũng muốn đến. Sau gần chục năm lăn lộn khắp các chiến trường, Nguyễn Đức Mậu khoác ba lô với gia tài là hàng trăm bài thơ còn nồng nặc mùi thuốc súng thuốc đạn, e dè bước vào cửa ngôi nhà 4 Lý Nam Đế (Hà Nội). Mười mấy năm về trước, cậu bé tập làm thơ, thập thò lựa lúc không người, chạy ù đến thả phong bì thơ vào thùng thơ của tòa soạn. Thì nay, anh đã là nhà thơ mặc áo lính, tự tin bước vào ngôi nhà đền đài văn chương quân đội. Ở đấy, anh được sống cùng các cây bút bậc cha chú mình, như các nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng... Một loạt các nhà văn nhà thơ đình đám cũng đang làm việc ở đây, như Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nhị Ca, Phạm Ngọc Cảnh, Văn Thảo Nguyên, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo... Tiếc là nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) đã vào mặt trận sớm, anh không có dịp được tiếp xúc. Những cuộc gặp gỡ, những trao đổi, lại tăng nguồn cảm hứng sáng tạo cho anh. Không khí làm việc ở số 4 Lý Nam Đế ngày ấy cực kỳ sôi động, mà vô cùng tình cảm. Hễ có một truyện ngắn, chùm thơ nổi trội của cộng tác viên gửi về, là xôn xao cả tạp chí. Ngay các nhà văn nhà thơ sau kỳ trực biên tập, lại hăm hở khoác ba lô đi chiến trường. Không khí sáng tác ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế bừng bừng, hứng khởi. Mỗi cây bút luôn có những sáng tác mới, trình diện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội.

            Chính thời gian này, Nguyễn Đức Mậu cùng một số cây bút từ chiến trường ra, được cử đi học Trường viết văn Nguyễn Du. Đây là thời gian anh được hệ thống kiến thức, lý luận về văn học nghệ thuật. Qua các buổi tiếp xúc cùng các giáo sư, các nhà phê bình, các nhà thơ nhà văn, nhà sử học, triết học, anh được nạp thêm nhiều kiến thức mới mẻ. Anh đã sửa chữa hoàn chỉnh một loạt các bài thơ, trường ca của mình viết trong chiến trường còn ở dạng phác thảo. Anh cũng hăm hở sáng tác một loạt bài thơ mới. Đề tài phong phú hơn, cách thể hiện đa dạng hơn. Thế giới quan người viết được mở rộng.

            Cảm xúc thường trực vẫn là người lính với chiến trường ầm ào súng nổ. Khi trở về với đời sống hòa bình, như có giây phút ngỡ ngàng. Cũng chỉ là một giấc ngủ thôi, đủ bao nỗi xốn xang:

Xa quê biền biệt tháng ngày

Ngủ rừng, ngủ phố đêm nay ngủ nhà.

          Có phải giấc ngủ giữa chiến trường - Ngủ theo đội hình đánh giặc, vẫn ám ảnh. Để rồi:

Có gì xa lắc xa lơ

Mình như lạc giữa bến bờ nhân gian.

         Giã từ những cánh rừng có nhiều đom đóm bay, “Thương loài hoa muộn rừng sâu/ Mong manh cánh mỏng có màu nắng mưa”, nay về sống với thành phố có con sông chở nặng phù sa vắt ngang, tâm hồn nhà thơ lại trào lên cảm xúc chộn rộn:

Sông Hồng dài ống tay áo đầy sương

(Chiều sương)

         Cái cảm giác lãng đãng của tâm hồn thi sĩ tràn về khi nào không hay “Em thay áo, con đường Thu chợt sáng/ Bước em qua hoa cúc nở trăng rằm”. Rời chiến trường khốc liệt, về sống trong thành phố nhiều tiện nghi, ấy nhưng tâm hồn nhà thơ lại vương vấn về một miền quê:

Bến quê một nhánh sông gầy

Một con đò nhỏ chở ngày và đêm

Chở anh về phía không em

Bao xa vắng cứ đầy thêm đò chiều.

          Cuộc sống vốn luôn mở ra những thử thách mới. Cảm xúc nhà thơ vẫn luôn bám sát cuộc sống và theo kịp cuộc sống. Ở một bài thơ Hành trình bày ong, nhân nói về đức tính chuyên cần của con ong, nhà thơ như gửi gắm tâm sự của mình:

Chắt trong vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay.

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày

          Mượn tâm sự của vị tướng về hưu, nhà thơ như nói hộ nỗi niềm của mình, của bao người lính khi trở về đời thường:

Huân chương xếp vào góc tủ.

Nay hàm tướng tá làm chi

Tuổi già công danh xem nhẹ

Cuộc đời như nước trôi đi.

(Một vị tướng về hưu)

          Chiến tranh qua đi, bao được mất, bao tính toán suy bì. Chỉ có tâm hồn trong trẻo của nhà thơ, chỉ có suy tư của người từng trải, mới điềm tĩnh nhìn cuộc sống theo lối của mình:

Có người ham cá lớn

Lại được bày thong đong

Có người ngồi may rủi

Buồn thời gian giỏ không

Mặt hồ chiều loang tím

Phao hoàng hôn phập phồng…

(Câu)

       Chính như thế, những cảm xúc chân thành nó lại phơi ra, không dấu được ở con người anh. Một cái nhìn cuộc sống đằm thắm, da diết hơn. Ngoài những sáng tác về đề tài chiến tranh, cuộc sống thường nhật của đời sống hòa bình lại ào vào trang viết của Nguyễn Đức Mậu. Những trang viết vẫn nồng hậu, đậm tình nghĩa.

Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất

Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu

Cái hòm thư mới một lần sơn lại

Bác gác cổng già năm trước giờ đâu?

(Hà Nội, chiều nay)

          Có một vài cây bút chuyên viết về đề tài chiến tranh, khi quay về cuộc sống hòa bình, mọi cảm xúc dường như không theo kịp. Chúng tôi thấy thơ Nguyễn Đức Mậu vẫn có tiếng vang vọng của đôi bờ chiến tranh và hòa bình. Tâm hồn anh luôn vui buồn đồng điệu với nhân dân, với đất nước.

          Những năm gần đây, chúng tôi càng có điều kiện đi lại với nhau nhiều hơn. Những chuyến đi xa gần, những miền đất, những ngả đường, luôn tạo cảm xúc mới trong sáng tác của anh. Thơ anh vẫn thấm đẫm tình yêu quê hương. Có lần, tôi hỏi anh về thầy giáo dạy văn trường làng, người sớm phát hiện năng khiếu thơ của anh, nay còn hay mất? Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bỗng buồn sững lại.

          Sự đời, lắm éo le.

          Một buổi trên chuyến tàu chợ vào ga quê hương, anh bất ngờ gặp thầy giáo cũ. Không phải dáng phiêu diêu thày đang cao giọng giảng cho lớp học nghe vẻ đẹp cao sang của ca dao, hay cái đắm đuối trong thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính. Mà là dáng liêu xiêu khắc khổ của người già yếu, xách siêu nước đi bán trên tàu. Không thể tin đó là sự thật. Không kịp kêu tên thày, anh quay mặt gạt nỗi cảm kích, thì thày đã xách siêu nước xuống ga, đi đường nào không rõ. Con tàu chuyển bánh. Thày trò không còn kịp gặp nhau nữa. Có thể thày nhận ra trò và thày trốn chạy.

          Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thán rằng, cuộc sống, vốn bao nỗi buồn trắc ẩn. Liệu câu thơ mình viết ra, có lay thức được người đọc? Hay nó lại nhạt nhòa gió thổi mây bay?

            Anh là người có trí nhớ thơ rất giỏi. Không chỉ nhớ thơ của các nhà thơ nổi tiếng, mà tác giả trẻ, có câu thơ hay, anh cũng thuộc và có thể đọc nguyên văn. Nhà thơ của những vần thơ trẻ trung, hào sảng về chiến trường thuở nào, nay đã là người tuổi thất thập. Chàng thanh niên cường tráng làng quê Nam Điền thuở nào gánh cây cảnh đi bộ hơn chục cây số sang Thái Bình kịp phiên chợ, nay là một người nhỏ thó, gày yếu. Đêm đêm, phải dùng mấy viên thuốc ngủ, mà đôi khi đầu óc vẫn tỉnh trơ trơ. Có phải di chứng chiến tranh còn hành hạ, đeo đuổi anh?

          Và tôi hiểu, cái giá cho những câu thơ anh viết về chiến tranh, nó nặng và sâu thẳm biết nhường nào!

Nguồn Văn nghệ số 28/2019


Có thể bạn quan tâm