April 26, 2024, 3:37 am

Sông bằng chảy mãi

Thành phố biên ải Cao Bằng xinh đẹp, nằm gọn lỏn giữa bốn bề đá núi, giữa hai dòng sông bao quanh; đó là Sông Bằng và Sông Hiến. Từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, cố nhà thơ Hoàng Đức Triều (dân tộc Tày) đã viết: Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/ Bốn bề tứ trụ đứng chon von… Có lẽ hiếm thấy một thành phố nào trên đất nước ta, lại đứng ở một thế độc đáo như vậy.

Dòng sông Bằng kỳ vĩ đầy thơ mộng chảy qua bản Nà Cáp quê hương tôi, đọng lại trong tôi bao kí ức tuổi thơ, ấy là sau mỗi buổi chiều dong trâu về chuồng, bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau ra sông Bằng trong mát ngụp lặn, nô đùa, mò ốc, hến, cho đến khi những ngọn đèn le lói, hắt ra từ những ngôi nhà sàn ven sông, mới kéo nhau về…kí ức tuổi thơ ấy đã theo tôi cho mãi đến bây giờ.

Ấy vậy mà bao lâu tôi vẫn chưa có dịp tìm hiểu về ngọn nguồn dòng sông Bằng với biết bao kỉ niệm thơ ấu này. Nhân chuyến đi dự trại viết của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, rất tình cờ tôi được nghe các già làng ở vùng núi Phja Oắc, kể những câu chuyện thần thoại về ngọn núi cao nhất tỉnh Cao Bằng này (1.921m), quanh năm mát mẻ, mùa đông nhiệt độ thường dưới âm không độ, tuyết phủ trắng núi, trắng rừng. Cũng từ ngọn núi Phja Oắc, bao nhiêu khe suối đã tạo nên những nhánh sông, đó là sông Năng chảy về Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sông Quang Thành, chảy về sông Hiến; một nhánh khác chảy từ Mỏ Thiếc (Tinh Túc) ra Nguyên Bình, qua Rẻ Rào (Thông Nông), đến Bình Long (Hòa An) thì hợp với dòng suối Lê Nin (Pác Bó). Người Tày gọi địa danh này là Háng Cáp (Nước Hai), rồi tạo nên dòng sông Bằng kì vĩ và thơ mộng. Hàng năm, mỗi mùa lũ về, dòng sông lại bồi đắp phù sa cho những cánh đồng ngô, lúa trù phú. Sông Bằng có diện tích lưu vực là 3.420,3km2, độ dài 113 km. Lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, mùa mưa thì lũ ngầu đục cuồn cuộn đổ về dâng tràn hai bên bờ, dòng chảy rất mạnh và xiết; mùa cạn thì dòng chảy thấp, màu nước xanh trong hiền hòa. Sông Bằng chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua các huyện Thông Nông, Hà Quảng, (hai huyện nay sáp nhập thành huyện Hà Quảng), Nguyên Bình, Hòa An, Thành phố, Phục Hòa rồi chảy qua Thủy Khẩu Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cuối cùng đổ ra biển Bắc Hải – Trung Quốc.

Những nơi dòng sông Bằng Giang chảy qua, cỏ cây, hoa màu, ngô, lúa mơn mởn tốt tươi. Ngay sát những chân núi cao chất ngất, là các cánh đồng ngô, lúa bằng phẳng được phù sa bồi đắp, đem lại cho đồng bào mùa vàng bội thu ở các vùng Bản Um, Pác Măn, Bình Long, Hồng Việt, Tổng Chúp, thành phố Cao Bằng, Phục Hòa. Sông Bằng còn ban cho con người nguồn thủy sản dồi dào như: Tôm, Cua, Ốc; các loài cá ngon nổi tiếng như: Nheo, Chép, Mõm Lợn, Sộp…

Sông Bằng không rộng lắm, lại có thác ghềnh, khả năng phát triển giao thông đường thủy bị hạn chế, nhưng có khả năng phát triển thủy điện, như nhà máy thủy điện Tà Sa (Nguyên Bình) được xây dựng từ thập kỷ 70, tăng thêm nguồn điện năng cho tỉnh Cao Bằng, đồng thời dòng sông Bằng là nguồn tài nguyên nước quí giá, trong đời sống sinh hoạt của người dân, trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc dọc đôi bờ sông Bằng.

Cũng phải nói thêm rằng khi chảy đến thành phố Cao Bằng, dòng sông Bằng gặp dòng sông Hiến, chảy từ hướng Tây – Nam về, nơi giao hòa của hai con nước, tạo nên ngã ba sông này, được người dân gọi là Nước Giáp, đó cũng là địa danh khu phố Nước Giáp chạy dọc theo bờ sông. Từ đây, sông Hiến và sông Bằng, được người dân bản địa gọi chung là Sông Bằng.  Dòng sông tiếp tục sứ mệnh của mình, ngàn đời đem theo bao giấc mơ diệu kỳ về nơi biển cả.

Từ thập kỷ 90 trở về trước, bên kia sông Bằng, đối diện bản Nà Cáp của tôi có bản Nà Lum, hàng năm lũ về, ngập tràn cả nương ngô, hoa màu và bản Nà Lum. Do vậy, cả bản Nà Lum đã di dời lên bản Nà Pế cao hơn tránh lũ, chỉ còn lại những vạt ngô xanh tốt, những rặng tre um tùm, những cây Gạo (Mộc Miên) cổ thụ im lìm, mỗi tháng Ba về lại trổ hoa đỏ rực như chiếc ô lớn, gọi lũ chim về làm tổ.

Dọc theo bờ sông Bằng ở mạn trên Hà Quảng, Hồng Việt, Bình Long, người dân dựng những chiếc Cọn lớn hình tròn, ngày đêm cần mẫn cõng nước sông Bằng lên những cánh đồng cao, để trồng lúa hai vụ. Dọc triền sông Bằng luôn rợp bóng cây Mạy Sâm, bóng những khóm tre in trên mặt nước xanh trong, thỉnh thoảng có chiếc mảng thong thả ngược dòng, họ giăng lưới bắt cá hoặc vớt rong rêu về chăn lợn; có tốp vài ba người lom khom mò ốc ven bờ. Mỗi buổi trưa, các bến nước sông Bằng lại khá nhộn nhịp, các cô gái Tày vừa xôn xao chuyện trò, vừa giặt giũ, gội đầu; đến vụ đông, người dân trên mạn Nước Hai lại chở đầy mảng rau các loại, xuôi theo sông Bằng về chợ thành phố Cao Bằng, bất chợt, những câu sli, câu lượn Nàng Ới của chàng trai chèo mảng cất lên say đắm lòng người, cho thấy sự yên ả và cũng rất thơ mộng của dòng sông Bằng kỳ vĩ này.

Sông Bằng bao đời nay vẫn thế, vẫn ban tặng cho vạn vật sự yên ấm, cho con người cuộc sống sung túc, no đủ. Bây giờ, trong khu vực thành phố Cao Bằng, đôi bờ sông đã được xây kè, làm đường bê tông rộng rãi, thoáng đãng, nhà cửa cao tầng được dựng lên san sát, không còn hoang sơ như thập kỷ 90 trở về trước. Ban đêm ánh điện sáng rực hai bên bờ, quán trà, cafe mọc lên, không chỉ nam thanh nữ tú, mà cả những người trung niên, cũng đến các quán trà ven sông, họ lặng lẽ ngồi nhấm nháp li trà đá, cafe, lặng lẽ ngắm dòng sông Bằng lung linh huyền ảo, lặng lẽ thưởng thức từng làn gió mát thổi qua mặt sông, tạo nên những con sóng nhỏ giao thoa, nối tiếp nhau chạy vào bờ không biết mệt.

Bao năm qua đi, dòng sông Bằng chứa chất bao kỉ niệm buồn vui. Bao nhiêu khó khăn, binh biến mà con người nơi đây đã trải qua. Đời người thì ngắn, nhưng sông Bằng thì mãi trẻ trung...

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm