April 23, 2024, 4:18 pm

Số phận một gia đình trong cơn lốc xoáy lịch sử

 

Nhà văn Hữu Phương từng được bạn đọc chú ý từ truyện ngắn Ba người trên sân ga, rồi các tiểu thuyết Chân trời mùa hạ, Súng nổ bến Thiên Đường… vừa cho ra mắt tiểu thuyết Quay đầu lại là bờ, tác phẩm được thực hiện trong chương trình đầu tư sáng tác Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2019.

Câu thành ngữ quen thuộc được tác giả mượn làm tên sách thật là đích đáng đối với hoàn cảnh và tâm trạng của Trương Thuấn, khi ông ta từ Mỹ bất ngờ trở về Đồng Hới trong ngày giỗ ông giáo Thọ. Thuấn không phải là nhân vật chính trong tác phẩm - theo thuật ngữ văn học thì ông ta là “nhân vật phản diện”, nhưng xoay quanh Thuấn là cả loạt mối quan hệ giằng dịt với nhiều tình tiết gay cấn tạo nên bi kịch, có sức cuốn hút bạn đọc.

Nhiều nhà văn trong và ngoài nước đã xây dựng tiểu thuyết thông qua sự thành - bại, được - mất của một vài gia đình để phản ánh cả giai đoạn lịch sử đất nước; Quay đầu lại là bờ cũng vậy. Xoay quanh chỉ một gia đình ông giáo Thọ bình thường ở một tỉnh lỵ nhỏ khiêm tốn như Đồng Hới, chỉ với một tập sách 400 trang, đã “chạm” đến hầu hết những sự kiện lớn của lịch sử đất nước hơn nửa thế kỷ vừa qua... Với dung lượng có hạn, đạt được điều đó là nhờ tác giả đã tránh lối miêu tả các sự kiện lớn như nhiều tiểu thuyết sử thi trước đây. Trong Quay đầu lại là bờ, các cột mốc và biến cố lớn của đất nước được thể hiện qua cảm nhận và hồi ức của người trong cuộc, chứ không miêu tả diễn biến sự kiện tuần tự theo dòng thời gian, nên không chỉ có sức truyền cảm từ số phận nhân vật mà mạch truyện biến hóa rất nhanh.

Ví như vào đầu tiểu thuyết là khoảng năm 1990, khi tác giả viết: “Đã hơn 15 năm sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ngọn lửa chiến tranh đã lụi tắt từ lâu. Những toan tính vuông tròn cũng đã ngã ngũ, tàn cuộc…”. Đó là lúc lễ cầu siêu linh hồn ông giáo Thọ được tổ chức và “Đây là lần đầu tiên, con cháu ông giáo Thọ cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều không hẹn mà gặp. Lại có cả người từ bên Mỹ cũng tìm về…”. Một cách mở đầu tiểu thuyết hàm ý tác giả sẽ đặt ra những vấn đề hậu chiến, nhưng với nhà tiểu thuyết, chỉ khi “vấn đề” đặt ra được bạn đọc cảm nhận qua số phận nhân vật thì mới có giá trị thẩm mỹ và cả nhận thức nữa. Chính vì thế, ngay sau chương mở đầu, Hữu Phương đã cho bạn đọc “lật trang sử” gần nửa thế kỷ trước, khi viên cảnh sát Trương Thuấn bỏ vợ con, xuống tàu rời Đồng Hới di cư vào Nam. Dưới đây là đoạn trích đối thoại giữa Thuấn với Huấn là người anh em cọc chèo, một chiến sĩ an ninh Việt Minh:

“- Dì Phúc và cháu, nghe nói ở lại, sao dượng không ở lại cùng họ?

- Người quân tử không thờ hai chủ!...”

Mặc anh ta trả lời một cách cao ngạo, Huấn vẫn kiên trì thuyết phục, hy vọng lôi kéo Thuấn: “Tôi biết dượng rất yêu thương dì ấy. Dượng nên vì mẹ con dì ấy mà ở lại thì hơn. Cách mạng luôn luôn khoan hồng và tạo điều kiện cho những người lầm lạc quay về…”. Nhưng “bởi mỗi bên có một lý tưởng riêng, một con đường riêng” và Thuấn cũng không phải tay vừa, khi y dẫn ra sai lầm “cải cách ruộng đất” để bào chữa cho việc chọn đường vào Nam.

Như thế, chỉ qua 2 chương mở đầu tác phẩm, nhà văn đã khéo “gắn kết” biến cố và cũng có thể nói là bi kịch của dân tộc khi đất nước phải chia đôi với những số phận và bi kịch trong gia đình ông giáo Thọ. Quả đúng là bi kịch, khi Huấn - chồng Loan, người chị cả, lại phải đối đầu với Thuấn là chồng cô Phúc, con gái út ông Thọ; cuộc đối đầu kéo dài suốt từ thời chống Pháp cho đến Tết Mậu Thân 1968… Ba người con khác của ông giáo Thọ và cả bản thân ông lại ở vào những hoàn cảnh cũng không kém bi kịch. Ông giáo gửi gắm biết bao hy vọng vào người con trai cả (Báu) ra Hà Nội học, trở thành kỹ sư công chính danh giá, mang theo cậu út (Trung) học đại học; nhưng số phận trớ trêu và đất nước chia cắt khiến ông giáo bao năm mang tiếng nhục nhã do Báu bỏ vợ ở quê, tệ hơn là cả hai anh em rời bỏ kháng chiến, rồi vô Nam phục vụ cho “ngụy quyền”… Mãi đến khi ông Báu mất, con trai ông lục đáy va li mới hay bố mình là đảng viên cộng sản, được cài vào hoạt động ở miền Nam…

Ông giáo Thọ còn người con rể có số phận khá kỳ lạ. Đó là Phan Trường; anh đang là sinh viên Hán Nôm thì nhập ngũ, rồi vô Huế; cái ngành học “trái khoáy” lại cứu anh thoát chết, khi bị địch truy đuổi phải chạy trốn vào một ngôi chùa, được nhà sư che chở và dần dà triết lý nhà Phật nhập tâm, anh trở lại quê hương thành đại đức Thích Vĩnh Trường! Cuộc đời anh không hẳn là bi kịch nhưng với người vợ, bao năm đau buồn thờ chồng liệt sĩ, nhưng ngày Trường trở về lại thành ông thầy tu thì chẳng thể nào vui.

Tác giả đã viết: “…bi kịch trong quan hệ mỗi gia đình, hệ lụy của cuộc chiến tranh, vẫn như đá đeo nặng trĩu lòng người. Và nó diễn ra theo nhiều chiều hướng, nhiều chiều kích khó hình dung…” Với viên cảnh sát Trương Thuấn, tuy di tản sang Mỹ, nhưng “miền đất hứa” không đem lại cho anh cuộc sống thanh thản do những ám ảnh chiến tranh - đặc biệt là việc anh sát hại Huấn - người anh em cọc chèo. Vì thế mà anh phải tìm về Huế, tìm lại ngôi chùa đã chôn cất Huấn và đưa di hài anh về quê, tình cờ đúng ngày cầu siêu ông giáo Thọ. Những chương sách giàu kịch tính nhưng số phận đầy bi kịch của Thuấn rút cục được vơi nhẹ rất nhiều, nhờ anh em, vợ con thương xót cảnh ngộ con người lầm lạc đã biết “quay đầu lại là bờ.”

Chương cuối tiểu thuyết còn tươi sáng hơn với cảnh thành phố quê hương chuẩn bị bắn pháo hoa mừng được “lên hạng”, cùng lúc Trung nhận lời về nước làm cố vấn luật sư cho một tập đoàn vừa thành lập, và trong tình yêu thương chung với quê hương, anh đã tìm được “nửa cuộc đời” của riêng mình...

Trong thế giới đầy bất ổn và biến động khó lường như hiện nay, đọc tác phẩm mới của Hữu Phương, chúng ta càng thấm thía vị trí của gia đình - “tế bào” của xã hội, có sức gắn kết, sẻ chia tình yêu thương cho mọi thành viên vượt qua những đổ vỡ và cách biệt, cả trong những tình huống rất ngặt nghèo, với nhiều chiều kích khác nhau…

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm