April 20, 2024, 1:47 am

Số hóa Bảo tàng – Mở ra thế giới phẳng cho di sản ( tiếp theo và hết)

 

Chuyển đổi số ở “Bảo tàng trẻ nhất” Đà Nẵng

Dự kiến trong tháng 1 năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với sự hợp tác của CTCP Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse- sẽ cho ra mắt Website thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn Bảo tàng; tích hợp tính năng MC ảo thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D Bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World. Đây cũng là bước đi đầu tiên của 3 giai đoạn chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan trong và ngoài nước, thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả hơn ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng, đồng thời quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

 

“Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được thành lập hơn 8 năm, chính thức mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 19/12/2016, vừa tròn 6 năm. So hệ thống bảo tàng trên cả nước nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng , chúng tôi là một bảo tàng còn non tuổi. Nhưng 6 năm qua, chúng tôi cũng đã dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản mỹ thuật của địa phương và khu vực, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thêm chiều sâu, nét đẹp văn hóa, sự hấp dẫn riêng cho thành phố Đà Nẵng”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ.

Được biết, trong tổng số 2.059 hiện vật mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đang sở hữu, do hạn chế về diện tích và không gian trưng bày, mới chỉ đưa ra trưng bày dưới 400 hiện vật. Trong hơn 1.600 hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản tại kho, có rất nhiều hiện vật đặc biệt quý vẫn chưa thể đưa ra trưng bày để công chúng thưởng thức hoặc tìm hiểu, nghiên cứu được. Đơn cử như bộ sưu tập tranh lụa của họa sĩ Linh Chi, bộ sưu tập tranh lụa của họa sĩ Tú Duyên, nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập tranh, tượng của Nhà điêu khắc Lê Công Thành... và nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc khác.

 

Du khách Pháp thăm bảo tàng điêu khắc Chăm

 

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh, với điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép, dù anh chị em làm việc tại Bảo tàng hằng ước ao được phát huy tối đa giá trị những sưu tập, hiện vật quý, để hiện vật có thể sống đời sống bổ ích và ý nghĩa hơn khi được tiếp cận công chúng, và được công chúng quan tâm, chiêm ngưỡng hoặc phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu; thì rõ ràng số hóa hiện vật, trưng bày, giới thiệu trên không gian thực tế ảo là giải pháp tối ưu. Điều này còn rất thiết thực đối với những tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu cần bảo quản trong điều kiện khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và hạn chế tiếp xúc.

Từ những năm đầu mở cửa phục vụ công chúng kể từ tháng 12 năm 2016, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã xác định  việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tàng là rất cần thiết và đã chú trọng sử dụng nhiều phương thức truyền thông mới. Đơn vị đã xây dựng website, tiến hành số hóa quản lý hiện vật bằng phần mềm quản lý hiện vật tích hợp với website của đơn vị, làm các video quảng bá, video 3D phục vụ tham quan online, tổ chức triển lãm online, phối hợp làm phim thực tế ảo VR360 giới thiệu tổng quan điểm đến online, chú trọng giới thiệu, quảng bá, kết nối với công chúng thông qua mạng xã hội Facebook, Google, Youtube, Twitter...

Hẳn nhiên, những ứng dụng công nghệ số của đơn vị còn chưa chuyên nghiệp và mang tính manh nha, song, bước đầu thông tin về hoạt động của Bảo tàng, đặc biệt là các cuộc triển lãm luôn được cung cấp đầy đủ và đúng thời điểm trên website, mạng xã hội, thu hút được sự chú ý, kết nối hiệu quả với công chúng yêu nghệ thuật Lượng khách tham quan đến với Bảo tàng nhờ đó cũng đã tăng rõ rệt qua từng năm.

 

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm bên những hiện vật ngoài trời tại Bảo tàng

 

“Ngoài ra, qua internet, Bảo tàng cũng đã kết nối với nhiều họa sỹ tên tuổi, nhà sưu tập trong và ngoài nước. Việc các tổ chức cá nhân tin tưởng ủng hộ hoạt động của bảo tàng, liên kết tổ chức nhiều sự kiện mỹ thuật mới lạ, ý nghĩa đã thật sự đem lại nhiều lợi ích bất ngờ cả trong công tác chuyên môn và hiệu quả về kinh tế xã hội. Nhờ kết nối số, Bảo tàng đã hưởng ứng tham gia các cuộc hội thảo khoa học bổ ích, các sự kiện online do Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) phát động, tham gia sự kiện Museum Week do các bảo tàng trên khắp thế giới đồng loạt tổ chức hàng năm với sự ủng hộ của UNESCO... Đây chính là một trong những cơ hội giới thiệu hiệu quả hình ảnh của bảo tàng đến bạn bè quốc tế”, Họa sỹ Trương Nguyễn Nguyên Kha - Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chia sẻ.

Trước yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số, để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu hiện, bên cạnh phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Bảo tàng đã tiến hành ký kết hợp tác với CTCP Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse để được tư vấn, hỗ trợ và cung cấp, đưa vào ứng dụng công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số đơn vị. Lộ trình và những công việc đã và đang bắt đầu triển khai được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 bắt tay xây dựng Điểm neoWebsite thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn Bảo tàng; tích hợp tính năng MC ảo thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D Bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện giai đoạn này, dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm trong tháng 1 năm 2023.

Giai đoạn 2 sẽ thực hiện số hóa chi tiết từng vật phẩm của Bảo tàng bằng công nghệ scan 3D, số hóa NFT các vật phẩm (lưu giữ và quảng bá), tiếp tục tích hợp công nghệ QR code và MC ảo thuyết minh cho từng tác phẩm, đối tượng, tranh ảnh…

Giai đoạn 3 sẽ thực hiện nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới, tạo không gian triển lãm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trên Metaverse, người xem có thể tham quan từ xa, tương tác và xoay 3600 các hiện vật...

“Trong xu thế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ 3D, IoT, Vr360 vào lĩnh vực bảo tàng, văn hóa, du lịch, mở ra một không gian tương tác hoàn toàn mới với mọi đối tượng du khách và công chúng, bất kể du khách và công chúng đó, đang ở một nơi cách điểm đến, điểm muốn trải nghiệm và khám phá xa đến bao nhiêu.

Map4D, IoT và Vr360 cho phép chúng ta quản lý, vận hành và khai thác các bảo tàng ở cấp độ lớn và cả chiều sâu. Tương tác thông minh mở ra những trang mới cho du lịch thông minh rất phù hợp với bối cảnh “bình thường mới” của thế giới chúng ta sau đại dịch.

Du khách và công chúng càng háo hức muốn đến một bảo tàng hay một điểm đến nào đó được giới thiệu trên nền tảng metaverse, mà Map4D, VR360 chính là công nghệ chủ đạo. Với Đà Nẵng, những điều này càng dễ dàng thực hiện, và chúng tôi đang nỗ lực hợp tác cùng các bảo tàng để hiện thực các ý tưởng", TS. Trịnh Công Duy - Giám đốc SDC – Người đã cùng các cộng sự nghiên cứu thành công đề tài Map4D (trong khuôn khổ dự án “Nền tảng bản đồ do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển, lưu trữ và vận hành tại Việt Nam”, dự án  đã giành giải Nhì của Cuộc thi “Viet Solutions-2020, tháng 10/2020), khẳng định.

 

Việc xây dựng các ứng dụng lấy công chúng, khách tham quan làm trung tâm luôn được xác định phải phù hợp với xu thế phát triển công nghệ

 

Vạn sự luôn … khởi đầu nan

Cũng như nhiều Bảo tàng trên cả nước, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được giao tự chủ về kinh phí. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm 2021, 2022, với chủ trương (được của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua), để kích cầu trở lại sau thời gian bị đóng băng, miễn thu phí tham quan với mọi du khách vào thăm các Bảo tàng (trong đó, có Bảo tàng Điêu khắc Champa). Tiền lương, các khoản theo lương và chi hành chính đều được UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, hoàn toàn không có thêm nguồn kinh phí nào dành cho hoạt động chuyên môn. Có thể nói khó khăn về tài chính có thể xem là khó khăn lớn nhất hiện nay, ảnh hưởng cả đến các kế hoạch số hóa, lẫn chuyển đổi số của đơn vị.

Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số, mà một trong những khó khăn lớn nhất, đó là thiếu nguồn nhân lực có trình độ công nghệ, thật sự hiểu rõ và nhanh nhạy trong cập nhật các xu hướng công nghệ mới để ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, thay đổi từng ngày, việc xây dựng các ứng dụng lấy công chúng, khách tham quan làm trung tâm luôn phải phù hợp với xu thế phát triển công nghệ, dễ dàng tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng khác trong hệ sinh thái công nghệ. Yêu cầu này thật sự cần trình độ chuyên môn cao cả về công nghệ lẫn nghiệp vụ bảo tàng.

 

Tượng Thánh Mẫu Nương nương

 

Cũng liên quan đến nhân lực chất lượng cao, theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, còn phải có “người gác cửa không gian mạng”, để quá trình chuyển đổi số trên phạm vi rộng trong công tác chuyên môn của bảo tàng, luôn được an toàn, an ninh thông tin được bảo đảm, hạn chế tối đa các nguy cơ mất an toàn khi áp dụng tại Bảo tàng.

Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng cũng chia sẻ, xây dựng và phát triển các dự án chuyển đổi số luôn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, đầu tư lâu dài, và hơn thế nữa ... “Chúng ta mong muốn tạo ra một cơ hội mới, phát triển một sản phẩm văn hóa mới , có giá trị trên một không gian mới hoàn toàn, để công chúng thỏa sức tìm tòi, trải nghiệm, thực sự là một thách thức lớn. Ngoài đòi hỏi trình độ, năng lực, thời gian, công sức, kinh phí, còn phải có niềm đam mê, tâm huyết lớn và tính sáng tạo không ngừng nghỉ”, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng bày tỏ./.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm